HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Một kỳ quan trên bờ sông Neva
by Nguyễn Huy Cường - Wednesday, 20 June 2012, 11:40 PM
 
Một kỳ quan trên bờ sông Neva
(20:51, 09/07/2005)

Không phải ngẫu nhiên mà Petersburg (hay Saint Petersburg, từng có tên là Leningrad) là thành phố lớn duy nhất trên thế giới được trọn vẹn đưa vào danh sách Di sản văn hoá thế giới của UNESCO như một công trình bất hủ về lịch sử và văn hoá, về nghệ thuật xây dựng đô thị và nghệ thuật cảnh quan thế kỷ XVIII-XIX.

Được đích thân Piotr Đại đế khởi công xây dựng ở một nơi hoang vu và giữa cơn binh lửa chiến tranh vào năm 1703, thành phố mang tên đức vua có đầu óc cách tân này đã xuất hiện không phải như các thành phố khác là từ khu dân cư dần dần lớn lên thành đô thị. Nó mọc lên ngay lập tức, theo sự hình dung của người sáng lập, như một thiên đường trong tương lai, như niềm mơ ước mang tầm cỡ quốc gia và chỉ sau đó mới được vật chất hoá bằng các vật liệu đá và gỗ. Ban đầu nó được xây dựng không phải từ các đường phố và những ngôi nhà riêng lẻ mà ngay tức khắc thành những quần thể kiến trúc đồ sộ về không gian. Mỗi toà nhà, mỗi đường phố, mỗi cây cầu dường như được "lắp ráp" theo một quy hoạch, một ý tưởng đã có sẵn trong đầu óc nhà vua và các kiến trúc sư bậc thầy trong sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống của nền kiến trúc Nga và những chuẩn mực cổ điển của nền kiến trúc Âu châu. Điều đó đã khiến cho Petersburg có một bộ mặt độc đáo không giống bất cứ một thành phố nào trên thế giới.

Trên lãnh địa của đế đô phương Bắc này có tới 3.700 di tích lịch sử và văn hoá cỡ địa phương. Những công trình này đại diện cho tất cả các phong cách kiến trúc của ba thế kỷ, bắt đầu từ Barocco. Trước khi tháp truyền hình được xây dựng với chiều cao 316m, điểm cao nhất thành phố là nóc nhọn của pháo đài Petropavlovskaja - 122,5m.

Petersburg nằm ngay trên bờ một con sông có lưu lượng lớn nhất châu Âu - sông Neva với chiều rộng trong phạm vi thành phố tới 650m và độ sâu tới 14 - 23m. Những chiến hạm lớn có thể đi vào được sông này để tham dự các cuộc diễu hành của hải quân. Người Petersburg không phải vô cớ tự nhận mình là dân đảo bởi lẽ thành phố của họ toạ lạc trên 42 hòn đảo của châu thổ sông Neva. Trong phạm vi thành phố có hơn 40 chi lưu, con ngòi và gần 20 kênh đào được nối liền với nhau bằng gần 300 cây cầu. Toàn bộ chiều dài được ốp đá hoa cương của các con kênh và sông là 150km.

Petersburg chiếm vị trí dẫn đầu trong nhiều sự nghiệp vinh quang của lịch sử nước Nga. Trên bờ sông Neva người ta đã đóng chiếc tàu thuỷ đầu tiên chạy bằng hơi nước của Nga mang tên Elizabeta, chiếc tàu chiến đầu tiên của Nga Thần tốc, còn trong thời đại mới là chiếc tàu phá băng nguyên tử đầu tiên, chiếc tàu sinh thái chuyên dụng đầu tiên của Nga.

Petersburg đã thành lập phòng thí nghiệm hoá học đầu tiên trong nước của Lomonosov, đã khám phá ra định luật tuần hoàn của Mendeleev, đã được tiến hành những thí nghiệm của Pavlov và Sechenov.


Ngay dưới thời Piotr Đại đế tại đây đã thành lập viện bảo tàng công cộng đầu tiên ở Nga, thư viện quốc gia lâu đời nhất nước, nhạc viện đầu tiên, trường múa đầu tiên ở Nga. Cung điện Ermitage, một trong hơn 200 viện bảo tàng của thành phố, được ghi vào sách Kỷ lục Guinness với tư cách là bảo tàng tranh lớn nhất thế giới. Muốn đi xem hết tất cả các phòng, nơi bảo quản 3 triệu hiện vật nghệ thuật và đồ cổ, phải kinh qua một chặng đường dài 24km. Tại đây khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của các danh hoạ thế giới thuộc các dân tộc và các thời đại khác nhau, từ Leonardo da Vinci, Raffaelo, Goya cho đến Matisse, Gauguin, Picasso,...

Trong số những danh lam thắng cảnh hàng đầu của Petersburg, trước hết phải kể đến Pelergof hay còn gọi là Cung điện Mùa hè của vua Piotr. Khu dinh thự ven đô này của các vị vua chúa Nga có một quần thể cung điện và công viên nguy nga tráng lệ và một hệ thống vòi phun nước muôn hình muôn vẻ, độc nhất vô nhị trên thế giới, trải dài trên một diện tích mênh mông bát ngát rộng hàng trăm héc ta, giữa một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhà mỹ học Xô viết nổi tiếng A.Lunacharski đã gọi Petergof là "viên ngọc trai của nghệ thuật". Và quả thật, chính tại đây đã quy tụ những tác phẩm kiệt xuất của ngành điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ, ngành làm vườn và công viên của Nga trong 3 thế kỷ.

Trong những năm chiến tranh vệ quốc, Petergof đã bị bom phát xít tàn phá nặng nề và trên thực tế không còn tồn tại với tư cách là một di tích nghệ thuật. Nhưng nó đã được tái sinh. Các nhà phục chế Xô viết bằng sức lao động sáng tạo phi thường đã khôi phục 140 vòi phun nước và 3 thác nước, đã đổ lại toàn bộ 300 pho tượng và bức phù điêu, đã dựng lên từ đống đổ nát những toà lâu đài, cung điện, đã phục hồi việc quy hoạch công viên, trồng mới hơn 10 nghìn cây các loại.

Một đặc điểm nổi bật của Petersburg: đó là một thành phố cực Bắc trong số những thành phố lớn trên thế giới - nó chỉ nằm cách vòng Bắc cực có 6 độ, ở đây về mùa Hè có ngày cực liên tục. Ánh hồi quang ban ngày đã tạo nên một hiện tượng kỳ diệu của thiên nhiên mà thành phố này được thừa hưởng. Ấy là những đêm trắng ngà ngà màu sữa đầy vẻ thơ mộng vốn đã từng đi vào sáng tác của những văn hào Nga vĩ đại như Puskin, Gogol, Dostoevsk...

Vào những đêm trắng huyền ảo đó, được sánh vai cùng người bạn gái tha thẩn thả bộ trên đại lộ Nevski rồi dừng chân trên bờ sông Neva vào lúc nửa đêm và ngắm nhìn chiếc cầu Hoàng cung khổng lồ từ từ tách ra làm đôi, nâng bổng lên ở hai phía để cho tàu bè qua lại, vào những giây phút ấy ta thấy cuộc đời đẹp lạ lùng và kỳ diệu!

Đến Petersburg, cũng xin chớ quên rằng ta còn đến thăm thành phố của ba cuộc cách mạng, thành phố anh hùng.

Chính tại Petersburg, chiếc nôi của cách mạng vô sản thế giới, đã diễn ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại mà nhà báo tiến bộ Mỹ John Reed chứng kiến tận mắt và gọi là Mười ngày rung chuyển thế giới.

Phát đạn giả bắn ra từ chiến hạm Rạng đông đậu trên sông Neva vào đêm 25/10/1917 để làm hiệu cho cuộc tấn công của các công nhân, binh sĩ và thuỷ quân vào Cung điện Mùa đông - hang ổ cuối cùng của chính phủ lâm thời - đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Từ điện Smolnyi, trụ sở bộ tham mưu của Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi và chính tại đây đã được thành lập chính phủ công nông đầu tiên trên thế giới.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) điện Smolnyi đã trở thành trung tâm của cuộc phòng thủ huyền thoại của quân và dân thành phố Leningrad trong suốt 900 ngày đêm bị phát xít Đức phong toả hòng tiêu diệt ý chí bất khuất của thành phố này. Xin hãy nhớ mấy con số: 250.000 quả đại bác và trái bom của địch đã được trút xuống đây. Hơn 3.000 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn và 7.000 ngôi nhà bị hư hại nặng. Chỉ riêng trong nghĩa trang Piskarevskoe, gần nửa triệu người dân Leningrad đã chết vì đói rét và bị sát hại bởi bom đạn quân xâm lược.

Khẩu phần của mọi người bị cắt giảm đến mức tối đa: 125gr bánh mì trong một ngày cho các cán bộ, nhân viên, người già và trẻ em, 250gr cho công nhân, 300gr cho bộ đội ở hậu phương, 500gr cho bộ đội ở tiền phương.

Trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, chỉ nội việc sống được đã là một chiến công. Nhưng thành phố của Lenin vẫn chiến đấu và lao động quên mình. 200.000 người dân Leningrad đã gia nhập đội dân binh, 40.000 người được bổ sung vào bộ đội chủ lực, nửa triệu nam phụ lão ấu đã tham gia xây dựng công sự dưới hoả lực của quân thù. Để bảo vệ thành phố thân yêu của mình, công nhân Leningrad đã cho xuất xưởng 2.000 xe tăng, 1.500 động cơ máy bay, hàng nghìn khẩu pháo...

Năm 1924 thành phố Petrograd (tức Petersburg) được đổi tên thành Leningrad; từ năm 1991 cho đến nay trở lại là Petersburg.

Những ngày cuối tháng 5/2003, thành phố Petersburg được trang trí lộng lẫy, rực rỡ cờ hoa để đón chào ngày sinh lần thứ 300 của mình.

Một chương trình lễ kỷ niệm hết sức phong phú và đa dạng gồm mấy trăm tiết mục kéo dài suốt 10 ngày đã được thực hiện một cách hết sức ngoạn mục. Trong dịp vui này, thành phố đã được đón tiếp hơn 40 nguyên thủ quốc gia trên thế giới với hàng ngàn khách mời từ khắp năm châu bốn biển. Tại đây đã được ký kết một văn bản quan trọng - bản Tuyên bố Petersburg về sự bảo vệ di sản văn hoá lịch sử của các thành phố. Các đại biểu của 60 thành phố trên thế giới đã đặt bút ký vào văn kiện này.