"Hoàng đế Annam đã ban tặng tôi huân chương vì tôi đã cưỡi ngựa qua rừng thẳm Trung Quốc đến nước Ngài. Tất cả họ đều ngạc nhiên về cuộc hành trình của tôi và khó tin rằng tôi có thể đến đây từ miền Siberia xa xôi, hầu như không dừng lại ở đâu để nghỉ chân."
Du khách Nga, bá tước Constantine Vyazemsky đã viết như vậy trong nhật ký lữ hành của mình. Việt Nam là một phần trong cuộc hành trình lớn đến châu Á mà ông đã thực hiện trong giai đoạn 1891-1893. Bá tước Vyazemsky đã đi tổng cộng hơn 40 ngàn cây số qua Mông Cổ, Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Campuchia, Xiêm La, Ấn Độ và Tây Tạng. Bá tước đã đi trên đất Campuchia bằng xe trâu kéo, ở Ấn Độ ông cưỡi voi, còn ở Himalaya thì cưỡi bò Tây Tạng. Bá tước đã hai lần bị thương, bị cướp, hai tuần bị các tên cướp giam cầm, suýt chết vì sốt rét và suy nhược. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn nổi chân ông.
Suốt những năm tháng chu du thế giới, bá tước Vyazemsky đều ghi nhật ký. Bốn mươi quyển sổ nhỏ được ông ghi chép kín mít bằng loại chữ nhỏ xíu. Sau khi trở về Nga, ông đã cho xuất bản một số đoạn trích nói về quãng đường đi qua Siberia và Trung Quốc. Nhưng phần chính của nhật ký lữ hành vẫn chưa được công bố.
Nhà Việt Nam học người Nga nổi tiếng Anatoly Sokolov rất quan tâm đến nhật ký du lịch Việt Nam của bá tước Vyazemsky. Ông Sokolov đã tìm tòi trong Phòng bản thảo của Thư viện quốc gia Nga một năm rưỡi, đọc các trang viết theo quy tắc chính tả cũ từ 120 năm trước. Kết quả của công việc kiên trì này là gần đây cuốn sách "Đi du lịch qua Châu Á trên lưng ngựa. Nhật ký Việt Nam năm 1892" đã được xuất bản. Nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov cho biết là ông không chỉ đọc nhật ký Việt Nam, mà còn đọc cả ghi chép của bá tước Vyazemsky tại các nước khác ở Đông Dương và Tây Tạng, để có thể tìm thấy ấn tượng của Việt Nam qua những trang nhật ký đó:
“Đây là ấn tượng trực tiếp về một đất nước xa lạ, vì thế đọc rất hấp dẫn. Quả là rất thú vị để tìm hiểu xem nền văn minh châu Âu đã thâm nhập vào Việt Nam như thế nào, một số tổ chức, cơ cấu vẫn duy trì được cho đến ngày nay đã xuất hiện ra sao. Những đoạn mô tả cuộc sống của quan chức thuộc và dân cư địa phương cũng rất hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng các đoạn mô tả thiên nhiên và đời sống Việt Nam cuối thế kỷ 19 sẽ được giới chuyên gia quan tâm.”
Bá tước Vyazemsky đã đi suốt Việt Nam từ Bắc vào Nam và thăm cả ba miền Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Vị du khách Nga được chính quyền thực dân Pháp cũng như các quan chức Việt Nam đón tiếp long trọng và quan tâm giúp đỡ. Ông được yết kiến vua Thành Thái, khi đó mới 15 tuổi, người mà bá tước Vyazemsky đã viết rằng "Ngài sống gần như một tù nhân trong cung điện của mình, nhưng trong tài liệu chính thức thì được vinh danh là thiên tử và là hoàng đế An Nam vĩ đại”. Vua Thành Thái đã ban cho ông Vyazemsky huân chương quân sự, huân chương dân sự và 10 huy chương khác.
Luôn luôn thú vị để biết xem đất nước mình được nhìn nhận như thế nào qua con mắt của người nước ngoài, và nhất là khi điều đó đã xảy ra từ 120 năm trước. Nhật ký của vị du khách Nga cũng thu hút sự quan tâm của người Việt Nam. Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây ở Hà Nội đang có kế hoạch dịch và xuất bản cuốn sách của bá tước Vyazemsky bằng tiếng Việt.