HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Ngôn ngữ của ta – người bạn của ta
by Nguyễn Huy Cường - Friday, 15 June 2012, 01:29 PM
 


Ngôn ngữ - đó không chỉ giản đơn là phương tiện truyền tải và thu nhận thông tin. Và nếu nói đôi mắt là tấm gương phản chiếu tâm hồn của một người, thì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu tâm hồn của dân tộc nói thứ tiếng ấy. Vì rằng trong mỗi ngôn ngữ đều hàm chứa tất cả sự mẫn tiệp thông thái lẫn sự ngu xuẩn trì độn của dân gian, ngôn ngữ thể hiện tất cả những sắc thái của quan hệ tương hỗ nhân bản, tất cả những cung bậc xúc cảm và tất cả những tiểu dị trong thế giới quan… Như nhà sư phạm Nga lỗi lạc Ushinski từng nói, “ngôn ngữ là chính cuộc sống, là chính mối liên hệ dồi dào và bền chặt, nối kết những người đang sống và thế hệ tương lai của dân tộc trong hằng số lịch sử vẹn nguyên …”.

Cho tới ngày 4 tháng 11, khi Đại hội “Thế giới Nga” lần thứ IV hoàn thành các công việc của mình, mọi người đã thảo luận hầu như tất cả các khía cạnh của nội dung quảng bá và phổ biến tiếng Nga trên thế giới. Hỗ trợ cho việc dạy và nghiên cứu tiếng Nga – là một nhiệm vụ quan trọng trong sự hợp tác của Nga với các nước ngoài gần xa. Tại Đại hội ở thủ đô Matxcơva đã có sự tham gia của hơn 200 giảng viên tiếng Nga, các vị hiệu trưởng trường phổ thông nước ngoài và các trung tâm tiếng Nga từ 50 nước khắp thế giới. Phóng viên Đài "Tiếng nói nước Nga" đã trao đổi ý kiến với một số thành viên châu Á trong diễn đàn, tìm hiểu về tình hình với việc dạy và học tiếng Nga ở những nước phương Đông này.

Đại diện Việt Nam, nữ giám đốc Trung tâm Nga thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Mai Nguyễn Tuyết Hoa chia xẻ rằng, trong những năm gần đây, các sinh viên Việt Nam có nguyện vọng nghiên cứu tiếng Nga, nhưng chỉ trừ chỉ tiêu có hạn ở một số công ty kinh doanh du lịch theo hướng Nga, còn thì tìm được việc làm sử dụng thứ ngôn ngữ này sau khi ra trường, vẫn là cả một vấn đề khá nan giải. Tuy nhiên tình hình đang bắt đầu có những chuyển biến và nữ giám đốc trẻ thể hiện tinh thần lạc quan. Tham dự Đại hội tiếng Nga lần này, chị Mai Nguyễn Tuyết Hoa thấy ý nghĩa của diễn đàn chuyên đề trước hết là tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo Trung tâm Nga từ các nước cùng nhau trao đổi kinh nghiệm – chính là điều chị và các đồng nghiệp ở Việt Nam đang rất mong đợi.

Còn một nhà lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu tiếng Nga khác là giáo sư Tuya Gotov từ Đại học Tổng hợp khoa học và công nghệ Mông Cổ, thì kể rằng, trong thập niên vừa qua, tiếng Nga gần như “bay biến” khỏi đất nước thảo nguyên châu Á. Thế nhưng cách đây chưa lâu, trên địa bàn Mông Cổ phát hiện được vùng chứa trữ lượng tài nguyên uranium, thu hút sự quan tâm của phía Nga cũng như Nhật Bản. Từ đó mà đã xuất hiện nhu cầu về kiến thức tiếng Nga. Bà Tuya Gotov tự hào thông báo rằng, trong trường đại học ở thủ đô Mông Cổ hiện đang có 4.500 sinh viên học tiếng Nga, là môn học bắt buộc của chương trình đào tạo. Theo quan điểm của bà Tuya Gotov, để nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp những người thầy truyền đạt tình cảm yêu mến tiếng Nga, văn hóa Nga sang cho học trò, thì chính các giảng viên tiếng Nga cần được tiếp xung lực bằng những chuyến thăm Nga, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm công tác. “Tôi cho rằng, để có thể thức tỉnh mối quan tâm đến tiếng Nga, trước hết các giáo viên phải được trải nghiệm sự hứng thú nồng cháy cả với ngôn ngữ lẫn với đất nước của thứ tiếng ấy. Giảng viên tiếng Nga cần thường xuyên tới thăm Nga. Cá nhân tôi đến Nga lần gần nhất cũng đã cách đây 20 năm. Tất cả mọi thứ đều thay đổi. Và ngôn ngữ như một cơ thể sống, cũng phát triển, biến đổi không ngừng, thẩm thấu trong nó mọi đổi thay diễn ra trong cộng đồng xã hội. Nếu ai không lĩnh hội được điều đó, thì khó có thể trở thành giảng viên dạy ngoại ngữ giỏi…”

Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Nga của Đại học Tổng hợp Soka (Nhật Bản) là giáo sư Seidzi Sasaki cũng thông báo, ở Nhật hiện đang bộc lộ sự giảm sút mối quan tâm của các sinh viên đối với tiếng Nga. Nguyên nhân là bởi tình trạng hạn chế về ứng dụng thứ ngôn ngữ này trong xã hội Nhật Bản. Giáo sư Seidzi Sasaki nhận xét: “Khác với Trung Quốc, hiện thời Nhật Bản còn chưa có nhiều liên hệ kinh tế và đề án chung với Nga. Dù sao chăng nữa thì những người thạo tiếng Nga vẫn rất khó tìm được việc làm. Cần có xung lực mạnh nào đó, cần có tác nhân thúc đẩy sâu sắc nào đó đối với việc nghiên cứu tiếng nước ngoài. Những xung lực cũ – như tác phẩm của Tolstoy, Dostoevski – hiện nay đã không còn phát huy tác dụng như thời trước. Thế giới đang phát triển rất năng động, giới trẻ khắp nơi tích cực giao lưu với nhau, và để thúc đẩy nhu cầu muốn học ngoại ngữ, thì cần phải có hình thức cú hích thật hấp dẫn, thu hút…”.

Quả là như vậy. Thời Liên Xô, đông đảo thanh niên lao vào học tiếng Anh, chỉ bởi muốn hiểu thấu những ý tưởng trong ca từ của nhóm “Beatles”. Nhìn lại có thể thấy, mối quan tâm chân thực và nồng nhiệt với tiếng Nga đã từng được dấy lên bởi chuyến bay của Gagarin vào vũ trụ, rồi sau đó, là cuộc “perestroika” của Gorbachev và sự cải biến Liên bang Xô-viết “đóng kín” về mọi phương diện thành nước Nga mới, dân chủ và cởi mở trước toàn thế giới.

Còn những xung lực nào nữa có thể thúc đẩy mối quan tâm đến tiếng Nga? Đấy là câu hỏi mà Quĩ “Thế giới Nga” phải lưu tâm giải quyết trong thời gian tới.