Tin tức

 
 
Picture of KHOANHAT DINH THI NGOC LINH
Chuyến thăm quan Panasonic 11/2016
by KHOANHAT DINH THI NGOC LINH - Monday, 5 December 2016, 11:44 AM
 

 

Dưới đây là bài cảm tưởng của đoàn thăm quan Panasonic từ ngày 08-18/11/2016.

 

Nhờ sự tài trợ của quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke, từ ngày 8 đến ngày 18/11 vừa qua, chúng tôi đã được đặt chân tới Nhật Bản để tham quan giao lưu và trải nghiệm những nét văn hóa của Nhật. 11 ngày ở Nhật tưởng ngắn nhưng lại thật dài. Bởi chúng tôi học được biết bao điều bổ ích và cũng có thật nhiều kỉ niệm đẹp trên mảnh đất này.

Chúng tôi đến Nhật vào dịp cuối thu. Khung cảnh mùa thu Nhật Bản đẹp tựa tranh vẽ với sắc lá vàng, lá đỏ nổi bật trên nền trời xanh thắm.

                                                  Cảnh nhìn từ thành Osaka

 Những công trình kiến trúc kỳ vĩ, độc đáo như chùa Daibutsu, chùa Vàng, đền Fushimi Inari, chùa Thanh Thủy,... đều khiến tất cả mọi thành viên trong đoàn trầm trồ ngưỡng mộ. Chúng tôi ấn tượng với đàn hươu ở Nara được nuôi thả ngay trên đường phố. Hươu ở đây rất hiền và đã quen với người, bạn có thể thoải mái sờ vào chúng.

                                                                                      Đến thăm đền Fushimi Inari

Chúng tôi đã được học, được kể nhiều về nước Nhật phát triển như thế nào nhưng quả thật “trăm nghe không bằng một thấy”. Được tự mình trải nghiệm mới ngạc nhiên đến thế nào. Và bất ngờ cũng như thán phục nhất là hệ thống tàu điện và Shinkansen tiện lợi và hiện đại. Ngày đầu tiên đến Osaka, chúng tôi ngạc nhiên sao một trong những thành phố lớn nhất của một trong những đất nước lớn, Nhật Bản, lại ít người như vậy. Hóa ra họ di chuyển bằng tàu chứ không đông đúc xe cộ như nước chúng tôi. Các biển hiệu chỉ dẫn ở nhà ga rõ ràng và trình bày bằng cả Romaji cho người nước ngoài dễ hiểu. Hệ thống tàu điện của Nhật làm chúng tôi thấy rằng đầu óc của người Nhật thật là vĩ mô, xây dựng từ mấy chục năm trước mà đến giờ vẫn còn hoạt động tốt và tiện lợi đến vậy.

                                                                                    Ảnh chụp chung với Shinkansen

Một ấn tượng nữa trong chúng tôi về Nhật Bản, đó là trên những con phố của Nhật không hề có rác, những thùng rác ở đây cũng phân chia rõ ràng thành các phần rác đốt được, không đốt được, chai lọ,... Từ đó có thể thấy, ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật quả thật rất cao.

                                                         Ảnh chụp kỷ niệm tại nhà máy tái chế Panasonic

Nhà máy tái chế của Panasonic ở Kobe cũng là ví dụ điển hình cho thấy ý thức bảo vệ môi trường đó. Chúng tôi đã rất ấn tượng về công nghệ hiện đại của nhà máy, từ những đồ dùng đã hỏng mà có thể tái chế lại thành đồ mới. Trong lúc tham quan, chúng tôi vừa được xem mô hình vừa nghe giải thích nên rất dễ hiểu, còn được tự tay thử dùng các thiết bị công nghệ mô phỏng rất thú vị.

Chúng tôi cũng được tới thăm bảo tàng lịch sử Matsushita Konosuke. Tại đây chúng tôi được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của ông , và được tận mắt nhìn thấy những sản phẩm công nghệ từ ngày xưa . Trước đây khi tìm hiều về ông Matsushita tôi đã rất thán phục ông, sau chuyến tham quan tôi càng thán phục và kính trọng ông hơn.

 

                                                                 Buổi thăm quan bổ ích về chủ tịch Matsushita Kounosuke

Không chỉ ở Osaka, mà chúng tôi còn có cơ hội tiếp xúc với người dân ở những thành phố khác. Ví dụ như khi ở Kyoto, chúng tôi đã được một người hoàn toàn không quen biết xách đỡ hành lý giúp khi chúng tôi đang loay hoay không biết phải xử lý đồ đạc thế nào. Hay trong thời gian tại Tokyo, chúng tôi bị lạc đường và không cách nào nhớ được đường về chỗ nghỉ. Người dân xung quanh đã nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi, thậm chí có người còn đưa chúng tôi về tận nơi. Qua những việc dường như nhỏ nhặt thế thôi, nhưng chúng tôi không thể không cảm động trước tấm lòng của người Nhật.

Tiếp theo phải kể đến đó là hình ảnh những người nhân viên trong bộ vest đen. Chỉ thông qua cách ăn mặc, mà tôi cảm thấy được sự chuyên nghiệp, phong thái làm việc nghiêm túc của họ. Bản thân chúng tôi là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chúng tôi cảm thấy trong lòng một sự ngưỡng mộ đối với họ. Tuy còn nhiều tồn tại xoay quanh vấn đề làm việc của người Nhật, nhưng chúng tôi luôn đánh giá cao tinh thần làm việc phục vụ cho xã hội của người Nhật. Phục vụ cho xã hội tức là phục vụ cho lợi ích chung, mà có lẽ phải bắt nguồn từ lòng tốt, sự quan tâm đến người khác, sâu hơn nữa là nền giáo dục con người của Nhật Bản. Nhìn thấy họ khiến chúng tôi một lần nữa xem lại quan điểm về giá trị của mình. Chúng tôi cho rằng để có một xã hội phát triển thịnh vượng, mỗi con người trong xã hội ấy cần phải có ý thức góp phần vào sự phát triển chung chứ không phải việc của chính quyền hay của một riêng ai. Đây là điều mà người Việt Nam phải học hỏi rất nhiều từ người Nhật Bản.

Đặc biệt nữa là tinh thần vượt khó của những người dân thị trấn Yuriage, Sendai. Dù mất nhà cửa, mất cả người thân, nhưng họ không nản chí và đang bắt đầu tiếp tục xây dựng lại nhà cửa, cầu cống, hồi sinh lại một thị trấn tươi đẹp để quên đi những đau thương đã qua. Và câu nói của bác nhân chứng sống để lại trong chúng tôi nhiều suy ngẫm: “ cuộc sống của bạn đang bình yên thế này, nhưng không ai biết trước được tương lai sẽ ra sao”.

                                  Người dân ở Sendai đã và đang mau chóng xây dựng lại thành phố

 Để có được những trải nghiệm đầy ý nghĩa như vậy, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke đã tạo điều kiện cho đoàn sinh viên khoa tiếng Nhật trường Đại học Hà Nội có cơ hội được tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của người sáng lập ra tập đoàn Panasonic, một con người chỉ có hai bàn tay trắng mà đã gầy dựng được sự nghiệp kinh doanh vĩ đại, không chỉ trong Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, một con người đi trước thời đại suy nghĩ về đào tạo con người và bảo vệ môi trường. Chuyến đi này thực sự là một chuyến đi bổ ích, nhiều ý nghĩa nó mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm chưa chắc có lần thứ hai trong đời mình. Xin chân thành cảm ơn ngài Matsushita Masayuki chủ tịch quỹ tưởng niệm Matsushita Konosuke, ngài Daimon, chị Taniguchi trong suốt thời gian tại Nhật Bản đã hết sức tận tình giúp đỡ cũng như hỗ trợ đoàn sinh viên trường Đại học Hà Nội trong suốt chuyến đi. Hy vọng không chỉ có chúng tôi, mà sau này quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke sẽ tiếp tục tài trợ để những sinh viên khác của trường Đại học Hà Nội sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều thú vị mà chúng tôi đã được trải nghiệm.