HANU
 
 
Hình của Hồ Thu Giang
Tác giả ‘Đồng chí’ đã ra đi
Bởi Hồ Thu Giang - Wednesday, 19 December 2007, 12:54 PM
 

125876-copy.jpgNhà thơ Chính Hữu - người mà tên tuổi được biết đến với hai tập thơ hay là “Đầu súng trăng treo” và “Thơ Chính Hữu”, đã lặng lẽ ra đi tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội chiều 27/11/2007.

Tôi vốn dân “phố nhà binh”, lại là sỹ quan thuộc quyền của nhà thơ Chính Hữu khi ông còn là Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị.

Tôi là láng giềng nhiều năm với ông - khi tôi còn ngụ trong Tập thể 32, ông ở Tập thể 34 - Lý Nam Đế - Hà Nội nên không chỉ biết ít nhiều về thơ mà còn biết cả bệnh của ông.

Nhưng khi được tin ông mất, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, bởi ông vừa mới báo tin, cháu nội của ông, cháu Trần Vinh Huân (cũng là cháu ngoại nhà văn Đỗ Chu) vừa trúng tuyển vào trường Mari Quyri với giọng rất vui.

Ông lại hẹn, sẽ cho tôi một số tài liệu ông giữ được khi còn làm Phó Ban văn nghệ Quân đội cùng với số sách và tài liệu lúc làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội - cơ quan chịu trách nhiệm hàng số duyệt bài tờ Văn nghệ Quân đội chúng tôi một thời dài… Thế mà…

Tôi biết ông từ khi còn là học sinh với những bài thơ Đồng chí, Ngọn đèn đứng gác…, biết nhiều hơn khi được ông tín nhiệm giao cho làm “Tuyển tập Chính Hữu” (NXB Văn học- 1998 ). Từ đấy, tôi mới rõ thêm về trường hợp ra đời của những bài Đầu súng trăng treo, Đêm sầu Hà Nội, Tháng năm ra trận, Giá từng thước đất…

Riêng với bài Ngày về thì ông bảo cho ông được từ chối in vào tuyển. Ông nói đó chỉ là phần lời cho một bài hát của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác lúc toàn quốc kháng chiến, lời lẽ, ý tứ không hợp với tạng ông, thơ ông. Nếu cần thì chỉ trích vài câu.

Nói vậy nhưng khi tôi nói, tôi muốn có nguyên văn bài thơ thì ông đã chép cho tôi. Bản chép tay bài Ngày về của ông, tôi vẫn còn giữ và đã có dịp công bố trên tờ Văn nghệ mấy năm trước với tiêu đề Ngày về sau hơn 50 năm đã về lại.

Cũng là định dấu, nhưng khi biết, ông chỉ hấp háy mắt cười và còn đưa thêm cho bản nhạc Tình đồng chí của Minh Quốc với lời nói thêm: ông Minh Quốc làm nó từ năm 1949, nghĩa là chỉ sau một năm bài Đồng chí ra đời. Tôi nói, trước 1975 nó được hát nhiều lắm. Ông không tiếp lời mà nhìn tôi một cái nhìn độ lượng.

Cũng trong dịp cùng ông làm tuyển, tôi mới biết thêm về ông - một ông “quan văn nghệ’’, một “yếu nhân” của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng lại người vô cùng dễ gần, dễ thoả hiệp.

Dễ thoả hiệp là nói trong cách làm việc thôi, chứ với chữ nghĩa thì trên đời này có lẽ ông là một. Tôi có lần đùa ông “Với bác đúng là giá từng câu chữ!”. Ông lại hấp háy mắt cười.

Bây giờ thì tác giả Ngày về đã đi xa mãi mãi, nhưng mãi mãi còn đó một hình tượng thơ đầu súng trăng treo, một con người đôn hậu như câu thơ của nhà thơ Huy Cận tặng ông năm trước:

Một đời đầu súng trăng treo/ Hồn thơ đeo đẳng bay theo chiến trường/ Tiếng lòng trong đọng hạt sương/ Cành hoa chiến địa mà gương tâm tình/ Cho hay thơ ở lòng mình/ Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ

(Theo Tiền Phong)