HANU
 
 
Picture of Khoa Nga Admin
Trò chuyện với Tiến sĩ Lê Văn Nhân - nhà thơ Việt Nam duy nhất sáng tác thơ bằng tiếng Nga
by Khoa Nga Admin - Friday, 25 April 2008, 01:43 AM
 

Bài một: Trên bờ sông Lam, nơi Việt Nam nắng rát...


TS Lê Văn NhânLà một nhà Nga học Việt Nam, và lại là "người Việt Nam Nga hoá", Lê Văn Nhân viết bằng cả hai thứ tiếng. Tự thân điều đó đã khác thường. Đặc biệt khác thường là tiếng Việt và tiếng Nga về nguyên tắc là hết sức khác nhau và càng phức tạp không kém gì nhau. Công việc này của nhà thơ đòi hỏi không biết bao nhiêu nỗ lực, không biết bao nhiêu tri thức…


Trên bờ sông Lam, nơi Việt Nam nắng rát

Dưới mái lều tranh tôi đã ra đời.

Vẫn chiến tranh...

Mẹ tôi yêu và đặt

Cho cái tên "Nhân", có nghĩa là "Người".

Hơn 40 năm sau, cậu bé tên Nhân sinh ra từ làng quê nghèo cát trắng đó đã trở thành nhà thơ duy nhất ở nước ngoài xa Nga (trừ những nước trong thành phần Liên Xô cà) sáng tác thơ bằng tiếng Nga. Cho đến nay ông đã xuất bản 6 tập thơ, 3 trong số đó được sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Nga. Từ tập thơ tiếng Nga thứ nhất có nhan đề "Yêu nước Nga bằng trái tim vụng dại" đến tập thứ hai là "Từ nhà trở về nhà", Lê Văn Nhân đã thể hiện một tình yêu nồng nàn, tha thiết với nước Nga, coi đó như quê hương thứ hai của đời mình. Tập thơ thứ ba, "Bằng tiếng Nga, tôi làm thơ, tôi cười và tôi khóc…" là một tập thơ hết sức đặc biệt. Bởi lẽ, nhân vật trữ tình của nó là chính ngôn ngữ Nga, với tất cả sự phong phú và đa dạng của nó, với lịch sử nhiều thế kỉ và những đổi mới ngày hôm nay. Đó càng chính là thứ ngôn ngữ ăn vào máu thịt, được coi như là một định mệnh của đời thơ Lê Văn Nhân.

Hiện nay, tiến sĩ Lê Văn Nhân đang đảm nhiệm chức Trưởng Khoa tiếng Nga Trường Đại học Hà Nội*, Tổng thư kí Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà khoa học làm thơ Việt Nam. Trong suốt buổi trò chuyện gần 3 giờ đồng hồ, ông đã dành phần lớn thời gian lý giải về tính cách và tâm hồn Nga- những ẩn số kỳ lạ đã làm nên số phận bi tráng của một dân tộc qua những bước binh đao khốc liệt của lịch sử…

PV: Tập thơ đầu tiên viết bằng tiếng Nga ông đã đặt tựa đề: "Yêu nước Nga bằng trái tim vụng dại". Những cuồng dại, mê đắm, thánh thiện và trong sáng của tuổi trẻ, hình như ông đã dành hết cho nước Nga?

Tiến sĩ Lê Văn Nhân (LVN): Đó là giai đoạn tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Hồi ấy, chúng tôi sống khó khăn về vật chất nhưng lại giàu có về tình người. Việt Nam đang trải qua cuộc chiến tranh với quốc gia đứng đầu hệ thống chủ nghĩa tư bản nên Việt Nam được gọi là là lương tâm của thời đại.

Nhà thơ Simonov đã viết "Nỗi đau này đâu chỉ của riêng ai". Chúng tôi sống trong sự yêu thương, đùm bọc của người dân Xô viết và bạn bè quốc tế. Chúng tôi là những học sinh phổ thông chăn trâu bùn lấm được đất nước nhân hậu này trả lại tuổi thơ bị mất cắp trong chiến tranh chống Mỹ. Những ngày đầu sang đây, tôi cứ ngỡ mình sống trong thế giới cổ tích. Thành phố tươi đẹp với những dãy phố sạch sẽ đầy hoa thơm, những ngôi nhà tập thể cao tầng sừng sững, những khu vườn trĩu táo, lê, người dân thì đôn hậu, hiêu khách.

Ngay những ngày đầu tiên, các cô giáo đã đưa sinh viên xứ nhiệt đới nghèo đến Bách hoá Tổng hợp chọn đồ ấm (từ áo len, áo khoác giày, tất, khăn và những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất như bàn chải, xà phòng, kem đánh răng, dao cạo...), đi khám sức khoẻ toàn diện và đến trường nhận học bổng, sách vở, bút giấy.

Trên xe buýt, tàu điện, người già càng đứng dậy nhường chỗ cho sinh viên Việt Nam. Trong ký túc xá, được Ban quản lý dành cho những phòng sáng sủa, yên tĩnh nhất, ở tầng thấp nhất. Còn trên giảng đường, thỉnh thoảng lại nghe câu: "Có gì khó hiểu không, các chàng trai, cô gái Việt Nam của chúng tôi?"

Sinh viên Việt Nam còn được đề nghị sinh hoạt Đoàn thanh niên cộng sản Komsomol, được thường xuyên mời dự những cuộc mittinh ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước mình như những đại biểu quan trọng và vinh quang nhất. Mùa hè, SVVN càng tham gia "học kỳ thứ 3" như SV Nga, về các nông trang, nhà máy phục vụ xây dựng, giúp dân chăn nuôi, thu hoạch mùa màng.

Những chuyến đi Nga sau này đã khiến tôi nhận ra một thực tế là người Việt không nhận được những tình cảm của người Nga như chúng tôi ngày trước nữa.

PV: Ông có thể cắt nghĩa sự khác biệt này?

LVN: Tất cả là do thời gian. Chúng ta đã sống ở một thời khác với thời đại của Nga Xôviết của 40 năm về trước

PV: Thời đại khác sẽ mang những giá trị khác hay là tâm hồn của con người Nga với những phẩm chất bao dung, đôn hậu, nhân ái đã thay đổi?

LVN: Không, bản tính thì vẫn như cũ nhưng đất nước, thời cuộc đã thay đổi kéo theo sự thay đổi của các giá trị khác. Các mối quan hệ giữa các dân tộc càng thay đổi. Việt Nam - Nga vẫn là đối tác chiến lược, chúng ta vẫn có tình hữu nghị Việt Nga nhưng có lẽ tình cảm anh em đã không còn nữa.

PV: Những năm tháng đó có lẽ càng là thời kỳ hoàng kim của văn hóa Nga ở Việt Nam và theo thời cuộc, thời điểm này đang là thời kỳ suy tàn của văn hóa Nga?

LVN: Tôi không dùng từ "suy thoái" mà thay đổi. Ảnh hưởng của văn hóa Nga đến văn hóa Việt Nam là không thể phủ nhận. Một đội ngũ các nhà văn hóa, khoa học lớn của Việt Nam hiện nay mang không ít ảnh hưởng của văn hóa Nga trước kia.

Nền văn hóa, văn học của nước Nga Xô Viết đã có phần đóng góp to lớn cho gia tài tinh thần của người Việt. Những tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" của N. Ostrovsky, "Số phận con người" và "Sông Đông êm đềm" của M. Sholokhov, "Bác sĩ Zivago" của B. Pasternak; những bộ phim Chiến hạm Pôtiômkim và Tsapaev, Vaxili Chiôrkin, bộ ba tự thuật của M. Gorki, "Con đường đau khổ" của A. Tolstoy, Thơ của M. Mayakovsky, S. Esenin, Nhạc của Prôkophiev và Sôxtakôvitch cùng nhiều tác phẩm xuất sắc khác của văn học nghệ thuật Nga Xôviết đã chinh phục trái tim của độc giả, khán giả, thính giả khắp năm châu, trong đó có người Việt Nam

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những điệu nhạc, vần thơ Nga. Những cuốn sách gối đầu giường đều là những tác phẩm kinh điển của nền văn học hiện thực Xô viết. Tôi nghĩ điều này càng dễ giải thích thôi. Liên Xô là nước đầu tiên xây dựng CNXH nên sự ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn lao đối với các nước đi sau.

PV: Ngoài sự tác động của một quốc gia vốn được coi là "anh cả", dường như trong tâm hồn người dân Nga và người dân Việt đã gặp nhau ở nhiều thanh âm đồng điệu. Đó là lòng nhân ái, bao dung, tình cảm ân nghĩa trước sau như một. Sự gặp gỡ này làm cho văn hóa Nga có sức lan tỏa nhiều hơn đến văn hóa Việt? Ông có thể lý giải về điều này?

LVN: Dù Việt Nam và Nga là hai dân tộc xa nhau về địa lý, khác nhau về chủng tộc, nhưng lại có nhiều nét tương đồng về tâm hồn và VHNT. Việt Nam càng có những tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, người tốt việc tốt, đấu tranh chống những thói hư tật xấu trong xã hội...

(Còn nữa)

Sơn Khê - Di Linh thực hiện
Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn

* Quản trị viên sửa lại theo phát hiện của thành viên Le Thanh Tung, nguyên văn: chủ nhiệm khoa tiếng Nga Trường KHXH&NV Hà Nội (!???).