HANU
 
 
Hình của Nguyễn Việt Lê
Các hình thức sân khấu dân gian Việt Nam.
Bởi Nguyễn Việt Lê - Monday, 10 December 2007, 10:34 PM
 

Ở Việt Nam, đã có nhiều hình thức sân khấu dân gian tồn tại lâu đời như hát chèo, hát tuồng, múa rối nước...và mới hơn như cải lương.

Chèo


Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Nội dung của các vở chèo lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm, mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc, đồng thời thể hiện tính dân tộc Việt. Sân khấu chèo đơn giản, với các diễn viên có thể không chuyên, biểu diễn ngẫu hứng.


Loại hình nghệ thuật dân gian này được phát sinh và phát triển ở nông thôn Việt Nam, chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ. Nó đạt đỉnh cao phát triển vào thời kỳ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Đến thế kỷ 19, chèo nhận ảnh hưởng của tuồng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị.

Múa rối nước

Múa rối nước (hay còn gọi là rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu thì nó ra đời và tồn tại song song với nền văn minh lúa nước từ thời các vua Hùng và miền đồng bằng sông Hồng là cái nôi sinh ra hình thức nghệ thuật này.

Nghệ thuật rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... trên "sân khấu" này là những con rối (được làm bằng gỗ- gọi là chú tễu) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ.

Tuồng

Tuồng (còn gọi là hát Bội hay hát Bộ) là môn nghệ thuật từng thâm nhập vào cuộc sống cung đình và dần dà, có nhiều gánh hát đã được chuyên nghiệp hóa. Chữ tuồng có người cho là bởi chữ tường mà ra; tức hình dung dáng dấp, cử chỉ của người đời xưa.

Thế kỷ 19 là thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng. Tại từng địa phương ở Việt Nam còn có trường phái tuồng riêng, như tuồng Quảng Nam.

Cải lương

Cải lương là một nghệ thuật kịch hát của miền Nam Việt Nam, trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ. Nghệ thuật này ra đời vào năm 1917, chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hơn so với các nghệ thuật thuần túy như hát chèo và hát bội.

 

 Đề tài của các tuồng cải lương thường liên quan đến các điển tích và những vấn đề xã hội. Hiện nay cải lương vẫn còn thịnh hành, đặc biệt là tại miền Nam.

(Theo Quê Hương)

Có chỉnh sửa và bổ sung.