HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Giảng viên tiếng Nga đầu tiên ở Việt Nam
by Nguyễn Huy Cường - Friday, 29 June 2012, 10:50 PM
 
Hoạt động dạy tiếng Nga tại Việt Nam được bắt đầu cách đây 66 năm. Ở đây nói tới công tác giảng dạy chính thức, bởi những cá nhân có nguyện vọng có thể tự tìm hiểu tiếng Nga từ trước.


Sinh viên nước ngoài học tiếng Nga. Photo: RIA Novosti.

Có một tấm ảnh đặc biệt chụp tại Hà Nội vào những ngày Cách mạng tháng Tám. Trong ảnh là một nhóm người Việt giơ cao những tấm biểu ngữ chào mừng nền tự do và độc lập của Việt Nam. Khẩu hiệu trên các biểu ngữ được viết bằng tiếng Nga chuẩn mực, không hề mắc những lỗi đáng tiếc như gặp phải ngày nay trong các quảng cáo du lịch Việt Nam ở Nga.

Ai có thể viết những khẩu hiệu ấy? Chỉ có hai khả năng. Hoặc là người Nga đang có mặt ở Hà Nội trong những ngày tháng Tám năm 1945, hoặc là người Việt, khi ấy đã nắm vững kiến thức Nga ngữ. Cả hai giả thiết đều có tính hiện thực. Vào cuối những năm 1930 đầu những năm 1940, trên các tờ báo ở Hà Nội người ta có thể bắt gặp dòng quảng cáo: "Nhận dạy tiếng Nga". Lúc đó ở Hà Nội có hơn một chục người Nga. Nếu nhà khảo cổ học Viktor Golubev, người phát hiện ra Văn hóa Đông Sơn, không bao giờ mở lớp tư dạy tiếng Nga, thì lại cũng có thông tin chắc chắn rằng, người làm việc đó là Lerner cựu sĩ quan quân đội Sa hoàng.

Ba tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố độc lập, vào tháng 12 năm 1945, Khoa Kinh tế chính trị được thành lập tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ cương vị Trưởng khoa. Tại đây, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn cho đến khi người Pháp trở lại chiếm đóng Hà Nội, lần đầu tiên việc dạy tiếng Nga đã được chính thức thực hiện. Công tác giảng dạy được giao cho một người Nga là ông Orest Pletner. Chuyên viên Việt Nam học Anatoly Sokolov đã thuật lại như sau:

“Ông Orest Pletner sinh năm 1892, tốt nghiệp Khoa Đông phương Đại học St Petersburg, nơi ông nghiên cứu tiếng Nhật. Ông đã từng phục vụ tại Nhật Bản và từ tháng 4 năm 1941, theo lời mời của chính phủ Pháp ông đến Hà Nội làm việc”.

Ban đầu, giảng viên Orest Pletner dạy tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam và Pháp ở Viện Đại học Đông dương Hà Nội. Kể từ tháng 12 năm 1945, ông Orest Pletner bắt đầu dạy tiếng Nga cho sinh viên và các cán bộ chính quyền cách mạng. Ví dụ, trong số những người tham dự các bài giảng khi ấy có ông Nguyễn Thụy Ứng, người sau này trở thành dịch giả tiếng Nga lừng danh. Các buổi dạy của thầy giáo Nga Orest Pletner, người không biết tiếng Việt, được thực hiện thông qua tiếng Pháp, là ngoại ngữ mà các sinh viên đương thời của ông cũng nắm vững. Chẳng bao lâu sau khi Pháp quay trở lại chiếm đóng Hà Nội, ông Pletner trở về Nhật Bản tiếp tục hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình cho đến khi qua đời năm 1970 ở tuổi 77.

Mối quan tâm đến tiếng Nga ở Việt Nam, nơi giảng viên Orest Pletner khởi đầu công việc 66 năm trước đây, ngày càng một lớn mạnh. Một bằng chứng cho điều này là hoạt động Những ngày tiếng Nga, được tổ chức ở Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội. Với việc mở rộng hợp tác thương mại kinh tế và trao đổi du lịch giữa hai nước, nhu cầu về chuyên viên nắm vững tiếng Nga ở Việt Nam cũng gia tăng. Không những thế lần đầu tiên ở phía Nam, bắt đầu từ năm học này, tiếng Nga đã được đưa vào chương trình đào tạo của trường Trung học phổ thông Hòa Thắng, tỉnh Bình thuận.