HANU
 
 
Hình của Lê Văn Tấn
MỘT HƯỚNG LÍ GIẢI CỦA THI HÀO NGUYỄN DU
Bởi Lê Văn Tấn - Tuesday, 13 October 2009, 08:13 PM
 

 

MỘT HƯỚNG LÍ GIẢI CỦA THI HÀO NGUYỄN DU

VỀ SỐ PHẬN NHÂN VẬT THUÝ KIỀU TRONG

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

 

LÊ VĂN TẤN(*)

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Đoạn trường tân thanh (từ đây gọi là Truyện Kiều) là tập đại thành của truyện Nôm Việt Nam thời trung đại, mang tầm vóc sử thi về số phận con người nói chung, người phụ nữ nói riêng trong xã hội cũ. Thi hào Nguyễn Du, trên cơ sở vay mượn cốt truyện tài tử giai nhân Trung Hoa, đó là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để rồi từ đó, bằng nhãn quan hiện thực tỉnh táo và một trái tim nhân đạo lớn lao, ông đã sáng tạo nên tuyệt tác bất hủ Truyện Kiều. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm này là nàng Kiều - xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành, tài tình hiếu hạnh mà phải vướng vào một cuộc đời đoạn trường, oan khổ lưu ly suốt 15 năm lưu lạc. Thậm chí đến màn “đoàn tụ” mọi chuyện vẫn mãi mãi chẳng thể nào xong xuôi: tiếp tục một trang bi kịch đớn đau, giằng xé, mà nói như nhà thơ Xuân Diệu đó là “bản cáo trạng cuối cùng” về số phận người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến.

Vậy đâu là lời lí giải của Nguyễn Du về số phận bi kịch ấy của nàng Kiều? Nhiều nhà nghiên cứu đi trước đã chỉ ra nguyên nhân đó từ lôgíc vận động của hình tượng nghệ thuật - đó là xã hội phong kiến Việt Nam với các thế lực chà đạp lên quyền sống, nhân phẩm, phẩm giá, hạnh phúc, tình yêu tự do của con người nói chung, của nàng Kiều nói riêng. Đó cũng còn là nguyên nhân của định mệnh về hồng nhan bạc phận, hồng nhan đa truân của người phụ nữ thời xưa… Và, Truyện Kiều - thiên tình sử diễm lệ mang trái tim nhân loại chính là khát vọng vô bờ bến, là nỗ lực không biết mệt mỏi của đại thi hào trên hành trình đi tìm lời giải đáp cho nguyên nhân số phận bi kịch nàng Kiều và con người nói chung. Trên muôn nẻo đường đi tìm lời giải đáp ấy, Nguyễn Du đã bắt gặp triết lí, tư tưởng Phật giáo.

Bài viết này chúng tôi muốn dừng lại bàn về sự lí giải số phận bi kịch nàng Kiều từ phía tâm linh được trừu xuất từ triết lí, tư tưởng Phật giáo.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Nguồn gốc bi kịch nàng Kiều: từ việc tiếp thu chủ đề “tình khổ” trong “Kim Vân Kiều truyện”của Thanh Tâm Tài Nhân đến việc xây dựng chủ đề “tài mệnh tương đố”, “thân mệnh tương đố” của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”

Các nhà nghiên cứu đã khá thống nhất cho rằng, nếu chủ đề của Thanh Tâm Tài Nhân là tình khổ thì Truyện Kiềutài mệnh tương đố, thân mệnh tương đố.

Đây là những câu mở đầu cho tác phẩm:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Còn đây là những câu kết thúc tác phẩm:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia có bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai…

Các nhà nghiên cứu như Hoài Thanh, Phan Ngọc, Xuân Diệu, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Trần Đình Sử, Trần Nho Thìn, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đăng Na,… đều đã khẳng định tài mệnh tương đố, thân mệnh tương đố là vấn đề riêng của thời đại Nguyễn Du, là tư tưởng chủ đề của Truyện Kiều.

Với riêng nàng Kiều: vấn đề cốt lõi nằm ở hai từ tài sắctài tình.

Chữ tài là khái niệm đặc thù của Truyện Kiều. Nó được Nguyễn Du nhắc đến nhiều lần, cho cả các nhân vật chính diện và phản diện.

Tài ở các nhân vật chính diện thì mang nội dung tích cực.

Ví như:

            Từ Hải: - Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

 Kim Trọng: - Nền phú hậu, bậc tài danh,

Tài ở các nhân vật phản diện thì mang màu sắc phủ định.

Ví như:

Hồ Tôn Hiến: - Là Hồ Tôn Hiến, kinh luân gồm tài.

Với Hoạn Thư, chữ tài cũng mang màu sắc ấy:

- Ấy mới gan ấy mới tài,

Nhưng có điều đặc biệt là: tất cả các nhân vật này không vì tài mà bất hạnh. Tức là họ nằm ngoài “vùng phủ sóng” của triết lí tài mệnh tương đố.

Còn lại Đạm Tiên và Thuý Kiều: tài sắctài tình là nguồn gốc của bất hạnh.

Nói một chút về Đạm Tiên. Đây là một bậc:

Nổi danh tài sắc một thì,

Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.

Khi mất rồi mà vẫn:

Có người khách ở viễn phương,

Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.

Chính từ việc xúc động về thân thế của một nữ tài sắc mà Kiều đã liên tưởng đến thân phận bi kịch của người đàn bà tài sắc nói chung và chính thân phận mình rói riêng. Một ám ảnh định mệnh bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, Đạm Tiên đã là người thiên cổ; còn lại chỉ là nàng Kiều: nàng Kiều sống thực nên đã được Nguyễn Du chọn là nhân vật thể hiện tư tưởng của ông. Và vấn đề tài mệnh được nhà thơ tập trung vào hai chữ tài sắctài tình. Kiều là nhân vật có tài, đa tài.

Các câu nói về tài của nàng Kiều là các câu số:

28: - Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

405: - Khen “Tài nhả ngọc phun châu”,

639: - Đắn đo cân sắc cân tài,

1456: - Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân.

1469: - Thương vì hạnh, trọng vì tài,

1781: - Tiểu thư xem cũng thương tài,

1849: - Rằng: “Hoa nô đủ mọi tài”,

1900: - Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương”,

1990: - Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.

Nhưng nếu như cái tài ở nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân được miêu tả tương đối cụ thể (rất nhiều bài thơ của Kiều được chép ra trong tác phẩm) thì tài ở nàng Kiều của Nguyễn Du đã bị trừu xuất đi tối đa, rất chung chung (trừ tài đánh đàn) để từ đó Nguyễn Du nhấn mạnh đến sắc và đặc biệt là tình. Phải là tài, nhưng hơn thế phải là sắc ấy, đặc biệt là tình ấy mới dẫn đến số phận bi kịch.

Đúng là:

Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài mà chi…

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen…

Hồng nhan bạc phận, má hồng phận bạc là câu chuyện của quá khứ, là sự day dứt trái tim lớn Nguyễn Du. Trong xã hội phụ quyền phương Đông xưa, người phụ nữ có nhan sắc thường bất hạnh vì chính nhan sắc của họ. Quan sát từ thực tế xã hội, từ thực tế của những người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến phương Đông đã là nền tảng cho sự hình thành triết lí về thân phận bất hạnh của người hồng nhan trong Truyện Kiều.

2.2. Đến việc đặt cuộc sống, quan hệ của nàng Kiều trong mối quan hệ với thế giới tâm linh để lí giải số phận bi kịch mang màu sắc triết lí Phật giáo

Nhìn một cách tổng quan, cần phải khẳng định ngay rằng: nàng Kiều được Nguyễn Du xây dựng sống trong rất nhiều mối quan hệ, không chỉ sống trong “cõi người ta”, trong “miền nhân gian”, những mối quan hệ cụ thể, giữa những con người bằng xương bằng thịt mà nàng còn sống trong một thế giới của những thế lực huyền bí, tuy siêu hình song dường như chúng luôn có mặt bên cạnh con người, ám ảnh, chi phối hành vi, suy nghĩ của con người. Ở cái thế giới tâm linh này, giống như ở thế giới thực tại, có một đấng tối cao ngự trị, có ý chí, có quyền năng vô hạn, được con người gọi bằng những chữ khác nhau như trời, hoá  nhi, hoá công, con tạo, hồng quân, trời đất, ông xanh, ông tơ,… Sự quyết định của đấng quyền năng siêu hình này được gọi bằng các chữ khác nhau như số, mệnh, nghiệp, duyên, nhân, quả, đoạn trường, kiếp,… Ở thế giới tâm linh này còn có ma quỷ, linh hồn,… tuy không có quyền năng to lớn song cũng có quan hệ và ảnh hưởng chi phối đến cuộc sống của con người trần thế. Nàng Kiều sống trong thế giới hiện hữu song vẫn tìm cách liên thông với thế giới thứ hai này.

Thi hào Nguyễn Du đặt cuộc sống, quan hệ của nàng Kiều trong thế giới tâm linh như thế nào?

Ngay từ đầu tác phẩm, không khí tâm linh đã bàng bạc khắp nơi. Sau phần giới thiệu 38 câu về cảm hứng chung của tác phẩm và thân thế ba chị em Kiều, Nguyễn Du nhanh chóng đưa người đọc vào một không khí văn hoá tâm linh đặc trưng của thời xưa: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Hội chính là sự giao tiếp của con người với thế giới hiện thực; lễ chính là sự giao tiếp của con người với thế giới tâm linh. Xuất hiện trong không gian lễ này chính là bóng ma Đạm Tiên. Từ đây, trong mọi hành động, tư tưởng của Kiều đều chịu sự chi phối của hai thế giới ấy. Cả đến cách cảm nhận thời gian và không gian trong Truyện Kiều cũng mang dấu ấn của hai thế giới này.

Nỗi ám ảnh tâm linh về cái gọi là “sổ đoạn trường” theo Kiều mãi tới sông Tiền Đường. Đến với Kim Trọng, ngoài cái gọi là khát vọng, là cảm xúc yêu đương tha thiết và cháy bỏng của tuổi trẻ, sẽ là không quá hồ đồ để nói rằng, lẽ chăng nàng Kiều còn muốn dựa vào chàng Kim để chống lại nỗi ám ảnh:

Sống làm vợ khắp người ta,

Đến khi chết xuống làm ma không chồng.

Bản Kiều khác thì chép:

Sống làm vợ khắp người ta,

Hại thay thác xuống ra người tình không.

Kiều lường trước được một số phận bi kịch:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?

 

… Trông người lại ngẫm đến ta,

Một dày một mỏng biết là có nên?

Vì lẽ đó mà, dường như mỗi bước ngoặt trong cuộc đời Kiều đã là một sự sắp đặt, toan tính sẵn của tạo hóa; Kiều chấp nhận nó như một thứ định mệnh vô cùng nghiệt ngã và cay đắng:

- Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.

- Khách du bỗng có một người,.

- Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.

- Sự đâu sóng gió bất kỳ.

- Cách lầu nghe có tiếng đâu họa vần.

Đúng thật là:

Ma đưa lối, quỷ đưa đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Nguyễn Du đã tỏ ra tâm đắc với lẽ biến dịch đầy huyền bí của tạo hoá:

Đời người đến thế thì thôi,

Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay.

Tác giả nhiều lần thống thiết “thiên vấn” (hỏi trời) mỗi khi nàng Kiều của ông rơi vào một bất hạnh mới:

- Trời làm chi cực bấy trời, (?)

- Hoá nhi thật có nỡ lòng, (?)

- Chém cha cái số hoa đào…(?)

Khảo sát nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân thì những bình luận trữ tình ngoại đề như thế này hoàn toàn không có. Đây là sáng tạo riêng, độc đáo của thi hào Nguyễn Du.

Và tác giả đi tìm lời giải thích: sống trong thế giới thực với các thiết chế của thế quyền (kể cả cương thường lễ giáo cũng nằm trong thiết chế này), đồng thời cũng sống trong thế giới tâm linh với các thiết chế của thần quyền (với đủ mọi thứ thánh thần, Phật tiên, ma quỷ…), con người trung đại nói chung và nàng Kiều nói riêng đã bị tước đoạt quyền tự do cá nhân, tự do lựa chọn, phải chấp nhận một sự áp đặt nghiệt ngã, độc đoán của số phận.

Nguyễn Gia Thiều trước đó cũng nói tới điều này:

Quyền họa phúc trời tranh mất cả,

Chút tiện nghi cũng chả phần ai.

(Cung oán ngâm khúc)

Còn Nguyễn Du thì:

Ngẫm hay muôn sự tại trời…

Với áp lực của số phận, định mệnh như thế, nàng Kiều (và nhiều nhân vật khác của tác phẩm) là những con người bơ vơ, cô độc, bất lực, thất bại trong mọi toan tính, cố gắng. Đọc Truyện Kiều, vì thế mà ta nhận ngay ra âm điệu thất bại bàng bạc trong tác phẩm. Đó là những buổi chiều tà, những đêm trăng u uất, hình tượng con người cô độc ngồi một mình với những chữ mình, riêng… xuất hiện rất nhiều. Nàng Kiều đã bị tước đoạt quyền sống cá nhân bởi các thiết chế, không chỉ là thế quyền mà ở đây, thi hào Nguyễn Du đã nhấn mạnh nhiều đến căn cội: thần quyền. Theo lôgíc, theo nhận thức khoa học, theo sự vận động khách quan của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm thì chỉ có thế giới hiện thực, xã hội hiện thực đương thời đè nén, áp bức con người nhưng Nguyễn Du và người xưa nói chung, do nhiều nguyên do mà vẫn hình dung có cả thế giới thần thánh, thậm chí thế giới này có vẻ đáng sợ hơn chế định số phận của họ. Nàng Kiều đã là một trường hợp tiêu biểu.

Cụ thể thêm một vài trường hợp:

Tổng kết chuỗi sự kiện dẫn đến việc nàng Kiều trong trắng đi vào chỗ nhục nhất, phải chấp nhận “tiếp khách”. Nguyễn Du viết:

Lần lần thỏ bạc ác vàng,

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.

Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.

 

Đã đầy vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

Hoặc: Kiều được Thúc Sinh đưa ra khỏi lầu xanh mụ Tú, rồi loanh quanh lại rơi vào phường hành viện để cho “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, vẫn là do các lực lượng hiện thực xô đẩy. Vậy mà Nguyễn Du vẫn viết:

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.

Nghĩ đời mà ngán cho đời,

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.

Hay: Kết thúc bi thảm ở sông Tiền Đường cũng là kết quả của một chuỗi nguyên nhân có tính vật chất. Nhưng Nguyễn Du vẫn cứ than thở:

Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài mà chi.

Những là oan khổ lưu ly,

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân.

Mười lăm năm, bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi…

Bất hạnh của con người, của nàng Kiều có nguồn gốc xã hội nhưng không phải mọi cá nhân bất hạnh đều có nguồn gốc xã hội. Nguyễn Du đã đi tìm lời giải thích và giải pháp cho tài mệnh của nàng Kiều trong thế giới tâm linh. Tài mệnh đã trở thành là một định luật không thể cưỡng lại được, là một dạng của đạo trời. Tất nhiên bên cạnh đó, Nguyễn Du đã tin tưởng mãnh liệt rằng: bằng ý chí, bằng nỗ lực chủ quan tu dưỡng đạo đức hay tu tâm, con người có thể khắc phục được định mệnh hay tiền oan túc trái. Chúng tôi muốn khẳng định rằng: đó không phải là Nguyễn Du có mâu thuẫn trong tư tưởng, trong thế giới quan. Nguyễn Du sống trong cả hai thế giới, có suy nghĩ về cả hai thế giới ấy và ông đưa ra những giải thích, lí giải về những phương thuốc khác nhau cho hạnh phúc của con người từ cả hai thế giới ấy. Chúng tôi cho rằng, đây chính là chỗ lớn, chỗ vĩ đại của tầm tư tưởng đại thi hào Nguyễn Du.

 

3. THAY LỜI KẾT:

Vì con người, vì hạnh phúc của nàng Kiều mà Nguyễn Du đã trăn trở suy nghĩ, tìm kiếm chân lý. Ông suy tư, lí giải bằng tất cả những gì mà thời đại ấy cấp cho ông, bằng vốn tri thức sách vở và vốn sống phong phú ngoài đời, bằng sự suy ngẫm đầy ý vị triết học siêu hình từ triết lí, tư tưởng Phật giáo và bằng cả sự từng trải hết nơi phong trần đến chốn lầu son gác tía. Ông là nhà thơ vĩ đại chính là ở sự kết hợp tinh tế, sâu sắc từ nhiều hướng lí giải cho số phận, cho hạnh phúc của nàng Kiều và của tất cả những con người bất hạnh đương thời.

Có thể nói rằng: trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cố gắng không mệt mỏi để đi tìm lời giải đáp cho số phận bất hạnh, bi kịch của nàng Kiều, của những người phụ nữ tài sắc trong xã hội cũ nói riêng, của con người mọi thời đại nói chung trong quan hệ với cả hai thế giới: ngoài thế giới hiện thực là thế giới tâm linh, mà nổi bật là triết lí mang màu sắc Phật giáo về số, mệnh, kiếp…về con người. Đó là sự tồn tại thực trong thế giới quan Nguyễn Du cần được nhìn nhận như một tất yếu khi đến với tuyệt tác Truyện Kiều - thiên tình sử diễm lệ mang trái tim nhân loại, một bản Nam âm tuyệt cú.

_____________________________________

Tài liệu tham khảo

1. A.Gurevich, Những phạm trù văn hoá trung cổ, Nxb.Giáo dục, H., 1996.

2. B.L.Ríptin, “Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình”, Tạp chí Văn học, số 2/1974, tr.107-123.

3. Đinh Thị Khang, “Kết cấu truyện Nôm”, Tạp chí Văn học, số 9/2002, tr.36-43.

4. Đinh Thị Khang, “Quan niệm về con người trong truyện Nôm, Tạp chí Văn học, số 8/2003, tr.56-63.

5. Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb.Giáo dục, H., 2006.

6. Nguyễn Thị Nhàn, Nghiên cứu mô hình kết cấu cốt truyện truyện thơ Nôm, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006.

7. Đặng Thanh Lê, Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1979.

8. Trần Đình Hượu, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông, in lần thứ 2, Lại Nguyên Ân biên soạn, Nxb. Đại học Quốc gia, H., 2002.

9. Phan Diễm Phương, “Lục bát và song thất lục bát thời trung đại - những vấn đề về nguồn gốc, cấu trúc, chức năng”, trong Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX - những vấn đề lịch sử và lí luận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, PGS.TS Trần Ngọc Vương chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, H., 2006.