HANU
 
 
Hình của Đào Thanh Huyền
Nhiều cán bộ giáo dục không chịu về hưu
Bởi Đào Thanh Huyền - Friday, 21 March 2008, 10:45 AM
 




Khảo sát tại nhiều đơn vị trong ngành giáo dục cho thấy, chính cơ quan Bộ GD-ĐT là nơi vi phạm nhiều nhất về việc cán bộ nghỉ hưu khi đã quá tuổi nghỉ.

Kết quả làm việc của Bộ Nội vụ với 15 cơ quan, tổ chức thuộc Bộ GD-ĐT trên phạm vi cả nước, cho thấy, trong số hơn 870 đối tượng thuộc thẩm quyền của Bộ giải quyết thì có tới gần 500 trường hợp đã bị quá tuổi nghỉ từ vài tháng đến... 10 năm (chiếm 57,15%). Trong số gần 870 đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ thì có 215 trường hợp quá từ một vài tháng đến dưới... 10 năm (chiếm gần 25%). Như vậy, trong tổng số 1.742 trường hợp đã được Bộ GD-ĐT giải quyết chế độ hưu thì số nghỉ hưu khi đã quá tuổi quy định là 741 (chiếm 41%).

Ngoài việc đến tuổi hưu nhưng vẫn ở lại, Bộ GD-ĐT còn có những quyết định khó hiểu khác. Theo đó, Bộ này đã nhiều lần ban hành quyết định nâng lương sau khi đã đã ban hành quyết định nghỉ hưu. Hoặc lái xe, bảo vệ cơ quan (không có bằng tốt nghiệp đại học) cũng được chuyển xếp vào ngạch... chuyên viên để xếp lương trước khi nghỉ hưu.

Kết luận của Bộ Nội vụ cho thấy, do khối cơ quan Bộ GD-ĐT không gương mẫu thực hiện chế độ nghỉ hưu nên nhiều cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ cũng không thực hiện nghiêm chỉnh vì lý do "Bộ chưa nghỉ thì trường cũng chưa nghỉ".

Theo kết quả này, phần lớn các đối tượng này nằm ở diện Bộ quản lý, tập trung nhiều nhất ở khối cơ quan Bộ và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Lý do mà những người quá tuổi vẫn không chịu về hưu là muốn được nâng lương trước thời hạn; để được nâng ngạch, chuyển ngạch; chưa tìm người thay thế; do mâu thuẫn thông tin trong hồ sơ cá nhân.

Bộ Nội vụ cho rằng, hậu quả từ việc làm không đúng của Bộ GD-ĐT là mỗi năm, Nhà nước phải chi một khoản tiền rất lớn để trả lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác cho các đối tượng đến tuổi những chưa về hưu... Theo đó, "về mặt pháp lý, hậu quả lớn nhất là pháp luật không được tuân thủ, tạo ra tâm lý và ý thức coi thường pháp luật, ảnh hưởng không tốt đến việc ổn định và sắp xếp bộ máy, biên chế cũng như hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức".

Bộ Nội vụ cho rằng, dẫn đến những việc làm trên còn có vai trò của Bộ Tài chính, bởi trên thực tế, Bộ Tài chính đã chưa thực hiện nghiêm túc công tác chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra sử dụng quĩ tiền lương ở Bộ GD-ĐT.

Trần Hưng