HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Matxcơva - thành phố của Pushkin!
by Nguyễn Huy Cường - Wednesday, 20 June 2012, 11:27 PM
 

Svetlana Kurchina (Tạp chí «Туризм и Oтдых»)
Phạm Thúy Hồng dịch


Ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới nhất định đều có những nơi gắn chặt với tên tuổi của những người nào đó. Và có những con người bất chợt bạn nhớ đến đã từng hiện diện ở những nơi đấy . Với nước Nga, có thể nói về Peterburg của Phiodor Dostoevskogo (Федора Достоевского), Arbat (Арбат) của Bulata Okudzhava (Булата Окуджава), Tarus (Тарус) của Marina Tsvetaevaya (Марина Цветаевая), Ryazan (Рязань) của Sergei Esenin (Сергей Есенин), và Moskva (Мoсква) сủa Aleksandr Pushkin (Александр Пушкин).

Moskva của Pushkin không phải là một bảo tàng mang tính chất một khu bảo tồn với ranh giới rõ rệt. Những địa chỉ của Mátxcơva gắn liền với tên tuổi của nhà thơ cần phải cố ý tìm kiếm mới thấy, bởi vì không phải nơi nào cũng được đánh dấu bằng những tấm bảng tưởng niệm. Những đại lộ, những con đường và những tòa nhà thường thường ở cách xa nhau. Vì thế để đi khắp Moskva - thành phố của Pushkin cần phải mất hơn một ngày.

Có thể tranh cãi mãi rằng: 37 năm- là nhiều hay ít đối với một đời người, đối với văn học hay đối với lịch sử: Từ 37 mùa xuân xanh đó, Pushkin là người Moskva chỉ vỏn vẹn hơn 12 năm. Tuy nhiên, Moskva lại chiếm một vị trí đáng kể trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Pushkin đã sinh ra và đã từng trải qua thời thơ ấu của mình ở đây. Dĩ nhiên là từ đó đến nay Moskva đã đổi thay rất nhiều, nhưng mặc cho bước chạy của lịch sử, nhiều ngôi nhà trong thành phố vẫn giữ được những kỉ niệm về nhà thơ: nơi thì ông đã từng ở, nơi thì ông đến thăm bạn bè, người thân.

Hồi đầu thế kỷ ХIX, bộ mặt của Matxcơva gợi cho người ta nhớ đến một ngôi làng rộng lớn. Toàn bộ những khu vực từ Ostozhenka (Остоженка) đến Povarskaya (Поварская) là những tòa dinh thự quý tộc cổ điển được xây dựng rộng khắp và dày đặc. Ở cái thủ đô “đã về vườn này” mà những người dân Peterburg vẫn thường khinh bỉ gọi nó là tỉnh lẻ thì trên những con phố ấm cúng xuất hiện những cung điện nguy nga tráng lệ được xây dựng bởi những kiến trúc sư giỏi nhất nước Nga.

Nhưng Moskva vào thời điểm của Pushkin thì không chỉ toàn là sự hào nhoáng và hoa lệ mà vào thời điểm đó, nói như K. Batyushkov (К. Батюшков), là những sự đối lập hiếm có trong kết cấu và lối sống của người dân. Ở đây, liền kề với sự xa hoa là sự bần cùng, liền kề với sự dư dả thừa thãi là cái nghèo cùng cực. Xã hội quý tộc Mátxcơva-những con người được giải thoát khỏi những nghĩa vụ công dân bắt buộc (không phải đi làm) sống một cuộc sống hết sức vô tâm. Họ lấp đầy quỹ thời gian của mình bằng những thú tiêu khiển, những trò giải trí bất tận. Những cuộc thăm viếng buổi sáng nghiễm nghiên trở thành những cuộc dạo chơi quanh đại lộ Tver (Тверь). Sau đó, họ lại tíu tít vội vã tới những bữa cơm khách, và buổi tối thì lại tản ra đi đến những cuộc vũ hội, nhà hát và câu lạc bộ. Vậy đấy, cuộc sống của giới quý tộc Nga đã trôi qua trong bầu không khí nhàn nhã và vô ưu (vô tư lự). Và trong môi trường đó, cậu bé Pushkin đã được nuôi dạy khôn lớn.

Dòng họ Pushkin là một dòng họ quý tộc lâu đời được biết đến từ thế kỷ 13. Nhiều kẻ thù của Pushkin đã bóng gió mỉa mai ông về nguồn gốc xuất thân từ một người nô lệ châu Phi. Mà dường như được mua bởi một chai rượu rum. Về điều này Pushkin đã kiêu hãnh trả lời rằng: “Tôi hết mực quý trọng tên của tổ tiên tôi- đây chính là sự thừa kế duy nhất mà tổ tiên tôi đã truyền lại cho tôi.”

“Chúng ta là những kẻ lười biếng và chẳng chịu tìm tòi”- Pushkin đã nói như thế về những người cùng thời của mình. Và chúng ta chẳng thể nào mà không đồng ý với ông bởi vì chính chúng ta cho đến bây giờ vẫn còn không biết chính xác về việc ông đã sinh ra ở đâu. Những người chép tiểu sử đầu tiên chỉ ra rằng Pushkin đã sinh ra ở Molchanovka (Молчановка), còn một số khác lại quả quyết rằng Pushkin sinh ra ở Peterburg. Một tấm bảng tưởng niệm (мемориальная доска) về sự chào đời của Pushkin đã có mặt rất lâu trong một trong những ngôi nhà của phố người Đức (bây giờ là phố Bauman (Бауман). Nhưng sau các cuộc tìm tòi trong kho hồ sơ lưu trữ, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng đấy hoàn toàn không phải là ngôi nhà mà Pushkin đã sinh ra. Nói chung, các nhà nghiên cứu Pushkin còn nhiều việc để làm lắm...

Và tất cả sự khởi đầu của thành phố Moskva-Pushkin thì cần phải tìm kiếm trên địa bàn của khu dân cư Basman (Басман) cũ. Đối với thời gian đó, hồ sơ lưu trữ của nhà thờ được xem là đáng tin cậy hơn cả. Thực vậy, trong sổ ghi chép của nhà thờ Bogoyavlenye (Богоявление) ở Elokhov (Елохов) vẫn còn lưu giữ lại những dòng chi chép về sự ra đời của Александр Пушкин trong ngôi nhà của người đăng lục Skvortsov (Скворцов). Dường như là mọi sự đã rõ ràng nếu như cái ông Skvortsov này không có đến vài ngôi nhà trong vùng giáo khu Elokhov. Trong số những nơi mà nhiều khả năng Pushkin đã chào đời thì ngôi nhà số 10 trên phố Bauman (Бауман) và ngôi nhà ở phía góc giữa ngõ Gospital (Госпитальный) và phố Malaya Pochtovaya (Малая Почтовая) thì đáng tin cậy hơn cả.

Người dân Moskva hiện nay có thể cho rằng dòng họ Pushkin vì cái nghèo cùng cực đã buộc phải sống ở một nơi hết sức xa xôi của thành phố như vậy. Trong khi đó, vào cuối thế kỷ 13, người ta nói về khu dân cư người Đức như là cái bộ mặt tuyệt đẹp bên ngoài của Moskva, là tâm điểm của sự trí thức và giàu có

Nhà thờ của giáo khu nằm ở đại giáo đường Bogoyavlenye. Ở đây không chỉ có người dân của giáo khu Еlokhov tới thăm viếng mà còn có những người Đức theo đạo Chính thống giáo. Và những người này càng lúc càng trở nên nhiều hơn. Tại ngôi nhà thờ này nay chỉ còn lại tháp chuông và phòng ăn, Aleksandr Pushkin đã được rửa tội.

Nhưng cái tên Pushkin còn được gắn liền với một ngôi nhà thờ nữa của khu dân cư này. Đó là nhà thờ thánh Piotr (Пётр) và thánh Pavel (Павел) nằm trên phố Novaya Basmannaya (Новая Басманная). Diện mạo bên ngoài của nó có một vài ba nét khác thường. Ngôi nhà thờ này gồm có 2 phần: ngôi nhà thờ nhỏ riêng và tòa tháp chuông cao. Chúng được xây dựng vào những thời kỳ khác nhau. Nếu như tòa tháp chuông có thể dễ dàng xếp vào kiểu kiến trúc barocco thì phong cách kiến trúc của nhà thờ này có vẻ khó nhận biết hơn. Đó là một hình bát giác đơn sơ kết thúc bằng mái vòm có nhiều cạnh với chòi ban công nhỏ hoàn toàn không theo kiểu Nga và một chóp nhọn ở đỉnh đầu

Vẻ bề ngoài hết sức độc đáo của nhà thờ giải thích rằng người ta đã xây dựng nó vào thế kỷ 18 theo bức họa của chính Piotr đại đế! Có lẽ hoàng đế mong muốn xây dựng một ngôi thánh đường ở Moskva giống như những gì ông nhìn thấy ở châu Âu. Và chính nơi đây, ông tổ V.Y. Chycherin (В.И.Чичерин) của Pushkin đã được chôn cất.

Trên phố Staraya Basmannaya (Старая Басманная) ít nhất có ba nơi liên liên quan tới dòng họ Pushkin. Đó là ngôi nhà số 37 mà chú của Pushkin là V.L. Pushkin (В.Л.Пушкин) đã thuê nó. Ngay lúc đó, chú của Pushkin được thừa kế ngôi nhà số 28. Và chính tại nơi đây, trong ngôi nhà thờ mang tên thánh Nikita (Никита) – thánh tử vì đạo người ta đã đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông chú yêu quý của Pushkin vào mùa hè năm 1830.

Một vài năm thơ bé, nhà thơ đã sống ở khu Ogorod (Огород) nằm trong vùng Chistiie prudii (Чистые пруды). Gia đình Pushkin hay thay đổi căn hộ. “Hứng thú với việc thay đổi chỗ ở là một trong những nét lạ lùng trong tính cách của bà mẹ nhà thơ - Nadezhda Osypova (Надежда Осипова). Nếu như việc di chuyển vì một nguyên nhân nào đó không thể nào thực hiện được thì bà sẽ sắp đặt lại mọi thứ giường tủ trong phòng, biến một phòng làm việc thành một phòng ngủ, làm mới lại tất cả (везде обои...)

Một trong những ngôi nhà mà dòng họ Pushkin đã từng sống được gìn giữ cho đến ngày nay là dinh thự của công tước Yusupov (Юсупов) (căn nhà số 21 theo con hẻm Bolshoy Khariton (Большой Харистоньев). Hiện giờ là phần bên trái của ngôi nhà (nếu như nhìn từ phía con hẻm) là điển hình cho sự kết hợp về hội họa của một số tòa nhà. Chính tại đây “trong ngõ phố Khariton” dòng tộc Yusupov có một khu vườn được quy hoạch giống kiểu vườn trong cung điện Versailles (của Pháp) :có những lối đi thẳng tắp trồng cây hai bên và một cái ao tròn có hai cầu thang dẫn xuống vệ ao

Để từ phố đi vào khu vườn thì phải đi qua những cổng chính mà đằng sau nó là khu vực với những bức tượng tưởng niệm. Tất cả mọi người đều có thể đi dạo trong khu vườn này nhưng tất nhiên với hàm ý là những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Cả những đứa trẻ của nhà Pushkin cũng chơi trong khu vườn ấy-những đứa trẻ mà vào mùa hè không bị đưa đi khỏi Moskva bởi vì Sergei Lvovich (Сергей Львович) không thích thú gì làng quê cả.

Sau khi đứa cháu trai chào đời thì bà Maria Alekseevna Gannibal (Мария Алексеевна Ганнибал) cũng chuyển đến Moskva. Bà của nhà thơ là một con người vô cùng nhân hậu của gia đình. Theo bằng chứng của những người đương thời “ gia đình Pushkin sống rất vui vẻ và cởi mở và toàn thể ngôi nhà phần lớn là do bà cụ Gannibal quản lý- một người phụ nữ hết mực thông minh, thạo việc và khôn ngoan. Bà biết cách cần phải tổ chức cuộc sống gia đình như thế nào, cũng như cần phải tiếp khách và chăm sóc trẻ con như thế nào. Cậu bé Casha Pushkin ở vào độ tuổi lên 7 là một cậu bé khá vụng về, ngờ nghệch. Bố mẹ cố ý bắt cậu bé phải vui chơi và chạy nhảy với những người bạn đồng tuổi. Thỉnh thoảng, để khỏi phải làm theo những yêu cầu đầy rắc rối ấy của bố mẹ, Pushkin đã trốn ở chỗ bà, leo vào cái giỏ chứa đồ nghề đan thêu của bà và chăm chú quan sát công việc của bà một hồi rất lâu.

Tuổi thơ của Pushkin không hạnh phúc cũng không bất hạnh đó là những gì mà những người viết tiểu sử về ông cố hình dung như vậy. Cậu bé tóc xoăn với khuôn mặt bánh mật và với đôi mắt sống động đã lớn lên và trưởng thành mà chẳng ai hay biết. Bảy tuổi, cậu bắt đầu sống ở làng quê, trong cái điền trang ngoại ô Moskva của bà mình- làng Zakharovo (Захарово). Nơi đây, hít thở khí trời tự do cậu bé đã trở nên hết sức lanh lợi, hoạt bát. Bây giờ thì bố mẹ đã không phải thất vọng vì những trò nghịch ngợm của cậu nữa. Cậu bé Pushkin không còn bỏ chạy khỏi phòng khách mỗi khi khách đến. Mà ở đó toàn là những Karamzin (Карамзин), Batyushkov (Батюшков), Dmitriev (Дмитриев), Zhukovskyi (Жуковский). Tại đây, khi được nghe những cuộc nói chuyện của những người bạn văn học quý tộc nổi tiếng và quen thuộc của cha mình, đánh giá những bài thơ trào phúng và những trò chơi chữ, Pushkin đã tìm lối thoát cho sự hài hước, óc châm biếm của mình . Việc giáo dục ở nhà mà nhà thơ đã được lĩnh hội là điển hình cho xã hội quý tộc thời bấy giờ, vào cái thời mà lối sống nửa Pháp thống trị cả một xã hội như thế. Như bây giờ mọi người vẫn nói, nhà thơ tương lai đã tự làm nên chính mình. Ông say mê đọc rất nhiều sách. Khi Pushkin ở tuổi niên thiếu, ông đã được chuyển sang chăm sóc bởi người nô bộc tên là Nikita Kolzola (Никита Козлова), người mà sau này đã ở cùng Pushkin cho đến tận cuối đời và đã tận tay đưa đi chôn cất ông.

Gia đình Pushkin quyết định rằng việc giáo dục ở nhà đối với con trẻ còn ít và không đầy đủ. Vì thế mùa hè năm 1822 khi Pushkin được 12 tuổi, ông đã từ giã Moskva để thi vào trường trung học dành cho con em quý tộc mang tên Tsarkosel (Царскосель) . Trên tờ giấy kiểm tra của Pushkin - hiện vẫn còn được lưu giữ ngài hiệu trưởng đã phê bút : “Aleksandr Sergeevich Pushkin. Nông nổi và hời hợt, khá môn tiếng Pháp và vẽ, nhưng trong môn số học thì lười và tụt hậu ..” Có một điều thú vị là trong kỳ thi chỉ có Pushkin là cho thấy sự hiểu biết tốt về tiếng Nga.

Khi tốt nghiệp trường trung học nhà thơ sống ở thành phố Peterburg. Ông chỉ có thể quay trở lại Moskva vào năm 1826, kịp thời chịu lãnh hình phạt đi đày ở Kyshenev (Kишенев) và sau đó là ở điền trang Mixhalov (Михалов) của dòng họ mình ở tỉnh hạt Pskov (Псков). Trong khi trở về Mátxcơva thì một điều không ngờ đã xảy ra cho chính nhà thơ. Người đứng đầu hiến binh là Benkendorph (Бенкендорф) bắt đầu hay biết rằng ở Moskva các đoạn thơ trong các bài thơ bị cấm của Pushkin đã được phổ biến rộng rãi. Và ông đã vội vã báo tin cho Nga Hoàng Nhikolai (Николай) đệ I biết về điều này. Và Nga hoàng mong muốn tự mình định đoạt số phận của nhà thơ.

Pushkin đã hoàn toàn nhìn thấy Moskva không phải là Moskva mà hồi xưa ông đã từ giã nó: sau trận cháy năm 1812, Moskva đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của nó. Nhưng đằng sau cái bộ mặt mới của nó thì cuộc sống vô ưu của giới quý tộc vẫn đều đặn tiếp diễn như trước. Trong bộ quần áo đi đường, Pushkin đã trực tiếp trình diện trước mặt Nga Hoàng. Nội dung của cuộc nói chuyện giữa Nga hoàng và nhà thơ thì chẳng ai biết chính xác. Chỉ biết rằng buổi tối hôm đó, tại buổi khiêu vũ Sa hoàng này đã nói: “Hôm nay tôi đã được nói chuyện rất lâu với người thông minh nhất nước Nga-với Pushkin.”

Kết quả của buổi nói chuyện đó nhà thơ đã nhận được sự tự do, nhưng nói đúng hơn là đó chỉ là ảo tưởng bởi vì mỗi chuyến đi của mình nhà thơ phải được phép nhà vua mới có thể đi. Nhà thơ cũng không có quyền đọc cho các bạn mình nghe những bài thơ của mình nếu như chưa qua sự kiểm duyệt của Sa Hoàng. Nhưng tất cả còn ở tương lai, còn hiện tại, bước ra khỏi phòng Nga hoàng, nhà thơ không thể nào vui mừng vì cái sự tự do mà mình nhận được từ Nga hoàng. Sau cuộc trò chuyện đó nhà thơ đã đi đến khách sạn “Evropa” (“Европа”) nằm trên phố Тver (nhà số 6) . Thuê ở đó một căn phòng xấu xí và để đồ đạc của mình ở đó, Pushkin đi tới người chú Vasilii Lvovich vốn đang rất đỗi kinh ngạc này. Tin tức về việc Pushkin đến Moskva đã lan ra khá nhanh khắp Moskva. Quả thực trong những ngày đó, việc Pushkin đến Moskva thực sự là tin tức nóng hổi.

Tạm quên đi xã hội thượng lưu Pushkin trong những buổi đầu tiên đã thực sự bị lôi cuốn bởi vòng xoáy sôi động của cuộc sống Moskva ở đây. Ông gần như không cầm bút mà chỉ toàn tận hưởng cuộc sống nơi đây. Những buổi vũ hội, những cuộc thăm viếng của người quen, bạn bè đã chiếm toàn bộ thời gian của ông.

Trong chuyến đi kế tiếp đến Moskva, nhà thơ đã ở nhờ nhà người bạn là S. Sobolevskyi (С. Соболевский) trong ngôi nhà nằm ở khu đất Sobache (Собачье). Сuộc sống ở đây diễn ra hoàn toàn ồn ào và vô lối. Chính Pushkin khi đó đã bị cuốn hút bởi trò đánh bài. Thật tiếc là khu đất Sobache không còn được giữ lại. Tất cả đã bị tháo dỡ hết khi xây dựng đại lộ Kalinskii (Калининский) ( tên khác là Novii Arbat (Новый Арбат).

Mùa đông năm 1829 tại nhà một người thầy dạy nhảy Yogel (Йогель), Pushkin lần đầu tiên nhìn thấy Natalya Goncharova (Наталья Гончарова) khi ấy tròn 16 tuổi mà theo lời của nhà thơ “là ông đã hoàn toàn bị hớp hồn”. Và vào ngày 1 tháng 5 nhà thơ đã cầu hôn người đẹp. Bà mẹ của Natalya quả quyết rằng chồng của con gái bà phải là người có gia thế khá khẩm hơn Pushkin. Nên họ từ chối Pushkin với lý do là Natalya còn quá trẻ. Thế nhưng nhà thơ lại cầu hôn lần thứ 2 vào mùa xuân kế tiếp và đã được chấp nhận. Bà mẹ Natalya Ivanovna (Наталья Ивановна) tuyên bố thẳng thắn với con rể tương lai rằng bà không có tiền để lo của hồi môn cho con gái và vì thế đám cưới được hoãn lại cho tới tháng 9. Nói chung, ở Moskva gia đình Goncharov sống khá chật vật, và luôn luôn cố gắng đưa Pushkin ra khỏi nhà trước bữa ăn trưa hoặc ăn tối. Cha nhà thơ đã chia cho ông 1 phần của điền trang Boldinskyi (Больдинский) để lo cho chi phí đám cưới.

Những mối họa đổ dồn dập xuống đầu Pushkin. Là thế này, vào tháng 8 chú Vasilii Lvovich của ông qua đời. Cái chết dẫn đến những khoản chi bất ngờ, và vì điều đó theo lệ cũ thì phải hoãn đám cưới lại. Xung đột với mẹ vợ tương lai, Pushkin rời đến Boldino (Болдино) nơi mà nhà thơ bị giữ lại vài tháng vì có dịch tả trong vùng. Nhưng không vô ích khi nói rằng sự thất bại trong đời sống riêng tư lại tạo điều kiện cho sự thành công rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác của mình. Trong thời gian này, nhà thơ đã viết đến chương thứ 8 của tiểu thuyết “Evgeny Onegin” , sáng tác “Những truyện kể của ông Belkin” («Повести Белкина»), “Hiệp sĩ hà tiện” («Скупный рыцарь»), “Yến tiệc thời kỳ thổ tả” («Пир во время чумы»), “Chuyện cổ tích về cha cố” («Сказка о попе»), .. và nhiều tác phẩm khác nữa.

Chỉ vào đầu tháng 12 Pushkin mới tới Moskva. Đám cưới được ấn định vào ngày 18/2, nhưng tình cảnh này không đem lại niềm vui cho nhà thơ. Trước hôn lễ, ông đã cầm cố điền trang Nhizhegorod (Hижегород) để đổi lấy 38 ngàn rúp. Ông lấy ra 11 ngàn rúp để đưa cho mẹ vợ mình mua của hồi môn cho Natalya, và 10 ngàn để trang trải cho các khoản nợ cờ bạc. Số tiền còn lại là để trang trải cho cuộc sống trong 1 năm.

Ông đã thuê 1 căn hộ trên phố Аrbat (bây giờ là nhà số 53) cho tổ ấm của mình. Đêm trước đám cưới Pushkin đã tổ chức 1 buổi tiệc malchishnik (мaльчишник) – 1 buổi tiệc độc đáo nhằm để chia tay với cuộc sống độc thân của mình.

Lễ cưới của ông diễn ra tại nhà thơ Bolshoe Voznesenie (Большое Вознесение) ở cổng lớn Nhikita. Tuy nhiên ngôi thánh đường chỉ được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 1840. Rõ ràng là mọi việc diễn ra tại phòng ăn dành cho các tu sĩ mà lúc đó đã được hoàn thành xong và đã được làm phép thánh. Những người đương thời của nhà thơ nhớ lại rằng trong lúc cử hành hôn lễ đã xảy ra một số sự việc báo hiệu mọi điều chẳng lành. Đó là khi nến được thắp sáng ở chỗ chú rể và người phù rể giữ vòng hoa trên đầu chú rể than mệt và xin đổi người. Sau hôn lễ, đôi vợ chồng trẻ tổ chức một bữa ăn tối thịnh soạn trong căn hộ của mình trên phố Arbat. Pushkin đã trả tiền thuê căn hộ này trước nửa năm, nhưng cảm thấy ngạt thở vì cuộc sống ở đây nên chỉ sau một tháng ông đã nhờ bạn bè của mình tìm một chỗ ở tại Tsarskoe Selo (Царское Село). Những sự bất đồng ý kiến với mẹ vợ đã đuổi nhà thơ khỏi Moskva. Vào giữa tháng 5 gia đình Pushkin chuyển đến Tsarskoe Selo và không còn đặt chân đến Moskva nữa.

Có hay chăng là những chuyến đi sau này của Pushkin đến Moskva chủ yếu là để thu xếp những khoản nợ cờ bạc. “Anh không thích Moskva của em..” nhà thơ đã thú nhận với người vợ của mình trong thư như vậy. Lần cuối cùng Pushkin đến Moskva là vào năm 1836. Chính những công việc của việc xuất bản tờ “Sovremennik” (“Современник”) đã đưa ông tới đây. Buổi chiều cuối cùng nhà thơ đã ở chỗ người bạn lâu năm của mình là P.V. Nashokin (П.В. Нащокин). Đó là vào ngày 29/5. Ông đã đọc bản thảo của vở kịch “Rusalka” «Русалька» (nàng tiên cá). Các bạn của ông không nghi ngờ rằng đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy Pushkin.

Tin tức về cái chết của Pushkin bay nhanh khắp Peterburg và bằng cách nào đó tin tức đã lan đến Mátxcơva trước cả báo chí đưa tin. Toàn giới trí thức Nga run lên vì sư mất mát quá lớn lao này.

... Ý tưởng dựng tượng nhà thơ có từ năm 1860. Việc mở sổ đăng ký quyên góp toàn Nga đã được triển khai, thiết kế cũng đã được lập, thế nhưng dòng tiền quyên góp chuyển về mỗi ngày một cạn, và cuối cùng thì ngừng hẳn. Người ta quay trở lại vấn đề này vào năm 1870. Lúc ấy có quyết định là dựng tượng đài Pushkin không phải ở Tsarskoe Selo mà là ở Moskva. Hội đồng thị chính thành phố Moska đã dành một khoảnh đất trên đại lộ Тver để dựng tượng Pushkin. Bản thiết kế của A.P. Opekushin (А.П Опекушин) đã thắng trong cuộc tuyển chọn. Người ta lại tiếp tục quyên góp và tổng cộng thu được 106 ngàn rúp. Đó hoàn toàn là tiền của nhân dân được thu tới từng đồng kôpech nhỏ mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ ngân khố quốc gia.

Tượng đài Pushkin được khánh thành vào ngày 6/6 năm 1880. Tượng đài thực sự vững chắc và vĩ đại. Phía mặt trước của bệ tượng có khắc 1 chữ duy nhất «Пушкину» (nghĩa là dành tặng Pushkin). Một chữ đó đã diễn tả hết mọi thứ: cả tình yêu dân tộc và sự tưởng nhớ đời đời.