|
Ga Xô-côn-nhi-ki
|
Đối với người Matxcơva, tàu điện ngầm (metro) là cái gì đó rất đỗi thân thương. Nó không đơn giản là phương tiện giao thông phổ biến, mà còn là công trình văn hóa - khoa học - nghệ thuật độc đáo và là niềm tự hào của mỗi người dân Nga...
1. Nhanh và chính xác
Tàu đến, dừng và chuyển động ở mỗi ga thường không quá 1 phút (giờ cao điểm). Nếu bạn đến công sở hay hẹn gặp ai đó mà không muốn bị lỡ hẹn, tốt nhất nên đi metro.
2. Rẻ
Thời Liên bang Xô Viết, giá vé cho một lần đi metro là 5 kopek (1 rúp = 100 kopek). Lương tối thiểu khi đó khoảng 100 rúp (mua được chừng 2.000 lượt vé). Nay là 35 rúp/10 lượt. Nếu chỉ đi một lượt thì phải trả 5 rúp. Dự kiến từ ngày 1/10, giá vé cho một lượt sẽ là 7 rúp. Lương hưu tối thiểu ở Matxcơva khoảng gần 3.000 rúp (mua được chừng 850 lượt vé). Giá như thế là rẻ so với nhiều nước có metro (1 USD = 31,67 rúp).
3. Sạch
Có thể nói rằng tàu điện ngầm là phương tiện công cộng sạch nhất ở Nga. Người ta thường xuyên lau chùi, quét dọn. Hiếm khi thấy rác rưởi, bụi bặm ở đây. Để giữ được sự sạch, đẹp như thế, ngoài công sức của các nhân viên phục vụ, còn phụ thuộc vào ý thức cao của hành khách. Trúng xổ số độc đắc có lẽ còn dễ hơn bắt được ai đó hút thuốc lá trong tàu điện ngầm.
4. An toàn
Dẫu có tới gần 400 đoàn tàu xuôi ngược trong lòng đất, các tàu chạy cách nhau từ 1-3 phút, tốc độ trung bình 70-75 km/h, nhưng rất hiếm khi có tai nạn. Một vài trường hợp xảy ra đều là lỗi của hành khách say rượu hoặc không tuân thủ nội quy đi tàu.
5. Chở được nhiều người
10 triệu lượt người/ngày (từ 5h sáng hôm trước đến 1h sáng hôm sau). Nghĩa là trong 20 giờ chuyển động liên tục, metro có thể chở được toàn bộ số dân của Hungary, hơn 2 lần số dân nội ngoại thành của TP HCM hoặc gần 1,5 lần số dân Thụy Sĩ. Thử hình dung 10 triệu lượt người ấy mà tràn lên mặt đất, liệu có phương tiện nào kham nổi và thành phố sẽ ùn tắc ra sao?
6. Mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông
Trong việc thiết kế các công trình ngầm, người Nga là những bậc thầy. Hiện nay có cả thảy 162 ga. Khoảng tháng 11 năm nay sẽ là 163 ga (mở lại ga “Những quả đồi của chim sẻ”, trước đây đoạn này đi ngầm dưới lòng sông Matxcơva). Tương lai sẽ mở thêm trên một chục ga nữa. Trung bình mỗi ga dài khoảng 3,5-4 km, với xấp xỉ 400 đôi tàu xuôi ngược và dự trữ. Mỗi đoàn tàu có 7 toa như tàu hỏa, có ghế đệm mút nhưng diện tích chủ yếu làm chỗ đứng cho hành khách.
Cuộc chiến tranh Vệ quốc đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học Xô Viết tài ba và những công trình lớn, trong đó phải kể đến công trình ngầm metro. Người ta đào sâu vào lòng đất khoảng 50-60 mét. Có nơi sâu hơn. Gọi là “đào” nhưng thực ra là chiếc máy chuyên dụng nén đất đá xung quanh đường hầm, sau đó đổ bê tông thành đường ống khổng lồ, để trong cái ống đó cả đoàn tàu chạy xuôi ngược. Ga metro đầu tiên của Nga được khởi công vào cuối những năm 20 của thế kỷ 20 (1929-1933), nghĩa là cách đây hơn 70 năm. Do có hệ thống thông gió tốt (bản thân tàu chạy đã thông gió rất mạnh), lại sâu trong lòng đất nên mùa hè trong metro rất mát, còn mùa đông thì ấm áp (dao động từ +18 đến +22 độ C), dù trên mặt đất nhiệt độ có thể từ -35 đến +35 độ C.
7. Thuận tiện, dễ tìm
Mỗi ga metro và trong mỗi toa tàu đều có biển chỉ đường và sơ đồ hướng dẫn cách đi. Biển chỉ đường và sơ đồ hướng dẫn đẹp, đơn giản, dễ tìm và dễ đi, thậm chí ngay cả khi bạn không biết tiếng Nga. Matxcơva rất rộng, diện tích tương đương khoảng 1/3 đồng bằng Bắc Bộ, và dân số trên dưới 10 triệu người. Việc định hướng số nhà, tên phố sẽ dễ hơn nhiều nếu ta biết được ngôi nhà ấy, phố ấy ở gần ga metro nào.
8. Đẹp
Kết hợp một cách hài hòa giữa cái hiện đại và cổ kính: Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tour du lịch của Nga đều dành chương trình đi tham quan các ga metro. Hầu như ngày nào người ta cũng bắt gặp du khách chụp ảnh, quay video và miệng luôn thì thào thán phục.
Trước hết, mỗi ga metro thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tính lịch sử và rất... Nga. Bàn tay, khối óc của các nhà bác học, kỹ sư, công nhân và cả nghệ nhân Nga đã tạo nên nhiều công trình nghệ thuật về kiến trúc: Những bức họa khổng lồ trên trần ga, các pho tượng, biểu tượng, hoa văn, họa tiết cả cổ kính lẫn hiện đại, đan xen cùng màu sắc hài hòa. Người ta có cảm tưởng đây là một góc của bảo tàng nghệ thuật chứ không phải công trình giao thông công cộng. 163 ga là 163 kiến trúc khác nhau và mang rõ nét từng chặng đường lịch sử hào hùng của nước Nga và Liên bang Xô Viết trước đây, đặc biệt lịch sử cận, hiện đại: Puskinskaia, Komsomolskaia, Park-Kultur, Cách mạng Tháng Mười, Thư viện Lenin... Các quầy sách, báo, tạp chí và quầy hoa tươi càng làm cho metro thêm phần đẹp rực rỡ.
9. Dành nhiều ưu tiên cho người dân
Những người về hưu, phục vụ trong các lực lượng quân đội, hải quân, công an, biên phòng, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, người tàn tật, cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải... cùng khoảng 60 đối tượng khác, chiếm chừng 40% số lượng hành khách được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố Matxcơva (metro, xe buýt, ôtô điện, xe điện...) miễn phí. Như vậy, chỉ riêng metro đã dành gần nửa triệu USD/ngày để phục vụ các đối tượng trên.
10. Nhiều người đọc sách báo nhất
Có thể nói, người Nga là một dân tộc rất yêu đọc sách. Đây là nét văn hóa tiêu biểu mà ai từng đặt chân đến Matxcơva đều nhận thấy. Số người đọc sách báo, tạp chí trong các toa hầu như luôn đứng ở mức từ 25 đến 30%.