HANU
 
 
Hình của Nguyễn Hương Châu
Xứ Lạng
Bởi Nguyễn Hương Châu - Wednesday, 16 January 2008, 10:23 AM
 

Phong phú sản phẩm nông nghiệp, lại là đầu mối giao thông nên từ lâu ở xứ Lạng đã hình thành các chợ, thị trấn, thị xã hoạt động buôn bán, trao đổi khá sầm uất. Sau này, với quá trình khai thác thuộc địa của Pháp và nhất là sau ngày giải phóng, xây dựng đất nước, quá trình đô thị hóa ở xứ Lạng càng được mở rộng và phát triển nhanh hơn các vùng núi khác, bắt đầu xuất hiện  ở một bộ phận dân cư ven đô thị và trục giao thông kiểu sống đô thị của thị dân.

Phố phường kết hợp với chợ như chợ Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Đồng Mỏ, Thất Khê... Hệ thống chợ dọc hai bên đường biên giới thu hút người mua kẻ bán tấp nập từ các miền đất nước ta và Trung Quốc đổ về. Những năm gần đây chợ đường biên càng đông vui, nhộn nhịp hơn, thường tập trung hàng vạn người mỗi ngày phiên, hàng hóa trao đổi cực kì phong phú, đa dạng. Nhiều gia đình người Tày, Nùng, Hoa, Việt bỏ vốn mua các phương tiện giao thông như xe máy, xe ô tô để đi buôn bán, trong đó có nhiều gia đình giàu lên rõ rệt.

Chợ vùng núi không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Người vùng núi đi chơi, đi xem chợ, gặp gỡ bạn bè, người thân, trai gái đi hát sli, lượn. Có những phiên chợ như chợ Háng Toán, người ta chẳng mua bán gì, họ gặp gỡ, trao đổi, chào hỏi nhau, từng tốp nam nữ hát sli để cùng nhau vui và góp vui với mọi người để chọn bạn, chọn người thương. Đó là phong tục đã có từ ngàn xưa của những người dân vùng núi xứ này.

Lạng Sơn còn là nơi mời mọc, vẫy gọi những người say sưa với cảnh vật, núi non, kì tích, hội hè, đền miếu. Xứ Lạng có các hang động tự nhiên như Tam Thanh kì thú, Giếng Tiên, nàng Tô Thị, thung lũng có bảy dòng suối quy tụ - Thất Khê mà mỗi dòng suối đều mang theo huyền thoại. Bởi vậy, nói đến xứ Lạng, không thể không nói đến một trung tâm du lịch hành hương. Điều đó đã để lại những dấu ấn rõ rệt trong sắc thái văn hóa xứ Lạng.

Lên xứ Lạng, cái để lại ấn tượng cho người từ xa đến là nếp ăn, ở, mặc của các dân tộc. Nơi đây đã có nếp ăn hàng, ăn chợ, các món ăn đặc trưng cho từng lễ hội trong năm. Thịt lợn quay Lạng Sơn, vịt quay Thất Khê là những món ăn đặc sản có tiếng, ai qua lại nơi đây chẳng một lần nếm thử. Ngoài ra các món phở chua, phở ngũ vị, các món quà bày bán ngoài phố chợ đều khá ngon. Đã thành tập quán, cứ mỗi kì lễ Tết trong năm, cả gia đình người Tày, Nùng sinh sống ven thị lại ra hiệu ăn thịt vịt, lợn quay, ăn các loại phở.

Lễ Tết của người dân tộc nơi đây còn được đánh dấu bằng các món ăn mang tính nghi lễ. Tết năm mới có thịt gà thiến, bánh chưng, Tết thanh minh có thịt lợn quay, bánh lá ngải, xôi nhuộm ngũ sắc, hội xuống đồng (Lồng Tồng) bên cạnh xôi trám đen, xôi lá gừng, còn có xôi ngũ sắc, gỏi cá, bánh gai, bánh dợm, cốm mật, kẹo gừng... Tết Đoan Ngọ ăn bánh tro, rượu nếp, Tết rằm tháng Bảy ăn thịt lợn quay, thịt vịt, bánh gai, bánh mật, Tết trung thu ăn xôi trám đen, kẹo vừng, Tết cơm mới nấu nhiều món ăn do trồng cấy, thu hái được cúng dâng tổ tiên... (Lã Văn Lô, 1989).

Đến xứ Lạng cũng như vùng núi khác, ta đều bắt gặp những màu sắc trang phục của các dân tộc. Người đàn ông xứ này giản dị trong bộ quần dài, áo cánh ngắn vải bông nhuộm chàm. Ngày nay nhiều người đã làm quen với quần âu, áo sơ mi. Nữ phục các dân tộc ở đây mang nhiều nét cổ truyền hơn. Nữ phục Tày giản dị, tương đối thống nhất trong kiểu loại, tinh tế trong cách chọn màu, chọn vải. Với chiếc áo dài, váy, khăn, thắt lưng đều đồng màu xanh chàm hay tím hồng, ít trang trí, thêu thùa, làm nổi bật vòng cổ, vòng tay, xà tích trên nền vải chàm, bộ nữ phục Tày đã thể hiện được sự thanh lịch và kín đáo.Bộ nữ phục Nùng thì đa dạng hơn, do mỗi ngành Nùng vẫn giữ sắc thái địa phương của mình, thậm chí tên gọi một số ngành còn theo tên gọi một bộ phận trang phục như Nùng áo ngắn, Nùng tay áo hoa... Tại các buổi chợ phiên hay trên các đỉnh núi, ta bắt gặp các bộ nữ phục Dao, Hmông với các kiểu loại độc đáo, màu sắc, hoa văn trang trí rực rỡ, cho ta một cảm giác gần như tương phản với bộ nữ phục Tày , Nùng ở vùng núi thấp.

Ở phía Đông, nơi người Nùng và một số người Tày cư trú, ta thấy phổ biến kiểu nhà sàn tường trình. Loại nhà này là nhà sàn hay nửa sàn, nửa đất, kết cấu không chỉ có khung cột mà còn có sườn tường trình. Tường trình bằng đất dày, vừa giữ ấm căn nhà vào mùa đông, vừa có tác dụng phòng thủ, chống giặc và cướp vùng biên giới.

Từ những phác họa trên, chúng tôi muốn nói tới một văn hóa xứ Lạng tiêu biểu cho văn hóa vùng Việt Bắc – Đông Bắc, một mảng màu xứ Lạng trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

(Theo Tiểu vùng văn hóa xứ Lạng – Ngô Đức Thịnh)