HANU
 
 
Hình của Đào Thanh Huyền
Cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Bởi Đào Thanh Huyền - Wednesday, 5 March 2008, 05:07 PM
 

Hà Nội có rất nhiều con đường rất đẹp. Đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu, Trần Phú... quanh năm rợp mát bóng cây. Thậm chí vào mùa lá rụng, dưới gốc tràn ngập lá vàng mà trên cây tán lá vẫn xanh um.

Kỳ lạ thế! Có cảm tưởng như mỗi cây, mỗi cành biết bảo nhau thay phiên đổi lá cho đều để giữ nguyên màu xanh cho cây, giữ nguyên vẻ đẹp cho đường, giữ yên cảm xúc mượt mà cho người đi qua... Tôi rất thích những con đường như thế, và tôi cho rằng đấy là những con đường màu xanh lý tưởng. Quan niệm ấy có lẽ chỉ có mình tôi, nên chẳng dám chia sẻ cùng ai, cứ lặng lẽ “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Có lần, tôi đi du lịch nước Pháp. Hôm ấy, xe đang chạy trên con đường mà hàng cây hai bên hè được cắt xén theo cùng một kiểu dáng, thẳng tăm tắp, ngọn lại giao nhau, tạo thành một động xanh, sâu hút. Tôi khẽ xuýt xoa “Con đường sao mà đẹp thế!” Hướng dẫn viên Việt Nam nói lại với hướng dẫn viên người Pháp. Chị lập tức nhìn tôi gật đầu tỏ ý cảm ơn. Chị cười, rồi nói một mạch: Anh nhìn trên bản đồ nước Pháp thấy rõ chỗ nào có dòng chữ (chị viết vào mảnh giấy đưa cho tôi) Voie Verte thì chỗ ấy là con đường xanh. Đường này có ở khắp nước Pháp, cộng cả lại phải tới 4.000km. Nhưng khởi nguồn cho ý tưởng mở đường xanh lại không phải bắt đầu từ Pari, mà từ quê hương của La Marin.

Chị dừng lại, hỏi riêng tôi: Anh có biết La Martin là ai không?

Tôi nhanh nhảu trả lời: Đó là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Tôi đã đọc thơ của ông. Bài thơ mà tôi ấn tượng nhất là bài “Bên hồ”.

Nhìn mắt chị, tôi thấy dâng lên một niềm tự hào, sung sướng và hình như tâm hồn chị đang “bay” về đậu bên hồ. Chị lại nói: Ở đây, người Pháp quan niệm con đường xanh là con đường không có ô tô, xe máy hoạt động, chỉ có người đi bộ và đi xe đạp. Như thế sẽ góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp hơn. Nhưng cái chính và cũng đơn giản là đi trên con đường ấy, người ta như được sống hài hoà với thiên nhiên, trút hết được những căng thẳng, mệt mỏi, được yên tĩnh thoải mái với chính mình, để hướng thiện. Ở Pháp và các nước châu Âu, đã có mạng lưới con đường xanh, khoảng 8.000km. Một cặp bạn trẻ vừa thực hiện một chuyến du ngoại Bắc Âu trở về. Đôi bạn tâm sự: Nếu cứ ở mãi Pari, cứ bó mình trong các toà tháp thì không bao giờ có được cảm giác tuyệt vời như đi trên con đường ấy.

Chị lại kể: Tôi có một bạn cùng làm du lịch, vừa sang Việt Nam về. Anh có nhận xét rằng, ở Việt Nam có rất nhiều nơi có thể mở mang thành những con đường xanh. Phía Bắc là những lối mòn xuyên qua rừng núi rất thú vị. Miền Trung là những nẻo đường đi tới những di sản văn hoá và các lễ hội Tây Nguyên. Miền Nam là vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị của những con đường này là nối liền các miền, nối liền tình nghĩa giữa mọi người với nhau. Nó cũng chính là điểm hấp dẫn du khách nước ngoài. Người ta đến nước các bạn không phải để được đi tàu, đi xe ô tô mà họ muốn được đi xe đạp, để thưởng thức cái không khí mát lành, để được khám phá, được thay đổi môi trường sống của mình. Tiếc thay, Việt Nam chưa có những con đường xanh đích thực...

Xe của đoàn du lịch chúng tôi dừng lại. Chị tiếp tục công việc của mình. Mời du khách xuống xe. Tôi cứ nghĩ mãi về lời giới thiệu của chị và nhất là những nhận xét của bạn chị vừa đi du lịch Việt Nam về. Không biết có phải đất nước họ đã vượt qua giai đoạn nghèo đói quá lâu rồi mà ngày nay đời sống của họ trở nên phong phú và tinh tế. Anh bạn chị chỉ thoáng một cái đã nhận ra ngay những điều kiện thuận lợi để làm du lịch của đất nước ta. Còn mình...?

Tôi chưa đi suốt 3 miền đất nước với ý thức quan sát, nhận định mà chỉ đi như đi qua, vô tâm, vô tình không để ý gì, nên không đủ tầm nhìn. Còn Hà Nội, tôi cũng đã đi bộ, đi xe đạp qua nhiều con đường, nhiều con phố, nhiều năm. Tôi biết, Hà Nội có nhiều con đường rất đẹp, đáng để thành con đường xanh. Từ nay đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngành du lịch thử mạnh dạn đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho Hà Nội một hoặc hai tuần như thế nào đó, được một ngày trên một số tuyến đường nội thành không có ô tô, xe máy hoạt động xem sao. Được thế, chắc sẽ góp phần làm cho mọi người tự giảm tốc độ trong lối sống hối hả, để bình tâm nhận ra những con đường xanh vốn có của Hà Nội và sẽ làm cho Thành phố này thanh bình, thư thái. Và, mọi người cũng sẽ hiền hoà hơn.


Mai Huyên