HANU
 
 
Hình của Đào Thanh Huyền
Việt Nam học - ngành khoa học phát triển khá nhanh
Bởi Đào Thanh Huyền - Wednesday, 19 December 2007, 05:18 PM
 



(VietNamNet) – Việt Nam học càng ngày càng có tiếng nói trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Tổ chức nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học đã ra đời hoặc đang hình thành ở một số trường đại học tại nhiều nước. Tuy vậy, cần mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác hơn nữa trong các nghiên cứu về Việt Nam...

“Việt Nam học không phải chỉ là những nghiên cứu về Việt Nam của các học giả nước ngoài mà bao gồm cả những thành tựu nghiên cứu trong nước và trên thế giới về Việt Nam.” - GS Phan Huy Lê, ĐHQG Hà Nội, khẳng định như vậy trong tham luận "Việt Nam học trên đường phát triển và giao lưu, hợp tác quốc tế" ở hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần II

Website của Hội Bảo tồn Di sản Nôm - Vietnamese Nôm Preservation Foundation (http://www.nomfoundation.org)

GS Phan Huy Lê đưa ra định nghĩa Việt Nam học (Vietnamology/Vietnamologie), hay Nghiên cứu Việt Nam (Vietnamese Studies/Etudes Vietnamiennes): Đây là một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam theo từng chuyên ngành như lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học, văn hoá, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái…hay theo tính liên ngành của khu vực học.

Những khảo cứu về Việt Nam thời kỳ đầu chủ yếu thuộc về các học giả Việt Nam với nhiều tác phẩm sưu tầm, biên khảo về thơ văn, lịch sử, địa chí, trong đó có tham khảo một phần thư tịch Trung Hoa

Sau khi giành lại độc lập ở thế kỷ X, công việc biên soạn về lịch sử, văn học, địa lý Việt Nam khởi đầu từ triều Lý (1009-1225) và phát triển mạnh từ triều Trần (1226-1400). Kho tàng thư tịch cổ Việt Nam để lại một di sản Hán Nôm lớn gồm các bộ quốc sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, các bộ luật, tùng thư và các tác phẩm về thơ văn, sử, triết… với những tên tuổi lừng danh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú,…

Những trí thức Tây học có tinh thần dân tộc và những học giả cấp tiến như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai,…cũng đã có những đóng góp cho ngành Việt Nam học. Họ vận dụng lý luận, phương pháp luận và kiến thức khoa học phương Tây để nghiên cứu lịch sử, văn hoá nước nhà.

Hiện nay, hệ thống đào tạo và nghiên cứu về Việt Nam học trong nước đã có những phát triển đáng kể và tương đối đồng bộ. Nhiều ngành học mới đã được xậy dựng thêm bên cạnh những chuyên ngành thành lập từ trước: xã hội, nhân học, môi trường sinh thái, văn hoá…

Các nhà khoa học trẻ tuổi được gởi đi đào tạo ngày một nhiều. Công việc sưu tầm và khai thác các nguồn tư liệu trong mấy thập kỷ vừa qua được giới khoa học Việt Nam đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Các nền văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh - Chămpa, Óc Eo được nhận thức sâu sắc hơn trên cơ sở phát triển khảo cổ học mới. Đặc biệt, vào các năm 2003-2004, chúng ta đã phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội với bề dày hơn mười thế kỷ lịch sử. Các kho tư liệu hết sức đồ sộ của châu bản triều Nguyễn, của hàng chục vạn văn bia, địa bạ, gia phả, hương ước đáng được khai thác với nhiều kết quả khả quan. Các tư liệu văn hoá dân gian, đặc biệt các sử thi, luật tục, âm nhạc của các dân tộc thiểu số cũng đang được sưu tầm với nhiều hứa hẹn đầy triển vọng.

Việc đào tạo về Việt Nam học cấp đại học dành cho sinh viên nước ngoài đã phát triển ở một số trường đại học lớn.

Các tác giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam sớm nhất chủ yếu là học giả Trung Hoa. Những ghi chép đầu tiên về Việt Nam được tìm thấy trong thư tịch cổ Trung Hoa, trong 25 bộ sử các vương triều và nhiều trước tác của sử gia. Một số chuyên khảo có giá trị về Việt Nam như Giao Châu cảo của Trần Cương Trung, An Nam hành ký của Từ Minh Thiện, Việt kiệu thư của Lý Văn Phương… Từ những năm 1990 trở lại đây, Việt Nam học đã phát triển khá mạnh như một ngành khoa học độc lập, hoặc như một bộ phận của nghiên cứu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam học phát triển tại các trường ĐH lớn như ĐH Bắc Kinh, ĐH Trịnh Châu và trong các tỉnh giáp biên giới hay gần Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây,  Quảng Đông.

Từ thế kỷ XVI-XVII, các giáo sĩ, thương gia phương Tây qua thư từ, du ký, hồi ức đã bổ sung thêm một nguồn tư liệu mới dưới góc nhìn miêu tả, so sánh của văn hoá phương Tây.

Trong thời kỳ cận đại, một loạt ngành khoa học và nghệ thuật mang tính cận đại của phương Tây đã ra đời tại nước ta như khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học…Và Việt Nam học cũng có những biến đổi sâu sắc. Các học giả phương Tây áp dụng phương pháp cận đại trong nghiên cứu Việt Nam.

Các nhà Đông phương học nổi tiếng như Henry Maspéro, Léonard Aurousseau, Paul Pelliot…đã đạt nhiều thành tựu nghiên cứu lớn trên các lĩnh vực khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, sử học, địa chất học…Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), thành lập năm 1900 với trụ sở và thư viện chính đặt tại Hà Nội, cũng có công lớn trong thu thập và bảo quản các thu tịch Hán Nôm, văn bia, lập hồ sơ khoa học nhiều di sản văn hoá vật thể.

Hàng loạt công trình khoa học được xuất bản hay công bố trên tạp chí của EFEO, cùng tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hue - BAVH), và tạp chí Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises - BSEI) là những tạp chí khoa học tiêu biểu của học giả Pháp và phương Tây nghên cứu về Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này Việt Nam học chưa được xem như một ngành khoa học riêng biệt mà luôn gắn liền và được coi như một bộ phận của nghiên cứu Đông Dương, hay nghiên cứu Trung Hoa, Ấn Độ.

Việt Nam học ở Liên Xô (cũ) do nhà Đông phương học nổi tiếng A. A. Guber xây dựng, đạt đến trình độ cao nhất vào những năm 1970-1980 với một đội ngũ các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu mạnh nhất thế giới lúc đó. Gần đây, các nhà Việt Nam học người Nga đã cố gắng tập hợp lực lượng trong Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Moskva với hội thảo khoa học tổ chức hàng năm.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền Đông phương học trên thế giới có những biến đổi lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam học ở nước ngoài. Do Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm và nghiên cứu của các học giả nước ngoài, ngành Việt Nam học hiện đại ra đời và xác lập vị trí trong sự phát triển của nền Đông phương học thế giới. Tuy có nhiều trường phái, nhiều quan điểm; nhưng các nhà khoa học đều có mục tiêu và ước vọng chung là nhận thức Việt Nam một cách trung thực, khách quan.

Ở Hoa Kỳ, Việt Nam học đã phát triển khá mạnh trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Vài thập kỷ gần đây, ngành Việt Nam học ở Hoa Kỳ và Canada cũng lấy lại đà phát triển nên bên cạnh những nhà nghiên cứu lão thành đã xuất hiện các nhà Việt Nam học trẻ tuổi.

Tại Nhật Bản, Việt Nam học nảy sinh từ cuối thế kỷ XIX, ra đời trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và phát triển nhanh trong phong trào ủng hộ Việt Nam thời chiến tranh. Năm 1987, Hội Nhật Bản Nghiên cứu Việt Nam được thành lập, do nhà Việt Nam học và Đông phương học nổi tiếng Yamamoto Tatsuro sáng lập, tập hợp trên 100 học giả. Đến nay, Nhật Bản có hơn 200 nhà nghiên cứu Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, gồm nhiều thế hệ, được coi là hùng hậu và phát triển mạnh nhất.

GS Phan Huy Lê: Cần mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong nghiên cứu Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, Việt Nam học chỉ mới bắt đầu từ năm 1966 khi Khoa tiếng Việt được thành lập ở trường ĐH Hankuk. Đến nay, Hàn Quốc đã có bốn trường ĐH và CĐ mở ngành đào tạo về Việt Nam học. Hội Hàn Quốc Nghiên cứu Việt Nam đã có 70 thành viên.

Tuy mới ra đời tại Australia nhưng Việt Nam học đã phát triển nhanh với nhiều học giả tên tuổi trên thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam học hiện đại đang lan rộng và phát triển khá nhanh ở nhiều nước. Tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học cũng đã ra đời hoặc đang hình thành trong một số trường đại học của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hà Lan, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Italia,… Cả ở những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines,… ngành Việt Nam học cũng đang được gầy dựng.

Việt Nam học càng ngày càng có tiếng nói trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Trong những hội thảo quốc tế lớn như Đại hội Sử học Thế giới do Uỷ ban Quốc tế các Khoa học Lịch sử (CSIH) tổ chức năm năm một lần, Hội thảo của các nhà sử học châu Á (IAHA) tổ chức hai năm một lần, Hội thảo về Đông phương học… đều có những báo cáo khoa học về Việt Nam. Ở châu Âu, từ năm 1993 đã hình thành mạng lưới nghiên cứu Việt Nam mang tên Euroviet.

Các nhà Việt Nam học thế giới đã có nhiều công trình đồ sộ và có giá trị nghiên cứu về Việt Nam. Kết quả thống kê của David Marr trong cuốn sách về thư mục Việt Nam xuất bản năm 1992 cho biết: Trong 1038 đầu sách, bài báo, tư liệu có 577 đơn vị của tác giả nước ngoài (chiếm 55%). Riêng về chủ đề chiến tranh Pháp ở Đông Dương, năm 2002 Alain Rucsio thống kê được 11.702 đơn vị, trong đó của tác giả nước ngoài chiếm 88,5% (10.308 đơn vị).

Hầu hết các học giả đều biết tiếng Việt, nhiều người sử dụng thành thạo tiếng Việt và một số biết cả chữ Hán, chữ Nôm.

Trong số các nhà Việt Nam học nước ngoài, có một số học giả gốc Việt. Họ nghiên cứu Việt Nam không chỉ như một đối tượng khoa học mà còn mang trong mình những tình cảm dân tộc sâu xa.

Do nhận thức được nhu cầu và nguyện vọng đó, năm 1998 ĐHQG Hà Nội cùng Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong tổng số hơn 600 nhà khoa học tham dự Hội thảo lần I, có gần 300 nhà Việt Nam học nước ngoài đến từ 26 nước.

"Rất tiếc là sau đó, đến hôm nay, sau sáu năm, chúng ta mới có cuộc Hội thảo lần II. Mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong nghiên cứu Việt Nam không chỉ là mong muốn, nguyện vọng của các nhà Việt Nam học mà còn là yêu cầu phát triển khách quan và bức thiết của Việt Nam học bước vào thế kỷ XXI." - GS Phan Huy Lê đề nghị - "Một tổ chức khoa học hợp lý kèm theo những phương thức hoạt động phù hợp chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trúc đẩy sự phát triển của Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới”.

● Đoan Trúc (ghi)

Hình của Đào Hà Ninh
Trả lời: Việt Nam học - ngành khoa học phát triển khá nhanh
Bởi Đào Hà Ninh - Wednesday, 19 December 2007, 07:49 PM
 
em kiem tra lai hinh nhu bai nay dang roi thi phai