HANU
 
 
Hình của TT Grass
Vài khuôn mặt Hà Nội
Bởi TT Grass - Tuesday, 28 October 2008, 01:54 PM
 

VÀI “KHUÔN MẶT HÀ NỘI”

Nhà văn Đan Mạch Anđécxen từng có một ý tưởng rất hay: Ông đi trong thành phố giữa hai dãy nhà, mà có cảm tưởng như đang đi trong thư viện, với dãy nhà là giá sách, mỗi căn phòng là một cuốn sách và mỗi người sống trong đó là một nhân vật, nếu ta có dịp tìm hiểu thì sẽ học được không biết bao nhiêu điều mới lạ và bổ ích.

Hà Nội là một trong vài ba thành phố lớn nhất của cả nước. Đến nay Hà Nội có khoảng ba trăm sáu mươi phố, đường và còn đang phát triển. Nhà cổ, nhà cũ, nhà mới, nhà đang xây… tạo ra “khuôn mặt” mỗi năm một mới, gần như là mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, đều để lại dấu ấn của mình, kể cả sau khi những người xây nhà, những người chủ nhà đã không còn nữa.

Theo nhiều tài liệu thì có lẽ một số ngôi nhà cũ nhất của Hà Nội cũng chỉ có số tuổi khoảng 150 năm trở lại đây, tính từ thời Vua Tự Đức. Bởi xưa kia, vật liệu làm nhà là tranh tre nứa lá, không chống chọi được với thời gian, khắc nghiệt nhiệt đới, cùng thiên tai, địch họa, cùng thần lửa… (không kể một số di tích cổ).

Có một số ngôi nhà khá đặc biệt, ta còn biết tuổi nó, phần lớn còn lại, chỉ là phỏng đoán. Tuy vậy, có những ngôi nhà thật đặc biệt, tùy từng người mà nó là ân tình, là kỷ niệm, là một thời tuổi trẻ, là mối tình không thể phai mờ, là cái nghĩa suốt đời không quên…

Phố Phạm Ngũ Lão, khu vực quân đội, từng là đất nhượng địa sớm nhất - khu vực Đồn Thủy - suốt hàng Thế kỷ là nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, nay mới mở rộng, có Nhà khách của Bộ Quốc phòng, có thể thuê để hội họp, chiêu đãi v.v.. ở đây có một ngôi nhà cổ, tường rất dày, ngoài “mi” nhà còn một dòng con số: 1886, là năm ngôi nhà này được sinh ra. Không hiểu có phải nó là một ông già, thuộc loại già nhất Hà Nội không (đương nhiên không kể một số di tích lịch sử như Văn Miếu, Cột Cờ, Đền Quán Thánh, Đền Ngọc Sơn…).

Nhà Hát Lớn thành phố trẻ hơn, được xây dựng từ 1901 đến 1911, thì hoàn thành. Ngân hàng Ngoại thương, từng là Nhà băng Đông Dương, cũng mới xuất hiện từ năm 1930, có móng nhà ăn xuyên ra gần vườn hoa Chí Linh vì đây là bờ sông cũ, nền bùn không vững chắc.

Hiệu kem Hồng Vân - Long Vân, nay là nhà bán nguyên liệu cho nghề ảnh, ở chỗ đài phun nước Bờ Hồ (có tên chính thức là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), vào những năm 1931-1936 là tòa báo của ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo, nhà văn có công lớn trong việc cải tiến chữ Quốc ngữ. Báo Annam Nouveau (Nước Nam mới) chiếm toàn bộ khu nhà, qua nhiều thay đổi, diện mạo đến nay vẫn còn nhận ra được.

Ngôi nhà 90 Phố Quán Thánh từng là trụ sở Báo Ngày nay của nhà văn Nhất Linh trong nhiều năm. Sau Cách mạng tháng Tám, đây là một trong mấy trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng phản động. Ngôi nhà có một tòa tháp khá cao, sân rộng, kiểu biệt thự, một thời gian là cơ quan quân sự của Quận Ba Đình, nay đã biến dạng, xây chen, cơi nới nhiều, không còn như di tích lúc ban đầu nữa.

Pháp đô hộ Việt Nam, nắm chính quyền, nhiều Pháp kiều ở Việt Nam theo tôn giáo khác nhau. Vì vậy mà ngoài nhà thờ đạo Tin Lành ở gần Chợ Hàng Da, còn có nhà thờ Tin Lành riêng cho người Pháp ở Phố Lý Thái Tổ, gần Nhà Hát Lớn, nay là Công ty đĩa hát Việt Nam. Trên nóc nhà, vẫn còn một cái chuông đồng nhỏ, nhưng lâu nay không còn vang lên nữa…

Một thời gian dài nhắc đến Hà Nội là ai cũng nghĩ ngay đến tiếng chuông xe điện leng keng từ sớm tới khuya. Nhà máy điện Yên Phụ cung cấp điện thắp sáng cho thành phố. Còn điện để chạy xe điện thì lại phát ra từ một ngôi nhà nửa nổi nửa chìm ngay tại Bờ Hồ, trong khu vực Nhà máy Đèn, tức Sở Điện lực hiện nay.

Phố Phan Bội Châu là một phố ngắn nhưng đẹp. Ngoài trụ sở báo Pháp luật và Đời sống, có lẽ còn một ngôi nhà rất ít người biết đến, đó là nơi ở của nhà thơ Khương Hữu Dụng, trên 90 tuổi, một trong hai nhà thơ cao tuổi nhất nước hiện nay (cùng với nhà thơ Lê Đại Thanh). Tình cờ hay trời sắp đặt, “Già Khương” từng tiếp xúc với cụ Phan, được cụ Phan đặt bút danh cho, rồi nhiều năm nay lại sống ngay trong một ngôi nhà ở phố mang tên cụ Phan, nhà cách mạng lừng danh (“Già Khương” mới chuyển về khu Kim Liên vài năm nay).

Tòa án Tối cao, cùng xây một thời điểm với Hỏa Lò. Tại sao lại gọi Nhà tù là Hỏa Lò? Ở đấy nóng như hỏa lò chăng? Không, hoàn toàn không phải. Đây nguyên là đất Làng Nam Phụ, sau là Phụ Khánh, Tổng Tiền Nghiêm Huyện Thọ Xương, một làng chuyên nặn lò để bán khắp nơi trong thành phố, dùng đun than hoa hay đun củi cũng được. Năm 1912, làng bị đuổi để lấy đất xây nhà tù, dân quen gọi đây là đất Hỏa Lò, và nhà tù mang luôn tên Nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù là một khu vực khép kín, tường đá nặng nề, âm u, như đè nặng lên số phận con người một cách đầy đe dọa…

Ngày nay, mỗi quận, huyện đều có tòa án. Cũng hơi buồn, là có tòa án được đặt trong những ngôi nhà nguyên chỉ là nhà ở hay cửa hàng tư nhân, như Tòa án Quận Hoàn Kiếm, thậm chí đặt trong một ngôi miếu cổ được sửa sang lại (như Tòa án Quận Ba Đình ở Miếu Cô Hồn hay Miếu Hai Cô, Phố Lê Trực). Vào những tòa án này, ý thức tôn trọng pháp luật chưa được nâng lên vì thiếu một cái gì uy nghiêm trang trọng cần thiết… Nên thay đổi thế nào đây khi nhà đất ngày một khan hiếm và đắt giá. Nhưng thiết nghĩ, cơ quan chính quyền, Tòa án, Viện Kiểm sát, vẫn cứ phải là bộ mặt của một địa phương, không thể nhếch nhác, không thể bị coi thường…, không nên để nay lại kém xưa…

Ngôi nhà sáu tầng xây đầu tiên sau 1954 có lẽ là Viện Thiết kế của Bộ Lương thực - Thực phẩm Phố Nguyễn Du mà nhà thơ Trinh Đường đã làm thơ ca ngợi vì nó là cái mới. Cũng làm thơ ca ngợi ngôi nhà Ba Trăm cửa sổ, Xuân Diệu viết về trụ sở Bộ Công nghiệp nặng, Phố Hai Bà Trưng, mà phía sau đó, trông sang Tràng Thi, nguyên là trụ sở Nha Kinh Lược của Thế kỷ trước, với ngựa xe võng lọng một thời…

Hà Nội chính thức mang tên Hà Nội từ năm 1831, triều Vua Minh Mạng. Từ đó tới nay đã bao thay đổi, vần vũ bão tố mấy phen. Chỉ đến mấy năm gần đây tốc độ xây dựng mới đẩy vội vã. Còn bao năm trước Hà Nội khiêm tốn trong nếp sống thanh bình, có phần rụt rè của mình. Phố cổ đang kêu cứu. Phương án bảo tồn đang có rất nhiều khó khăn, gặp rất nhiều cản trở. Một mối lo canh cánh của Hà Nội là sang Thế kỷ sắp tới, Hà Nội sẽ có khuôn mặt ra sao, cái gì còn đáng quý, cái gì là lai căng, chắp vá?

Một Cột Cờ xây năm 1812, một Khuê Văn Các xây năm 1805, một quần thể Ngọc Sơn dựng năm 1864, một nhà thương Phủ Doãn xây năm 1904 trên cái nền nhà thương làm phúc bằng tre, nứa của các bà sơ lập ra, một khu tường bao Văn Miếu bằng gạch vồ Bát Tràng được tiến hành năm 1833 và được tu bổ lại trong năm 1995… Hà Nội chúng ta sẽ ra sao đây, mỗi tấm lòng người Hà Nội đang hồi hộp âu lo trước cơn sóng ồ ạt của những căn nhà kiểu “áo quan dựng đứng” hoặc đầu nhọn, bụng ưỡn, mặt tiền ốp đá lạnh toát…

Còn nhiều ngôi nhà các danh nhân từng ở, các ngôi nhà diễn ra sự kiện của Thế kỷ này, những ngôi nhà từng là tình yêu, là kỷ niệm, là gắn bó, hay day dứt, là êm đềm hay đau khổ… những ngôi nhà ấy tạo ra từng phố, gộp lại thành Hà Nội với một linh hồn ngàn năm vang vọng… chưa thể nói hết về những ngôi nhà như thế, những khuôn mặt như thế…

                                                                                  BĂNG SƠN

                                                                                      (Trích Xưa và Nay, 10-10-1995)