HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Cuốn sách quý "Ngày kỷ niệm vàng" của Hội Hữu nghị Nga - Việt
by Nguyễn Huy Cường - Friday, 15 June 2012, 01:20 PM
 

Nguyễn Đăng Phát (Mekong News)

Chủ tịch V.Buianov (bên trái) và Thiếu tướng về hưu A. Pozdeev
cầm cờ hiệu của Hội có chữ ký lưu niệm của các thành viên đoàn leo núi Elbrus

Cuốn sách vừa ra còn thơm mùi mực là lập tức Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt Vladimir Buianov và Thiếu tướng về hưu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Hội Anatoly Pozdeev gọi điện báo tin mừng cho tôi mời tôi đến ngay Học viện Luật pháp và Kinh tế Mátxcơva (nơi ông Vladimir Buianov làm Giám đốc) để cùng đàm đạo với hai ông và nhận sách biếu. Tôi có vinh hạnh đó bởi vì tôi là người vẫn thường xuyên gặp gỡ, liên hệ với hai ông cũng như những cán bộ khác của Hội Hữu nghị Nga – Việt. Hơn nữa, tôi cũng đã góp một phần nho nhỏ vào việc biên soạn, ấn hành cuốn sách này : ngoài việc chuyển cho ban biên tập mấy chục bức ảnh từ kho tư liệu ảnh của cơ quan TTXVN, tôi đã tặng Hội một số ảnh tôi chụp trong ba năm thường trú ở Mátxcơva và chân tình trao đổi, góp ý về vấn đề này, vấn đề khác liên quan cuốn sách này.

Đó là cuốn “Liên Xô, Nga – Việt Nam. Tình hữu nghị được thời gian kiểm nghiệm” (СССР/Россия – Вьетнам. Дружба, проверенная временем. 1958 – 2008) do Hội Hữu nghị Nga – Việt (ORVD) ấn hành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Hội (trước đây là Hội Hữu nghị Xô – Việt). Phải nói rằng đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách. Đây là trái tim, là tấm lòng của những người Nga đã cống hiến một phần cuộc đời mình, cả mồ hôi và có khi cả xương máu, cho Việt Nam, những người đang nỗ lực không mệt mỏi để sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị có truyền thống lâu đời và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân Nga và nhân Việt Nam ngày càng sâu sắc hơn, bền vững hơn nữa. Chính ông Vladimir Buianov đã làm Chủ tịch Hội đồng biên tập và ông Anatoly Pozdeev chịu trách nhiệm biên tập chính cuốn sách quý này. Trong Hội đồng biên tập còn có Chủ tịch danh dự ORVD E. Glazunov; Phó Chủ tịch thứ nhất ORVD, nguyên phóng viên TASS tại Việt Nam E. Kobelev; nhà du hành vũ trụ, hai lần Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Việt Nam, V. Gorbatko; nguyên Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam, B. Chaplin; Thượng tướng, nguyên trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam A. Khyupenen; và nhiều nhà quản lý, nhà văn, nhà báo khác luôn luôn gắn bó với Việt Nam.

Cuốn sách rất đẹp mà lại giàu nội dung, thật sự là một kỷ vật đúng vào dịp Hội Hữu nghị Nga – Việt mừng “ngày lễ vàng” của mình. Được in trên giấy tốt, khổ 22 x 30 cm, dày 200 trang, bìa cứng. Ở bìa một nổi bật biểu trưng của Hội Hữu nghị Nga – Việt với gam màu đỏ, xanh, trắng là màu cờ Việt Nam và cờ Nga. Bìa bốn in hai bức ảnh màu đặc trưng cho cảnh sắc nước Nga và Việt Nam. Đó là rừng bạch dương, với chú thích bằng hai câu thơ của Sergey Esenin. Và cánh đồng Việt Nam vào vụ gặt, lúa vàng dưới nắng, những người nông dân đội nón cần mẫn lao động, chếch một bên là lũy tre, phía xa là một dãy núi ... Bức ảnh được chú thích bằng bốn câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi dịch ra tiếng Nga :

Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn !
Cánh cò bay lả rập rờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều …”

(Вьетнам страна родная !
Прекрасны поля рисовые
Летают в небе аисты
Хребты Чыонгшон в облаках видны ...)

Ông V. Buianov giới thiệu quyển sách

Với cách trình bày như vậy, cuốn sách ngay từ đầu đem lại cho bất kỳ người Nga hay người Việt nào một cảm giác hết sức thân thương, cảm giác về sự đan quyện hài hòa cái hồn của xứ sở bạch dương và ruộng đồng, núi đồi nước Việt. Phần nội dung cơ bản của cuốn sách gồm 8 chương : 50 năm hữu nghị và hợp tác; Cội nguồn tình hữu nghị; Thời kỳ hình thành (1958 – 1965); Thời gian khó (1965 – 1973); Những thành quả của tình hữu nghị và lao động sáng tạo (1975 – 1991); Quan hệ văn hóa giữa hai dân tộc; Thử thách độ bền vững (1991 – 2008); Quan hệ Nga – Việt : lịch sử và hiện đại. Ngoài ra, phần phụ lục gồm những văn kiện cơ bản xác lập mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam và một phần phóng sự ảnh “Việt Nam ngày nay” gồm 16 trang với 41 bức ảnh màu do các phóng viên TTXVN và Chủ tịch Hội Vladimir Buianov chụp trong những lần ông thăm Việt Nam.

Bất kỳ ai đọc cuốn sách “Liên Xô, Nga – Việt Nam. Tình hữu nghị được thời gian kiểm nghiệm” đều được biết các thủy thủ Nga đã đặt chân đến Việt Nam trong Thế kỷ 19. Nhưng quan hệ giữa hai dân tộc bắt đầu phát triển sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Đầu những năm 20 của Thế kỷ 20 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt ở Mátxcơva. Quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam được thiết lập chính thức năm 1950 và Hội Hữu nghị Việt – Xô được thành lập ngay năm đó. Năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đi thăm chính thức Liên Xô. Ngày 31-7-1958, Hội Hữu nghị Xô – Việt được thành lập. Sau này, ở LB Nga, có lúc Hội đã mang tên “Hội Hữu nghị với Việt Nam của LB Nga”, nhưng đại hội lần thứ tư của Hội hồi tháng 4-2007 quyết định đổi tên thành Hội Hữu nghị Nga – Việt như hiện nay; Tiến sĩ khoa học kinh tế Vladimir Buianov , nguyên chuyên gia Liên Xô tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Hội.

Như Hội đồng biên tập cuốn sách nhấn mạnh trong lời nói đầu, “Hội Hữu nghị Nga – Việt ngày nay dựa vào những truyền thống tốt đẹp nhất trong hoạt động của Hội, ra sức góp phần củng cố và phát triển hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân LB Nga và CHXHCN Việt Nam. Các thành viên của Hội tin tưởng điều đó đáp ứng các lợi ích chiến lược của cả Nga và Việt Nam, lợi ích hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Riêng về cuốn sách mới này, những người biên soạn cho rằng đây chỉ là một phần rất nhỏ những câu chuyện, những kỷ niệm, những hình ảnh về hoạt động của Hội Hữu nghị trong nửa Thế kỷ qua, về sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam, về tình cảm hữu nghị bền chặt và sự hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước . 50 năm là một chặng đường lịch sử không dài, nhưng trong 50 năm lịch sử của Hội Hữu nghị Nga – Việt có biết bao sự kiện sáng ngời mà có lẽ phải nhiều pho sách đồ sộ mới có thể phản ánh được tương đối đầy đủ.

Có một hoạt động độc đáo nữa nhân dịp kỷ niệm Hội Hữu nghị Nga – Việt 50 tuổi. Đó là chuyến hành quân leo lên đỉnh núi Elbrus cao nhất châu Âu kéo dài từ ngày ngày 1 đến 11-8 của đoàn "liên quân" của Học viện Luật pháp và Kinh tế Mátxcơva và Hạm đội Biển Bắc Nga do Giám đốc V. Buianov , Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, dẫn đầu. Trưa ngày 8-8, đoàn leo núi đã cắm cờ hiệu và gắn biểu tượng của Hội Hữu nghị Nga - Việt, Học viện Luật pháp và Kinh tế Mátxcơva và Hạm đội Biển Bắc tại đỉnh phía Tây của núi Elbrus cao 5642 mét. Thực thế, chuyến leo núi này cũng nhằm kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Luật pháp và Kinh tế Mátxcơva, 75 năm thành lập Hạm đội Biển Bắc.

Một cờ hiệu như thế này của Hội Hữu nghị Nga – Việt hiện đang tung bay lên đỉnh Elbrus

Elbrus là ngọn núi thuộc vùng Kavkaz, ở khu vực biên biên giới hai nước cộng hòa Cabácđinô - Bancaria và Caratraevô - Tréckexia thuộc LB Nga. Đây là điểm cao nhất LB Nga và châu Âu. Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc leo núi chinh phục đỉnh cao này được thực hiện vào ngày 22-7-1829. Đối với chúng ta, có lẽ kỳ thú nhất là lá cờ hiệu của Hội, trong đó có dòng chữ Việt “Hội Hữu nghị Nga – Việt” hiện đang phần phật tung bay trên nóc nhà châu Âu !