Matxcova và Hà Nội dự kiến giảm thiểu vai trò của đô la Mỹ trong thương mại song phương và chuyển sang thanh toán lẫn nhau bằng bản tệ của nước là rúp Nga và đồng Việt Nam. Ở cấp độ nhà nước, cuộc thảo luận về sử dụng các đồng tiền quốc gia trong hoạt động thương mại song phương đang bước vào giai đoạn cuối cùng.
Ngân hàng Việt - Nga. Trong khi đó, kể từ cuối năm 2010 một số doanh nghiệp Nga và Việt Nam đã khai trương hoạt động thanh toán bằng đồng tiền quốc gia hai nước. Một số hợp đồng bán hàng cho Việt Nam của nhà máy chế tạo ô tô KAMAZ đã được thực hiện theo cơ chế này. Ông Bùi Thế Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng VRB-Moscow cho biết:
“Đây là một trong những bài toán rất quan trọng, mà chiến lược là làm thế nào để các doanh nghiệp hai bên thanh toán bằng đồng bản địa. Khi sử dụng đồng tiền thứ ba, các doanh nghiệp bị rủi ro về tỷ giá. Hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã sử dụng dịch vụ tài chính này tại ngân hàng liên doanh Việt – Nga, ví dụ như KAMAZ, VietSoPetro. Và chúng tôi hi vọng là những cơ chế mới, đặc biệt, dùng thanh toán Việt Nam đồng và rúp Nga sẽ ngày càng hấp dẫn”.
Ngân hàng liên doanh Việt-Nga (VRB), cơ sở tài chính đầu tiên tham gia thực hiện các hoạt động thanh toán bằng tiền rúp và tiền đồng, đã trở thành chủ thể chính trong sự hợp tác liên ngân hàng giữa hai nước. Cơ sở được thành lập bởi Ngân hàng Ngoại thương Nga VTB VTB và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Chi nhánh của VRB đã được mở tại tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu và Đà Nẵng. Hai năm trước, VRB khai trương công ty con của mình ở Matxcova.
VRB và VRB-Moscow có kế hoạch tham gia vào tiến trình dự án Rosatom về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Những triển vọng lớn trong ngành công nghiệp du lịch cũng mở ra đối với cơ sở tài chính. Người Nga không chỉ tích cực khám phá du lịch bờ biển Việt Nam mà còn bắt đầu mua bất động sản tại đây. Nhưng ngân hàng không chỉ giới hạn trong những nhiệm vụ này, - ông Bùi Thế Vũ cho biết.
“Nhiệm vụ chiến lược đặt ra là trở thành cầu nối tài chính của hai nước. bắt đầu phục vụ những đề tài lớn giữa hai nước, những dòng tiền lớn như dầu khí, quân sự. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phục vụ cộng đồng người Việt ở đây, hướng dẫn họ sử dụng những dịch vụ ngân hàng trắng. Đây là hai bài toán lớn nhất. Trong năm tới, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ tăng vốn cho ngân hàng, đến mức để cơ sở có thể phục vụ các khách hàng cá nhân, đáp ứng dịch vụ nhận tiền gửi, cho vay. VRB-Moscow nhận được nhiều sự giúp đỡ của Ngân hàng trung ương Nga cũng như của Matxcova. Doanh nghiệp được thành phố cho phép sử dụng thương hiệu Moscow trong tên gọi của ngân hàng, là điều không phải bất cứ cơ sở nào cũng có được”.
Khối lượng kim ngạch thương mại Nga-Việt hàng năm đang tiến tới con số 3 tỷ đô la. Có những đề án đầu tư lẫn nhau hiện được phát triển thành công. Không kể ngành công nghiệp dầu khí, tại Việt Nam ước tính có 60 đề án đầu tư của Nga trị giá gần 400 triệu đô la. Khối lượng đầu tư của Việt Nam vào Liên bang Nga hiện ở con số 250 triệu đô la. Hơn 100 doanh nhân Việt Nam tham gia hoạt động kinh doanh với Nga và họ quan tâm mở rộng quan hệ của mình tới các khu vực ở Liên bang.