HANU
 
 
Hình của Nguyễn Việt Lê
Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?
Bởi Nguyễn Việt Lê - Monday, 10 December 2007, 08:02 PM
 
Dường như người Hà Nội cũng đã quá quen với câu hát trong bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh vàng...". Cho nên khi hỏi Hà Nội có bao nhiêu cửa ô, chắc chắn nhiều người sẽ trả lời 5. Nhiều người cũng dễ dàng gọi tên 5 cửa ô đó là: ô Cầu Dền, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đông Mác, Quan Chưởng.

Thực ra, theo các sử sách ghi lại thì Hà Nội có rất nhiều cửa ô. Cửa ô là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, bảo vệ cuộc sống trong thành. Thời Nguyễn có 16 cửa ô là Yên Hoa, Yên Tĩnh, Thạch Khối, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hoà, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, Thuỵ Chương. Các cửa ô không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có khác nhau, tuỳ tình hình đắp luỹ bố phòng.

Thời Lý- Trần thành rộng phía Tây, có cửa ô Cầu Giấy. Thời Nguyễn, thành thu hẹp về, lập cửa ô Thanh Bảo bên trong (nay là khu Vạn Bảo, Vạn Phúc). Ô Thịnh Quang ở phía Tây Nam làng Thịnh Hào, có tên nôm là ô chợ Dừa. Đây là cửa ô cực kỳ quan trọng án ngữ phía Nam. Ông Lê Hữu Trác trong cuốn "Thượng kinh ký sự" tả ô Chợ Dừa là: "Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một cái tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài hàng rào che kín mít. Dưới chân tường là hào sâu. trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc".

Mở đầu thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, ô Cầu Giấy từng ghi chiến công năm 1873, khi viên đại uý Francois Garnier mất mạng ở đây. Mười năm sau thì đến lượt thiếu tá Henri Rivière...

Sang thời hiện đại, nhiều cửa ô đã biến thành phố xá, 5 cửa ô còn lại cũng chỉ còn cái tên chứ không còn ý nghĩa như xưa nữa. Ngày nay, chỉ còn mỗi ô Quan chưởng (đầu phố hàng Chiếu). Đây vốn là cửa ô xây dựng năm 1749 thời vua Lê Hiển Tông. Quan Chưởng là cái tên nôm na để chỉ một ông Quan Chưởng coi việc ở đây. Tên chính của ô Quan Chưởng là ô Đông Hà. Công trình xây dựng vẫn được giữ gìn như xưa, đã được xếp hạng di tích lịch sử, ngày ngày dân chúng vẫn qua lại buôn bán tấp nập, tạo cho phố phường một nét cổ kính nên thơ.

Ô Quan Chưởng xưa...

Và Ô Quan Chưởng nay

-Lan Hương-