HANU
 
 
Hình của VNH-Nguyen Hai Quynh Anh
Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương
Bởi VNH-Nguyen Hai Quynh Anh - Tuesday, 11 December 2007, 04:02 PM
 

Trong một bài báo, Cao Xuân Hạo[1] kể về công việc dịch bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của nhóm bốn dịch giả mà ông là thành viên. Câu chuyện trở nên vô cùng lý thú khi ông nói đến bản tiếng Pháp của bộ sách do Henri Mongault thực hiện. Ở lời nói đầu, Mongault viết những câu như “Tolstoy không biết viết văn” hay “Chiến tranh và hòa bình giống như một con gấu mới đẻ chưa được mẹ nó liếm cho sạch”, và rằng dịch giả phải sửa khá nhiều chỗ, thậm chí còn bỏ hẳn một số đoạn vì không thể chấp nhận được.


Nịnh đời dễ chửi đời cũng dễ
Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi
(Lưu Quang Vũ)

Tiếp nhận Tolstoi ở Pháp là cả một câu chuyện dài. Người đầu tiên giới thiệu bốn tác gia chủ chốt của văn chương Nga, Tolstol, Gogol, Dostoievski và Tourgueniev, là tử tước Eugène Melchior de Vogüé, một nhà ngoại giao từng công cán ở Nga, cộng tác viên tờ tạp chí uy tín Revue des Deux Mondes (Tạp chí hai thế giới); tuy vậy, dĩ nhiên không thể bỏ qua vai trò quan trọng của chính Tourgueniev, bạn thân của Flaubert, trong việc truyền bá văn chương Nga ở Pháp. Năm 1886, cuốn sách lớn của Vogüé, Tiểu thuyết Nga (Le Roman Russe) được in, và cũng chính nhờ cuốn sách này mà Vogüé sẽ được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1888. Tiếp sau đó là cả một “cơn sốt văn Nga”, lôi kéo hầu hết anh tài văn chương Pháp thời kỳ đó vào cuộc tranh cãi, cả Gide lẫn Proust cũng không phải ngoại lệ.

Lần đầu tiên các nhà văn Pháp phải đối mặt với một kiểu tiểu thuyết khác lạ đến thế. Hình thành dần hai phe rõ rệt: một bên ủng hộ và ngưỡng mộ các bậc thầy tiểu thuyết Nga, còn bên kia chê người Nga không biết viết tiểu thuyết, vì rõ ràng tiểu thuyết Nga khác xa với tiểu thuyết tâm lý Pháp thịnh hành hồi đó, kiểu Paul Bourget, với một cấu trúc rõ ràng và một lôgic “theo lối Descartes”. Rất có thể (đây là giả thuyết của cá nhân tôi) một phần do ảnh hưởng của tiểu thuyết Nga mà Proust “cả gan” viết Đi tìm thời gian đã mất, cuốn tiểu thuyết ngay từ khi ra đời đã chịu rất nhiều chỉ trích của giới phê bình coi Proust không biết cách xây dựng tiểu thuyết, viết một câu chuyện không được cấu trúc như “tiểu thuyết phải thế”.

Những diễn giải kỳ quặc, đầy định kiến, và cũng đầy quyền uy của Henri Mongault vừa nói ở trên chính là ví dụ về cách nhìn nhận của “phe chống Nga” bắt đầu tồn tại từ cuối thế kỷ XIX. Nói rộng hơn, đó cũng là cách tiếp nhận theo lối “ethnocentrisme” (tôi dịch là “trịch thượng văn hóa”, theo văn cảnh) mà Antoine Berman từng nói đến trong tác phẩm về dịch thuật của ông[2]. Cũng trong cuốn sách này, Berman nói đến một dịch giả Pháp, Coste, khi dịch một tiểu luận của triết gia John Locke từ tiếng Anh sang đã tự ý thay thế rất nhiều từ và bỏ bớt đi một đoạn “vì lố bịch đến quá, quá mức hiển nhiên”[3]. Một biểu hiện khác không thể chấp nhận trong dịch thuật là cái mà Berman gọi là “traduction hypertextuelle”, nghĩa là dịch theo lối coi văn bản gốc là một cái cớ để sử dụng các kỹ thuật như nhại, phóng tác, viết lại… rồi nhào nặn, biến hóa thành một văn bản khác hẳn (hypertextualité cần được hiểu theo truyền thống Gérard Genette, một trong năm quan hệ cơ bản của liên văn bản được trình bày trong Palimpsestes, 1982, và cũng là quan hệ được Genette chú trọng phân tích hơn cả).

Những suy nghĩ sâu hơn về dịch thuật là một đòi hỏi bức bách ngày nay, khi mà những giới thuyết vẫn được trích dẫn tràn lan đã không chỉ trở nên cũ kỹ mà còn tỏ ra sai lầm đến đáng kinh ngạc, khi mà các hội nghị dịch thuật được tổ chức liên tiếp không đóng góp được gì cho việc nâng cao chất lượng dịch thuật, trong khi việc thiếu vắng nền tảng lý thuyết đã gây ra những hiệu ứng bề mặt hiển nhiên, thể hiện ở một nền dịch thuật yếu kém, vừa không đủ sức truyền tải một cách đầy đủ và toàn diện văn chương thế giới, vừa nhiều khi còn bóp méo dị dạng tác phẩm gốc, giống như một họa sĩ truyền thần kém tay nghề biến bức ảnh trước mặt thành ra một biếm họa đầy chất khôi hài.

Rõ ràng, với toàn bộ lịch sử của mình, cộng thêm với toàn bộ những vấn đề ngôn ngữ ẩn đằng sau, dịch thuật không thể chỉ yêu cầu đơn giản một cuốn sách, một cuốn từ điển, một cây bút, một tập giấy trắng và rất nhiều thiên kiến cũ mòn trong đầu. Cũng còn may là dịch thuật thoát được cái “nạn biệt ngữ” của giới sáng tác, với những phát ngôn theo kiểu “Tôi viết bằng cả trái tim mình”, “Tâm huyết của tôi đặt cả vào tác phẩm”, vân vân và vân vân; vẫn còn có chỗ để bàn luận một cách thẳng thắn và trung thực về dịch thuật. Để tạo hứng thú cho người đọc trước khi bước vào một bài viết khá dài (dù tôi đã cố rút ngắn hết mức có thể được), tôi xin trích dẫn ngay một ý kiến về dịch thuật của triết gia Đức Walter Benjamin, một trí tuệ độc đáo của tình thế con người trong thời kỹ nghệ hóa phương Tây, mà Antoine Berman lấy làm đề từ cho cuốn sách của ông: “Bản dịch không giống tác phẩm văn chương, nó không đắm chìm vào bên trong khu rừng rậm ngôn ngữ, mà nằm bên ngoài, đối diện với nó [khu rừng rậm đó], và đứng ở bên ngoài đó mà với gọi bản gốc đến gặp mình ở điểm hẹn duy nhất [khả thi] khi mà tiếng vọng trong ngôn ngữ của nó [ngôn ngữ của bản dịch] có thể ngân đúng cỡ âm của một tác phẩm trong ngôn ngữ khác [ngôn ngữ của văn bản nguồn].”

Hình của Lê Văn Tấn
Trả lời: Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương
Bởi Lê Văn Tấn - Wednesday, 12 December 2007, 02:10 PM
 

Bai viet nhac den nha Ngon ngu hoc kha noi tieng la PGS Cao Xuan Hao. Nhac den ong khien toi lai nho den nguoi cha kha kinh cua ong la GS Cao Xuan Huy - mot nha hien triet phuong Dong, ma theo cach noi cua GS Nguyen Hue Chi: "Cao Xuan Huy trong trong the gioi nguoi hien" (trong sach "Tu tuong phuong Dong goi nhung diem nhin tham chieu"). GS Cao Xuan Huy la mot thuc gia voi nhung dong gop to lon cho nganh nghien cuu triet hoc cua Viet Nam. Bai hoc ve dao duc va mot tam guong hoc thuat sang ngoi o GS Cao Xuan Huy chac chan da co nhung anh huong to lon toi nguoi con trai uu tu: PGS Cao Xuan Hao!
Doi dieu chia se cung cac ban!
Le Van Tan