HANU
 
 
Hình của Nguyễn Việt Lê
Chuyện những người thày hi sinh cứu trò.
Bởi Nguyễn Việt Lê - Sunday, 1 June 2008, 09:38 AM
 

Khi quốc kỳ ở khắp Trung Quốc đều treo rủ trong ba ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân động đất, những hình ảnh về người thiệt mạng trong thảm họa tiếp tục làm rúng động trái tim của mọi người.

 Hàng triệu cư dân mạng đã ví một người thày giáo anh hùng như cánh chim đại bàng dũng mãnh. Tần Kiến Cầu đã được tìm thấy dưới đống đổ nát với cánh tay dang rộng, che chở cho bốn học sinh dưới một chiếc bàn.

Bốn em được cứu sống, nhưng thày Tần, 51 tuổi đã bỏ lại vợ và hai con mãi mãi.

Vợ của thày, Trương Quản Dung, đã lau sạch mặt chồng trong nước mắt, sau khi thi thể của anh được đội cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát của Trường Trung học Đồng Kỳ thuộc thị trấn Hàn Vượng, thành phố Đức Dương.

Cô gọi chồng dậy đi làm từ sáu giờ sáng hôm thứ Hai - ngày định mệnh, ngày xảy ra cơn động đất. Họ cùng mặc quần áo cho con gái, đưa con đi dạo trước khi bắt đầu công việc.

Khi đài truyền hình Trung ương Trung Quốc phát đi cảnh tượng đưa thày Tần ra khỏi đống đổ nát, con gái lớn của thày đang học ngành luật tại Đại học Bắc Kinh đã nói: ’’Cha tôi là mẫu hình của người chỉ biết sống cho học sinh, thậm chí có thể đôi khi lơ là với gia đình’’.

Các giáo viên và học sinh đã tham dự lễ tưởng niệm thày Tần tại Đại học Hồ Nam. "Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ khoảnh khắc này, cánh tay anh dang rộng che chở cho học sinh là sự thể hiện hoàn hảo nhất tình yêu vĩ đại của anh’’, một đồng nghiệp nói.

Cô giáo vườn trẻ Khúc Uyển Dung biết không còn đường nào thoát ra ngoài. Mái nhà lớp học của cô bị đổ sập, nhưng bản năng cho cô biết cô phải làm gì. Sự hi sinh vô bờ của cô làm xúc động tất thảy mọi người. Lí Quyên, phụ trách vườn trẻ đã khóc khi nói về đồng nghiệp: "Cô Khúc nằm xuống, lưng hứng trọn tấm bê tông lớn, che chở cho một em nhỏ phía dưới. Em được an toàn, nhưng cô ấy đã ra đi’’.

Vườn trẻ Hoan Hoan nằm ở thị trấn Tôn Đào của Miên Trúc, nơi có khoảng 400 người đã thiệt mạng do động đất, và rất nhiều người bị chôn vùi. Hơn 80% tòa nhà trong thị trấn bị đổ sập. Khoảng 50 trong số 80 em nhỏ đã tử nạn, ba giáo viên không còn, hai người vẫn đang trong cơn nguy kịch.

Giáo viên dạy tiếng Anh, Ngô Trung Hồng, 45 tuổi, dạy ở Trường Trung học Hoài Viễn ở thành phố Sùng Châu 28 năm qua, đã hiến tặng cuộc sống của mình để cứu người khác.

Phó hiệu trưởng của trường cho biết, tòa nhà bốn tầng đã rung động mạnh trong một phút trước khi xuất hiện các vết nứt vỡ. Một em học sinh lớp thày Ngô kể lại, cô đang dạy học sinh ở tầng bốn, đã nói với các em không nên hoảng loạn, ’’không cầm theo thứ gì và theo tôi’’ vội vã xuống cầu thang.

Đột nhiên, ai đó hét giục hai em bị tụt lại phía sau, thày Ngô vội vã quay lại. "Chúng em thoát khỏi tòa nhà, còn thày thì mất tích’’, học sinh Tiểu Tân nói lại với một nhà báo.

Lực lượng cứu hộ đã dành cả đêm tìm kiếm thày Ngô, khi họ thấy thày vào sáng hôm sau, thày và bốn học sinh khác đã thiệt mạng. Phần lớn trong số 700 học sinh và giáo viên của trường được an toàn.

Có một câu chuyện tương tự xảy ra ở trường tiểu học Anh Tú, ở gần tâm chấn, trường có 70 giáo viên và 473 học sinh thiệt mạng.

Hai giáo viên Lưu Tư Năng và Thương Mẫn đang dạy học vào thời điểm xảy ra động đất. Họ và học sinh đã sống sót. Khi họ dùng đôi tay trần đào bới đống đổ nát thì tìm ra đồng nghiệp là Trương Á nằm trùm lên hai học sinh. Hai em còn sống nhưng thày Trương đã mất. Một giáo viên khác là Cương Phương cũng đã chết khi cố gắng cứu hai trò.

Một đài phát thanh địa phương đã kể về câu chuyện cô giáo Yên Dung. Cô ở lại để đưa 13 em học sinh thoát khỏi tòa nhà đang đổ sập và phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình.

Bé gái 18 tháng tuổi con của cô Yên có thể trở thành trẻ mồ côi vì cơn động đất. Cha em, Đỗ Bằng Tường, một sĩ quan cảnh sát đang làm việc ở sân bay vào thời điểm động đất tới nay vẫn chưa có tin tức gì.

Khi nhân viên cứu hộ đưa một em bé ra khỏi tòa nhà đổ ở khu tự trị Aba, bà em vẫn còn mắc kẹt. Khoảng ba giờ sau, bà được đưa ra ngoài, bà mất quá nhiều máu và đã trút hơi thở cuối cùng.

Cô giáo vườn trẻ Vương Đơn đã làm việc không biết mệt mỏi cùng với đồng nghiệp để cứu 800 em nhỏ ở Đô Giang Yển. Các em đang ngủ lúc xảy ra động đất, các cô đã gọi các em dậy và đưa các em ra ngoài an toàn. Cô Vương đảm nhận lớp mẫu giáo bé, với hơn 40 em dưới bốn tuổi. Cô và những giáo viên khác đã đưa từng em ra ngoài.

Các em học sinh vừa kết thúc đợt thực tập tại một ngôi trường miền núi xa xôi thì xảy ra thảm họa động đất. Sau khi phần lớn các em được cha mẹ đón đi, 43 em vẫn mắc kẹt lại hai làng không hề có phương tiện giao thông liên lạc. Ngay trong đêm, 22 giáo viên đã chặt tre làm một căn nhà cho các em trú tạm thời chống lại mưa gió, một chủ nhà hàng địa phương gửi cháo tới, các cô thày nhường hết cho học sinh.

Mưa tiếp tục nặng hạt, còn học sinh thì sợ hãi vì những cơn dư chấn. Các thày cô đã xếp thành vòng tròn bảo vệ bên ngoài các em. "Chúng tôi nói với các em, hãy yên tâm, cô thày ở đây, đừng sợ hãi, các em cố gắng từng người chợp mắt một chút’’, vị hiệu trưởng ngôi trường miền núi kể lại.

Các thày cô đã thức trọn đêm, cố gắng chèo chống để ngôi nhà trú tạm thời không bị thổi bay vì gió mạnh. "Chúng tôi không thể buông tay dù chỉ một phút, khi mưa giảm dần, tay chúng tôi đều sưng phù và tê cóng’’, một thày nói lại.

Khoảng 20 cảnh sát vũ trang tìm được đường lên núi, các thày cô đã quyết định đưa học sinh tới một nơi an toàn, cứ một em kèm hai người lớn. "Mưa mỗi ngày một to, chúng em có thể nhìn thấy lở đất ở khắp mọi nơi, đá rơi ngay trên đầu, rất đáng sợ’’, Trịnh Tố Mai, một học sinh cho biết. ’’Con đường nơi hẹp nhất chỉ còn hơn 30cm, ngay dưới là vực sâu. Chúng em được che chở, nếu ai đó ngã, chỉ có thể là các thày cô hoặc cảnh sát’’.

Mất khoảng ba giờ để đi hết đoạn đường núi dài 10km tới một khách sạn dưới thị trấn, nơi các em được gửi tới thành phố Sùng Châu. "Khi các thày cô tới nơi cởi giày ra, tất đều đẫm máu’’, một học sinh kể.

Lại có câu chuyện về một giáo viên nước ngoài bình tĩnh cứu sống 29 học sinh tại trường Quang Á ở Đô Giang Yển. Thày giáo người Australia tên là Dane, đã hét lên bảo các em ’’chui xuống bàn’’. Thầy cố giúp các em chui hết xuống bàn an toàn rồi cuối cùng lấy thân mình che chở, trần nhà bắt đầu rạn nứt. Khi rung chấn qua đi, thày cùng các em xuống cầu thang, dành cả đêm với học sinh ngoài sân vận động trước khi tìm tới Thành Đô.

Kỳ Thư (Theo China Daily, Ảnh Nytimes)