HANU
 
 
Hình của Nguyễn Thái Kiên
Bạn làm gì trước - trong & sau một cuộc phỏng vấn?
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Tuesday, 2 May 2006, 10:32 PM
 
Những điều nhắc nhở dưới đây sẽ giúp cho bạn bình tĩnh, tự tin và chuẩn bị tốt hơn khi bước vào cuộc phỏng vấn quan trọng...

Một tuần trước khi phỏng vấn

1. Bạn hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển. Hãy tìm những thông tin đặc biệt về công ty đó. Nếu có thể, bạn có thể vào thư viện, tìm hiểu thông tin trên mạng để tìm kiếm về những điều thú vị và nói chuyện với những nhân viên đang làm việc hoặc ngay cả những người đã nghỉ việc về những kinh nghiệm và những ấn tượng của họ về công ty.

Sau đó bạn hãy nghiên cứu về những sản phẩm dịch vụ, ngành nghề kinh doanh, thị trường, vị trí địa lý, kết cấu, lịch sử, nhân viên và những thông tin quan trọng khác của công ty. Và ắt hẳn công ty đang có những xu hướng mới để phát triển, bạn nên tìm hiểu về điều đó.

2. Bạn hãy cố gắng tìm hiểu về những đối thủ cạnh tranh chính của công ty và có vài nghiên cứu sơ lược xem họ khác với công ty mà bạn sắp phỏng vấn như thế nào?

3. Hãy chuẩn bị những ví dụ cụ thể về những kỹ năng và kinh nghiệm của bạn cho thấy là rất cần thiết cho công ty. Luyện tập về cách trả lời những câu hỏi mà họ có thể hỏi tới như những kinh nghiệm, trình độ học vấn, những kỹ năng và chúng có mối liên quan như thế nào đến vị trí mà bạn dự tuyển.

Hãy chuẩn bị để “tô màu” giữa kinh nghiệm của bạn và sự cần thiết cho công ty là một trong những kỹ năng phỏng vấn quan trọng nhất mà bạn sẽ cần đến.

4. Tự nhận xét về những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Hãy chuẩn bị để nói về những khuyết điểm của mình nhưng tìm một cách khôn khéo nhất để điều chỉnh nó theo chiều hướng tốt.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Nhược điểm lớn nhất của tôi là do tôi là một người cầu tòan. Điều đó nó luôn lấy của tôi thêm một chút  thời gian để hòan thành công việc cho đúng như sự mong muốn của tôi nhưng tôi. Do vậy, có nhiều người cho là tôi chậm chạm nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, công việc sẽ vô vùng hòan hảo, vượt qua cả những sự xem xét nghiêm ngặt nhất, chính xác 100%, và không có chi tiết nào bị bỏ sót hết”.

5. Hãy chuẩn bị một số câu hỏi thật thông minh để hỏi thăm về công ty và vị trí ứng tuyển. Điều đó sẽ chứng minh rằng bạn có sự tìm hiểu kỹ càng về công ty và bạn thật sự quan tâm đến vị trí dự tuyển này.

6. Hãy thử lại quần áo và chắc chắn rằng nó vẫn còn thích hợp cho bạn. Nếu cần thiết thay đổi, bạn nên sắp xếp thêm thời gian để tìm kiếm những trang phục khác thích hợp hơn

Một ngày trước khi phỏng vấn

1. Liên hệ với công ty để xác nhận đúng ngày tháng và thời gian cho cuộc phỏng vấn của bạn. Cũng có thể xác nhận lại tên và chức danh người mà bạn sẽ gặp trong cuộc phỏng vấn.

2. Hãy nhớ lời hướng dẫn về địa điểm cuộc phỏng vấn. Để chắc chắn hơn, bạn có thể kiểm tra ít nhất hai lần về địa điểm đó bằng bản đồ. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn biết đường và tính được thời gian đến công ty đó. Bạn cũng đừng quên tính thêm giờ kẹt xe.

3. Sắp xếp toàn bộ mọi thứ mà bạn cần phải mang theo cho cuộc phỏng vấn. Nên kiểm tra kỹ càng để loại bỏ các vết đốm, những vết nhăn hoặc những vết rách trên trang phục.

4. In thêm vài bản về sơ yếu lý lịch và cố gắng tóm gọn chúng trên một mặt giấy. Dù rằng, người phỏng vấn đã có một bản sơ yếu lý lịch của bạn thì dự phòng một hoặc nhiều bản sao sơ yếu lý lịch vẫn là một ý tưởng hay.

Đêm trước ngày phỏng vấn: Hãy ngủ một giấc thật ngon

1. Não của bạn cần đầy đủ nhiên liệu để kể về những thành tích, kinh nghiệm của mình cho họ thấy. Vì thế, tôi có thể nói rằng: có một ngày não của bạn cần 110% nhiên liệu thì đó chính là ngày phỏng vấn. Đừng có tiết kiệm đồ ăn uống. Nhưng hãy thận trọng với những thức ăn có nhiều cacbonhydrat vì ăn nhiều chất này có thể là nguyên nhân làm cho bạn uể oải.

2. Hãy thay trang phục sớm hơn như vậy bạn sẽ không cảm thấy bực bội hay khó chịu như khi mới mặc đồ. Hãy chú ý đến những chi tiết như đánh răng, chải đầu, dùng phấn thơm… Và bạn hãy nhớ rằng ấn tượng đầu tiên có thể bộc lộ cho người đối diện hiệu rất nhiều về con người và tính cách của bạn.

3. Đừng quên cầm theo những bản sao sơ yếu lý lịch, đơn xin việc và cặp giấy...

4. Hãy cho phép mình dành nhiều thời gian cho cuộc phỏng vấn. Bạn nên đến sớm hơn khoảng 15 phút.

5. Hãy mỉm cười và chào hỏi mọi người mà bạn gặp trong cuộc phỏng vấn ngay lần đầu tiên. Bạn cũng có thể mỉm cười và bắt tay họ 1 lần nữa khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

6. Hãy thư giãn nếu bạn đã chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn. Hít thở thật sâu và ngủ một giấc thật ngon cho đầu óc thoải mái và sảng khoái.

Sau cuộc phỏng vấn

Bạn hãy viết một lá thư cảm ơn tới người đã phỏng vấn bạn.

HR Vietnam (Theo Ezinearticle)

Theo TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Mười điều nên tránh khi viết thư tự giới thiệu (Cover Letter)
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Wednesday, 3 May 2006, 10:49 PM
 

Đừng lạm dụng đại từ “Tôi”

Thư tự giới thiệu không phải là tự truyện của bạn. Điểm cần chú trọng là bạn đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng như thế nào, chứ không phải là câu chuyện cuộc đời bạn.

Tránh làm cho người đọc có ấn tượng bạn là người luôn tự cho mình là trung tâm bằng cách giảm thiểu đại từ “tôi”, nhất là khi mở đầu câu.

Đừng mở đầu một cách yếu ớt.

Người tìm việc thường phải vật lộn làm sao để mở đầu một thư tự giới thiệu. Kết quả thường là lời mở đầu yếu ớt, thiếu sức mạnh và không thể lôi kéo sự chú ý của người đọc. Hãy xem xét ví dụ sau:

Yếu: Xin vui lòng xem xét tôi cho vị trí đại diện kinh doanh của quý công ty.

Tốt hơn: Nhu cầu tìm một đại diện kinh doanh hàng đầu của quý công ty hoàn toàn phù hợp với ba năm kinh nghiệm làm nhân viên hạng nhất và người mang về cho công ty hàng triệu đô-la.

Đừng bỏ qua những thế mạnh của mình

Lá thư tự giới thiệu được ví như lá thư chào hàng mà sản phẩm chính là bản thân bạn với tư cách một ứng viên. Cũng giống như C.V (lý luật tự thuật), lá thư cần súc tích và chuyển tải được những nguyên nhân chính giải thích lý do họ nên gọi bạn phỏng vấn. Các chiến lược viết một thư tự giới thiệu hiệu quả bao gồm nhấn mạnh những thành tích tối ưu hoặc tạo ra các đề mục phụ được chọn lọc từ mẫu thông báo tuyển dụng. Ví dụ:

Mục tuyển dụng ghi rõ:

Và tôi mang đến:

Kỹ năng giao tiếp

Năm năm kinh nghiệm nói trước công chúng và khả năng viết báo cáo thuần thục cho cấp quản lý.

Giỏi vi tính

Thành thạo tất cả các ứng dụng MS Office cùng lĩnh vực thiết kế và phát triển trang web.

Đừng viết dài quá hoặc ngắn quá

Nếu thư tự giới thiệu chỉ có một hoặc hai đoạn văn ngắn, có thể nó sẽ không chứa đầy đủ các thông tin chính để tiếp thị bạn một cách hiệu quả. Nhưng nếu nó dài quá một trang, bạn có thể khiến người đọc buồn ngủ. Nên viết cô đọng nhưng có sức thuyết phục và tôn trọng thời gian của người đọc.

Đừng lặp lại từng từ theo đơn xin việc của bạn

Lá thư tự giới thiệu của bạn không nên chỉ lặp lại những gì có trong C.V. Chọn lựa sử dụng từ khác đi trong câu văn của lá thư tự giới thiệu để tránh làm giảm tác động lên người đọc. Cân nhắc việc sử dụng lá thư để kể một câu chuyện ngắn như “Doanh số bán hàng cao nhất của tôi” hoặc “Thách thức về mặt kỹ thuật lớn nhất của tôi”.

Đừng nên mơ hồ

Nếu bạn trả lời cho một mẫu thông báo tuyển dụng, nên kèm theo chức danh cụ thể trong thư tự giới thiệu. Người đọc thư bạn có thể đang xem hàng trăm lá thư cho hàng tá công việc khác nhau. Đảm bảo toàn bộ nội dung trong thư giúp chứng tỏ bạn đáp ứng nhu cầu cụ thể của nhà tuyển dụng đến mức nào.

Đừng quên hiệu chỉnh thư tự giới thiệu

Nếu bạn đang nộp đơn cho một số chức vụ gần giống nhau, bạn có cơ hội tận dụng một lá thư và dùng nó cho nhiều mẫu thông báo tuyển dụng khác nhau. Tốt thôi, miễn là bạn chỉnh sửa mỗi lá thư cho phù hợp. Đừng quên cập nhật tên công ty, nghề nghiệp và thông tin liên lạc - nếu ông Jones lại được gọi là bà Smith, chắc hẳn ông ta sẽ không hài lòng.

Đừng kết thúc bằng một ghi chú bị động

Đặt tương lai trong tay bạn bằng một lời hứa sẽ tiếp tục. Thay vì yêu cầu người đọc gọi điện cho bạn, hãy thử viết như thế này: Tôi sẽ tiếp tục liên lạc với ông/ bà trong vài ngày tới để trả lời bất cứ câu hỏi sơ bộ nào mà ông/bà có thể có. Đồng thời, ông/bà có thể gọi cho tôi qua số (XX) XXXXXX.

Đừng tỏ ra thô lỗ

Lá thư tự giới thiệu của bạn nên cám ơn người đọc vì đã bỏ thời gian xem xét.

Đừng quên ký tên ở cuối thư

Ký tên cuối thư là một phép xã giao thích hợp trong kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bạn gửi thư tự giới thiệu và đơn xin việc qua email hoặc trang web thì chữ ký cuối thư không cần thiết.

HRVietnam

Theo Tuổi trẻ

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Không sợ nhà tuyển dụng
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Thursday, 4 May 2006, 10:58 PM
 

Các bạn trẻ thường mang tâm lý lo lắng của một học sinh đi thi khi tham gia các cuộc tuyển dụng. Trong thực tế, người tuyển dụng lại mong muốn đó chỉ là những cuộc trao đổi cởi mở.

Ở đó chỉ cần ứng viên bình tĩnh và chủ động thì đã chiếm được tình cảm của người đối thoại.

Vậy bạn cần chủ động những gì để bước chân vào cuộc trao đổi quan trọng này?

Chủ động tìm kiếm thông tin trên Internet

Để đến với các tổ chức kinh doanh, tổ chức xã hội có uy tín và thành đạt, Internet là cánh cửa giao lưu quan trọng, đặc biệt là trong những bước đầu tiên, khi bạn muốn hiểu biết về nơi mình sẽ cống hiến năng lực.

Internet là phương tiện hữu hiệu để các nhà tổ chức quảng bá thành quả và giới thiệu nhu cầu của họ. Qua đó, bạn sẽ thâu tóm được nhanh nhất, đầy đủ nhất và cập nhất nhất những gì cần biết để rút ngắn khoảng cách đó đến với nơi mình đang muốn làm.

Chủ động soạn thảo một lý lịch (CV) hấp dẫn

Tất nhiên, trước hết để có một CV hấp dẫn người đọc, cô gái phải trải qua một quá trình học tập, thực hành, nghiên cứu trong môi trường tốt về chất lượng và danh tiếng. Nhà tuyển dụng, nhất là nhà tuyển dụng của các tổ chức lớn vào mùa cao điểm, phải nhận và đọc rất nhiều CV. Vì vậy, họ quan tâm trước nhất đến bằng cấp, nơi đào tạo trong mỗi CV. Sinh viên, học viên từ các trường lớn (về chất lượng và danh tiếng) luôn được để mắt nhiều nhất.

Một yếu tố quan trọng khác là kinh nghiệm chuyên môn của ứng viên, những nơi mà ứng viên đã có thời gian thực hành và kết quả công việc trong thời gian ấy. Và nếu giả thiết là CV nào cũng hấp dẫn như nhau, thì kỹ thuật trình bày sáng rõ, thiết thực trong CV sẽ khiến bạn vượt lên hẳn những người khác.

Chủ động tỏ thái độ điềm tĩnh và thoải mái khi trao đổi

Nhà tuyển dụng dù cao cấp, dù nghiêm nghị đến đâu thì vẫn là một con người như bạn mà thôi. Bạn hãy tin rằng họ cũng rất muốn được phỏng vấn bạn bằng cách cư xử giữa những người bình đẳng với nhau. Vì vậy, họ chờ đợi ở bạn sự tự tin, sự cởi mở trong tinh thần, sự trong sáng về tâm hồn, cái nhìn thẳng thắn vào mắt nhà tuyển dụng, và cách thức trình bày quá trình hoạt động của bản thân.

Chủ động ứng cử mình vào vị trí thích hợp

Đây là sự chủ động không dễ, đòi hỏi sự can đảm và năng lực vững chắc ở mỗi ứng viên. Có những bản lý lịch rất hay, hào nhoáng về bằng cấp và kinh nghiệm nhưng lại không hề phù hợp với vị trí yêu cầu.

Người Việt có một câu nói rất hay: "No quá hóa ngấy". Tất cả các yếu tố quan trọng trong CV đều hay nhưng đối với nhà tuyển dụng, cảm giác đưa lại cho họ chưa chắc đã hay. Bạn cần chủ động để làm nổi bật mình lên ở một vài khía cạnh nào đó, nhất là khía cạnh thích hợp với công việc đang được chờ đợi.

Cuối cùng, tất cả mọi sự chủ động đều hướng tới một mong muốn là thuyết phục được nhà tuyển dụng. Tuy nhiên làm vừa ý họ nhưng vẫn bảo vệ được quan điểm của mình, đó là sự chủ động tài tình nhất giúp bạn thành đạt.

Theo TGPN

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Bí quyết tối ưu hóa tiềm năng của bạn
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Friday, 5 May 2006, 09:37 PM
 
Bạn có đang làm tất cả để vận dụng hết những khả năng của mình? Bạn có thể thẳng thắn không chút do dự cho rằng mình yêu thích công việc hiện nay và thật không ngờ mình được tưởng thưởng đến thế?

Nếu bạn cũng là người như đa số mọi người, chắc chắn bạn mong muốn sự thành công, tạo lập một cuộc sống tuyệt vời và gặt hái những phần thưởng trong cuộc đời. Tóm lại, bạn mong ước một cuộc sống phồn vinh. Và vì thế, bạn phải sống và cống hiến hết mình để hiện thực hoá ước mơ đó.

Đó cũng là lý do vì sao, với rất nhiều người, kể cả những nhà quản trị quyền lực, câu trả lời của họ cho một và thậm chí là cả hai câu hói trên là "không". Điều này có liên quan gì với việc bạn không mang hết khả năng sẵn có của mình vào công việc hay tệ hơn là bạn đang làm công việc mà mình không hề yêu thích?

Tìm ra lĩnh vực sở trường của hạn

Hãy nghĩ về điều này: có phải mọi kế toán đều có lòng say mê vô hạn với các con số? Có lẽ là không. Một số người thực ra chỉ là nạn nhân của những bậc cha mẹ không ưa con mình theo nghiệp nghệ thuật, hoặc của những sức ép khách quan tuân theo một thể thức định sẵn, bảo đảm hơn, đáng tin hơn.

Bạn chỉ cần nhớ rằng lý do để Tiger Woods thành công như vậy là bởi ông đã dành cả đời mình biến đam mê tuổi nhỏ thành một sự nghiệp chuyên môn phát đạt.

Quan niệm rõ ràng về thành công

Dù là vì lý do gì, khá nhiều người thoả mãn được những ước mong thầm kín và thiên hướng ẩn giấu trong họ ở những sự nghiệp được xã hội chấp nhận cao, tin tưởng rằng một năng lực ưu tú và vòng quay tiền mặt ổn định là đủ cho một người mãn nguyện.

Tất nhiên, bạn cũng có thể nghe rất nhiều lời chứng thực từ lớp người này cho rằng họ hạnh phúc. Bởi rốt cuộc họ có rất nhiều tiền và một cuộc sống tiện nghi chưng diện đầy thú vị. Nhưng những con người đó có thực sự hài lòng? Họ đã làm tất cả những gì mình có thể chưa, hay họ chỉ tin vào một niềm tin vô hạn là thành công được đánh giá bởi độ dày của chiếc ví? Tưởng tượng xem bạn sẽ tiến bao xa khi theo đuổi một điều gì bạn thực sự có khả năng? Nắm bắt được đúng những tài năng của mình và hiện thực hoá những tiềm năng đó, bạn sẽ bay lên những tầm cao mới.

Bạn thực sự giỏi lĩnh vực nào?

Ted Turner, nhân vật quyền lực của giới truyền thông, CEO của Turner Broadcastlng System, có thể được xem là tấm gương mẫu mực cho việc làm thế nào để tận dụng hết khả năng của bạn.

Ông nhận thấy cơ hội của mình và lấy đó để hiện thực hoá ước mơ mang cả thế giới lại với nhau qua con đường viễn thông. Với bản năng sắc bén và lương tri kinh doanh, ông đã làm tất cả những gì cần thiết để đi tới thành công.

Nhưng quyết định theo nghiệp media của ông không phải chuyện chơi. Ông đã rõ điểm mạnh của mình là gì, biết mình đam mê cái gì và khôn ngoan xây dựng cho mình một sự nghiệp trên những điều đó để trở thành một tỷ phú trong quá trình này. Và đó cũng là thông điệp trong bài viết này: Bạn cần khám phá lại xem những đam mê và năng lực thiên bẩm của bạn là gì và đưa chúng lên những cấp độ thành công cao hơn. 5 bước đơn giản dưới đây nhằm biến những mơ ước của bạn thành hiện thực.

1) Phân tích điểm mạnh, điểm yếu

Một cách tuyệt vời để bắt đầu việc này là xác định xem đâu là những kỹ năng trời phú cho bạn, và đâu là những năng lực bạn có học mãi cũng không xong. Làm một danh sách những điểm mạnh và điểm yếu sẽ rất có ích, bởi bạn sẽ dễ dàng nhìn nhận mình hơn khi đã viết được chúng ra.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi thẳng thắn: Cái ý nghĩ rằng mình sẽ đi làm vào buổi sáng làm bạn phải khom mình? Bạn có đang làm tất cả những gì mình có thể? Bạn có đang làm cái mà bạn cho là vì những lý do đúng? Còn điều gì khác bạn rất mong đạt được trong cuộc đời mình?

Nếu bạn luôn luôn quan tâm đến thị trường nhà đất mà chưa bao giờ theo đuổi nó thì bạn còn chờ đợi gì nữa? Chọn được con đường sự nghiệp đúng là đi theo lĩnh vực mà bạn giỏi giang chứ không phải những gì bạn nghĩ mình nên làm.

Bạn cũng có thể rút kinh nghiệm từ quá khứ và thử lấy ý kiến từ những người xung quanh xem sao, bởi những người biết rõ bạn có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn thấu đáo và năng lực thực sự của bạn.

Trên tất cả, bạn không được do dự. Hãy thẳng thắn và thậm chí tàn nhẫn chừng nào bạn cần là chính mình. Bởi, cuối cùng thì đây là tương lai của bạn kia mà.

2) Khởi xướng

Khi đã hình dung được những gì cần làm cũng là lúc cho bạn thực hiện bước đầu tiên quan trọng. Hãy viết ra kế hoạch hành động của mình, đặc biệt lưu ý bạn định đạt đến mục tiêu hạnh phúc tiềm năng đó như thế nào. Hãy cho mình một khung thời gian nghiêm ngặt nhưng hợp lý và nghiêm chỉnh tuân theo.

Đừng sợ lại phải bắt đầu một sự nghiệp mới, một nơi chốn mới hay bị cắt lương. Như lời một ca sĩ thông thái: “Cuộc đời là một hành trình, không phải một đích đến".

Hãy làm tốt kế hoạch của mình và liên hệ với những ai có thể giúp bạn.

3) Thực thi kế hoạch

Đúng là với một người vững vàng về kinh tế, việc bỏ dở giữa chừng một công việc sẽ không là vấn đề gì lắm. Nhưng bắt đầu lại tất cả dường như quá mạo hiểm với nhiều người, đặc biệt là những ai phía sau còn cả một gia đình cần cung cấp. Sự khởi đầu lại vì vậy không phải là một con đường êm ái, ít nhiều sẽ có những chướng ngại, thất vọng kéo theo. Nhưng từ bỏ việc đó nghĩa là bạn sẽ tước đi của mình cơ hội có được thành công cùng sự mãn nguyện cao hơn. Vì thế, hãy cố gắng tập trung và tiếp tục con đường của bạn, nếu không tận tâm cho bất cứ việc gì, kể như bạn làm điều đó chỉ mất công. Dù con đường đó có gian nan đến đâu, bạn hãy nhớ phía cuối đường hầm là ánh sáng.

4) Tận dụng những nguồn lực sẵn có

Hãy gặp gỡ những người thành công trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, hỏi xin họ lời khuyên. Ghi chú lại những lần liên hệ này, chúng có thể rất có ích với bạn, và nhớ là luôn có bên mình những con người có nhiều ảnh hưởng. Ví dụ, nếu bạn đang nhằm vào ngành luật, thì cô kế toán viên của bạn có thể biết một luật sư giỏi có thể giúp bạn.

Và tất nhiên, không ai khuyên bạn làm tất cả những chuyện này một mình Trong một thế giới cạnh tranh như hiện nay, bạn tận dụng được càng nhiều sự giúp đỡ càng tốt và hãy dẹp lòng kiêu hãnh của mình lại. Bởi lòng kiêu hãnh chính là chỗ nương thân cho sự bấp bênh.

5) Luôn có một hệ thống hỗ trợ bên mình

Hãy tạo cho mình một mạng lưới những người có thể hướng dẫn, dạy bảo và hỗ trợ bạn những khi cần thiết cả về luân lý lẫn tài chính. Đó có thể là vị sếp cũ, người thầy thông thái hay ông bố già tốt bụng.

Bạn cũng có thể có bên mình một người bạn cùng hội cùng thuyền, và việc biết rằng mình không cô độc sẽ đỡ đi phần nào gánh nặng trên vai bạn cho một đổi thay hoàn toàn như thế này.

Và lòng tự tin cũng là một yếu tố không thể thiếu. Cho dù bạn có là CEO của một tập đoàn khổng lồ, những động cơ cho con đường sự nghiệp bạn chọn cũng có thể thấy qua lối cư xử của bạn. Nếu thực sự hài lòng với công việc của mình sẽ khiến bạn trở nên một con người tích cực hơn nhiều, và khiến những người xung quanh chắc chắn sẽ lấy đó làm học tập.

Để thực sự thành công, bạn phải tận dụng được những khả năng của bản thân để tìm cho mình một địa vị tốt trong xã hội. Những gì thuộc về bạn là điều quan trọng duy nhất để xem xét khả năng thành đạt của bạn. Cuối cùng: nếu bạn muốn có được những phần thưởng lớn, bạn phải dám đón nhận những rủi ro cao. Sau đó, bạn có thể có tất cá, hay ít ra cũng là một điều gần như thế.

Theo Nhà quản trị

TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Thỏa thuận mức lương với nhà tuyển dụng
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Saturday, 6 May 2006, 10:08 PM
 

Nếu như bạn cảm thấy rằng tương lai của mình phụ thuộc nhiều vào những buổi phỏng vấn thì bạn phải hết sức bình tĩnh, chuẩn bị kỹ càng để có thể đối phó với các tình huống mà nhà tuyển dụng có thể sẽ áp dụng để "xoay" bạn, đặc biệt là đối với vấn đề thỏa thuận mức lương - một việc rất tế nhị nhưng cũng vô cùng quan trọng.

Bạn muốn nhận mức lương nào?

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, câu hỏi này thường được các nhà tuyển dụng đưa ra. Vấn đề thật là tế nhị, nhưng gần như là điều quan trọng nhất đối với các ứng viên khi đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, đối với nhà tuyển dụng, nếu như bạn chỉ quan tâm tới mức lương và đòi hỏi hơi thái quá về chuyện này thì có thể bạn đã đánh mất cơ hội của mình rồi. Trong những trường hợp này, bạn nên khéo léo tránh trả lời trực tiếp, ví dụ bạn có thể nói: "Mức lương, dĩ nhiên đối với tôi là quan trọng, nhưng có lẽ tôi phải tìm hiểu một cách chi tiết xem thử trách nhiệm của tôi gồm những gì, nột dung khối lượng công việc ra sao".

Như vậy, bạn có thể tạo cho nhà tuyển dụng một cảm giác rằng bạn là người quan tâm đến công việc và kết quả công việc, là con người của công việc, chuyện lương bổng đối với bạn chỉ là chuyện phụ.

Thực tế đã cho thấy rằng, hầu như các nhân viên phỏng vấn đều chuyển sang hỏi câu hỏi khác và không quay lại vấn đề lương bổng nữa. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhân viên phỏng vấn sẽ chờ bạn trả lời xong câu hỏi này, vậy bạn sẽ định làm gì với tình huống này?

Tốt nhất, đừng nên chơi trò ú tim với nhà tuyển dụng, kết quả có thể sẽ rất có hại cho bạn. Bạn phải cố gắng trả lời được một điều gì đó, không quá dài dòng, nhưng phải tạo ra một khoảng cần thiết cho hai bên trong việc thỏa thuận mức lương.

Bạn cần phải xác định được ranh giới mức lương mà bạn muốn, nghĩa là thấp hơn mức đó bạn sẽ không chấp nhận được, dù trong điều kiện nào. Nhưng đừng bao giờ nói một con số vô thưởng vô phạt, chung chung, không rõ ràng, hãy nêu ra một con số cụ thể, tương đối chuẩn so với mức thị trường lao động cũng như so với kiến thức và khả năng của bạn.

Ví dụ bạn có thể nói: "Tôi muốn mức lương không dưới 300$", như vậy nhà tuyển dụng sẽ tiên lượng được mức lương của bạn mong muốn. Hoặc cũng có thể nói "Tôi cảm thấy mức lương 300$ là chấp nhận được, tuy nhiên, chúng ta sẽ bàn bạc cụ thể vấn đề này khi tôi vào làm việc".

Nhân viên phỏng vấn cũng có thể hỏi lại bạn: tại sao Anh (Chị) lại muốn mức lương đó? Đừng mất bình tĩnh, bạn có thể nói rằng hiện tại bạn đang hưởng mức lương đó, hoặc cũng có thể nói một cách tự tin rằng "Tôi cho rằng kiến thức và kinh nghiệm làm việc của tôi hoàn toàn xứng đáng với mức lương đó".

Mặc cả về lương bổng là không có gì phải xấu hổ cả

Bạn là người muốn tìm việc, còn nhà tuyển dụng thì muốn tìm nhân viên. Nói theo cách khác, trên thị trường (bao gồm thị trường hàng hóa, nhân lực) cả hai bên cung và cầu cần phải được cân bằng và được đo bằng giá cả, mà giá cả được xác định bằng chất lượng hàng hoá và dĩ nhiên là khả năng bán hàng cũng như việc thương lượng. Tìm được việc làm, có nghĩa là bạn đang thực hiện hợp đồng mua-bán trên thị trường lao động. Như vậy, việc thỏa thuận giá cả là chuyện hoàn toàn hợp lẽ, hợp tình.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, nếu như bạn không hề quan tâm đến chuyện lương bổng hoặc không muốn thỏa thuận mức lương khi dự phỏng vấn, cơ hội của bạn có thể bị tuột mất không chừng! Nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn đang ở thế không có lối thoát, thế nào cũng được, đi làm là để có công việc mà không cần biết đến mức lương như thế nào.

Cũng có những trường hợp nhà tuyển dụng sẽ cho phép bạn tự đặt câu hỏi trước. Đầu tiên, tuyệt đối nên tránh nói đến chuyện lương bổng, chỉ khi nào câu chuyện xoay quanh nội dung công việc, khối lượng công việc và trách nhiệm của bạn, lúc đó có thể bạn mới nên nói ra điều này.

Nếu như bạn tin tưởng vào khả năng và kiến thức, bạn có thể dũng cảm vứt bỏ cái vẻ ngoài khiêm tốn tội nghiệp kia đi và mạnh dạn đề cập đến chuyện lương bổng và các khoản đãi ngộ khác. Bạn phải tỏ ra mạnh mẽ, tự tin, năng động, thực tế cho thấy, nếu nhà tuyển dụng thấy rằng bạn chính là ứng viên nặng ký nhất họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của bạn (dĩ nhiên, các yêu cầu này phải tương đối chứ không nên thái quá).

Một nguyên tắc quan trọng cho bất cứ một cuộc thương lượng, mặc cả nào: ưu thế sẽ thuộc về người nào có khả năng làm cho đối phương phát giá đầu tiên. Bạn có nghĩ đến trường hợp khi phỏng vấn, bạn mạnh mẽ, tự tin, khảng khái nói: "Công việc này thật sự hấp dẫn đối với tôi, và tôi nghĩ rằng tôi có thể đảm đương được công việc đó. Vậy Ông (Bà) có thể cho tôi biết chi tiết hơn không và đề nghị củaÔng (Bà) về việc này như thế nào?".

Có thể sau khi nghe những lời mềm mỏng nhưng có lý và thật thuyết phục của bạn, nhà tuyển dụng sẽ nêu ra mức lương trước. Và lúc đó thì bạn hoàn toàn có thể bước những bước tiếp theo một cách tự tin hơn. Đấy chính là cách mặc cả hay nhất, lịch sự nhất. Chúc bạn thành công!

HRVietnam (Theo BWP)

Tuổi trẻ

Hình của Nguyễn Thái Kiên
10 bí quyết thoả thuận lương trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Sunday, 7 May 2006, 11:12 PM
 

Thông thường, thỏa thuận lương chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc ngắn nhưng lại ảnh hưởng đến tinh thần và năng lực cả quá trình làm việc lâu dài.

Trong những giây phút đầy căng thẳng này, chỉ một sự sơ suất hoặc thiếu sự chuẩn bị là bạn có thể tuột mất nhiều quyền lợi.

1. Luôn cập nhật thông tin liên quan đến bậc lương

Nghe có vẻ hơi lạ lẫm với bạn, nhưng điều này là cần thiết. Trong thực tế, đã có nhiều ứng viên đi đến buổi phỏng vấn trong khi vẫn còn mơ hồ về những con số ảnh hưởng đến tương lai của mình. Biết rõ quyền lợi của mình, bạn sẽ có thêm nhiều lý lẽ và tự tin hơn để nói chuyện tiền bạc. 

2. Biết rõ giá trị của mình 

Bạn có bao giờ thử nghĩ xem mình giá trị đến mức nào. Một lần, hãy viết ra ra giấy những mặt ưu điểm của bạn: kỹ năng, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, khả năng nổi bật… Động tác tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về bản thân mình. Nhờ thế, khi các nhà tuyển dụng cố làm bạn thiếu tự tin về giá trị của mình trong lúc thương lượng, bạn vẫn có cơ sở quật ngã những lời nhận xét cố làm bạn mất phương hướng.

3. Đừng hé lộ mức lương hiện tại 

Tránh tiết lộ vội vàng với nhà quản lý tương lai về mức lương hiện tại hoặc đưa ra đề nghị quá sớm về con số bạn mong muốn kiếm được trong tương lai. Khi viết thư xin việc hay resume, bạn tránh đưa các con số vào, thay vào đó hãy ghi là “thương lượng”. Tại sao cần phải cẩn trọng như thế? Bởi vì, một khi bạn phô bày những thông tin cực kỳ nhạy cảm này bạn sẽ có nguy cơ bị thiệt thòi trong quá trình thương lượng về lương. Nhà tuyển dụng có thể căn cứ vào đó trả cho bạn số tiền không tương đương với mức họ dự định.

4. Tránh đề xuất mức lương mong muốn quá chi tiết, cụ thể 

Bí quyết này sẽ giúp bạn tận dụng và tìm kiếm thêm nhiều lợi thế hơn nữa. Nếu bạn đưa ra thông tin chi tiết về mức lương, bạn sẽ có nguy cơ hưởng ít hơn số tiền mà công ty dự định chi trả cho bạn. Thêm vào đó, nếu bạn chọn mức lương không phù hợp với năng lực bản thân bạn sẽ tự mang thêm rắc rối vào mình. Vì thế nên linh động và nhạy bén, tùy theo diễn biến câu chuyện mà phất cờ.

5. Đừng dè dặt khi nói chuyện lương bổng 

Chẳng có gì xấu hổ khi định giá sức lao động của mình cả. Để bảo đảm lợi nhuận, nhà tuyển dụng sẽ cố ép bạn xuống mức tối thiểu, sự dè dặt của bạn sẽ tạo thêm cơ hội cho họ. Hãy tự tin khi và thẳng thắn đòi hỏi quyền lợi cho chính mình, bạn bán sức lao động để kiếm cơm chứ không ngồi chơi chờ hưởng lợi.

6. Tận dụng thời cơ 

Lúc nào là thời điểm quan trọng. Một qui luật cốt yếu cần ghi nhớ là đừng vội vàng nhanh nhảu đoảng. Tuyệt đối không nên thoả thuận qua điện thoại, tốt nhất là mặt đối mặt. Nếu như cái giá họ đưa ra không làm bạn vừa ý thì cố giữ bình tĩnh và thể hiện sự không hài lòng của mình một cách khéo léo rõ ràng. Như thế, bạn có thể tác động nhà tuyển dụng nâng cao mức lương. Nếu tình thế có vẻ khó khăn, người phỏng vấn không thể quyết định nhanh chóng, hãy đề nghị một cuộc hẹn khác. Hãy tỏ ra nhiệt tình và sẵn sàng hợp tác.

7. Lưu tâm đến các quyền lợi khác 

Nếu nhà tuyển dụng dứt khoát không thay đổi con số đã đưa ra, bạn có thể yêu cầu được biết về những khoản khác như: tiền trợ cấp, tiền thưởng, lợi ích từ lợi nhuận, tiền thưởng cho thành tích vượt trội… Bạn yêu cầu nhà tuyển dụng cam kết về thời hạn tăng lương, các khoản thu nhập khác được hưởng trong hợp đồng rõ ràng. Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra cứng rắn, bạn có thể hỏi họ về các hình thức làm việc khác như bán thời gian hay tư vấn…

8. Định rõ giới hạn chấp nhận được 

Đây là điều bạn cần phải luôn lưu tâm và suy nghĩ nghiêm túc tường tận trước mỗi buổi phỏng vấn. Hãy vạch ra giới hạn rõ ràng, con số tối đa mà bạn có thể đạt được, con số tối thiểu mà bạn chấp nhận được.

9. Đừng quên những bài học quá khứ 

Nhớ lại những lần thương lượng về lương trước đây mà bạn đã trải qua, cho dù đó là những sai lầm thì vẫn là những bài học quý giá giúp bạn thêm kinh nghiệm trong “cuộc chiến” giành quyền lợi cho chính mình. 

10. Tiền không phải là tất cả

Chúng ta luôn muốn được trả công xứng đáng, nhưng nên nhớ tiền không phải là tất cả. Tiền lương cần nhưng đừng để nó chi phối mọi hành động của bạn. Đừng để đồng tiền ép bạn vào những công việc không yêu thích hoặc từ bỏ những cơ hội lớn của tương lai.

HR Vietnam (Theo Ezinerarticle)

TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Phỏng vấn, những điều nên và không nên
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Monday, 8 May 2006, 11:26 PM
 

Trong cuộc phỏng vấn, mọi lời nói, hành vi của bạn đều được nhà tuyển dụng "chăm chút" rất kĩ. Những lời khuyên dưới đây có thể sẽ giúp bạn tự tin hơn trước nhà tuyển dụng.

Những điều nên làm

Nên đến sớm vài phút trườc giờ hẹn chính xác. Đi trễ là một điều tối kỵ. Nhà tuyển dụng khó mà chấp nhận được chuyện phải ngồi chờ ứng viên dù chỉ trong vòng vài phút. 

Nếu cần phải sử dụng thư xin việc trong lúc phỏng vấn. Bạn nên điền đầy đủ tất cả thông tin rõ ràng và hoàn chỉnh. Một điều cần lưu ý là bạn đừng trông cậy hoàn toàn vào thư xin việc hoặc resume nói thay bạn. Nhà tuyển dụng chỉ muốn nghe phần trình bày của bạn chứ không phải dành thời gian phỏng vấn để đọc resume.

Nên gọi đúng tên và chức vụ của người phỏng vấn nếu bạn được biết. Nếu không có thể hỏi lại để chắc chắn bạn xưng hô đúng, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi đi đến gặp nhà tuyển dụng. Luôn mỉm cười và bắt tay một cách tự tin. Thể hiện sự vinh hạnh một cách chân thật khi gặp gỡ nhà tuyển dụng. 

Nên đợi nhà tuyển dụng mời bạn hãy ngồi vào ghế phỏng vấn, đừng xăm xăm vội vàng như thể ở nhà mình. Tư thế ngồi thẳng lưng, luôn sẵn sàng và tập trung vào nội dung chính của buổi gặp mặt. Lắng nghe cẩn thận, đây là một kỹ năng cần có ở một người biết giao tiếp.

Không nên lảng tránh ánh mắt của người phỏng vấn, nhìn thẳng và tự nhiên, đây là một biểu hiện của sự tôn trọng và lịch sự đối với người quản lý tương lai. 

Nên trả lời và trình bày ý kiến về những vấn đề mà nhà tuyển dụng đưa ra. Tuy nhiên, bạn có thể khéo léo hướng người phỏng vấn nói nhiều hơn về công việc và trách nhiệm của vị trí mà bạn đang ứng tuyển, cũng như tìm hiểu những những kỹ năng và mục tiêu trong phạm vi của chức vụ này.

Nên mang đến một cái nhìn ấn tượng tích cực cho nhà phỏng vấn. Chứng minh thành tích của mình là điều cần thiết. Hãy giới thiệu về kết quả công việc vừa qua, quá trình làm việc, tác phong làm việc…tuy nhiên những thông tin này phải chân thật.

Nên luôn kiểm soát bản thân để có một cách cư xử hợp lý nếu bạn xác định phải giành cho được công việc này. Đừng đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc. 

Nên thể hiện sự nhiệt tình. Nếu bạn quan tâm đến những cơ hội tại công ty đang ứng tuyển, sự nhiệt tình sẽ giúp bạn thêm nhiều khả năng thành công trong việc chinh phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn không quan tâm lắm đến những cơ hội này, sự nhiệt tình vẫn cần thiết vì đó là một biểu hiện chứng minh phong cách chuyên nghiệp của bạn. 

Nên nhớ mang theo một bản CV khác lúc đi phỏng vấn cho dù bạn đã gởi một bản cho nhà tuyển dụng trước đó. Nếu sợ quên, bạn có thể sao ra nhiều bản và để sẵn trong cặp phòng khi cần thiết. 

Những điều không nên

Không nên hút thuốc trong lúc phỏng vấn, cho dù nhà tuyển dụng là người ghiền thuốc và có mời bạn trong lúc nói chuyện. Tất nhiên, bạn cũng đừng vừa nói chuyện vừa nhóp nhép nhai kẹo cao su. 

Không nên trả lời cụt ngủn bằng những từ “có” hoặc không”. Hãy đưa ra những lời giải thích rõ ràng đầy đủ. Cung cấp những thông tin về bản thân phù hợp và đúng lúc. 

Không nên nói dối. Trả lời các câu hỏi một cách chân thật, thẳng thắn và súc tích. 

Không nên phàn nàn ca thán về tình trạng hiện tại của bạn hay nói những điều không hay về công ty cũ. Rõ ràng không có mối liên hệ gì giữa lý do bạn quyết định rời bỏ công ty trước và những công ty trong tương lai. Tuy nhiên, khi bạn trình bày quá cụ thể, chi tiết về nguyên nhân nghỉ việc sẽ tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của nhà tuyển dụng đi quá xa và đưa ra kết luận bất lợi cho bạn.

Không nên trả lời qua loa các câu hỏi. Nếu nhà tuyển dụng hướng câu chuyện sang quan điểm chính trị hoặc những vấn đề có thể gây tranh cãi, trong tình huống nhạy cảm này tốt nhất bạn nên lắng nghe nhiều hơn là nói. 

Không nên vội vàng hỏi về chế độ lương bổng, phụ cấp tiền thưởng… ngay đầu cuộc phỏng vấn trừ khi bạn biết chắc nhà tuyển dụng đã quyết định chọn bạn. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức lương hiện tại, bạn chỉ nói vắn tắt và tránh đưa ra con số cụ thể về khoản lương của bạn. Bạn cần nhấn mạnh, điều bạn tìm kiếm là những cơ hội nghề nghiệp hơn là những con số trong bảng lương. 

HR Vietnam (Theo Ezinearticle)

TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Những câu hỏi phỏng vấn mẫu
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Tuesday, 16 May 2006, 11:36 PM
 
Việc bước vào vòng phỏng vấn thường làm cho người tìm việc rất hồi hộp và lo lắng. Dưới đây là những câu hỏi phỏng vấn thường gặp và những gợi ý trả lời phù hợp có thể giúp ích cho bạn:

1. Hãy tự giới thiệu về Anh/Chị

Hãy bao quát 4 lĩnh vực trong cuộc sống của bạn: những năm đầu đời, học vấn, kinh nghiệm làm việc và vị trí hiện tại. Nội dung trình bày không nên vượt quá 2 phút, đừng lan man hay quá chau truốt. Câu hỏi này thường được nêu lên khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, vì thế, nếu trả lời tốt, bạn sẽ có nhiều sự tự tin hơn.

2. Anh/chị có thể mang đến cho chúng tôi điều gì mà các ứng viên khác không có?

Nếu câu hỏi này được đặt ra khi vừa bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn có thể phản hồi bằng cách trình bày về các kỹ năng và kinh nghiệm sẽ làm lợi cho công ty. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu trước một số thông tin về vị trí công việc. Tránh các câu trả lời dựa trên các giả định chủ quan của bạn.

Tuy nhiên, nếu nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này sau khi đã mô tả về vị trí phỏng vấn, họ đang muốn tìm hiểu những thành công trong quá khứ của bạn.  Đây chính là cơ hội tốt để thể hiện khả năng giải quyết vấn đề đấy!!

3. Điểm mạnh của Anh/Chị?

Bạn nên liệt kê từ 3 đến 4 điểm mạnh liên quan đến các nhu cầu của nhà tuyển dụng, dựa trên quá trình tìm hiểu và thông tin có được về công ty.

4. Anh/Chị đã từng gặt hái thành công chưa?

Hãy xác định các thành công đã đạt được của bạn và trả lời. Hãy cố gắng chọn lựa những thành công liên quan đến các nhu cầu và giá trị của công việc.

5. Giới hạn của Anh/Chị?

Một câu trả lời quá mạnh mẽ có thể gây phản tác dụng và trở thành yếu điểm. Bạn có thể nói như sau: “Tôi luôn mong muốn hoàn thành tất cả các công việc, vì thế thỉnh thoảng trở nên quá hăng hái và đòi hỏi khắt khe đối với công ty. Tuy nhiên, tôi đang cố gắng để khắc phục yếu điểm này” hay đề cập đến một khoá huấn luyện bổ sung nghề nghiệp nào đó. Đừng bao giờ tỏ ra là người hoàn hảo, tuy nhiên cũng đừng nên đề cập một cách quá cụ thể.

6. Mức lương mong muốn của Anh/Chị?

Hãy có gắng trì hoãn câu trả lời cho đến khi bạn biết được các thông tin cụ thể về công việc và mức lương mà công ty trả cho các vị trí tương tư. Nếu tình thế quá bắt buộc, bạn có thể trả lời như sau: “Ông đã biết được mức lương của tôi ở công ty Ajax, tôi hy vọng là sẽ có một bước tiến khi đến làm việc tại Accme. Có lẽ, chúng ta nên bàn bạc thêm về các nghĩa vụ và phạm vi công việc mà tôi phải đảm nhận trước khi trả lời câu hỏi này”

7. Anh/Chị có tham vọng gì trong tương lai?

Hãy bộc lộ niềm mong muốn hoàn thành các công việc tốt đẹp và sự tự tin vào một tương lai đầy hứa hẹn của bạn! Tuy nhiên, cần tránh các câu nói không thực tế hay gây tác động xấu đến vị trị hiện tại.

8. Anh/Chị muốn biết điều gì về công ty?

Bạn có thể đã tìm hiểu về công ty trước khi phỏng vấn qua các nguồn thông tin như báo chí, bạn bè, Internet. Tuy nhiên, bạn nên nói rằng bạn muốn được biết nhiều hơn nữa; và sau đó chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi thông minh. Hãy tạo ra một cuộc trao đổi thông tin sinh động!!

9. Tại sao Anh/Chị nộp đơn vào vị trí này?

Bạn có thể trình bày như sau: “Qua quá trình tìm hiểu về công ty, tôi nhận thấy đây sẽ là một cơ hội tốt để tôi có thể đóng góp các kinh nghiệm và kỹ năng đã có được trong quá khứ cho công ty.” Nếu có thể, bạn nên bày tỏ niềm khao khát được làm việc cho công ty và những nhân tố đã tạo nên sức hút với bạn.

10. Năng lực cá nhân nào khiến Anh/Chị nghĩ rằng sẽ đạt được thành công tại đây?

Nếu câu hỏi này được đưa ra sau khi bạn đã có được đầy đủ các thông tin về vị trí, hãy nói về 2 hay 3 kỹ năng chính (minh hoạ bằng các thành công) mà bạn tin rằng sẽ rất hữu ích cho công việc đang phỏng vấn. Hãy chú ý đến nội dung và thời lượng để chắc chắn là các thông tin được trình bày đầy đủ, hiệu quả.

11. Điều gì trong công việc là quan trọng nhất với Anh/Chị?

Bạn nên liên hệ với những yêu cầu của vị trí để có được nội dung trả lời phù hợp. Trong trường hợp không nắm vững về thông tin này, bạn có thể trả lời chung chung như : “Tôi thích có được những thách thức trong công việc và làm việc tập thể”

12. Anh/chị hãy mô tả về tính cách của mình?

Chỉ đề cập đến 2 hay 3 tích cách tích cực nhất. Hãy nhớ là nhà tuyển dụng đang cố gắng quyết định “sự phù hợp” của bạn với công ty. Khả năng xác định chính xác các giá trị của họ sẽ giúp bạn có được câu trả lời phù hợp.

13. Trong bao lâu thì Anh/Chị có thể đóng góp cho công ty?

Hãy thực tế và trả lời rằng bạn có thể làm được điều này sau 6 tháng hay 1 năm. Dĩ nhiên, sự lựa chọn thời gian thích hợp trong câu trả lời này rất quan trọng. Bạn đã biết đầy đủ các thông tin về vị trí để có được câu trả lời thuyết phục không? (nếu đây là công việc mới, 6 tháng đã là rất tốt rồi!!)

14. Anh/Chị không cảm thấy kinh nghiệm của mình vượt quá yêu cầu của vị trí này sao?

Câu hỏi này có nghĩa là: “Tôi sợ rằng Anh/Chị chỉ muốn có được công việc vì tình thế bắt buộc và sẽ rời bỏ ngay khi có cơ hội tốt hơn” Câu trả lời của bạn phải giải toả mối lo lắng này. Ví dụ “Ông/Bà có thể đúng, tuy nhiên sau khi nghỉ việc ở công ty XYZ, tôi mong muốn được làm những điều mình cảm thấy hài lòng và yêu thích – (mô tả nội dung của công việc phỏng vấn). Lợi thế khi Ông/Bà tuyển dụng tôi chính là các năng lực và kinh nghiệm đặc biệt mà tôi có thể đóng góp cho công ty khi cần.”

15. Phong cách quản lý của Anh/Chị?

Bạn có thể đề cập đến các phương thức thiết lập mục tiêu và lôi cuốn mọi người cùng thực hiện. Hãy mô tả các kỹ năng bạn thường sử dụng để khơi dậy động lực và sức mạnh làm việc của đội ngũ nhân viên hay sự ứng biến linh hoạt khi tình huống thay đổi. Bạn nên dựa vào phong cách quản lý của công ty để có câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ, hãy trả lời mềm dẻo và tuỳ theo tình huống.

16. Mô tả một tình huống khi Anh/Chị gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và cách giải quyết

Hãy liên hệ đến 1 trong số các thành công của bạn khi giải quyết dạng tình huống này. Bạn nên dựa vào văn hoá, nhu cầu của công ty, làm nổi bật các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xây dựng tinh thần đồng đội hay quản lý nhân viên.

17. Là một nhà quản lý, Anh/Chị tìm kiếm điều gì khi tuyển dụng nhân viên?

“Các kỹ năng, tinh thần sáng tạo và sự thích ứng- dù cho chuyên môn có phù hợp với công ty hay không” Câu trả lời này sẽ giúp người phỏng vấn quyết định điều bạn có thể làm, sẽ làm và sự phù hợp của bạn đối với tổ chức của họ.

18. Là một nhà quản lý, Anh/Chị đã từng phải sa thải một nhân viên nào đó chưa? Nếu có, vui lòng kể lại và trình bày hướng giải quyết?

Nếu có, bạn có thể trả lời như sau “Tôi quả thực có kinh nghiệm trong vấn đề này và đã giải quyết theo hướng có lợi cho cả người lao động và công ty. Tôi tuân thủ các chính sách kỷ luật của công ty trước khi đưa ra quyết định sa thải”.

Đừng đi vào chi tiết nếu người phỏng vấn không hỏi thêm. Ngược lại, nếu bạn chưa từng sa thải nhân viên nào, hãy trình bày là bạn sẽ sử dụng các nguyên tắc kỷ luật trước khi quyết định sa thải nhằm bảo vệ quyền lợi cho công ty.

19. Theo Anh/Chị nhiệm vụ khó khăn nhất của nhà quản lý là gì?

Bạn có thể trả lời bằng cách nêu lên các khó khăn gặp phải khi thực hiện công việc qua người khác, đảm bảo tuân thủ các kế hoạch, hoàn thành đúng thời hạn và quản lý nguồn ngân sách. Hãy sử dụng đại từ “tôi” và nhấn mạnh các yếu tố quan trọng. (dựa trên nhu cầu và văn hoá của công ty)

20. Mô tả một số tình huống khi Anh/Chị phải chịu đựng áp lực công việc và hoàn thành đúng thời hạn

Hãy liên hệ đến các thành công của bạn. Trình bày 1 hay 2 tình huống chứng tỏ khả năng làm việc dưới áp lực cao và hoàn thành đúng thời hạn của bạn.

21. Hãy trình bày về một tình huống trong công việc khiến Anh/Chị tức tối

Bạn có thể trình bày về kinh nghiệm này, kèm theo các kỹ năng đã được sử dụng để quản lý và cải thiện tình hình. Tránh mô tả các tình huống công việc giống như công ty đang phỏng vấn nếu bạn không muốn nhấn mạnh khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực của chính mình.

22. Hãy nói cho tôi biết về một mục tiêu trong công việc vừa qua mà Anh/Chị đã thất bại và nguyên nhân tại sao?

Câu hỏi này giả định rằng bạn đã từng thất bại trong một số mục tiêu. Tuy nhiên, nếu chưa bao giờ gặp thất bại, bạn có thể thành thật nói ra điều này. Ngược lại, nếu đã từng có những mục tiêu mà bạn không thể đạt được vì một số lý do khách quan nào đó, hãy mô tả lại và đừng quên giải thích là những trở ngại này vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Thậm chí tốt hơn bạn nên thảo luận về một mục tiêu mà bạn đã “suy nghĩ lại” khi nhận ra được tính bất khả thi của nó.

23. Hãy mô tả một số tình huống khi Anh/Chị bị phê bình trong công việc

Chỉ mô tả một tình huống duy nhất và nói rằng bạn đã tiến hành khắc phục hay lập kế hoạch khắc phụ vấn đề này. Đừng đi vào chi tiết. Nếu người phỏng vấn muốn biết thêm, hãy để họ tự đưa ra câu hỏi.

24. Anh/Chị học được điều gì từ những sai lầm của mình?

Hãy trình bày 1 hay 2 tình huống mà bạn đã chuyền đổi một cách thành công từ một sơ suất hay đánh giá không đúng thực tế thành kinh nghiệm hữu ích. Hãy nhấn mạnh vào kết quả tích cực, biến sai sót thành chất xúc tác học hỏi.

25. Anh/Chị nhìn nhận gì về xu hướng tương lai trong ngành kinh doanh này?

Hãy lựa chọn 2 hay 3 xu hướng phát triển quan trọng để thảo luận. Đấy chính là cơ hội để bạn thể hiện những suy nghĩ của mình về tương lai, nền kinh tế, thị trường và các tiến bộ công nghệ của ngành nghề đang theo đuổi.

26. Vì sao Anh/Chị rời bỏ công việc hiện tại?

Nếu bạn đã trình bày về vấn đề này trong phần tự giới thiệu dài 02 phút, có thể người phỏng vấn sẽ không nêu lại câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu phải trả lời, hãy trình bày thật ngắn gọn. Nếu đó là do áp lực rút giảm từ những khó khăn về kinh tế, bạn nên làm rõ. Bạn cũng có thể giải thích lý do nghỉ việc là vì mong muốn có một bước tiến xa hơn trong nghề nghiệp. Nhưng tuyệt đối không được nêu lên các mâu thuẫn với đồng nghiệp hay người chủ cũ.

27. Theo Anh/Chị thế nào là môi trường làm việc lý tưởng?

Đây chính là câu hỏi mà bạn có thể mang vào một số giá trị và kinh nghiệm riêng của bản thân. Tuy nhiên, đừng làm cho nó có vẻ quá tuyệt vời hay không thực tế.

28. Nêu lên những nhận xét khách quan của Anh/Chị về người chủ trước?

Hãy liên hệ đến những kinh nghiệm quý báu mà bạn đã đạt được. “Đó là một công ty tuyện vời, tôi đã có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm và thể hiện năng lực của mình”. Hãy cứ tự tin đào sâu vào vấn đề này!!!

30. Trách nhiệm về tài chính của Anh/Chị đối với công ty ra sao?

Bạn có thể đề cập đến các trách nhiệm quản lý ngân sách, tính toán số lượng nhân viên, kích cỡ dự án và chiến dịch bán hàng mà bạn trực tiếp chỉ huy.

31. Anh/Chị phải quản lý bao nhiêu nhân viên trong thời gian gần đây?

Hãy trả lời thật cụ thể và tự tin khi liên hệ đến những cá nhân chịu sự ảnh hưởng của bạn,ví dụ như: đó là do áp lực công việc hay phương thức quản lý của tổ chức.

32. Minh hoạ về thời gian khi Anh/Chị là người lãnh đạo

Dẫn chứng các ví dụ về những thành công của bạn, nhằm chứng minh cho các kỹ năng lãnh đạo.

33. Anh/Chị cho rằng cấp dưới nghĩ sao về mình?

Trong câu trả lời này, bạn nên tỏ ra càng tích cực càng tốt. Hãy liên hệ đến các điểm mạnh, kỹ năng và đặc điểm cá nhân, tuy nhiên phải tỏ ra thành thật. Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng kiểm tra được điều này đấy!!!

34. Trong công việc vừa qua, điều gì khiến Anh/Chị thích nhất và ghét nhất?

Hãy trở lời thận trọng khi gặp phải câu hỏi này. Bạn có thể nêu lên những điều hài lòng và chưa hài lòng, tuy nhiên nên nhấn mạnh và các điểm tích cực hơn là kể lễ về các tiêu cực.

35. Hãy kể lại một số thành công nổi bật của Anh/Chị trong công việc vừa qua.

Câu trả lời này hoàn toàn không gây khó khăn vì bạn đã lựa chọn sẵn các thành công để trình bày. Hãy sẵn sàng mô tả 03 hay 04 thành công thật chi tiết. Nếu có thể, cố gắng liên hệ câu trả lời với những thách thức mà bạn đang phải đối mặt.

36. Tại sao Anh/Chị không tìm một công việc mới sau nhiều tháng?

Bạn có thể nhận thấy câu hỏi này hơi xúc phạm, tuy nhiên đừng đón nhận nó dưới tư cách cá nhân. Hãy đơn giản trả lời thật ngắn gọn, “Tìm một công việc nào đó không quá khó khăn, tuy nhiên tìm đúng công việc lại cần nhiều thời gian và suy nghĩ thận trọng”.

37. Anh/Chị nghĩ gì về người chủ trước đây?

Hãy tỏ ra càng khách quan càng tốt, và tránh đào sâu vào vấn đề này. Đây thực ra chỉ là một câu hỏi dọ ý bởi vì hầu hết các ông chủ đều không muốn có những người cấp dưới bất đồng và khó tính. Nếu bạn thích người chủ trước đây, hãy nói ra điều này cùng với các lý do. Nếu không thích, bạn cũng chỉ nên nghĩ về những điểm tích cực để trình bày.

38. Nếu tôi nói chuyện với người chủ trước đây của Anh/Chị, ông ta hay bà ta sẽ cho đâu là các điểm mạnh và điểm yếu của Anh/Chị?

Hãy nhất quán với những điều mà người chủ trước đây sẽ nói về bạn. Bạn nên nêu ra các điểm yếu theo hướng trình bày tích cực. Người chủ cũ có lẽ cũng muốn nêu ra những nhận xét tốt về bạn, vì thế hãy thuật lại chi tiết một vài điều thành công mà bạn đã làm cho ông ta hay bà ta.

39. Nếu được lựa chọn công việc và công ty, Anh/Chị sẽ quyết định nơi làm việc nào trong số các công ty có trên thị trường hiện nay?

Hãy nói về công việc mục tiêu và điều gì tạo ra sức hút đối với bạn trong công ty đang phỏng vấn.

40. Theo nhận định riêng của Anh/Chị, mức lương thích hợp của vị trí này là bao nhiêu?

Bạn có thể muốn trả lời câu hỏi này như sau: “Xin được hỏi mức lương cơ bản cho các công việc tương tự trong công ty là bao nhiêu?” hay “Là một nhân viên giỏi, tôi hy vọng sẽ nhận được mức lương cao hơn mức trung bình dành cho vị trí này”. Nếu công ty không có mức lương rõ ràng, chính bạn sẽ phải dự đoán trước về điều này. Tuy nhiên, bạn nên nâng cao giá trị của mình bằng cách nói rằng bạn muốn được biết thêm về các trách nhiệm và nghĩa vụ trong công việc trước khi bàn đến mức lương.

41. Nếu được nhận vào vị trí này, Anh/Chị sẽ mang đến cho công ty sự thay đổi gì?

Đây là câu hỏi vô cùng hóc búa, vì bạn không không thể có câu trả lời cụ thể nếu không nắm vững một số chi tiết về vị trí công việc, công ty và nền văn hoá. Thậm chí, nếu bạn có được câu trả lời, hãy thật thận trọng khi mô tả về các thay đổi sâu rộng sẽ mang đến cho công ty. Nếu người phỏng vấn không đưa ra các vấn đề mà bạn cảm thấy tự tin để giải đáp, hãy giải thích khôn khéo rằng bạn cần tìm hiểu thêm về công ty, trao đổi với nhận viên, thực hiện các cuộc đánh giá trước khi đề ra bất kỳ kiến nghị thay đổi nào.

42. Anh/Chị có phản đối không khi chúng tôi tiến hành bài kiểm tra tâm lý?

“Hoàn toàn không có vấn đề nào cả.” (Câu nói này chứng tỏ bạn là một ứng viên rất “đáng gờm”.)

43. Dạng công việc hay công ty nào Anh/Chị đang cân nhắc đến trong thời gian này?

Câu trả lời tốt nhất trong tình huống này là tập trung hoàn toàn vào công việc cụ thể mà bạn đang phỏng vấn.

44. Anh/Chị thường đọc gì?

Hãy trả lời thành thật!!. Nếu có thể, đề cập đến một số sách, báo bạn thường đọc để cập nhật các kiến thức trong lãnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, cũng không có vấn đề gì nếu bạn xem việc đọc sách như là một hình thức để giải trí và thư giãn tinh thần.

45. Điều gì tạo động lực cho Anh/Chị nhiều nhất?

Hãy sử dụng những nền tảng và nhận định về sự nghiệp của chính bạn, tuy nhiên, nên trả lời theo hướng chung chung. Đó có thể là sự hài lòng khi vượt qua các thách thức trong công việc, phát triển tinh thần đồng đội, hoàn thành các mục tiêu của công ty.

46. Nêu lên 01 hay 02 ví dụ thể hiện sự sáng tạo của Anh/Chị

Nhắc đến các thành công trong mối tương quan với công ty và vị trí đang phỏng vấn nếu có thể.

47. Mục tiêu lâu dài của Anh/Chị?

Liên hệ đến công ty bạn đang phỏng vấn hơn là trả lời một cách chung chung. Hãy trình bày những tham vọng của bạn một cách thực tế!!. Trước tiên, nói về công việc bạn đang dự tuyển, và sau đó là các mục tiêu lâu dài.

48. Mối quan hệ của Anh/Chị với các đồng nghiệp, cả cả cấp trên và cấp dưới?

Đây là một câu hỏi rất quan trọng, bạn cần phải có thời gian suy nghĩ để trả lời thật hợp lý. Khi nói về mối quan hệ với cấp dưới, bạn nên đề cập đến các nguyên tắc quản lý. Khi nói về cấp trên, hãy thể hiện là bạn rất thông hiểu các kỳ vọng của họ để có thể đạt được các mục tiêu được đề ra. Ngoài ra, bạn cũng nên nhấn mạnh tinh thần đồng đội, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp.

49. Anh/Chị có những hoạt động giải trí nào?

Câu trả lời sẽ cho biết bạn có tìm được sự cân bằng trong cuộc sống không. Tuy nhiên, tránh đề cập đến những hoạt động làm cho người phỏng vấn nghi ngờ thời gian bạn dành cho công việc. Hãy nhớ là các sở thích và hoạt động giải trí hoàn toàn có thể liên quan đến tính cách cá nhân và các giá trị của chính bạn.

CÁC CÂU HỎI KHÔNG THÍCH HỢP VÀ CÁCH TRẢ LỜI

1. Tên gọi ở nhà của Anh/Chị là gì?

Đây thực sự là một câu hỏi quá riêng tư. Giải pháp tốt nhất là không trả lời. Bạn hãy nói với người phỏng vấn là “Tôi cho rằng tên gọi ở nhà không hề liên quan đến khả năng làm việc của tôi.”

2. Chị có dự định lập gia đình không?

Câu hỏi này thể hiện sự phân biệt giới tính, vì thế bạn có thể từ chối không trả lời hay nói rằng “Tôi không có kế hoạch nào cả.”

3. Anh/Chị tốt nghiệp đại học năm nào?

Câu hỏi này vẻ ngoài rất bình thường, nhưng thực chất người phỏng vấn dùng nó để tính toán tuổi tác của bạn, vì hầu hết mọi người đều học lên đại học sau khi tốt nghiệp cấp III. Hay, nếu trong resume không đề cập đến bằng cấp, họ đang dò xét thông tin này!!

Bạn có thể tránh câu trả lời trực tiếp bằng cách tập trung vào thực tế liên quan như “Tôi học tiếp lên đại học sau khi tốt nghiệp trung học” hay, nếu bạn không có bằng cấp “Tôi rất thích khoá học về cơ khí sau khi tốt nghiệp trung học”. Sau đó mỉm cười và im lặng. Người phỏng vấn lúc này sẽ tự hiểu là bạn không muốn nói thêm điều gì nữa.

4. Công ty chúng tôi có rất nhiều hoạt động xã hội? Anh có muốn cùng bà xã tham gia không?

Câu hỏi này chính là con dao 2 lưỡi!! Họ đang muốn xác nhận tình trạng hôn nhân của bạn - Bạn đã lập gia đình chưa hay thậm chí đã ly dị? Nếu bạn đã có gia đình, hãy tỏ ra thoải mái và nói “Vâng, vợ chồng tôi rất thích”. Nếu không, hãy trả lời “Thật thú vị!! Tôi không biết công ty chúng ta có những hoạt động nào vậy?”. Người phỏng vấn sẽ phải tập trung vào chủ đề mới này, còn bạn vẫn giữ được các thông tin cá nhân.

Thái Hằng / HR Vietnam

TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Phỏng vấn, những điều nên và không nên
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Sunday, 21 May 2006, 09:30 AM
 

Trong cuộc phỏng vấn, mọi lời nói, hành vi của bạn đều được nhà tuyển dụng "chăm chút" rất kĩ. Những lời khuyên dưới đây có thể sẽ giúp bạn tự tin hơn trước nhà tuyển dụng.

Những điều nên làm

Nên đến sớm vài phút trườc giờ hẹn chính xác. Đi trễ là một điều tối kỵ. Nhà tuyển dụng khó mà chấp nhận được chuyện phải ngồi chờ ứng viên dù chỉ trong vòng vài phút. 

Nếu cần phải sử dụng thư xin việc trong lúc phỏng vấn. Bạn nên điền đầy đủ tất cả thông tin rõ ràng và hoàn chỉnh. Một điều cần lưu ý là bạn đừng trông cậy hoàn toàn vào thư xin việc hoặc resume nói thay bạn. Nhà tuyển dụng chỉ muốn nghe phần trình bày của bạn chứ không phải dành thời gian phỏng vấn để đọc resume.

Nên gọi đúng tên và chức vụ của người phỏng vấn nếu bạn được biết. Nếu không có thể hỏi lại để chắc chắn bạn xưng hô đúng, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi đi đến gặp nhà tuyển dụng. Luôn mỉm cười và bắt tay một cách tự tin. Thể hiện sự vinh hạnh một cách chân thật khi gặp gỡ nhà tuyển dụng. 

Nên đợi nhà tuyển dụng mời bạn hãy ngồi vào ghế phỏng vấn, đừng xăm xăm vội vàng như thể ở nhà mình. Tư thế ngồi thẳng lưng, luôn sẵn sàng và tập trung vào nội dung chính của buổi gặp mặt. Lắng nghe cẩn thận, đây là một kỹ năng cần có ở một người biết giao tiếp.

Không nên lảng tránh ánh mắt của người phỏng vấn, nhìn thẳng và tự nhiên, đây là một biểu hiện của sự tôn trọng và lịch sự đối với người quản lý tương lai. 

Nên trả lời và trình bày ý kiến về những vấn đề mà nhà tuyển dụng đưa ra. Tuy nhiên, bạn có thể khéo léo hướng người phỏng vấn nói nhiều hơn về công việc và trách nhiệm của vị trí mà bạn đang ứng tuyển, cũng như tìm hiểu những những kỹ năng và mục tiêu trong phạm vi của chức vụ này.

Nên mang đến một cái nhìn ấn tượng tích cực cho nhà phỏng vấn. Chứng minh thành tích của mình là điều cần thiết. Hãy giới thiệu về kết quả công việc vừa qua, quá trình làm việc, tác phong làm việc…tuy nhiên những thông tin này phải chân thật.

Nên luôn kiểm soát bản thân để có một cách cư xử hợp lý nếu bạn xác định phải giành cho được công việc này. Đừng đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc. 

Nên thể hiện sự nhiệt tình. Nếu bạn quan tâm đến những cơ hội tại công ty đang ứng tuyển, sự nhiệt tình sẽ giúp bạn thêm nhiều khả năng thành công trong việc chinh phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn không quan tâm lắm đến những cơ hội này, sự nhiệt tình vẫn cần thiết vì đó là một biểu hiện chứng minh phong cách chuyên nghiệp của bạn. 

Nên nhớ mang theo một bản CV khác lúc đi phỏng vấn cho dù bạn đã gởi một bản cho nhà tuyển dụng trước đó. Nếu sợ quên, bạn có thể sao ra nhiều bản và để sẵn trong cặp phòng khi cần thiết. 

Những điều không nên

Không nên hút thuốc trong lúc phỏng vấn, cho dù nhà tuyển dụng là người ghiền thuốc và có mời bạn trong lúc nói chuyện. Tất nhiên, bạn cũng đừng vừa nói chuyện vừa nhóp nhép nhai kẹo cao su. 

Không nên trả lời cụt ngủn bằng những từ “có” hoặc không”. Hãy đưa ra những lời giải thích rõ ràng đầy đủ. Cung cấp những thông tin về bản thân phù hợp và đúng lúc. 

Không nên nói dối. Trả lời các câu hỏi một cách chân thật, thẳng thắn và súc tích. 

Không nên phàn nàn ca thán về tình trạng hiện tại của bạn hay nói những điều không hay về công ty cũ. Rõ ràng không có mối liên hệ gì giữa lý do bạn quyết định rời bỏ công ty trước và những công ty trong tương lai. Tuy nhiên, khi bạn trình bày quá cụ thể, chi tiết về nguyên nhân nghỉ việc sẽ tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của nhà tuyển dụng đi quá xa và đưa ra kết luận bất lợi cho bạn.

Không nên trả lời qua loa các câu hỏi. Nếu nhà tuyển dụng hướng câu chuyện sang quan điểm chính trị hoặc những vấn đề có thể gây tranh cãi, trong tình huống nhạy cảm này tốt nhất bạn nên lắng nghe nhiều hơn là nói. 

Không nên vội vàng hỏi về chế độ lương bổng, phụ cấp tiền thưởng… ngay đầu cuộc phỏng vấn trừ khi bạn biết chắc nhà tuyển dụng đã quyết định chọn bạn. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức lương hiện tại, bạn chỉ nói vắn tắt và tránh đưa ra con số cụ thể về khoản lương của bạn. Bạn cần nhấn mạnh, điều bạn tìm kiếm là những cơ hội nghề nghiệp hơn là những con số trong bảng lương. 

HR Vietnam (Theo Ezinearticle)

TTO

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Khi đàm phán với nhà tuyển dụng
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Tuesday, 20 June 2006, 11:09 AM
 
Có 5 bước đơn giản sau đây để dễ dàng thành công trong các cuộc đàm phán với nhà tuyển dụng. Nếu bạn đang là một người đi tìm việc làm, hãy thử tham khảo nhé!

1. Chuẩn bị trước những gì bạn sẽ nói

Nếu bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng những gì bạn sẽ thảo luận, về tiền lương, việc làm với nhà tuyển dụng, thì bạn sẽ không thể đàm phán, mà chỉ có thể phản ứng một cách thụ động trong cuộc phỏng vấn.

Bạn không chỉ cần chuẩn bị về nội dung của yêu cầu đàm phán, mà còn cần luyện nói trước theo những tình huống có thể xảy ra để nâng cao kỹ năng đối đáp và làm tăng tính tự tin.

Trước hết, hãy liệt kê những gì bạn hy vọng đạt được trong quá trình đàm phán. Thay vì chỉ hạn chế ở những vấn đề tài chính, bạn hãy mở rộng ra các lợi ích khác, như: tiền thưởng, chế độ tăng lương, nghỉ phép, bảo hiểm, trách nhiệm...

2. Đặt giá

Tài sản quan trọng nhất của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào là lực lượng lao động hoạt động có hiệu quả. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng nhận thức được rất rõ điều này, bởi vậy họ thường sẵn sàng chi trả tương xứng với khả năng của người xin việc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, nhà tuyển dụng dẫu sao vẫn muốn sử dụng bạn với tiền công thấp hơn so với khả năng của bạn.

Trong khía cạnh này, có thể coi việc đàm phán việc làm cũng giống như việc mặc cả mua bán thông thường. Với tư cách là người bán hàng, bạn nên đặt giá trước.

3. Hướng đàm phán vào những vấn đề công việc, đừng để lạc đề sang những vấn đề mang tính riêng tư

Nên nhớ rằng, ngay cả khi bạn thán phục người đang đàm phán với bạn, thì đó cũng chỉ là một giao dịch công việc, chứ không phải là cuộc trao đổi tình cảm mang tính cá nhân. Ngoài ra. nên tách riêng các vấn đề tiền lương và tuyển dụng mà bạn thảo luận.

4. Sử dụng ngôn từ tích cực:

Nếu nhà tuyển dụng không chấp nhận yêu cầu của bạn, hãy sử dụng những từ nhẹ nhàng để thể hiện tâm trạng của mình. Tuyệt đối tránh thể hiện thái độ giận dữ, mất lịch sự hoặc không muốn đàm phán tiếp. Bạn có thể đề nghị người tuyển dụng xem xét lại hoặc dành chút thời gian để trao đổi thêm.

5. Lập văn bản xác nhận:

Việc xác nhận rõ ràng là một nhân tố quan trọng trong việc đàm phán mà các ứng viên thường hay quên. Một văn bản xác nhận có giá trị khẳng định một cam kết và ngăn ngừa mọi sự hiểu lầm sau này giữa bạn và nhà tuyển dụng. 

Theo Careertool/Đầu tư

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Lỗi cần tránh trong hồ sơ xin việc
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Tuesday, 20 June 2006, 11:10 AM
 
Đối với người đi xin việc, bộ hồ sơ được coi như tấm giấy thông hành vào thế giới việc làm, đồng thời cũng là một công cụ marketing cho chính bản thân mình. Một bộ hồ sơ xin việc hiệu quả sẽ không mắc phải những lỗi dưới đây:

Một bản tóm tắt tiểu sử: không nên coi hồ sơ xin việc là nơi trình bày đến những chi tiết nhỏ nhất của cuộc đời bạn. Nhà tuyển dụng không cần biết bạn sinh ra và lớn lên hàng ngày như thế nào mà chỉ cần thông tin đầy đủ về cá nhân bạn. Tất nhiên, bạn có thể thêm vào một vài thông tin có lợi nhưng không quá vặt vãnh.

Một danh sách những điều phóng đại về bản thân: điều này là tối kỵ trong quá trình xin việc. Nhiều bạn khi giới thiệu về thành tích của mình trong thư gửi nhà tuyển dụng đã tô vẽ thêm những thứ không hề có cho hình ảnh của chính mình. Các bạn đừng quên, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra thực tế qua phỏng vấn hoặc kiểm tra những thông tin đó dưới nhiều hình thức khác. Và các bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra khi họ biết là bạn đã nói dối không?

Bản miêu tả tỉ mỉ từng công việc đã làm: đừng coi hồ sơ xin việc là một bản báo cáo cụ thể đến từng chi tiết về những công việc mà bạn đã trải qua. Nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu thông tin giới thiệu sơ bộ về thời gian bạn đảm nhận công việc và những kết quả, thành tích nổi bật đạt được hay những chức danh, vị trí mà bạn đã từng nắm giữ có liên quan tới vị trí dự tuyển. Bạn cũng có thể nêu ra người sẵn sàng xác nhận cho mình nếu nhà tuyển dụng yêu cầu.

Lỗi chính tả: năng lực về các kỹ năng mềm của người xin việc sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp nếu họ đọc thấy nhiều lỗi chính tả trong đơn xin việc. Họ sẽ cho rằng khả năng giao tiếp (viết, nói) của bạn không thạo, do đó, kỹ năng đàm phán, thuyết phục sẽ kém. Hơn nữa, nhà tuyển dụng còn cho rằng bạn là người cẩu thả, khó có thể đảm nhiệm công việc hoặc cương vị quan trọng. Và kết quả cuối cùng thì chính bạn cũng sẽ tưởng tượng ra được rồi đấy.

Một văn bản toàn các số liệu khô cứng: đưa ra con số chứng minh thực tế là điều cần thiết, nhưng nếu cả bộ hồ sơ chỉ toàn con số và số liệu thì sẽ phản tác dụng. Ngoài những con số, nhà tuyển dụng còn cần biết thêm quan điểm của bạn, suy nghĩ của bạn về công việc mà bạn dự định ứng tuyển và kỹ năng nhìn nhận, tổng hợp, phân tích, giải trình vấn đề của bạn.

Nói chung, một hồ sơ xin việc hiệu quả không chỉ hướng tới công việc đang tìm kiếm, tập trung những ưu điểm, thành tích đã đạt được mà còn phải rõ ràng, ngắn gọn, trung thực, súc tích, không mắc các lỗi cơ bản.

Theo Dân trí

Hình của Nguyễn Thái Kiên
Các câu hỏi có thể gặp khi đàm phán về lương
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Sunday, 30 July 2006, 01:54 PM
 

Lương trước đây của bạn? Trong thời gian từ 5 đến 10 năm, bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền?... đó là những câu hỏi có thể gặp khi đàm phán về lương. Bạn sẽ trả lời thế nào? 

1. Bạn hãy nói về lương trước đây của bạn?

Câu trả lời: Bạn rất sẵn lòng cho nhà tuyển dụng biết con số, tiền lương tăng đều. Trong công việc, tiền bạc với bạn không quan trọng bằng cơ hội học hỏi và làm việc.

2. Bạn có giá trị lương bao nhiêu?

Câu trả lời: Phương châm của bạn là làm việc và đóng góp với khả năng tốt nhất của mình. Vì vậy, bạn luôn nỗ lực để đạt kết quả và được người chủ thừa nhận và công bằng đặt bạn đúng giá trị của bạn.

3. Lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?

Câu trả lời: Bạn nên nêu rõ tiền lương, thưởng, làm thêm giờ, những phúc lợi mà bạn hưởng ở công ty cũ.

4. Trong thời gian từ 5 đến 10 năm, bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền?

Câu trả lời: Bạn mong tiền lương phản ánh nỗ lực của bạn và phù hợp với những vị trí được trả lương tương đương.

5. Bạn nghĩ mọi người cùng nghề với bạn được trả lương tương xứng?

Câu trả lời: Hãy cẩn thận. Một số người được trả lương quá thấp. Nếu bạn là một trong số đó, bạn hãy giữ điều đó cho riêng bạn. Đừng thể hiện sự giận dữ hay chống đối của bạn. Bạn chẳng đạt được điều gì khi nói lên như vậy, nhưng lại có nhiều thứ để mất.

6. Bạn có bao giờ bị từ chối tăng lương không?

Bạn có thể trả lời: Những xét duyệt lương tạo nên sự tăng lương cùng với những đóng góp của bạn. Điều đó, có nghĩa bạn chưa bao giờ bị từ chối tăng lương vì cách làm việc không phù hợp.

7. Bạn có muốn trở thành một thành viên cho kế hoạch lương của chúng tôi không?

Câu trả lời: Bạn rất vui nếu được tham gia kế hoạch này và bạn sẽ xem xét cẩn thận về tổ chức kế hoạch và sự cạnh tranh trên thị trường tài chính.

8. Bạn mong muốn mức lương là bao nhiêu?

Câu trả lời: Lương căn cứ vào nhiều yếu tố: Điều kiện làm việc, triển vọng tương lai và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, khó chấp nhận một mức lương thấp hơn mức lương hiện tại, bởi nó là sự thành công của bạn.

9. Bạn có thể hạ mức lương thấp nhất mà bạn chấp nhận nếu làm công việc này?

Câu trả lời: Có thể bạn đang bị cạnh tranh bởi những người đưa ra mức lương thấp hơn. Trong câu trả lời bạn nên nêu những mức trách nhiệm của công việc và thành quả đạt được.

Theo Lao động