HANU
 
 
Hình của Đào Thanh Huyền
Cảm nghĩ của Nhà văn Băng Sơn về Hà Nội
Bởi Đào Thanh Huyền - Friday, 21 March 2008, 10:43 AM
 
Thực tế Hà Nội xưa từng là một ngôi làng rộng lớn, cho đến nay, dù đang trên đà công nghiệp hoá thì cả vùng ngoại thành rộng lớn cũng còn là những khu vườn và điển hình là mặt nước hồ ao. Hà Nội không thể sống nếu không có một vành đai vườn, ao rộng lớn như thế. Xa xưa, mỗi làng Việt Nam gần như là một ốc đảo, một tổ chim bao bọc bởi luỹ tre làng, nền kinh tế tự túc chiếm phần lớn đời sống người dân. Cái vườn, mảnh vườn là thu nhập quan trọng. Nó đã đem lại những nếp quen thuộc thấm vào máu thịt của nhiều thế hệ. Một quả bưởi, một quả na, mớ ổi cho đến nải chuối, từ nải chuối tây trong làng quê cho đến nải chuối ngự của Nam Định đều do vườn mang lại. Quả cau ngày giỗ, ngày tết, ngày cưới, cành đào đón xuân đến cả một mớ rau muống mọc bè trong ao có bè nứa làm khung, có con chim bói cá đậu trên cọc như một ngọn lửa xanh… đó là từ khu vườn thân thuộc. Thời đó làm gì có điện, chỉ có ánh trăng ngời ngời, vì thế mà Nguyễn Bính nhà thơ của đồng quê đã viết “sáng trăng sáng cả vườn chè” và nhạc sĩ tài hoa nhưng yểu mệnh Đặng Thế Phong, tác giả bài hát Giọt mưa thu bất hủ cũng có bài hát nổi tiếng mọt thời là bài Vườn khuya, có câu: Qua lá cành ánh trăng thêm dịu dàng. Trong ánh trăng vườn là chỗ cho trẻ chơi trốn tìm, cho gió rì rào trong khi chủ nhà ngả chiếc chõng tre ra sân mà ngắm trăng và nghe lời cây cối. Cũng từ vườn nhà ấy, nó còn cho nắm lá chè tươi đun thành nồi nước mời cả hàng xóm sang chung vui. Hái quả mít trồng nơi đầu hồi nhà, cả xóm thơm lừng, mời mỗi người vài ba múi, tấm lòng thơm thảo của chủ khoanh vườn xinh xắn. Tháng Tám, mùa bão đã hết, quả bưởi không còn he nữa, đem kết thành con chó bông, con thỏ bông bầy cỗ cho trẻ nhỏ, chẳng có khu rừng nào có hàng ngàn cây bưởi, mà chỉ là vài ba cây đơn lẻ trong góc vườn. Quả ổi cũng thế, đĩa ổi chín trong đêm trung thu không thể là ổi rừng hay ổi bãi mà là vườn mọc mấy cây cho trẻ ăn chơi khỏi phải mua quà chợ. Rất nhiều làng quê có nhiều hồ ao trong làng. Nó chính là chiếc máy điều hoà không khí khi bóng nắng lọt qua cành tre, soi xuống đây có đám bèo lọc cho mát mẻ, nó không có bèo thì còn làm cho đường làng thêm sáng ra trong phản chiếu mây bay. Thả ít cá thì thế nào cũng có gốc sung để cây thả quả sung chín xuống cho đàn cá mở tiệc linh đình, vẫy những cái đuôi thùm thùm nghe niềm no ấm lan toả quanh nhà... Nhà có mảnh vườn và một khuôn ao, có khách đến chơi nhiều khi không phải đi chợ mới có mâm cơm thết khách. Cá đánh dưới ao lên, gà trong chuồng, rau trong vườn…tha hồ! Những sản phẩm vườn, ao ấy là có đủ. Không phải bà mẹ nào cũng nhiều tiền đi chợ luôn mua quà về cho con chờ ở nhà, ngồi trên bậu cửa suốt cả chiều hôm. Góc vườn có khóm mía, trong buồng là buồng chuối đang chín dần từng nải, có khi còn là quả na trong hòm quần áo nó nằm chung với quả thị cho chóng chín. Thay cho quà chợ lắm chứ! Điểm qua vài nét về những khoanh ao và khu vườn quê, ta càng thấy vườn ao đã gắn bó với đời sống người dân, mật thiết đến mức nào. Hầu như ruộng chỉ cho gạo ăn còn phần lớn thức ăn, tức thực phẩm, đều do vườn và ao đem lại cho con người vốn phải chịu đựng cái thiếu thốn nghìn năm Quay về Hà Nội. Hà Nội thực chất từng là một làng rộng lớn. Chúng ta từng quen với hồng xiêm Xuân Đỉnh, cam Canh, bưởi Diễn, khế ngọt Ngọc Thụy, cá rô Đầm Sét… Nguồn thực phẩm quí và nổi tiếng ấy chính là sản phẩm của vườn, ao mà người dân ven nội đã biết tận dụng để xoá đói giảm nghèo, có người còn làm giàu được. Vườn, ao cộng với sông ngòi đã điều hoà cho Hà Nội nhiều thế kỷ. Lâu nay hễ mưa là Hà Nội ngập lụt, một phần vì đô thị hoá quá nhanh, nhiều ao hồ và ruộng đồng bị lấp để làm đường, xây nhà, nên nước không có chỗ thoát. Trước mắt và gần gũi chúng ta, những con hồ của Hà Nội là một tài sản quí. Thử nghĩ xem nếu không có hồ Hoàn Kiếm thì trung tâm thành phố ngột ngạt như thế nào? Và các nhà khoa học cùng nhân dân đều công nhận Hồ Tây là lá phổi cho Hà Nội thở, chưa kể nguồn lợi thuỷ sản, tôm, cá, ốc của hồ cung cấp cho thành phố mỗi năm với số lượng khá lớn. Sống trong nội thị chật chội, đi đâu cũng gặp tường gạch và xi măng mới hiểu được nỗi thèm khát một không gian thoáng đãng của vườn quê êm ả. Vì thế mà ngoại thành có nhiều khu nhà nghỉ có vườn xanh, cây quả, có hồ câu cá quí giá biết bao. Với người làm vườn, người có vườn thì kinh tế vườn là mục đích hàng đầu. Có thu hoạch hàng năm, hàng tháng ổn định, có khi là hàng ngày với cây quả rau cá trong nhà đem đi chợ. Còn với người nội thành thì chỉ một chút màu xanh cũng đầy giá trị. Không có không gian khi trong một ngôi nhà phải dăm bảy hộ sống, hộ nọ cách hộ kia chỉ là tấm màn gió. Người ta phải tạo ra thiên nhiên bằng nuôi một cây vạn niên thanh trong chiếc bong đèn cháy dây tóc, buộc nó lên cửa sổ. Khá hơn một chút thì có vài chậu cây ngoài ban công hoặc trong giếng giời. Đôi khi là một giò phong lan, một chậu địa lan, một nhánh thuỷ trúc, và cũng có thể là mấy cây rau thơm hay một cây ớt quả đỏ, quả vàng đẹp mắt… Màu xanh sinh thái là nỗi khát thèm thường trực của người thành phố. Được một buổi đi ra với thiên nhiên hình như màu da hồng hào trở lại, hồng cầu tăng thêm, nên không lạ gì vườn bách thảo chủ nhật nào cũng đông nghịt, sáng và chiều nào bờ hồ Hoàn Kiếm cũng tấp nập, và những nhà nghỉ như khu vườn xanh làng Diễn luôn hết chỗ, cả nhà sàn và hồ câu. Không phải chỉ mong ăn quả bưởi Diễn vừa hái xuống hay ăn con cá quả vừa đánh dưới hồ lên mà là được hít thở khí trời trong lành và tự do như được tiêm những liều thuốc hồi sinh ngay lập tức để lấy sức cho một tuần lao động căng thẳng tiếp theo. Vườn, ao chính là một mảng tình cảm của con người trao gửi với thiên nhiên. Con người phải luôn hoà hợp với thiên nhiên, mà càng hoà hợp thì càng có lợi. Thiên nhiên sẽ ban tặng một cách hào phóng, không phụ thuộc vào con người bao giờ. Đó cũng là thái độ của con người cần có với thiên nhiên và một cách trả ơn thiên nhiên. Chúng ta có đủ các loại trái cây theo mùa, nói như nhà thi hào Nguyễn Du là thời trân, mùa nào thức ấy, từ quả bưởi, quả hồng, quả hồng xiêm, quả na, quả mít, đến trái mướp nấu canh, buồng chuối, con cá rô phi, con cá trắm… đều là sản phẩm của khu vực kinh tế này đem lại. Hà Nội không phải ai cũng chỉ ăn toàn bánh mì và phó mát với bơ, mà chúng ta còn ăn món canh cá, món canh cua rau rút hay mùng tơi, còn ăn bát cháo gà, con cá rán… sản phẩm ngoại thành cả đấy, sản phẩm của vườn, ao cả đấy. Quả ổi là thứ quả rẻ tiền vào bậc nhất. Mấy chục năm trước đây, triền đê quai vùng Quảng Bá là một vườn ổi do dân làng thiếu đất phải ra đây tận dụng đất mà trồng. Thời ấy nhà thơ Xuân Diệu thỉnh thoảng lên rặng ổi này, và sau đó ông có câu thơ “Thì tôi ăn hết một đê đầy”. Câu thơ không hay lắm nhưng đã ghi được hình ảnh ven nội một thời về vườn tược xanh tươi. Có lẽ vì thế mà tên ông được đặt cho một con đường ở quãng này là đường Xuân Diệu. Hà Nội từng có hai làng sống dựa vào vườn. Đó là làng lá thuốc nam Đại Yên trong khu Thập tam trại, nay là khu vực Liễu Giai, Đội Cấn, và làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng. Tại tất cả các chợ to nhỏ trong Hà Nội đều có một người phụ nữ ngồi ngay nơi cổng chợ bán đủ thứ lá cây quen thuộc, từ lá chanh ăn thịt gà, lá bưởi luộc ốc đến mọi thứ lá cho nồi nước xông giải cảm như lá tre, lá sả, lá cỏ xước, lá hương nhu, lá trầu không cho đến một nắm lá nhọ nồi cầm máu, lá bông mã đề chữa bệnh tê phù, lá thầu dầu để chữa bệnh nhức đầu và hàng trăm thứ lá lẩu khác rất bình thường chỉ người làng này biết tên biết công dụng của nó, rất rẻ tiền nhưng lại là vị thuốc khá hiệu nghiệm của bài thuốc dân gian. Những cây thuốc quen thuộc ấy được trồng trong vườn, thành luống, thành bãi, hoặc có khi nó là cây làm hàng rào, leo lên cây cổ thụ, chăm bón ít nhưng có thể thu hoạch quanh năm và cho thu nhập khá. Mọi người trong mỗi gia đình, từ bé đến già đều có thể có việc làm quanh những khu vườn đó, từ trồng, chăm sóc, tưới tắm đến thu hoạch, phơi phóng, đem đi chợ. Có một loài cây trồng hàng rào, lá màu xanh lá mạ, họ dong riềng, chỉ lấy lá để gói những gói hoa cúng, mùa cây khô lá vàng mới phải dùng đến lá chuối tươi thay nó. Đó là cây bồ tát, giống hệt lá dong gói bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nên mọi người trong nội thành gọi nhầm nó là lá dong riềng hay lá dong. Làng Đại Yên đã có và phát triển nhiều thế kỷ, từ khi chúng ta chưa có tân dược, nhân dân ta chỉ có thuốc nam, chỉ lá lẩu quanh vườn mà khỏi bao nhiêu bệnh tật. Vườn thuốc nam thật quí, suốt bốn mùa đều có nhiều vị thuốc, thứ thơm, thứ ngọt, thứ đắng, thứ dùng tươi, thứ phơi khô mà tất cả đều do khoảnh vườn cho con người. Ngày nay người dân dùng tân dược là chủ yếu theo đà thị thành hoá, làng Đại Yên đang có nguy cơ bị xoá sổ, những mảnh vườn cây thuốc đã mọc lên những căn nhà mái ngói bê tông, cả nhà cao tầng, giống như làng Láng đã thành khu phố và những thửa ruộng cho loài rau gia vị quí đã thành những nền nhà lát gạch hoa, chia thành từng gian buồng quét vôi xanh vôi đỏ. Đây là một nét của đời sống hiện đại, làng xưa mất đi, không ai có lỗi cả, mà là một lẽ đương nhiên, dù lẽ ra chúng ta có thể bảo tồn. Đành ngậm ngùi trong nhớ tiếc những mảnh vườn quí giá đó đã bao thời chung sống với con người. Một làng nữa là làng Ngọc Hà, làng hoa nổi tiếng mấy trăm năm, đủ sức cung cấp hoa tươi cho cả Hà Nội hàng thế kỷ. Từ bông hoa hồng quế hồng lam đỏ tươi để cắm vào cái mỏ con gà hôm nhà có lễ đến bông hoa ngâu trong cái quả cưới hay ăn trầu của mẹ già cứ ngan ngát nồng đượm hoặc hương hoa nhài trong ấm trà pha đậm, rồi những hoa vàng tức dây huỳnh tuy là loài cây độc nhưng nó cho hoa quanh năm có màu vàng tươi làm vòng hoa thược dược tròn như từng chiếc đĩa đủ màu, hoa vạn thọ, cúc đại đoá, cúc bạch mi, đến hoa hoàng lan mềm mại như ngón tay thanh nữ và bao nhiêu loài hoa khác như xu xi, như cẩm chướng, như móng nước, như hoa blôc, hoa mộc, hoa sói… Làng Ngọc Hà là làng nhỏ hẹp, mỗi gia đình chỉ có mấy thước vườn nhưng vì có nghệ thuật và kỹ thuật làm vườn mà có thu hoạch quanh năm, kinh tế khá giả, người dân tuy là sống trong làng nhưng mang cốt cách người Hà Nội rõ rệt, vì làm vườn không vất vả lam lũ quá đáng như cấy lúa. Hoa là nguồn kinh tế của gia đình, nhưng hoa đã trở thành đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của người Hà Nội. Ngày lễ, ngày tết, ngày giỗ, đám cưới, cả đám tang, ngày vui sinh nhật, người Hà Nội không thể thiếu màu hoa tươi. Nhớ lại một chút, người Hà Nội có tập quán thắp hương nhớ đến ông cha mỗi ngày vào lúc sáng sớm. Có những bà, những chị người làng Ngọc Hà, sáng sáng mặc áo tứ thân với đôi quang gánh đi vào lòng thành phố, trên đôi quang gánh đó là những gói hoa cúng lồng khồng bông hoa hồng, bông hoa muệ trắng muốt, nhánh hoa ngâu, một đóa hoàng lan hay ngọc lan, tất cả được gói trong chiếc lá bồ tát, họa hoằn mới là lá chuối tươi. Các bà, các chị không rao cũng không mời, mà cứ treo gói hoa cúng đó vào chiếc đinh đóng sẵn ngoài cửa, lát sau thế nào cũng có người ra lấy mang vào nhà, và cuối tháng mới đi lấy tiền hoa một lượt. Bao nhiêu gia đình đã có hương hoa thơm ngát và quí hoá đó suốt hàng thế kỷ? Ngày nay làng hoa Ngọc Hà đang chung số phận với làng thuốc Đại Yên hay làng rau Láng thượng, Láng trung, Láng hạ do công nghiệp hoá, đô thị hóa phát triển quá nhanh và vội vàng. Những khu vườn xanh mát và đủ màu sắc đã mất đi. May ra còn lại một chút sắc hoa nhài trồng làm hàng rào còn sót lại và có thể hái để ướp chút trà hương đầy thương nhớ. Hình ảnh những bà, những chị thắt đáy lưng ong, gánh hoa vào thành phố cũng bị phai nhoà, kể cả những gói hoa cúng tươi rói, lồng khồng, thoang thoảng treo vào chiếc đinh trước cửa cũng đã không còn mà hình ảnh cô hàng hoa đã đi vào văn hoá, trong tiểu thuyết nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn là cuốn “Gánh hàng hoa”. Ngày nay, nhiều cửa hàng, cửa hiệu to nhỏ trong thành phố, ta bắt gặp cái ngai thờ nho nhỏ, có bát nhang và thế nào cũng phải có lọ hoa nhỏ xíu, cắm mấy bông hoa hồng, hoa cúc hoặc tầm xuân, hàng ngày được thay cho tươi mới, nơi bậc cửa ra vào đó là chỗ thờ ông thần thổ địa, thờ ông tiền chủ, phù hộ cho cửa hàng cửa hiệu làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt. Hoa này không còn là của vườn Ngọc Hà mà của những cánh đồng hoa các làng ven nội từ Tây Tựu đến Đông Anh, Vĩnh Tuy và các vùng khác, biến đổi cơ cấu cây trồng, hoa đã thay cho cây lúa, và ruộng đã thay cho vườn. Thật còn ít những khu vườn chuyên canh như một thời chưa xa ấy, mỗi lần ta đến thăm cứ muốn cởi bỏ hết giày dép mà đi chân không cho hương đất hương vườn thấm đẫm gan bàn chân, để được thoả thuê sau bao nhiêu thời gian chỉ có sàn nhà bằng gạch. Tận dụng đất trống là việc rất khó khăn hiện nay vì làm gì còn chút đất trống nào. Làng Đa Tốn bên kia sông Hồng, nhiều gia đình tận dụng bờ rào cho cây gấc leo lên. Tất cả quần áo tết của gia đình trông vào mấy gốc gấc là đủ. Gần tết, quả gấc được ưa chuộng, từ ngày cưới đến mâm cúng, không kể cây gấc còn là vị thuốc quí chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Xem thế là đủ thấy vườn có tác dụng to lớn đến đời sống của chúng ta. Nó mang lại lợi ích thiết thực, nên phát triển lắm lắm. Chúng ta đang ở thời kỳ hiện đại hóa và công nghiệp hoá đất nước. Hà Nội là thành phố có tốc độ công nghiệp hoá rất nhanh, hầu như nhịp độ con người sống quá gấp gáp để đuổi theo tốc độ đó. Một số khu vực ngoại thành đang biến đổi nhanh chóng. Nhiều làng bị xoá sổ, nhiều khu vườn đã biến thành nhà ở như làng hoa Ngọc Hà mất hết những khu vườn trồng hoa truyền thống, làng Láng mất hết đất trồng loài rau gia vị quí chỉ Hà Nội mới có, làng Vòng (tức Dịch Vọng) cũng đang mất hết đất làm cốm, làng đào Nhật Tân Quảng Bá cũng đã biến mình thành khu đô thị… Tất cả những điều đó đều làm người Hà Nội yêu quí mảnh đất thiêng này xót xa. Nhiều người ngơ ngẩn tiếc. Có lẽ vì thế mà nhiều người, rất nhiều người cùng chung một ý nghĩ rằng, càng đô thị hoá, càng công nghiệp hoá thì bảo vệ thiên nhiên, tạo ra môi trường trong sạch lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. đứng xóa hết vườn, ao để con người không bị xa rời thiên nhiên, không bị sống trong không khí ô nhiễm, trong môi trường ngột ngạt. Đã có người nghĩ đến cách trồng cây không đất để các gia đình trong nội thành, nhất là khu chung cư hoặc các tầng trên có thể trồng cây vào khay gỗ, nuôi cây bằng một dung dịch đủ chất dinh dưỡng, có thể làm lành mạnh môi trường và nhà máy con phải trồng cây xanh, làm vườn cho công nhân có đủ thiên nhiên sau giờ làm việc. Khu vực ven nội, nhiều người đã có những khu vườn nổi tiếng, đó là những vườn sinh thái: vườn thì trồng hoa lan, vườn thì chuyên trồng cây cảnh, vườn thì lại là cây thế, một kiểu Bolsai Việt Nam, có những cây giá trị hàng chục lạng vàng. Những khu vườn này tạo ra một bộ mặt mới cho không gian chật hẹp, làm thư thái tâm hồn chủ nhân, tức bản thân người làm vườn và tạo ra một tình bạn khăng khít với những người cùng chung chí hướng, chung sở thích, có thể làm thành những hội như hội cây cảnh, hội hoa lan… Còn gì tao nhã, thư thái, bay bổng, ung dung khi sau một tuần lễ vất vả vì bao công việc xã hội, đến ngày nghỉ, mấy người tri âm tri kỷ gặp nhau dưới bóng mát của giàn hoa, thưởng thức màu xanh mềm mại lả lướt của loài lan ẻo lả mịn màng như những ngón tay thiếu nữ giơ ra mời mọc, trong một làn hương dìu dịu thoáng đưa của những giàn hoa hàm tiếu hay bán khai, như chào đón con người bằng tinh tuý của mình, của từng chiếc nhụy và cũng là của đất trời thiên nhiên. Đây là loại vườn đặc biệt, người làm vườn cũng là nghệ nhân, nghệ sĩ, phổ hồn mình vào hồn cây cối và vườn không phụ người, vườn cho thu nhập rất cao, có khi còn cao hơn thu nhập của một doanh nghiệp. Đương nhiên muốn có một khu vườn đặc biệt như thế, người làm vườn phải tử công phu, nào học hỏi, nào có bạn bè, nào nghiên cứu kỹ thuật, nào sưu tầm loài cây quí, nào có thì giờ chăm sóc, không phải bất cứ ai cũng làm được. Bên cạnh nó, có nhiều loại vườn thông thường hơn, phổ cập hơn, đó là những người làm vườn nghiệp dư, chỉ cần một dẻo đất con con, một chút nắng trời, có thể là khuất sau một bức tường, một lối đi, một hành lang, mục đích trước tiên là cho vui mắt, cho có thêm một chút màu xanh để bù đắp vào sự chật chội của đời sống thị thành. Tuỳ theo sở thích, có thể trồng mươi khóm hoa lưu niên, cũng có thể là mấy giò hoa nở theo mùa, mọc khiêm tốn trong chiếc chậu sành, chậu sứ. Một nhánh nhạn lai hồng (tức cây hoa trạng nguyên) mùa đông đến, mọi loài cây tàn héo thì cây này nhô ra ngoài tường, nở những chiếc đĩa đỏ tươi màu cờ, như từng đoá mặt trời thách thức cái giá rét đã đến bên hiên nhà mà lồng lộn. Có khi chỉ là ít cỏ tóc tiên, loài cỏ thường xanh, không cần nhiều đất và nhiều ánh nắng, sang xuân nó nở những bông hoa màu cánh sen, thơm như một loài bánh đậu xanh khiến ta phải hãm một ấm trà mà thưởng thức mùi hoa. Người tao nhã có thể trồng một khóm trúc quân tử hay một vài giò cúc vàng đại đoá để báo tin mùa thu đến, khu vườn con con thành chiếc đồng hồ báo thời gian, điểm khúc ca giao mùa trong lồng ngực căng phồng dưỡng khí!... Chuyện vườn, chuyện ao nói nhiều cũng cảm thấy chưa đủ vì nó là chuyện thiết thân của chúng ta cả về đời sống kinh tế đến đời sống văn hoá. Mong sao, những “khối bê tông” lạnh lùng của đô thị hóa không làm hỏng hết môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa của Hà Nội!