HANU
 
 
Hình của TT Grass
Quỹ đạo Chân - Thiện - Mỹ ở đời
Bởi TT Grass - Wednesday, 2 July 2008, 02:14 AM
 

Quỹ đạo Chân - Thiện - Mỹ ở đời

Chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của mùa xuân, cũng là vòng vận động sau chót của mùa đông – giữa khúc quanh còn lại, nơi Thủy của mùa đông sẽ hóa thành Mộc của mùa xuân. Thủy sinh Mộc, mùa đông sẽ chuyển hóa sang mùa xuân, một giọt nước lonh lanh đang cựa mình nhú lên búp chồi, cho sự sống đầu tiên của một năm mới ra lá, đơm hoa và kết trái. Đó là thời khắc thật vĩ đại của Càn Khôn giúp chúng ta nhận ra đạo lý của Tạo hóa. Như người phương Tây thường quan niệm: mùa đông là mùa chết, vì tuyết đóng băng, cây rụng lá, trơ cành khô gày guộc, chim chóc, muông thú nấp kỹ trong hang; vậy mà mùa xuân đến tuyết tan trả lại mặt đất sinh sôi cho muôn loài, rừng cây rùng mình tỉnh giấc giữa muôn vàn tiếng cựa của những chồi non, muông thú lao ra đùa giỡn trên đồng cỏ, chim chóc cất tiếng hót những bài ca mênh mông đến độ thừa sức trùm một tấm voan trong suốt của âm thanh lên toàn mặt đất, và con người nơi đỉnh cao của Tạo hóa đang phục sinh cuộc đời bằng một trái tim khao khát tình yêu giữa tấm chăn cũ kỹ của mùa đông.

Đạo lý của đất trời luân chuyển: Xuân – Hạ - Thu – Đông. Còn là đạo lý của con người thì sao? Chắc chắn: Chân – Thiện – Mỹ là một quỹ đạo đi xuyên suốt mọi sức sống, mọi giá trị và mọi thành tựu của đời người.

Không chỉ có mỗi cá nhân, mà mỗi sắc tộc từ rừng sâu núi cao đến đồng bằng trù phú, từ biên giới trải dài trên sa mạc đến lãnh hải vô hình giăng qua đại dương, ở đâu, không sống theo Chân – Thiện – Mỹ, chắc hẳn sẽ chẳng trở thành bất kỳ giá trị nào, thậm chí còn chuốc lấy nghèo nàn, lụi bại, hoang phế.

Chân – Thiện – Mỹ xuyên dọc cuộc đời, có thể ví, nó toàn hảo như ba chiều của không gian: chiều dài – chiều rộng – chiều sâu, và toàn hảo như ba chiều của thời gian: quá khứ - hiện tại – tương lai. Nhưng mở màn, bao giờ cũng là chữ CHÂN. Chân, tức là chân thực, chân lý. CHÂN-LÝ là điều dường như hệ trọng hàng đầu của vũ trụ và con người, nếu hệ mặt trời này không dựa trên những sự vận hành có thật của mặt trời, trái đất, mặt trăng, các vì tinh tú, đất, nước, gió, lửa, không khí, ô-xy, hyđro... thì làm sao sự sống có thể xuất hiện? (!) Chân – tức là “sự thật”. Còn Lý, tức là nguyên lý, bao gồm cả sự suy lý-hợp lý của lý trí con người. Triết gia Hegel nói, hiện thực chưa hẳn là chân lý, nói vậy ông muốn hàm ý rằng: mỗi hiện thực đầy đủ phải hàm chứa trong nó tính nguyên lý thì mới trở thành chân lý một cách vẹn toàn. Chúng ta thử ngắm, nước chẳng hạn, bao giờ cũng mang thuộc tính có sóng và chảy về chỗ thấp. Một dòng sông, một đại dương... đều không ngoại lệ. Bạn thử nhỏ một giọt nước lên bàn và quan sát xem, các nhà vật lý nói rằng, ngay giọt nước đó cũng lung lay, bồng bềnh như sóng, và nó luôn sẵn sàng để chảy xuống chỗ thấp hơn.

Chân lý – là Sự thật, dường như đó là phạm trù rất cao viễn của các nhà triết học, các học giả khoa học đáng kính, kỳ thực không phải vậy, triết gia Aristote cho rằng, chân lý thân thiết sát cánh với con người đến mức, ngay từ khi còn sống hoang dã, con người đã phải hiểu, lá cây nào ăn được, lá cây nào có tác dụng chữa bệnh có thể uống hay rịt vết thương. Vì thế, nếu không học biết chân lý, con người sẽ nguy khốn. Và Aristote từ đó lớn tiếng tuyên ngôn đanh thép rằng: Luôn luôn học biết cái gì đấy là lạc thú lớn nhất của cuộc đời. Tất nhiên, người ta không chỉ biết cái loại lá để ăn, để chữa bệnh, mà còn học biết các loài cây để kéo sợi may quần áo, các loại ống trúc để làm sáo thổi lên những tiếng tỏ tình làm say sưa tình nương nhất, các loại gỗ có thể làm đàn gảy lên những tiếng tơ lòng hòng lung lạc những con tim chai cứng nhất, và các loại sẳt thép để làm vũ khí mong bắt sống con mồi hay đánh đuổi địch thủ - kẻ địch chiếm cứ mảnh đất của mình.

Tại sao lại phải học để biết cái thật?

Triết gia Descartes cho rằng, vì nhận thức chỉ có thể thu từ cái thật, còn cái giả là ảo ảnh – không bao giờ biến thành nhận thức. Chẳng hạn nếu ta lấy một chiếc gậy nhúng một nửa xuống nước, tức thì nửa đó sẽ sưng to lên và ngắn ngủn lại. Nhưng thực sự, đầu gậy ấy chẳng biến đổi gì cả, chỉ vì tính khúc xạ của ánh sáng đã đánh lừa con mắt người ta. Hoặc nếu nhìn từ đằng xa, các góc vuông tường của một nhà thờ sẽ có hình tròn, kỳ thực không phải vậy.

Theo Platon, nếu con người không học lấy cái Chân, tức thì chuốc lấy những tai họa. Ông ví, con người chưa hiểu biết như đi trong hang tối, không phân biệt chỗ nào thấp có thể cụng đầu, không biét chỗ nào bằng phẳng để đặt chân lên, nếu bước vào chỗ rêu trơn, hay hõm có thể ngã mất mạng, vì thế để đảm bảo an toàn người ta phải dò dẫm. Sau đó người ta muốn thắp lên một ngọn đuốc để soi tỏ. Khi đã có đuốc người ta bèn bước phăng phăng, vì hoàn toàn có thể phân biệt chỗ cần bước, chỗ cần tránh. Nhưng chỉ khi bước ra đến cửa hang, ánh sáng mặt trời chói lọi soi tỏ mọi sự thì người ta mới có thể tự tin bước đi và hành động một cách thoải mái.

Như vậy cùng lúc, khi có ánh sáng soi tỏ, phân biệt CHÂN-GIẢ rõ ràng, thì cùng lúc cái tốt lành cũng xuất hiện. Bởi vì, ngược với điều không hiểu biết chân tính của sự vật, người ta sẽ vấp ngã, bươu đầu, gãy tay chân, hoặc mất mạng. Tại sao, khi có một người lấy gối bông đánh ta, ta không thèm tránh, vì biết bông nhẹ sẽ không gây nguy hiểm; và tại sao có người lấy gạch ném ta, ta phải tránh cho kỳ được vì biết gạch sẽ gây thương vong. Học biết sự thật cũng vậy, người ta phải dạy trẻ con, nước sôi thì bỏng, nước chảy không thể làm vỡ bình, nhưng để nó hóa đá ném vào bình, bình sẽ vỡ.

Khi có cái Chân thì lập tức cái Thiện và cái Mỹ đi kèm. Triết gia Hegel đánh giá rằng, khi người ta dựng một tòa nhà, thì đều có xu hướng dựng chiếc cột đứng thẳng, cho đến bao giờ nó đứng thẳng vuông góc với mặt đất mới thôi. Tại sao vậy? Vì nếu không dựng cột thẳng lên, nó sẽ đổ xuống đầu những người đang xây dựng, hoặc giả sau đó tòa nhà sẽ đổ gây thiệt hại cho người ở. Vậy là, khi tòa nhà được dựng thẳng, lập tức cái Thiện kéo đến, vì nó gây an toàn cho người ở; sau đó là cái Mỹ vì lẽ cột thẳng, tường thẳng, thì trát vách mới phẳng. Những bức tượng đẹp, sở dĩ chúng đẹp vì trước hết chúng tuân thủ luật trọng lực hợp lý và vững vàng nhất.

Cái Chân mở màn cứu vớt con người. Chúng ta hãy hình dung những con bệnh đến bác sĩ để chữa trị, họ có khai thật bệnh để được chữa khỏi không? Một kẻ gian, một kẻ lừa đảo, một kẻ xấu có thể muốn nói sau sự thật hòng lẩn tránh tội trạng của mình: trái lại những con bệnh không một ai lại muốn khai gian bệnh, để thầy thuốc bốc thuốc nhầm cho mình. Đến lượt thầy thuốc, sau khi bắt bệnh xong, ông liền nói tăng căn bệnh lên khiến cho bệnh nhân sợ sệt, phải mua những liều thuốc đắt tiền không đúng căn bệnh của mình. Kết quả, vì không tôn trọng sự thật, cũng là mầm mống thiếu tình thương từ thiện, số bệnh nhân khỏi càng ngày càng ít, người đến khám bệnh càng ngày càng thưa. Cuối cùng, vị bác sĩ phải đóng cửa phòng khám. Trái lại, nếu vị bác sĩ bắt đúng bệnh, chân tình chăm sóc bệnh nhân như từ mẫu, tiếng tăm về một vị bác sĩ giỏi tay nghề, nhân từ sẽ được đồn khắp nơi, và bênh nhân sẽ ùn ùn kéo đến. Thế là, càng thiện với người, càng ít nghĩ về tiền, lại càng giàu có.

Người Việt cũng xác định mạnh mẽ cách con người chân thật sẽ tốt lành hết cỡ, như: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”. Và còn nói: “Thật thà là cha quỷ quái”. Cũng nói: ”Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Để cảnh báo sự giả dối của con người, triết gia Aristote nói: “Tuổi trẻ thường hay nói dối, đó là cách tốt nhất để hy vọng”. Tuổi trẻ, vì chưa làm được gì nhiều, họ thường hay nói dối, chẳng hạn đang là sinh viên ngành Y, đã tự giới thiệu mình là bác sĩ, đã khám chữa bệnh cho vài người. Đó là sự nói dối “đáng yêu” – có thể châm chước. Nhưng từ trẻ đến già anh ta cứ nói dối để tăng cường ảo ảnh của mình, là rất tai hại, vì nó làm tiêu vong chính tài năng thật của anh ta, chỉ có sự nói dối được phát huy mà tài năng không được đào luyện. Nhà phê bình Bêlinxki nói: “Khi một người chỉ chuyên tâm dối trá thì nó mất hết trí thông minh và tài năng”. Chỉ chuyên dối trá, tức là, lúc nào cũng chỉ lèo lái, che chắn, biện hộ, trí óc đâu có thể giành điều kiện để phát triển trí thông minh cũng như tài năng thật? Đúng như người Việt nói “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Khôn ngoan – đó là khôn ngoan vặt vãnh, khôn lỏi, ma lanh, làm sao có thể sánh với sức mạnh của người thật thà. Người thật thà có sức mạnh của thiên lý, như người Việt khẳng định: “Nói phải củ cải cũng nghe”. Sự thật là bất khả chiến bại, như thánh Gandhi nói: ” Người ta không thể phủ nhận sự thật, người ta chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự thật thôi”. Còn thi sĩ Bouleau thì tuyên bố: “Không gì đẹp bằng sự thật, chỉ cái thật mới đáng yêu”. P. Claudel thì viết: “Đối với mọi vật cũng như đối với mỗi bài thơ, chỉ có cách làm mới duy nhất đó là làm thật, và chỉ có cách làm trẻ duy nhất đó là vĩnh hằng”.

Sự thật tự nó đã là nguyên lý của vĩnh hằng. Tài năng của ta nếu là hạt giống gieo trong gió xuân, muốn ra hoa, nó phải là hạt giống thật, gieo trên đất tốt, phải được uống ánh sáng thật, khí trời thật và nước thật, để dâng quả ngọt – có thật cho đời. Có ai trong chúng ta lại không mong mình là hạt giống thật mà chỉ là hạt giống ảo cho đời? Nhân mùa xuân chúc cho mọi hạt giống đều trở thành đại thụ.

Nguyễn Hoàng Đức

Nguồn:  Tạp chí Ngày nay