HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Những nấm mộ Nga trên đất Việt Nam
by Nguyễn Huy Cường - Friday, 13 July 2012, 08:08 AM
 
31.05.2012, 12:28
Những nấm mộ Nga trên đất Việt Nam
© Photo: Flickr.com
In bài Gi mail cho bạn Bổ sung vào blog

Chắc nhiều người biết rằng tại Việt Nam có tượng đài Lenin, đài kỷ niệm các chuyên gia xây dựng Liên Xô ở nhà máy thủy điện Hòa Bình và các chuyên gia quân sự ở Cam Ranh. Còn về tượng đài trên ngôi mộ tập thể của những Nga đã yên nghỉ trong lòng đất Việt Nam từ hơn trăm năm trước đây, thì có lẽ ít được biết đến.

Những người Nga này từng là thủy thủ trên tuần dương hạm "Diana", tham gia cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905. Nhân đây cần nói thêm, có thể coi "Diana" là người anh em song sinh với “Rạng Đông” - chiến hạm lừng danh hồi tháng 10 năm 1917 đã phát đi tiếng gầm đại bác báo hiệu khởi đầu cuộc Cách mạng XHCN ở nước Nga. Cả hai tàu tuần dương đều được hạ thủy năm 1901, hình dạng và tính năng kỹ thuật của “Diana” và “Rạng Đông” thực sự giống y như nhau.

Trong đội ngũ hải quân của nước Nga Sa hoàng, hai chiến hạm “Diana” và “Rạng Đông” đều dự phần vào cuộc chiến Nga-Nhật. Chỉ có điều "Rạng Đông” tham gia các trận hải chiến ở vùng Viễn Đông trong năm 1905, còn "Diana" xuất kích sớm hơn, từ một năm trước đó. Tháng Hai 1904, “Diana” đã chống trả cuộc tấn công của các tàu chiến Nhật Bản tại căn cứ hải quân Nga trên lãnh thổ Trung Quốc là Port-Arthur. Tháng Tư năm ấy, “Diana” xông ra chặn đòn tấn công, phá vỡ kế hoạch của quân Nhật Bản toan vây chặt hạm đội Nga trong cảng Arthur. Tháng Sáu, cũng lại là “Diana” đột kích ra bên ngoài, chọc thủng vòng phong tỏa của đoàn tàu Nhật muốn bịt kín cửa ngõ ra vào cảng, bằng cách đó mở đường cho những chiến hạm đồng đội của bên Nga thoát ra biển khơi.

Tuy nhiên, từ Port Arthur những con tàu Nga đã không thể vượt qua trùng khơi để về lại bến bờ quê hương Nga ở Vladivostok. Một số tàu bị đối phương bắt giữ, số khác thì thủy thủ đoàn đã tự nổ mìn đánh chìm để tránh thân phận tù binh. Một bộ phận tàu Nga dạt vào bến cảng của những quốc gia trung lập. Với thân tàu thương tích vì bị đạn xuyên thủng dưới đường mớn nước, vào tháng Tám 1904, tuần dương hạm "Diana" đã tới cảng Sài Gòn. Chiến hạm Nga neo lại ở đó cho đến tháng Mười năm sau, khi cả “Rạng Đông” cũng cập bến Sài Gòn.

Cả hai con tàu cùng trở lại quê hương. Nhưng không phải là toàn thể thủy thủ đoàn của "Diana" đều khởi hành về Nga, - sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết.

“Trong thời gian buộc phải thả neo ở Sài Gòn, 12 thủy thủ Nga của “Diana” đã qua đời vì những vết thương hiểm nghèo trong cuộc chiến với quân Nhật. Các thủy thủ xấu số tạ thế nơi viễn xứ được chôn cất dưới những phần mộ riêng trong nghĩa trang thành phố, trên mỗi nấm mồ đều có bia đá cẩm thạch khắc rõ họ tên. Nhưng trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai phát-xít Nhật chiếm Việt Nam và đã hủy hoại mộ phần những đối thủ cũ mai táng từ cách đó bốn mươi năm, lính Nhật đập nát mọi bia chí”.

Các nhà ngoại giao Nga tại Việt Nam đã chỉ biết về những ngôi mộ này vào cuối những năm 70, khi kế hoạch cải tạo tổng thể thành phố Hồ Chí Minh được thực thi, chính quyền địa phương tiến hành di dời nghĩa trang cũ đến địa điểm mới. Sau khi gửi yêu cầu xác minh về Cơ quan Lưu trữ Trung tâm của Hải quân Nga, các nhà ngoại giao đã tìm thấy danh tính của 8 trong số 12 thủy thủ Nga từ trần ở Sài Gòn bao nhiêu năm trước. Đã có quyết định cải táng di cốt của họ vào ngôi mộ tập thể. Địa điểm mộ phần được phân bổ gần Lái Thiêu thuộc tỉnh Sông Bé. Năm 1985, trên nấm mộ đã kiến thiết đài tưởng niệm với chiếc bệ màu đen mang hình con tàu, phía trên là tấm bia trắng khắc dòng chữ: "Tưởng nhớ các thủy thủ Nga qua đời ở Sài Gòn", còn bên cạnh là chuỗi xích và chiếc mỏ neo.

Năm 2002 các đại diện chính thức của Giáo hội Chính thống Nga đã có chuyến thăm phụng vụ đến Việt Nam. Lần đầu tiên sau gần một trăm năm, nghi lễ cầu siêu Chính thống giáo được các linh mục cử hành trên nấm mồ những thủy thủ Nga. Từ đó trở đi, mỗi khi tàu chiến Nga ghé thăm miền Nam Việt Nam, các thủy thủ Nga đều tới viếng mộ những người đồng hương tiền bối.

Còn ở vị trí nghĩa trang cũ của thành phố, nơi thoạt đầu chôn cất thi hài các thủy thủ từ tuần dương hạm “Diana”, thì hồi đầu thập niên 80 các chuyên gia xô-viết đã giúp Việt Nam xây dựng Đài thu phát sóng vệ tinh mang tên “Hoa Sen”, tạo điều kiện để miền Nam Việt Nam hòa vào mạng truyền hình toàn cầu.