HANU
 
 
Picture of Nguyễn Huy Cường
Người Liên Xô trong “rừng rậm” Việt Nam
by Nguyễn Huy Cường - Sunday, 10 June 2012, 12:02 AM
 
Đầu năm 2005, Nhà xuất bản Kỳ thi của Nga đã cho ra mắt cuốn sách mang tên “Chiến tranh ở Việt Nam đã diễn ra như thế nào?”. Đây là tập hồi ký của một số chuyên gia Liên Xô trước đây đã từng công tác ở Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh từ năm 1965 đến năm 1973. Vừa ra mắt, cuốn sách đã gây khá nhiều sự chú ý của dư luận và được đưa ngay vào tủ sách giáo dục truyền thống yêu nước trong các trường đại học Nga. Dưới đây là câu chuyện của thiếu tướng I-u-ri A-lếch-xây-ê-vích, nguyên Phó tư lệnh quân đoàn phòng không đặc biệt số 17 thuộc quân khu Mát-xcơ-va, người từ tháng 3-1965 đến tháng 2-1966 là chuyên gia tại tiểu đoàn 82, trung đoàn phòng không 238 của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Đoàn tàu bí mật xuyên Xi-bê-ri

Năm 1964, tôi nhận được lệnh chuẩn bị làm thủ tục ra nước ngoài công tác. Tháng 8-1964, khi đến địa điểm tập kết tại Trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan phòng không thuộc Quân khu Ba-kin, nghe phong phanh sẽ sang công tác tại An-giê-ri. Điểm mặt, nhóm chúng tôi chủ yếu là sĩ quan và chiến sĩ thuộc Quân khu Ba-kin và Trường sĩ quan phòng không mang tên Oóc-giô-nhi-kít-gien-xki. Đến tháng 11 thì mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất và tất cả được đi nghỉ phép năm 1965.

Đầu tháng giêng năm 1965, tôi đang nghỉ tại I-rơ-cút thì nhận được điện của tiểu đoàn trưởng lệnh quay lại gấp trung tâm huấn luyện. Đến nơi mới biết là kế hoạch đi An-giê-ri đã thay đổi và nhóm chúng tôi được giao nhiệm vụ quan trọng hơn. Dò hỏi mãi cũng chỉ biết đó là một đất nước cũng nóng và ẩm như An-giê-ri. Tôi được lệnh thành lập một đại đội tên lửa để bắt tay vào huấn luyện. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch và đầu tháng 2-1965, đại tá Ba-giê-nốp, trung đoàn trưởng, ra lệnh chuyển đơn vị sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tất cả được phát quân phục dã ngoại, chuyển sang khẩu phần ăn thời chiến và được lệnh tuyệt đối không để lộ bất cứ thông tin gì liên quan đến chuyến đi. Sau đó là việc xác định tư tưởng với nhiệm vụ. Chỉ có 2 người tỏ ý không muốn ra nước ngoài công tác vì lý do cá nhân và những người này ngay lập tức được trả về đơn vị cũ.

Từ trung tâm huấn luyện chúng tôi chuyển đến trường bắn Ca-pu-xtin I-át để tiếp nhận vũ khí và chuẩn bị bắn thử. Đó là hệ thống phòng không C-75 thế hệ đầu với tên lửa B-750. Việc bắn thử diễn ra tốt đẹp, mục tiêu bị diệt gọn không chệch một li. Đến đây thì mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành. Cuối tháng 2, chúng tôi ra ga và đoàn tầu nhằm hướng Đông tiến thẳng. Mọi thông tin về lộ trình tuyến đi được giữ bí mật tuyệt đối, không ai biết điểm cuối ở đâu. Tất cả được lệnh ở nguyên trên tầu và không được tiếp xúc với người dân. Nếu bất ngờ có ai hỏi thì chỉ trả lời là đi diễn tập. Lúc tôi nhận lệnh ra nước ngoài công tác, vợ tôi đang mang thai cháu đầu. Tháng chạp năm 1964, vợ tôi sinh con gái và tôi chỉ ở với cháu một tuần đã phải quay lại trung tâm huấn luyện. Biết tàu đi ngang qua thành phố quê ngoại An-ga-rơ-xcơ, nơi vợ tôi về nghỉ sau khi sinh, tôi nảy ý định gặp vợ và con gái một lần nữa trước khi đi công tác xa. Nhân lúc tàu dừng nghỉ ở một ga ven đường, tôi vội vã xuống ga điện cho vợ biết thời gian đoàn tàu đến An-ga-rơ-xcơ và dặn mang con gái ra ga để gặp mặt. Thế nhưng khi tàu đến An-ga-rơ-xcơ, mọi cửa ra vào đều khóa. Tôi chỉ kịp thoáng nhìn vợ với chiếc xe nôi bên cạnh khi đoàn tàu chạy ngang qua nhà bà ngoại.

Tàu cứ thế chạy rồi bất ngờ dừng lại ở ga Chi-te vài ngày liền. Sau này chúng tôi mới biết đó là biện pháp nghi binh, tránh để tình báo đối phương có thể phát hiện điều gì. Điểm dừng cuối cùng của đoàn tầu là ga Ngoại Bai-can sát biên giới Trung Quốc. Đón chúng tôi là Trung tướng Go-đun, Tư lệnh phòng không quân khu. Đến lúc đó chúng tôi mới biết mình sẽ sang công tác ở Việt Nam. Khi chúc mọi người lên đường bình an, Trung tướng Go-đun nhắc nhở chúng tôi là đại diện của đất nước Liên Xô vĩ đại nên mọi hành động đều phải thận trọng và phải hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu cùng các bạn Việt Nam một cánh xứng đáng. Ông dặn dò thêm là phải tuyệt đối đúng mực trong quan hệ, yên tâm làm nhiệm vụ. Có thêm 2 người nữa tỏ ra chưa sẵn sàng vì hoàn cảnh gia đình và yêu cầu của họ được chấp nhận ngay. Từ đây, chúng tôi lên tàu Trung Quốc đi tiếp sang Việt Nam.

Ấn tượng còi báo động và Hà Nội thời chiến

Buổi tối đầu tiên trên tàu của Việt Nam, chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn. Tàu quá hẹp so với toa tầu của Liên Xô, hai người khó có thể lách qua nhau ở cửa ra vào. Giường nằm thì quá ngắn, người khổ bình thường khi nằm thì phải thò chân xuống đất. Nhưng nhìn qua cửa sổ toa tầu tôi thấy rất nhiều điều thú vị. Chúng tôi được lệnh phải giữ bí mật tuyệt đối. Ra ngoài hút thuốc phải che thật kín không để lộ một đốm lửa. Đồng chí đại tá quân đội Việt Nam đi cùng luôn cảnh báo là bất cứ lúc nào máy bay do thám của Mỹ cũng có thể xuất hiện. Thông tin này làm chúng tôi rất ngạc nhiên: Làm sao máy bay Mỹ lại có thể bay tự do như vậy mà không bị trừng phạt?

Tầu chạy liên tục 8 tiếng và rạng sáng thì đến Trại Cau. Bước xuống ga, cái nóng, cái ẩm phả ngay vào mặt. Trời mưa lác đác. Chúng tôi nhanh chóng bốc dỡ các thiết bị mang theo. Đến 9 giờ, lần đầu tiên tôi nghe thấy còi báo động có máy bay trinh sát của Mỹ và việc bốc dỡ ngay lập tức được ngừng lại. Chỉ đến tối, mọi công việc chuyển thiết bị vào rừng, nơi đặt trung tâm huấn luyện, mới diễn ra. Sự mệt mỏi của chuyến đi dài ngày cùng cái nắng nhiệt đới ngay lập tức đã quật ngã một số người. Những cơn sốt cao và đau đầu hành hạ chúng tôi. Đêm đêm, muỗi và các loại côn trùng thi nhau tấn công không cho ngủ yên. Chỉ đến khi các bạn Việt Nam cấp cho màn chống muỗi, chúng tôi mới có thể ngon giấc. Trong căng tin nhà ăn có bán nước khoáng của Liên Xô nhưng chúng tôi không có tiền Việt Nam để mua. Mỗi người được phát một chiếc bi đông, sáng sáng chúng tôi cho ít trà rồi đổ nước sôi vào để uống cả ngày.

Nhiệm vụ của chúng tôi là huấn luyện các bạn Việt Nam kỹ thuật tên lửa phòng không. Mọi việc tiến hành với sự trợ giúp của phiên dịch. Cứ mỗi khi nghe từ “Liên Xô” là chúng tôi hiểu các bạn Việt Nam đang nói về mình. Trung tâm huấn luyện nằm trong một khu rừng rậm cách Trại Cau khoảng 20 phút đi ô tô. Cùng các bạn Việt Nam, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị nơi triển khai thiết bị cho các giờ lên lớp. Công việc phải tính toán cẩn thận để không phải chặt nhiều cây tránh bị lộ. Mỗi nhóm chúng tôi có nhiệm vụ huấn luyện cho hai khẩu đội tên lửa với biên chế đầy đủ của thời chiến. Giờ lý thuyết diễn ra trong các lán bằng tre, còn thực hành với khí tài thì trực tiếp ngoài thực địa. Vũ khí và các thiết bị kỹ thuật tiếp tục được gửi sang Việt Nam qua đường Trung Quốc hoặc đường tàu biển. Chúng được cất giấu cẩn thận trong khu rừng rậm gần trung tâm huấn luyện.

Thường thì vào thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi được đưa về sở chỉ huy trung đoàn để nghỉ ngơi, xem có thư gia đình và nhận tiền tiêu vặt. Họa hoằn mới được về Hà Nội. Hồi đó hàng hóa rất khan hiếm. Cả Hà Nội chỉ có một cửa hàng quốc tế dành riêng cho người nước ngoài, nơi có thể còn có thứ gì để mua. Tuy nhiên mỗi người chỉ được mua một lượng hàng nhất định. Mọi người nhờ tôi mua tổng cộng 65 cái đèn pin, trong khi mỗi lần xếp hàng cửa hàng chỉ bán cho nhiều nhất là 5 chiếc. Tôi phải vòng đi vòng lại nhiều lần đến mức cô bán hàng nhìn tôi phát chán. Thường thì chúng tôi chỉ mua đèn pin Trung Quốc, bật lửa và chỉ để khâu vá.

Để có thể đưa trung đoàn huấn luyện vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cần phải thành lập 4 tiểu đoàn tên lửa, trung tâm chỉ huy hỏa lực và tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật đạn. Các chuyên gia Liên Xô được biên chế vào tất cả các tiểu đoàn này, riêng tiểu đoàn 82 của tôi số lượng chuyên gia có nhiều hơn. Đây chính là cơ cấu biên chế hình thành lên trung đoàn tên lửa 238 của Quân đội Việt Nam. Mặc dù việc ngụy trang được tiến hành rất cẩn thận nhưng có lẽ phía Mỹ đã phát hiện ra điều khả nghi. Một thời gian sau, trên bầu trời Trại Cau xuất hiện 3 máy bay trinh sát bay rất thấp. Ngay ngày hôm sau, vào khoảng 5 giờ chiều, máy bay Mỹ bắn tên lửa xuống trung tâm huấn luyện. Rất may không ai việc gì và cũng không có thiệt hại gì về vật chất. Nhưng đối với chúng tôi, những ngày bình yên đã chấm dứt. Tiểu đoàn 82 bắt đầu bước vào chiến đấu.

MẠNH TƯỜNG (Trích dịch)
quandoinhandan.org.vn