HANU
 
 
Hình của Lê Văn Tấn
Nhân chuyện Người con gái Nam Xương bàn về vấn đề bạo lực gia đình
Bởi Lê Văn Tấn - Friday, 27 November 2009, 11:25 AM
 

NHÂN CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

BÀN VỀ VẤN ĐỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

 

           LÊ VĂN TẤN

           Khoa Việt Nam học - Trường Đại học Hà Nội

 

1. Trong số 20 thiên (gọi là truyện ngắn) của Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ đã dành tới 11 thiên viết về người phụ nữ. Trong đó có 8 thiên, người phụ nữ là nhân vật chính, trung tâm của câu chuyện. Đây là lần đầu tiên trong văn học, người phụ nữ đã chiếm một địa vị danh dự. Chính từ niềm yêu thương và cảm thông sâu sắc đối với cuộc đời và số phận của người phụ nữ mà Nguyễn Dữ đã dành tâm huyết của mình cho chủ đề này. Viết về người phụ nữ, nhà văn muốn hướng đến 3 nguồn cảm hứng, ba nguồn khát vọng lớn ở họ: khát vọng tình yêu lứa đôi, khát vọng giải phóng nhu cầu tình cảm bản năng khát vọng hạnh phúc gia đình. Bài viết này, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nguồn cảm hứng thứ ba: khát vọng hạnh phúc gia đình. Vì chính từ khát vọng này mới dẫn đến vấn đề bạo lực trong gia đình đối với người phụ nữ. Trong số đó, Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử lục) là truyện tiêu biểu nhất cho nội dung này.

2. Người con gái Nam Xương là ai? Đó chính là Vũ Thị Thiết, tuổi vừa đôi tám, đẹp lồng lộng tựa trăng rằm, tư dung tốt đẹp lại thuỳ mị, nết na. Khi kết hôn với Trương Sinh, trong cuộc sống gia đình, cô luôn luôn một mực giữ gìn khuôn phép. Đúng là một người phụ nữ tuyệt vời, giá đáng ngàn vàng. Cô xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.

Vũ Thị Thiết còn là một người phụ nữ của gia đình. Khi lấy chồng thì toàn tâm toàn ý lo cho nhà chồng, từ việc chăm sóc chồng, sinh con, chăm mẹ chồng rất chu đáo. Tiễn chồng tòng quân cũng chỉ một lòng mong mỏi chồng trở về bình an chứ phong hầu, bổng lộc chưa phải là điều cô quan tâm: - Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, rợ man chạy tội, vương sư uổng công; lời tâu công lớn phá giặc đã chầy, kỳ hẹn thay quân hóa muộn, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng. Trông mảnh trăng Trường An, nhanh tay đập áo rét, ngắm liễu tàn rủ bóng động nỗi niềm biên ải xa xôi. Giả sử có muôn hàng thư tín, chỉ e không một tin về.(1)

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là một mối quan hệ không thể điều hoà. Vậy mà, mẹ chồng cô, trước khi nhắm mắt xuôi tay đã phải ghi nhận công lao và phẩm hạnh của con dâu mình: - Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà gượng cơm cháo. Song tuổi thọ có chừng, số trời khó tránh. Đêm tàn chuông đổ, số tận mệnh cùng; một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, không khỏi phải phiền đến con. Chồng con xa xôi, mẹ chết lúc nào, không thể kịp về đền báo được. Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.

Còn nữa, ngay cả khi bị chồng ruồng rẫy, đánh và xua đuổi ra khỏi nhà một cách oan ức thì người phụ nữ này vẫn luôn luôn nghĩ cho chồng. Chưa hề thấy một lời kêu ca, trách móc, nói xấu chồng trước người khác (không hiểu lúc đó cô đã đọc câu câu tục ngữ Xấu chàng hổ ai chưa nhỉ ?!). Hãy xem lời cô nói với Phan Lang (người cùng làng) khi họ gặp nhau dưới Long cung : - Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về gặp mặt chồng!

Khi bị ruồng rẫy phải ra đi, xa nhà, xa chồng, xa con, lòng người phụ nữ này luôn canh cánh có được ngày đoàn tụ, dù cho sự đoàn tụ ấy chỉ là trong niềm mơ ước, tưởng tượng. Khi Phan Lang hỏi: - Thưa nương tử, tôi trộm nghĩ, nhà cửa của tiên nhân, cây cối thành rừng, phần mộ của tiên nhân, cỏ gai lấp mắt. Nương tử dầu không nghĩ đến, nhưng còn tiên nhân mong đợi ở nương tử thì sao?

Cô đã: - Tôi có lẽ không thể gửi mình ẩn vết ở đây mãi được. Ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.

Đến khi được trở về trong sự đền bù cổ tích, Vũ Thị Thiết cũng không một lời oán thán trước khi vĩnh viễn tan biến vào nỗi quan hoài của nhân gian: - Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.

(Ở chi tiết này, chúng tôi muốn nói thêm: là một nhà văn nhân đạo, Nguyễn Dữ không bao giờ muốn một người như Vũ nương phải chết. Nhưng hiện thực vẫn là hiện thực, dù nó phũ phàng đến mấy. Vũ nương đã chết - đó là sự thật không thể cứu vãn. Song để minh oan, để bù đắp cho một con người hiếu hạnh đến thế, nhà văn tưởng tượng ra sự hồi sinh của nhân vật. Tái hợp, trùng phùng trong niềm hạnh phúc sau những lỗi lầm vẫn là niềm mơ ước, khát vọng của con người bao đời nay. Nhà văn đã tạo ra sự dung hoà giữa hiện thực với niềm mơ ước; giữa cái tồn tại và cái không tồn tại. Vũ nương đã trở về trong niềm mơ ước của Trương Sinh và của người đời nhưng chỉ là trong chốc lát rồi nhanh chóng tan biến vào khói mây. Chia lìa là vĩnh viễn bởi người chết làm sao mà sống lại. Hiện thực trở về trong niềm mơ ước. Đây chính là nét đặc sắc của truyền kì Nguyễn Dữ mà các tác giả sau ông không ai vượt qua được. Cái ảo ảnh đoàn tụ mau chóng tan biến dù không muốn thì cũng không thể làm khác được. Trương Sinh sống trong cảnh phòng không vắng vẻ, ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya ngắm bóng mình trên vách mà cảm hoài cho phận lẻ bóng côi... Đứa trẻ mồ côi mẹ, chồng mồ côi vợ... Đây chính là một vấn đề lớn của bi kịch gia đình. Đồng thời với kiểu kết thúc truyện như vậy đã cho ta thấy được quan niệm sống tiến bộ: thà sống trong đau khổ mà có thật còn hạnh phúc hơn là sống trong hạnh phúc siêu hình; thấy được cái nhìn hiện thực tỉnh táo, phi lạc quan hoá và tấm lòng nhân đạo bao la của nhà văn).

Tất cả những gợi dẫn trên để một lần nữa chúng tôi muốn khẳng định phẩm chất tốt đẹp và khát vọng hạnh phúc gia đình đáng trân trọng và ngợi ca của người phụ nữ tuyệt vời này.

Vậy mà, do đâu cô vẫn chịu một số phận bất hạnh, đầy bi kịch như thế?

 

 

3. Khi bàn về điều này, các nhà nghiên cứu đã có những chỉ dẫn xác đáng với ba lí do cơ bản:

- Do xã hội cũ đối xử bất công đối với người phụ nữ;

- Do chiến tranh phi nghĩa giữa các tập đoàn phong kiến (dẫn đến việc Trương Sinh phải tòng quân);

- Do tính đa nghi, ghen tuông mù quáng của người chồng;

Theo chúng tôi thì lí do thứ nhất và lí do thứ hai không phải là lí do quyết định vì đó là những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân. Sự đối xử bất công đối với người phụ nữ hay chiến tranh phong kiến phi nghĩa dẫn đến hàng trăm số phận bi thảm của con người nói chung và người phụ nữ nói riêng trong xã hội cũ, không chỉ riêng Vũ Thị Thiết. Vì lẽ đó, nguyên nhân thứ ba mới là nguyên nhân quyết định.

Chúng tôi dừng lại bàn về nguyên nhân thứ ba này.

Tại sao Trương Sinh lại ghen, lại mù quáng đến mức ruồng rẫy và đánh đuổi người vợ của mình như thế? Hãy xem xuất thân của anh ta được Nguyễn Dữ ghi ở ngay phần đầu của tác phẩm: Trương tuy con nhà dòng, nhưng không có học. Khi đọc tác phẩm này, đây là một chi tiết mà chúng tôi rất quan tâm. Vì thông tin ở đây cho chúng ta biết, Trương Sinh là con nhà gia thế, kiểu danh gia vọng tộc, cũng là hàng quý tộc trong vùng, tức lắm tiền nhiều bạc. Giàu có, nhiều tiền mà lại không có học hẳn cơ hội hư hỏng gấp hai ba lần người khác. Mà tâm lí của anh ta là tâm lí chiếm đoạt, sở hữu: tính thì hay ghen, đối với vợ phòng ngừa thái quá.  Sau khi đi chinh chiến về, chỉ với một lời của đứa con nhỏ ngây thơ mà anh ta đã nghi oan cho vợ ngoại tình. Hẳn là anh ta đã phải điên lên như một con hổ dữ. Lúc đầu chỉ là mắng mỏ nhiếc móc; sau thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Lạ thay, đến lời can ngăn, bênh vực của hàng xóng láng giềng mà anh ta cũng không hề hả giận để cho vợ thanh minh, giải thích.  Để đến khi mọi chuyện đã rồi thì sự ân hận, tiếc nuối cũng còn có ý nghĩa gì nữa đâu. (2) Sự nghi ngờ, sự mất bình tĩnh đã xui khiến Trương Sinh đi đến những hành động bạo lực với vợ: từ bạo lực tinh thần (mắng mỏ, nhiếc móc) đến bạo lực hành động (đánh đuổi đi). Hạnh phúc gia đình tan vỡ chính là ở người chồng mù quáng này vậy.

Tất nhiên, ngoài ba lí do trên, còn điều này nữa: cái bóng. Chính là từ cái bóng - lời nói dối con trẻ của Vũ Thị Thiết đã đưa đến một cái giá quá đắt cho người phụ nữ này. Lỗi chính từ cô chăng khi mà con người ta ai cũng có một cái hình và một cái bóng luôn luôn đi cạnh nhau, không thể tách rời. Hóa ra, niềm hạnh phúc của con người lại mong manh đến thế. Kẻ thù của ta chính ngay cạnh ta. Kẻ thù ấy ai đã lường hết được. Cuộc đời và số phận con người  thật ma quái. Chi tiết nghệ thuật này cho thấy, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm lớn hơn cả những gì mà thời đại đã cấp cho nhà văn.

4. Qua câu chuyện này, người đời sau đã có được một bài học lớn về vấn đề xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Có được hạnh phúc đã là sự may mắn với ai kia nhưng giữ gìn, duy trì hạnh phúc ấy được lâu dài mới là điều gian nan, đòi hỏi sự cố gắng của cả hai phía. Cho đi điều gì sẽ nhận về như vậy. Vợ chồng nên hiểu tính nết của nhau. Vũ nương đáng ra khi biết chồng là người hay ghen thì không nên nói dối con mình về chuyện cái bóng. Và người chồng kia, đầu gối tay ấp bên người vợ của mình chả nhẽ lại không hiểu được những sự tốt đẹp của cô ấy sao? Chúng ta không cấm anh ta ghen, nhưng ghen mù ghen quáng thì thật đáng phê phán. Phận liễu yếu đào tơ như thế, người ta đã quỳ gối xuống mà cầu xin, sao không cho một cơ hội thanh minh, giải thích? Phật nói một tên kẻ cướp cũng có khả năng thành Phật kia mà, huống hồ người phụ nữ Nam Xương chỉ mới mang tiếng xấu chứ lòng dạ tựa trăng rằm. Đã sợ người phụ nữ đi ra khỏi nhà là loạn sao còn đánh đuổi đi. Thiết nghĩ, vợ và chồng dù có yêu nhau đến mấy mà chẳng biết tính của nhau thì bi kịch sớm muộn cũng đến gõ cửa. Còn người phụ nữ, tại sao nhỉ, cứ muôn đời là vậy, hi sinh và bao dung. Họ xứng đáng được chúng ta tôn trọng, kính trọng và họ phải được hưởng hạnh phúc. Đọc Chuyện người con gái Nam Xương, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi một điều: có được một người phụ nữ, một người vợ tuyệt vời như Vũ Thị Thiết mà không biết trân trọng và nâng niu, giữ gìn, bảo vệ, Trương Sinh quả đúng là kẻ có mắt như mù vậy./.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bùi Duy Tân, 1999. “Truyền kì mạn lục” - một thành tựu của truyện kí văn học viết bằng chữ Hán”, Khảo và luận một số tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 372 - 408.

[2]. Lại Văn Hùng, 2002. Bàn thêm về vấn đề tác giả tác phẩm Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 10, tr.49 - 60.

[3]. Nguyễn Phạm Hùng, 2003. Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, Văn học trung đại - những công trình nghiên cứu, tái bản lần 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 112 - 123.

[4]. Nguyễn Đăng Na chủ biên, Văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2006.

[5]. Nguyễn Đăng Na, Người con gái Nam Xương - một bi kịch của con người, trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 217-221.

[6]. Trương Tham, Chuyện người con gái Nam Xương (là bóng hay là hình), tài liệu internet, nguồn: http://my.opera.com/nguvanlop9/blog/2008/01/04/chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-la-bong-hay-la-hinh

[7]. Nguyễn Nam,  Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương (Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương"), tài liệu internet, nguồn: http://sharingcentre.net/16466-van-9-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong.html

 





(1)  Cù Hựu - Nguyễn Dữ, Tiễn đăng tân thoại - Truyền kì mạn lục, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Trần Thị Băng Thanh giới thiệu và chỉnh lí, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 384. Trích tác phẩm trong bài viết chúng tôi đều lấy từ đây.

(2) Tất nhiên, chỗ này cũng có điều nên cảm thông cho Trương Sinh. Vừa đi chinh chiến về, quá mệt mỏi, con người ta rất cần một chỗ dựa là gia đình, bên mẹ, bên vợ, bên con. Vậy mà với anh ta thì sao? Vừa về đến nhà thì đã bao khổ đau. Mẹ già đã khuất núi, tình mẫu tử thiêng liêng, là nguồn an ủi lớn vô bờ đối với anh ta không còn nữa (anh ta đã ra thăm mộ mẹ trước tiên). Mẹ mất rồi giờ với anh ta là còn vợ và con trai, niềm hạnh phúc gia đình nhỏ của anh ta. Vậy mà, con từ chối không nhận cha. Hỏi thì nói: “- Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Người Việt Nam có câu “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Ở vào hoàn cảnh đó, sự nghi ngờ và phản ứng của Trương Sinh quả cũng là hợp lí. Và khi tự cởi mối oan cho vợ, anh ta cũng đã tự dằn vặt, đau khổ và tìm mọi cách để đền bù cho vợ. Đó chính là những điều nên cảm thông cho anh ta vậy./.