|
Đại học tổng hợp Lomonosov
|
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, mặc dù phải tập trung toàn lực cho việc xây dựng, khôi phục lại hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề, nhưng chính sách của nhà nước Liên Xô vẫn ưu tiên rất lớn cho việc phát triển giáo dục.
Ngoài việc tiến hành một cách quy mô và khoa học sự nghiệp giáo dục phổ cập cho nhân dân, nền giáo dục Liên Xô còn đầu tư cho việc đào tạo sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và chuyên gia nước ngoài kể cả hệ thống xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa.
Không kể số học sinh thực tập ngắn hạn, nâng cao trình độ, số học sinh theo học các chuyên ngành đặc biệt, theo công trình mới nhất của Bêlov V.A. (xem “Đào tạo sinh viên nước ngoài trong các trướng Đại học Liên Xô” – ĐHTH Quốc gia Kalinỉngat 4/2003) từ năm 1945 đến năm 1985 Liên Xô đã đào tạo 417.226 cán bộ khoa học cho 124 nước, trong đó có 34.088 sinh viên, cán bộ khoa học Việt Nam. Có thể nói, với tính ưu việt của nền khoa học giáo dục số một trên thế giới, Liên Xô đã để lại cho Việt Nam một di sản vô giá, có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc vệ quốc và kiến quốc.
Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc về sự ham học, sáng tạo, đức độ và những phẩm giá cao quý của dân tộc đối với những bậc thầy và cán bộ của những trường Đại học Nga danh tiếng. Trải qua cuộc bể dâu với những đổi thay trong cơ chế, nhưng nền giáo dục của LB Nga với một hệ thống giảng dạy được cải cách phù hợp với thời đại mới trên nền tảng của nền giáo dục Xô-viết vẫn khẳng định được vị thế hàng đầu của mình đối với quốc tế. Chỉ sau bốn năm (1991-1995) nền giáo dục phổ thông và Đại học Nga đã vượt qua sự khủng hoảng trong giai đoạn bản lề, lấy lại được sự thăng bằng trong cơ chế thị trường mới.
Trước đây, 100% việc gửi Lưu học sinh sang học ở Liên Xô hoàn toàn theo con đường nhà nước, giữa Bộ Giáo dục bà Đào tạo của hai quốc gia. Trừ một số cán bộ, học sinh chuyên ngành, còn lại đại đa số học sinh sau khi được tuyển chọn đều phải học qua một năm dự bị ngoại ngữ. Khi sang Liên Xô một số ít có khả năng học thẳng chuyên môn, số còn lại thì phải tiếp tục học tiếng Nga một năm trước khi bước vào năm thứ nhất. Vì học sinh đi nước ngoài trước thập kỉ 90 đều được lựa chọn kĩ càng về trình độ và phẩm cách nên kết quả học tập và rèn luyện của lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô đều rất cao và rất đáng tự hào.
Từ khoảng năm 1991 đến cuối năm 1996 ở các trường Đại học Nga thưa vắng sinh viên Việt Nam. Trong khi đó số sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Châu Âu, Châu Mỹ chiếm đa số. Những sinh viên Việt Nam lúc này theo học chủ yếu là số còn lại theo Hiệp định cũ; một số khác theo con đường hợp tác riêng rẽ giữa các trường của hai nước. Một cơ chế đào tạo mới còn chưa ra đời, còn cơ chế cũ thì không còn hiệu lực. Thêm vào đó, tâm lý phổ biến của giới trẻ là không thích du học ở Nga với lí do tình hình an ninh ở Nga lộn xộn; học xong về nước không tìm được việc làm. Khoa Dự bị tiếng Nga trong nước bị thu hẹp tới mức, những cán bộ, giáo viên tiếng Nga phần lớn phải chuyển nghề, phải tự trang bị thêm kiến thức tiếng Anh, tiếng Pháp để mưu sinh.
Nhưng tình hình từ sau năm 1997, đặc biệt là từ sau năm 2000 trở lại đây đã hoàn toàn khác hẳn.Với chính sách đào tạo trả tiền, nhiều trường Đại học ở Nga được phép tự hạch toán, nhận sinh viên nước ngoài. Đây là một cơ hội đẻ giải quyết đầu ra cho nhiều học sinh thi trượt Đại học trong nước. Các gia đình khá giả, có điều kiện thu nhập cao và rất cao thì cho con cái sang học ở Mỹ, Anh, Pháp, Úc..., vừa hợp mốt, vừa thể hiện được phong độ kinh thế của mình.
Hệ thống dịch vụ du học mở cánh cửa tiên phong để gánh vác sứ mạng cao cả là đưa học sinh xuất ngoại. Tiến trình thủ tục du học tự túc không có gì phức tạp. Các cơ sở chiêu mộ sinh viên trong nước mở rộng hệ thống quảng cáo, rao trình trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự hấp dẫn về kiến thức, giá cả, trách nhiệm của trung tâm. Khi đã có tân sinh viên đăng kí, đặt cọc tiền, lập tức cơ sở chiêu mộ báo cho đầu phía Nga tên tuổi, các dữ liệu cần thiết của sinh viên tương lai. Chỉ trong vài ngày, giấy mời của Nhà trường với nội dung là đồng ý mời đối tượng sang học theo chế độ tự túc sẽ được fax về. Giấy mời này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là trình cho Vụ Xuất nhập cảnh Việt Nam để làm hộ chiếu. Khi có số hộ chiếu, cơ sở dịch vụ phía Nga sẽ làm Giấy mời của Bộ Ngoại giao Nga gửi về làm visa xuất cảnh. Sinh viên sau khi làm xong nghĩa vụ tài chínhgồm các khoản thủ tục, tiền vé, tiến đưa đón sân bay, tiền nhà ở, tiền đăng kí... sẽ được học dự bị chín tháng tiếng Nga. Nếu học sinh thi đạt điểm các môn thi, không vi phạm kỉ luật, sẽ được chọn ngành. Và dĩ nhiên khi nộp đủ tiền cho năm học mới thì sẽ trở thành sinh viên thực thụ. Với chi phí hàng năm bao gồm tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt… dao động từ 3000 đô-la Mỹ đối với những trường tạm gọi là bình dân; khoảng 5000 đô-la Mỹ đối với các trường cao cấp, so với việc du học Âu Mỹ thì có thể nói là quá mềm, trong khi nền giáo dục ở Nga, Đại học ở Nga vẫn được xếp hạng hàng đầu thế giới.
Sinh viên học tự túc chủ yếu sống trong các kí túc xá của trường, tự nấu lấy ăn; một số có người thân thì về ở chung căn hộ. Không ít sinh viên dù không được chuẩn bị tiếng Nga, sang Nga mới bắt đầu học, nhưng nhờ sự cần cù, chăm chỉ và nỗ lực bản thân nên đạt kết quả học tập rất cao. Những sinh viên ý thức được việc bỏ tiền đi mua chữ xứ người nên tập trung thời gian tối đa cho việc học hành, sớm thể hiện bản lĩnh của mình trong việc định hướng nghề nghiệp. Một số đơn vị sinh viên đã có những đóng góp rất tích cực vào các hoạt động xã hội của cộng đồng. Nhiều con em gia đình nghèo còn tranh thủ đi bán báo,làm thêm trong mùa hè để có tiền mua quần áo, đồ dùng học tập. Về lâu dài, số sinh viên hiện nay đang học tập tại Nga sẽ là nguồn bổ sung cho thế hệ cán bộ cũ trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga, văn học Nga, và các ngành khoa học khác. Vì vậy, sinh viên tại Nga dù là du học theo con đường Hiệp định hay du học tự túc đều được tôn trọng và được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Thế nhưng bên cạnh những mặt sáng, còn có biết bao sự mập mờ và bất cập. Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng học tập của một số sinh viên tự túc. Đại đa số sinh viên sang đây đều được gia đình trang bị máy tính, điện thoại di dộng. Nhiều sinh viên chỉ sau khi sang Nga nửa năm đã tậu ô tô xịn và nhiều tiện nghi đắt tiền. Say sưa trò chơi điện tử, chat qua mạng suốt đêm, xem phim triền miên... là việc phổ biến của không ít sinh viên. Dĩ nhiên, những vị này ban ngày ngủ, bỏ giờ lên lớp. Trong sổ ghi chép của một giáo viên tiếng Nga ở trường MGXU có sinh viên bỏ tới 76 giờ trong 9 tháng học; còn số bỏ tới vài chục giờ thì không phải là hiếm! Có cô giáo Nga đã nói rất thật rằng, bây giờ cô không muốn dạy sinh viên Việt Nam, chỉ vì một lý do là không muốn đánh mất hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam thế hệ trước !
Vào các “ốp” ở của các Trung tâm Thương mại người Việt, dễ dàng bắt gặp các sinh viên trong quán karaokê, bàn chơi bida, đánh bài bạc,uống rượu trong quán xá. Nhiều sinh viên ăn mặc lố lăng thái quá, cặp bồ, thuê phòng ngang nhiên chung sống như vợ chồng ngay từ năm thứ nhất, bất chấp dư luận. Các tiệc sinh nhật, lễ lạt tổ chức triền miên và tốn kém. Có sinh viên chuyên cá cược bóng đá ở Xaliut2, một cư xá của người Việt đã không ngần ngại móc túi bỏ ra 300 đô-la Mỹ chiêu đãi bạn bè uống và hát. Qua tìm hiểu, được biết số sinh viên đến hiệu sách, thư viện, bảo tàng, tham quan các danh lam thắng cảnh rất ít. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên trước điểm số rất thấp của sinh viên Việt Nam. Số sinh viên dự bị bị đuổi học khá nhiều, từ đó xẩy ra cảnh sinh viên bị đuổi trường này, lại chạy sang nộp tiền học trường khác!
Ở trong nước có gia đình có con nghiện ngập đã ngộ nhận rằng, đưa con sang nước ngoài ở môi trường mới sẽ thay đổi và cải tạo được. Nhưng thức chất đưa con sang Nga, không có bố mẹ quản lí, cuộc sống tự do, số sinh viên này lại nghiện nặng hơn, tiêu tiền nhiều hơn và có nhiều hành vi phạm pháp, gây ảnh hưởng tới cộng đồng.
Tại Matxcova hiện tại có 8 tờ báo ngày. Mồi tờ báo dành ra khoảng 6 trang quảng cáo. Bên cạnh những quảng cáo về hàng hoá, ăn uống, cắt tóc, hộ khẩu, thuê nhà, tìm bạn... là quảng cáo du học! Ở thời điểm này, tại thủ đô Nga có tới 13 điểm làm dịch vụ tuyển người, không tính các thành phố khác; tất nhiên trong nước thì không tính xuể. Lần theo các quảng cáo tại Matxcơva, thì thấy không ít đại diện các cơ sở tuyển sinh viên du học là người bán hàng khô, hàng vải, là người buôn điện thoại di động, bán hàng ăn... kiêm nhiệm. Như thế mới thấy rằng cái sự du học có hơi hướng chợ búa. Ngưòi ta cho rằng dịch vụ du học là một trong dịch vụ lãi nhất. Các trung tâm mộ người cho tiếp thị viên bủa khắp các trường phổ thông rào đón, chào mời số học sinh thi trượt đi xuất ngoại. Rồi cơ sở nọ, trung tâm kia, tổ chức hội thảo, khuyến cáo trên các báo, lôi kéo các nhân vật và cơ quan có tiếng tăm vào guồng dịch vụ. Việc đưa người đi du học hoàn toàn không cần vốn liếng, có thể nói một cách dân gian là dùng mỡ rán mỡ. Cứ nhẩm tính số tiền sinh viên phải nộp trừ di số tiền cơ sở dịch vụ trả cho Nhà trường và các công đoạn là ra số lãi. Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ đơn giản như vậy, các chủ dịch vụ còn được hưởng khoản lại quả của Tây, được hưởng khoản ưu đãi phần trăm của Hàng không và những sự vụ chênh lệch khác nữa. Quả thật , nếu dịch vụ du học không béo bở thì làm sao các cuộc cạnh tranh lại quyết liệt đến thế! Có một chủ dịch vụ tổng hợp, khi thấy mảnh đất du học Nga béo bở, liền trưng ngay ở Giảng Võ một trung tâm, phái ông chồng bị cơ quan đuổi việc sang Nga móc nối, phong là Viện trưởng Du học, rồi tuyên truyền tuyển người như tuyển dân công hoả tuyến. Chỉ chưa đầy ba năm, chủ dịch vụ này đã lên nhà, lên trang trại Hoà Lạc, tậu xe hơi... và thỉnh thoảng sang Nga để mở mang bờ cõi. Và điều rất ngạc nhiên là thu nhập của loại hình dịch vụ này cao ngất ngưởng như vậy, mà khoản thuế má hoặc là không nộp, hoặc là chỉ gọi là có!
Có khá nhiều cơ sở du học “mang con bỏ chợ”, sau khi đưa người sang Nga, thu xong tiền, nhập học xong là phủi tay, hết trách nhiệm, không quan tâm tới những rủi ro và khó khăn của sinh viên. Nhưng cơ may, vẫn còn có một số cơ sở, tổ chức như trường Giao thông Đường sắt, Giao thông đường bộ, trường Xây dựng, trường Năng lượng, trường Hữu nghị các dân tộc... rất quan tâm tới việc học hành của sinh viên. Các cơ sở này theo dõi giờ lên lớp, bảng điểm, sức khoẻ, sinh hoạt của sinh viên rồi hàng tháng thông báo cho các gia đình có con theo học. Đây là một hình thúc kiểm soát có hiệu quả đối với các sinh viên lần đầu tiên bước vào môi trường tự lập. Được biết có một vài cơ sở còn giúp quản lý tiền nong, hàng tháng sinh viên dến nhận tiền chi tiêu theo mức gia đình cho phép.
Để môi trường du học tự túc lành mạnh, thiết nghĩ cần có một chính sách quản lý rõ ràng, tránh sự lạm dụng lòng tin của những người không có thông tin và những việc làm thiếu trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ.