HANU
 
 
Hình của dao phuongly
Sám hối từ cuộc chiến
Bởi dao phuongly - Monday, 31 August 2009, 10:17 AM
 
 

Sám hối từ cuộc chiến

Chính giới và dư luận châu Âu ngày nay đã vượt qua rất xa những mặc cảm dân tộc có từ Thế Chiến Hai trong tinh thần đánh giá đúng sự thật, gồm cả phần tự hào và đáng xấu hổ.

Trước ngày kỷ niệm 70 năm Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai vào tháng 9 năm nay, các quốc gia Đức, Anh, Pháp, Ý, Ba Lan, Ukraine và cả Nga cùng nhìn lại cuộc chiến thảm khốc nhất của châu lục trong thế kỷ 20.

Đặc biệt, cũng là nhờ sự chấm dứt của Bức màn sắt đúng 20 năm trước các xã hội châu Âu có cơ hội đối thoại một cách dân chủ và bình đẳng, khiến những hồi ức đau thương nhất được hóa giải trong giao lưu giữa các dân tộc.

Nhìn thẳng sự thật

Ngày 1/09/1939, chiến dịch Fall Weis do Adolf Hitler tung ra để tấn công Ba Lan nhưng mục tiêu cuối cùng là để tiêu diệt các dân tộc Đông Âu, lập không gian sinh tồn cho nòi giống 'thượng đẳng Đức', dự kiến lan đến tận rặng Ural của Nga.

Chế độ Hitler đã giết có tổ chức hàng triệu người Do Thái châu Âu trong lò hơi độc.

Người Slavơ, người Di Gan, tù binh chiến tranh và bất cứ ai chống lại chế độ phát-xít, kể cả người Đức đủ mọi tầng lớp đều bị bắt, giam cầm và giết dần trong các trại tập trung khét tiếng.

Cũng ngày 1/09/1939, ngay sau khi ra lệnh nổ súng đánh Ba Lan, Hitler ký một sắc lệnh khác áp dụng ngay trong nước Đức, cho bắt và giết tất cả những ai tàn tật và bị bệnh tâm thần, bất kể lứa tuổi, để làm 'trong sạch chủng tộc'.

Sự tàn bạo vô bờ bến của chế độ Hitler đã được không ít người Đức ủng hộ với niềm tin vào ảo tưởng xây dựng một đế chế nghìn năm dựa trên bạo lực, khoa học thuần tuý, vô nhân tính và thuyết phân biệt chủng tộc mù quáng.

Thế Chiến 2 cũng là dịp để chế độ Stalin ở Liên Xô tung quân đánh chiếm các dân tộc nhỏ bé, từ vùng Baltic đến Trung và Nam Âu, tiêu diệt không nương tay mọi tầng lớp bị cho là không phù hợp với mô hình giai cấp kiểu cộng sản.

"Chính sự tự tin và lòng dũng cảm khiến giới trí thức châu Âu vượt qua được mặc cảm cố chấp dân tộc chủ nghĩa."

Nguyễn Giang

Nhiều dân tộc như người Tartar, Chechnya bị đầy ải hàng loạt sang Siberia vì lý do 'an ninh'.

Stalin cho giết 20 nghìn tù binh Ba Lan ở vùng rừng Katyn và đổ cho phát xít Đức.

Nhưng ngày nay, châu Âu đã rút ra bài học từ cuộc chiến và có sự sám hối dũng cảm.

Trước hết là tại Đức, giới truyền thông đã làm rất nhiều để chính người Đức biết được cha ông họ đã gây ra Thế Chiến.

Truyền hình Đức dựng phim tài liệu nói về nguyên nhân cuộc chiến, với chi tiết về tội ác chiến tranh được mô tả lại công bằng.

Báo Franfurter Allgemeine Zeitung phỏng vấn với người dân vùng nay là Ukraina bị sư đoàn SS Galizien đốt phá và giết hại tháng 2/1944.

Trước ngày lễ 1/09 năm nay tại Westerplatte, Gdansk của Ba Lan với sự tham gia của lãnh đạo Đức, Nga, Anh, Pháp, Ba Lan v.v. chừng 140 trí thức và văn nghệ sĩ Đức đã công bố thư ngỏ gửi người Ba Lan để nói về trách nhiệm của hai chế độ phát xít và cộng sản đã gây ra thế chiến.

Trả lời Newsweek, ông Wolfgang Templin, người chủ xướng ra lá thư ngỏ đó, nói rằng người châu Âu ngày nay cần nêu bật sự nguy hại của hiệp ước Ribbentrop-Molotov năm 1939, mở màn cho chiến tranh.

Là một nhà hoạt động đối lập thời Đông Đức nhưng cũng từng là cựu đảng viên cộng sản và cộng tác viên với Stasi, ông Templin nói đến tinh thần cùng chịu trách nhiệm về một châu Âu chung, hướng về tương lai và cảnh tỉnh với cách mưu toan chính trị của những nước lớn gây thiệt hại cho các nước nhỏ.

Tại Nga, dù chính quyền vẫn muốn dùng hồi ức về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại để duy trì chính danh quyền lực dựa trên tự hào lịch sử, có không ít trí thức Nga đã nói thẳng đến trách nhiệm của Liên Xô thời Stalin trong cuộc chiến.

Sử gia Nikolai Svanidze đã gọi Stalin là 'kẻ sát nhân' và tiếng nói của ông không hề đơn lẻ.

Giáo hội Chính thống Nga cũng chia sẻ ý kiến nói sự thật về 'chế độ Bolshevik đẫm máu' với các dân tộc trong Liên bang Xô Viết trước đây.

Còn với bên ngoài, một phần dư luận Nga cũng hiểu rằng chế độ mà Liên Xô áp đặt đối với chính các dân tộc khác sau năm 1945 dần dần bị coi là 'chiếm đóng', hoặc ít nhất là đã cô lập hóa và kìm hãm bước tiến văn minh của những nước vùng Baltic và Trung Âu.

Tại Anh, đã từ lâu, công lao cứu quốc của Winston Churchill được ca ngợi nhưng sách báo và truyền hình, gồm cả BBC cũng không né tránh phần 'tội' của ông.

Đó là lệnh cho không quân Hoàng gia Anh ném bom xăng xuống Hamburg và Dresden, thiêu sống hàng vạn thường dân Đức.

Tại Pháp, người ta đã và vẫn còn bàn luận về vai trò đáng xấu hổ của chế độ Petain cộng tác với Đức trong các vụ vây bắt người Do Thái.

Chấp nhận cả hai

Nói như sử gia Ba Lan Pawel Machcewicz thì hồi ức lịch sử của một dân tộc luôn có cả phần tự hào và phần đáng xấu hổ và ta phải chấp nhận cả hai.

Ông cho rằng người Ba Lan đã đủ trưởng thành để bỏ đi bức tranh đen-trắng 'Ba Lan chiến đấu anh hùng, chịu đau thương', thiếu các sự kiện có thật như một tiểu đoàn cảnh sát Ba Lan được phát-xít Đức huấn luyện đã tham gia bắn giết người Ukraine.

Hàng nghìn thanh niên Ba Lan gốc thiểu số miền núi Slask cũng gia nhập quân đội phát-xít dù là bị cưỡng bức.

Người Ba Lan không phải ai cũng cứu giúp Do Thái, thậm chí còn có vụ như dân ở Jedwabne giết và cướp người Do Thái cùng làng.

Nói tóm lại, trong một cuộc chiến, ai cũng có thể là nạn nhân mà cũng rất dễ trở thành thủ phạm và tòng phạm cho tội ác, hoặc vì hoàn cảnh, hoặc cố ý.

Anh hùng dũng sĩ của cộng đồng này có thể lại là kẻ phản bội hay hay đồ tể đối với cộng đồng khác.

Nói như thế không phải để xóa nhòa mọi tội ác và hạ thấp mọi biểu tượng mà để có một suy tư sâu hơn, nhân bản hơn khi nhìn vào chiến tranh.

Trong một châu Âu thống nhất ngày nay, giới truyền thông và trí thức hiểu rất rõ rằng tự tôn dân tộc có nguy cơ chia rẽ, phân biệt chủng tộc, thậm chí dẫn tới chiến tranh.

Ngược lại, mặc cảm tự ti mang tính chủng tộc, tôn giáo cũng dễ đẩy số đông vào vòng tay của những 'lãnh tụ' cực đoan.

Ví dụ gần nhất của Srebrenica năm 1992 hay chiến sự Kosovo càng khiến người ta tin rằng thông cảm và đối thoại hòa bình là cách tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn.

Dân tộc và lịch sử

Chính sự tự tin và lòng dũng cảm khiến giới trí thức châu Âu vượt qua được mặc cảm cố chấp dân tộc chủ nghĩa.

Thế Chiến 2 cũng diễn ra tại châu Á-Thái Bình Dương và làm hàng triệu người thiệt mạng.

Nhưng tại châu Á, cho đến giờ hai nước lớn nhất tham gia Thế Chiến là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn tranh cãi về sự thật lịch sử gần 70 năm về trước.

Thậm chí, với các cuộc chiến về sau này, như xung đột biên giới Việt Trung 1979, việc đánh giá cũng chỉ nước nào biết nước đấy, có khi còn chẳng được công khai.

Có phải các thể chế châu Á tham lam, muốn ôm hết phần hay, phần đẹp về phía mình khi đánh giá quá khứ?

Theo thiển ý, không phải vì người dân châu Á không muốn biết sự thật mà vì chính giới và các nhân vật có trách nhiệm chưa đủ độ tự tin để tạo điều kiện cho cuộc đối thoại.

Đó là chưa kể hồi ức lịch sử vẫn còn bị sự dụng vào mục tiêu chính trị trước mắt.

Cách làm đó dễ tạo đà cho nguy cơ chiến tranh trong tương lai.