HANU
 
 
Hình của Đào Thanh Huyền
Giải “nobel hòa bình” của học sinh Việt Nam
Bởi Đào Thanh Huyền - Thursday, 5 June 2008, 10:33 PM
 


Thí sinh đạt giải nhất Đinh Trần Vũ An trong lễ trao giải.

Cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh THPT và trung học nghề” có khởi nguồn từ một giải thưởng giá trị dành cho các nhà khoa học - Đó là giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới do Quỹ Stockholm thành lập. Từ năm 1994, trong khuôn khổ giải thưởng này có thêm một giải thưởng dành cho học sinh trung học. Lúc đầu, mới chỉ có học sinh Thụy Điển tham gia. Từ năm 1997, giải thưởng mở rộng ra toàn thế giới, thu hút học sinh nhiều nước tham gia.

Cuộc thi này được ví như một giải nobel hòa bình dành cho học sinh. Giải thưởng cao nhất hàng năm là một quả cầu thủy tinh hình giọt nước được trao trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Thụy Điển. Người trực tiếp trao giải là công chúa Thụy Điển.

Bắt đầu từ năm 2003, được sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) thông qua Quỹ Môi trường Sida, Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh THPT và trung học nghề” đã được chính thức tổ chức tại Việt Nam. Báo Khoa học và đời sống được giao trách nhiệm chủ trì tổ chức.

Trong cuộc thi năm nay, so với các cuộc thi trước, số lượng bài dự thi đã tăng vọt: 2.761 bài dự thi của học sinh 25 trường THPT thuộc 15 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc tới Nam.

Ban Tổ chức đã quyết định trao giải tập thể cho 6 trường THPT có số lượng bài thi lớn và có chất lượng cao thuộc các địa phương: Thái Nguyên, Huế, Sóc Trăng, Hòa Bình, Sơn La và An Giang.

Giải nhất được trao cho thí sinh Đinh Trần Vũ An, lớp 11T trường THPT thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng tháp với công trình mang tên “Lối thoát nước mới cho nước thải hộ gia đình”.

Cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” mang tính chất hoàn toàn khác với những cuộc thi kiến thức trong nhà trường hay các cuộc thi olympic về toán, lý, hóa... Đây là cuộc thi đòi hỏi các thí sinh tham gia phải thực hiện được một công trình khoa học mini, đề xuất được ý tưởng mới, gắn với điều kiện môi trường xung quanh và có tác dụng với cộng đồng...

 

Để làm được điều đó, thí sinh phải vận dụng nhiều rất nhiều lĩnh vực học tập, kiến thức xã hội, kỹ thuật, công nghệ...Tham gia cuộc thi này, nếu không đạt giải, tất cả những thí sinh tham gia đều học được cách tự học, tự tìm hiểu và làm quen với nghiên cứu khoa học.

MM