HANU
 
 
Hình của Hồ Thu Giang
Rau trong bát canh Việt
Bởi Hồ Thu Giang - Monday, 7 September 2009, 03:31 PM
 

Nếu người Hoa nổi tiếng với những bát canh chế biến cầu kì từ khá nhiều các nguyên liệu như gà, cá…với các loại thảo quả, thuốc bắc để tạo nên những bát canh bổ dưỡng thì người Việt lại khá chuộng những bát canh thanh đạm có nguyên liệu là các loại rau trồng trong vườn.

Rau cỏ trong vườn bình dị nhưng lại góp phần tạo nên những bát canh ngon lành. Không chỉ bó hẹp trong mâm cơm chốn quê nhà, nó càng trở nên “có giá” ở chốn phố thị hào hoa, trong bữa cơm của các gia đình sung túc hay trong thực đơn các nhà hàng sang trọng… Có lẽ bởi người ta đã quá nhàm chán với sự cầu kì, phức tạp của cuộc sống đời thường nên muốn tìm đến những gì mộc mạc, giản đơn, thanh khiết. Nhưng một món ngon chỉ thực sự tỏa hết hương thơm và mùi vị khi được đặt trong không gian thuộc về nó, phù hợp với nó. Vì lẽ đó mà trong các nhà hàng sang trọng, những bát canh suông dù vẫn mang trong mình hương vị quen thuộc nhưng sao người ta vẫn không tìm được cảm giác thân thương, bình dị vốn có của nó. Chỉ ở trong những bữa cơm chiều quây quần đủ cả nhà, qua ô cửa sổ nhìn ra ngoài vườn thấy từng luống rau xanh non, mượt mà đu đưa trong gió mới thấy ngon ngọt làm sao. Những ngọn rau xanh non để bát canh có mùi vị đặc biệt.

Các loại rau trồng trong vườn nhà, ngoài bờ ao… nấu bát canh suông ăn cũng mát lòng lắm rồi. Nhưng “sang” hơn một chút là nấu với cua, hến, trai… Lá, ngọn rau mồng tơi, rau răm, hành, bầu đất…xắt mỏng cho vào trong nồi nước hến, giắt, ngao… đang sôi sùng sục để bát canh thêm trong lành, mát dịu. Chỉ vậy thôi cũng đủ khơi gợi lên trong lòng người thưởng thức những cảm hứng mới…

Nếu lá chanh chỉ được cho vào bát canh như gia vị để điểm xuyết, tạo hương vị thì lá lốt ngược lại, phải cho thật nhiều. Đâu chỉ dùng để chế biến được các món rán như chả hay để làm gia vị trong các món ốc, lá lốt cũng được người Việt dùng để nấu những bát canh ngon, lạ miệng. Vị nồng của lá lốt khi cho vào nước luộc giắt bỗng dịu lại, nhẹ đi và thoang thoảng mùi thơm thanh mát, dễ chịu vô cùng. Mà không phải lá lốt già thì hắc đâu nhé, chọn những lá càng già thì bát canh càng thơm ngon.

Rau ngót xanh đậm màu, rửa sạch để ráo nước, khi nồi nước trên bếp đang sôi, người nấu nhanh tay vò nát từng nắm rau bỏ vào. Có như vậy bát canh rau ngót mới ngọt, lá rau mới mềm. Cầu kì hơn một chút, người ta băm nhỏ thịt lợn nấu cùng rau ngót, vị ngọt mát tự nhiên của rau ngót hòa quyện trong vị ngọt thịt tạo nên bát canh bổ dưỡng trong ngày hè.

Hay chỉ đơn giản là một bát nước canh rau muống luộc vắt chanh hay dầm sấu thôi cũng làm bữa cơm ngon miệng rồi. Rau lang nấu canh, cho thêm chút tỏi phi tạo nên mùi thơm quyến rũ. Còn nếu thích cách ăn của “người nhà quê” thì nấu rau lang, rau muống với tương, món canh ấy cũng thật thú vị.

Thế mới biết, mỗi một loại lá rau cho ta thật nhiều món canh. Mới điểm qua thế thôi mà đã có một “bộ sưu tập” các loại canh rau trồng trong vườn rồi. Mỗi vùng quê có những loại rau đặc trưng phù hợp với đặc điểm đất đai, địa hình nên mỗi nơi cũng có những loại canh đặc trưng riêng. Trong khu vườn nhỏ nhắn mà không biết có đến bao nhiêu loại rau, còn ngoài ngõ, bờ ao, trên đồng ruông, trong những rãnh ngô, bụi mía…ở đâu người Việt cũng có thể tận dụng để trồng rau. Những ngọn rau vươn mình đón láy cái nắng, gió, mưa để tạo nên những bát canh đậm đà, ngọt mát…

Theo MonngonHaNoi