HANU
 
 
Hình của Lê Văn Tấn
Những dấu chấm câu độc đáo trong thơ
Bởi Lê Văn Tấn - Friday, 29 February 2008, 08:33 AM
 

NHá»®NG DẤU CHẤM CÂU ĐỘC ĐÁO TRONG THÆ 

 

LÊ VÄ‚N TẤN

         NCS. Trường ĐHSP Hà Nội

                                                  ______________________________

 

1. Thơ ca thời trung đại dù viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì đều không có dấu câu. Điều đó khiến cho người đọc phải căn cứ vào ý trong bài mà ngắt sao cho phù hợp. Lâu nay khi đọc bản phiên âm hay bản dịch nghĩa, dịch thơ cổ, chúng ta thấy xuất hiện dấu câu (chủ yếu là dấu chấm và dấu phẩy) thì đó là do người dịch thêm vào để tiện cho người đọc khi theo dõi nội dung văn bản. Nghĩa là: dấu câu không phải là một vấn đề cần đặt ra khi tìm hiểu thơ ca cổ.

Tình hình sẽ thay đổi khi chúng ta tiếp cận thơ ca hiện đại. Ở đây, xét đến cùng thì, về mặt nguyên tắc, những dấu chấm câu tưởng như đơn giản nhưng nó lại cần được hiểu như những chỉnh thể nghệ thuật có nghĩa. Theo đó, nó cần được xem xét một cách nghiêm túc: hoặc là nó có giá trị về mặt hình thức, hoặc là nó có giá trị về mặt nội dung.

Chúng tôi quan tâm tới những dấu câu trong thơ là với ý nghĩa như thế. Tất nhiên không loại trừ nhiều trường hợp những dấu câu chỉ đơn giản có nghĩa về mặt ngữ pháp.

2. Sau đây chúng tôi bàn về 2 trường hợp mà ở đó dấu chấm câu (.) được sử dụng độc đáo.

          2.1. Trường hợp thứ nhất:

                             Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;

(Vội vàng - Xuân Diệu )(1)

          Đây là một dòng thơ hay và độc đáo. Nhiều người khi tiếp cậnđòng thơ này đã thường bỏ qua dấm chấm câu ở giữa dòng thơ. Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu đã dùng đến một dấu chấm để ngắt dòng thơ của mình thành 2 câu độc lập như vậy. Đọc kĩ dòng thơ và đặt chúng trong chỉnh thể toàn bài thơ, chúng tôi nhận thấy dấu chấm có ý nghĩa tách hai nội dung tư tưởng chủ đạo của toàn bài. Một thuộc về phía bên trên Tôi sung sướng (từ câu đầu đến câu 11); phần còn lại là Tôi vội vàng (từ câu 13 đến hết bài). Mở đầu bài thơ, Xuân Diệu đã vẽ ra một khung cảnh đẹp đẽ, dậy tình, như một thiên đường trên mặt đất. Đó là nơi mà thi sĩ muốn hưởng thụ, muốn tận hưởng và kêu gọi mọi người cùng tận hưởng hương sắc của thiên nhiên, thế giới, của tình yêu con người… Lời thơ nhanh mạnh, gấp gáp, giọng thơ vội vàng, thúc giục. Đó thực sự là tâm trạng sung sướng của Xuân Diệu vậy!

          Nhưng thế giới đẹp dường ấy cuối cùng cũng sẽ phôi pha. Vạn vật không đứng yên và lại càng không đứng chờ tuổi trẻ chỉ có duy nhất một lần của con người. Thế thì, nếu không nhanh chóng chạy đua với thời gian, để tận hưởng nó thì rồi nó cũng qua đi. Quan trọng hơn: tuổi trẻ qua đi là tất cả như vô nghĩa. Từ câu 13 đến hết bài thơ, thi sĩ dùng để biểu diễn nội dung tư tưởng này. Lời thơ vẫn nhanh mạnh và gấp gáp nhưng đã trở nên ngậm ngùi và tiếc nuối, xót xa, pha chút bâng khuâng. Thay cho tâm trạng sung sướng phía trên là tâm trạng vội vàng phía dưới.

          Vậy nên mới Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa. Dấu chấm như một khoảng lặng, dù rất ngắn ngủi để thi sĩ chiêm nghiệm về cái lẽ nhân sinh. Nó như là sự khựng lại của cõi lòng thi nhân trong việc thể hiện một niềm vui không trọn vẹn.

          Trật tự 2 câu trong dòng thơ không thể đảo ngược:

                             Tôi vội vàng. Nhưng sung sướng một nửa;              (-)

          Dòng thơ hóa ngô nghê hết sức. Còn nếu dòng thơ như thế này được chấp nhận thì tổ chức bài thơ phải thay đổi. Từ câu thứ 13 đến hết bài chuyển lên phía trên; từ câu đầu đến câu thứ 11 chuyển thành phần kết thúc. Thử đọc: … Hẳn là không thể được.

          Dấu chấm trong dòng thơ với việc sắp xếp trật tự ý thơ như thi sĩ đã có ý nghĩa và hiệu quả nghệ thuật rất lớn. Chúng tôi cho đây là một trường hợp sử dụng dấu chấm câu trong thơ độc đáo.

          2.2. Trường hợp thứ hai: 

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng bác phải ra đi

(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)(2)

          Đây là dòng thơ mở đầu bài thơ. Gồm 2 câu thơ được ngăn cách bằng một dấu chấm. Hai câu thơ biểu diễn hai nội dung ý nghĩa khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Và đây cũng là dòng thơ khái quát nội dung tư tưởng toàn bài. Toàn bộ phần sau sẽ là sự diễn dịch cho nội dung dòng thơ khái quát này.

          Chúng ta biết, Chế Lan Viên trong bài thơ muốn tiếp cận hình tượng lãnh tụ theo chiều dài thời gian từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đến năm 1941, trọn vẹn 30 năm không ngừng nghỉ. Việc Bác ra đi ngoài xuất phát điểm là lòng yêu nước và tự hào dân tộc, lòng căm thù đế quốc thực dân, Chế Lan Viên muốn nhấn mạnh đến một ý rất độc đáo này: Bác cảm nhận được Việt Nam là một đất nước đẹp nhưng vẻ đẹp ấy sẽ vô nghĩa nếu không có độc lập tự do, không có tên trên bản đồ thế giới. Cuộc hành trình của Bác chính là cuộc hành trình đi tìm tên để điền lên bản đồ cho một đất nước. Việc làm ấy lớn lao vô cùng. Và đây là cách tiếp cận hình tượng lãnh tụ rất riêng của Chế Lan Viên.

Bài thơ sau đó sẽ được triển khai theo những hình ảnh tương phản đối lập: một bên là những hình ảnh đẹp vô cùng của đất nước (ít hơn) và bên kia là những hình ảnh của nhân dân lầm than (nhiều hơn) cùng với hình tượng Bác trong những ngày tháng lênh đênh đi tìm tên, tìm hình cho một dân tộc với rất nhiều những khoảnh khắc tâm trạng của Bác, trong quan hệ với đất nước, dân tộc.

Với ý nghĩa như vậy cho nên Đất nước đẹp vô cùng - lòng tự hào vô bờ bến về đất nước, dấu chấm câu như sự khựng lại của một cảm xúc nức nở, nghẹn ngào trong nỗi đớn đau tột bậc mà phải kìm nén sâu lắm, Nhưng Bác phải ra đi để tìm hình của nước, tìm tên cho dân tộc Việt Nam. Hai ý này nâng đỡ cho nhau, ý thứ nhất như tạo thêm tiền đề cho lòng quyết tâm ra đi, thúc giục, khích lệ… Để đến ngày trở về thì:

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

Đất nước đẹp vô cùng ấy là một đất nước đẹp trong hoà bình, độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Bác ra đi tìm lại cái đẹp trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc.

Tổ chức dòng thơ đã không thể đảo ngược:

Bác phải ra đi. Nhưng đất nước đẹp vô cùng        (-)

Nếu dòng thơ viết như thế thì sẽ không thể có cuộc ra đi kia. Từ sự cống hiến và ý chí quyết tâm đã là một sự nhụt chí, nếu không muốn nói là hưởng thụ. Lịch sử đã vĩnh viễn không có điều đó. Và dòng thơ đã buộc phải chọn một tổ chức như thế. Mãi mãi là như thế. Không thể khác. Đó là sự độc đáo của dấu chấm câu và của một dụng công nghệ thuật của Chế Lan Viên để hình tượng lãnh tụ sẽ tiếp tục được triển khai cho đến hết bài thơ.

Trong Người đi tìm hình của nước còn có thêm 4 dòng thơ được tổ chức theo hình thức như dòng thơ mở đầu:

                   - Luận cương đến Bác Hồ. Và người đã khóc,

- Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

- Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân.

- Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

3. Qua việc phân tích 2 trường hợp sử dụng dấu chấm (.) trong các dòng thơ, chúng tôi muốn đi đến một kết luận là: bỏ qua những trường hợp dấu chấm câu chỉ đơn thuần là kết thúc một ý, trong chỉnh thể bài thơ, một yếu tố dù nhỏ nhất (như dấu chấm chẳng hạn) đều có tiềm năng tạo nghĩa với tư cách là một yếu tố bộ phận mà, có thể là người sáng tạo ra nó không ý thức hết nhưng người đọc thì không thể bỏ qua để hoàn chỉnh sinh mệnh nghệ thuật cho bài thơ với tư cách là đồng sáng tạo. Cố nhiên, đó là những chi tiết nghệ thuật rất nhỏ, cầu kì quá sẽ mất thời gian, vụn vặt.

Xin trao đổi cùng quý vị!

 

Hà Nội, 18/02/2008

 

_____________________________________

(1) Trích giảng văn học 11, tập 1, phần Văn học Việt Nam, chỉnh lí hợp nhất năm 2000, tái bản lần thứ 5, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.132.

(2) Trích giảng văn học 12, tập 1, phần Văn học Việt Nam, chỉnh lí hợp nhất năm 2000, tái bản lần thứ 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.259.