HANU
 
 
Hình của Hồ Thu Giang
Chợ tình ở vùng cao: Cái tình không bán
Bởi Hồ Thu Giang - Friday, 21 December 2007, 02:48 PM
 

Hai chữ "chợ tình" đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Vậy, sao gọi là chợ! (?).

Nhưng thật trớ trêu, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hẹn hò. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu, chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tùy từng địa phương. Cũng đương nhiên và dễ hiểu vì chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hóa của đồng bào vùng cao.

Chợ tình Sa pa

Chợ tình nhiều người biết đến nhất là chợ tình Sa Pa - một điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Thị trấn Sa Pa nằm ở phía bắc, cách thị xã Lào Cai 36km. Cái thị trấn nhỏ bé này nằm lọt trong một vùng tiểu khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Có những năm mùa đông tuyết rơi nên thật lãng mạn, hấp dẫn du khách. Mỗi tuần, chợ họp một lần vào tối thứ bảy. Ðây là chợ của người Dao. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ tươi và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Ðối tượng của họ là những chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, khăn cũng cùng mầu. Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy cát-xét của họ vào gần cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Thấy có người lạ, cô gái ngượng ngùng cúi đầu hoặc lấy tay che mặt, nhưng vẫn hát với giai điệu run run.

Rồi màn đêm xuống

Sau những bụi cây và cả trên ngọn núi cao tít gần chị "Hằng Nga" kia là những âm thanh mời gọi lúc trầm, lúc bổng của khèn lá, khèn môi bồng bềnh trong đêm. Phong tục của người Dao không ngăn cản người đã có vợ có chồng đi tìm bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, hát cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại. Ðộng tác này gọi là "kéo", một biểu hiện đặc trưng cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới lúc "chấm" được một chàng, cô gái dúi vào tay người đó một vật định ước. Vật định ước ấy có thể là một chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay cái lược... Thế là đám đông ồ lên, tản ra. Cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau khi yên tĩnh trở lại, hai - ba cô bạn đưa cô gái này đến "gửi gắm" cho chàng trai nọ. Rồi thì đôi bạn tình đưa nhau tới đâu chỉ có rặng sa mu xào xạc kia mới biết...

Chợ tình Việt Bắc

Ngược lên Việt Bắc, nơi mỏm đầu cao nhất của Tổ quốc thuộc tỉnh Hà Giang cũng có một chợ tình. Ðó là chợ Khau Vai, cách thị trấn Mèo Vạc 24km về phía đông nam. Chợ này rất ít người biết đến vì đường xa, cheo leo. Nghe tên "dốc Cổng Trời" Quản Bạ hay đỉnh Mã Pì Lèng (Ngựa thở ra khói) quanh năm mây phủ với những vách đá tai mèo dựng đứng thì nhiều người thối chí. Hơn nữa, phiên chợ tình ở Khau Vai mỗi năm chỉ họp một lần vào mùa xuân (26-3 dương lịch). Ðặc điểm, chợ này chỉ dành cho những người lỡ dịp "kết xóc, xe tơ" khi xưa tìm về hội ngộ... Lúc trước vì một lẽ trái ngang nào đó (phần nhiều do người con trai nghèo quá không đủ tiền sính lễ) không cưới được người con gái mình yêu, nên họ phải ngậm ngùi chia tay nhau. Ðể rồi, 365 ngày mới được một lần thỏa nỗi nhớ mong. Người đến chợ không hẳn là những người trẻ, bởi có những cuộc tình "có duyên nhưng không có phận", nên mới thành ra "lỡ làng đá đã xanh rêu".

Người từ rất xa đổ về, lội suối, trèo đèo có khi cả ngày trời, có khi từ hôm trước mới đến được điểm hẹn hò. Theo phong tục thì vợ của người đàn ông này cũng như chồng của người đàn bà nọ không có quyền ngăn cản bạn đời của mình đi gặp người tình xưa. Những người đàn ông chung tình không chờ bạn ở giữa chợ mà tắt lối, đón đường để sớm bắt gặp dáng hình người con gái đằm thắm, mặn mà năm xưa.

Ở chợ Khau Vai, người ta không "kéo" nhau. Chỉ thấy những kẻ chặn đường, những người níu áo, những tiếng khóc hờn dỗi và cả những tiếng cười... Ðôi bạn tình lúc chia tay khi nào cũng có vật kỷ niệm trao đổi và những lời hò hẹn cho lần gặp sau.

Châu Mộc - Chợ tình của người Mông ở Tây Bắc

Ðường lên Tây Bắc còn một chợ tình nữa cũng ít người biết đến, đó là chợ tình Châu Mộc, nay thuộc thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ngày 1-9 dương lịch hằng năm được coi là ngày Tết của người Mông, cũng là phiên chợ tình duy nhất trong năm. Chợ đông đến năm bảy nghìn người. Người xa từ Lai Châu, Phong Thổ, Lào Cai xuống, người gần thì từ Hòa Bình lên hoặc từ Sơn La về. Chợ đẹp lắm vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Ðơ (trắng), Mông Ðu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (vàng), Mông Hoa... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa.

Khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Ðường đông như trẩy hội. Có những chàng trai đến gần chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Trong "rừng người" chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13, 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt sửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi đi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Ðó là những lệ bộ cần thiết. Ai cũng đẹp, cũng vui. Cánh thanh niên bắt đầu trêu chọc và "kéo" nhau, "kéo" tuột cả nùn tóc giả mà các cô gái vẫn tươi cười bởi hôm nay là ngày hạnh phúc của tuổi trẻ. Những bàn tay nắm nhau, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve... Có thể nói, chợ tình Châu Mộc là điểm khởi đầu cho một tình yêu trong sáng. Sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là tỏ tình, vừa là đính ước để mùa xuân tới, tình yêu sẽ kết thành trái chín.