HANU
 
 
Hình của Nguyễn Thái Kiên
Hiện thực hoá sáng kiến "hai hành lang, một vành đai"
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Wednesday, 16 May 2007, 09:49 PM
 

(VietNamNet) – Định hình ý tưởng về xây dựng “hai hành lang, một vành đai” nhằm thúc đẩy giao thương biên giới Việt – Trung, nhưng triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả thực tế vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách VN.

Trong khi đang tìm kiếm,  xác định khung quan hệ với nhiều nước trên thế giới, khung quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc đã được lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc xây dựng và định hình từ khá sớm. Quan hệ hai nước được xây dựng và phát triển dựa trên phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và trên tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

0.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự Việt Nam trong chuyến thăm tháng 11/2006.

Không còn phải vướng bận việc xác định khung quan hệ hai nước, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc tập trung vào những vấn đề cụ thể và thiết thực hơn để hiện thực hoá những mục tiêu, đưa khung quan hệ vào những lĩnh vực cụ thể nhất.

Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, vốn được đánh giá là “chưa tương xứng với tiềm năng, việc xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Định hình ý tưởng

 Sáng kiến xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” được Việt Nam đưa ra tháng 5/2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là hai hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng” và một “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ”. 

Việc triển khai sáng kiến này sẽ tiến hành ở 4 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam và 5 tỉnh, thành của Việt Nam là Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng với tổng diện tích 869 ngàn km2, dân số 184 triệu người.

Các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến, điện lực. Lộ trình hợp tác từ 2005 đến 2010 sẽ bắt đầu từ giao thông vận tải, chế biến, điện lực, tiện lợi hoá đầu tư thương mại; từ 2010 đến 2020 sẽ triển khai toàn diện, thu hút sự tham gia của nhiều nước ASEAN, đẩy mạnh hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN. 

Hai bên đã xác định hợp tác “hai hành lang, một vành đai” không phải là khu kinh tế độc lập mà sẽ là khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông. Nghĩa là, mô hình này sẽ mở cho các nước khác tham gia hay nói cách khác, đâu là điều kiện thuận lợi cho mở rộng và tăng cường hợp tác Trung Quốc - ASEAN.  

Nhà nghiên cứu Lưu Trĩ của Trung Quốc từng mô tả: “Mô hình này gần với tam giác tăng trưởng, trong hai hành lang bố cục hình chữ “Y”, với Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Ninh là 3 đầu, Hà Nội là điểm giao thoa. Vành đai vịnh Bắc Bộ bao gồm toàn miền Bắc Việt Nam và 3 tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam. Trong đó chủ thể của “hai hành lang, một vành đai” đều thuộc khu vực chưa thực sự phát triển, song đều có ưu thế riêng, mô hình này đã tạo nên mặt bằng cơ chế để thu hút nhiều hơn các yếu tố sản xuất và nguyên liệu từ bên thứ 3. 

Mô hình này được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, khi việc hợp tác giữa hai nước còn gặp khó khăn, khu vực 9 tỉnh trong sáng kiến còn chưa phát triển. Việc này đang đặt ra những yêu cầu lớn về tốc độ, phương pháp và cách thức hợp tác giữa hai bên, đòi hỏi phải có tư duy mới, sự tăng trưởng mới về hợp tác kinh tế hai nước. Do đó, mô hình này được giới phân tích đánh giá là “sự lựa chọn chiến lược” để ứng phó với tiến trình toàn cầu hoá kinh tế và nhất thể hoá khu vực của hai nước. 

Có thể thấy, sáng kiến là tốt nhưng trước mắt sẽ làm lợi cho các tỉnh Trung Quốc vì vừa có thể tiếp cận tài nguyên, vừa có thể sử dụng đường vận chuyển và hải cảng của Việt Nam. Trong khi đó, các địa phương của Việt Nam chưa nhìn thấy rõ hiệu quả kinh tế cụ thể, ngoài việc sẽ phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng. (Tính đến nay, các tỉnh này đã đầu tư hàng tỷ USD để nâng cao hạ tầng cơ sở ở khu vực này).

Hiện thực hoá ý tưởng và hiệu quả thực tế 

Tháng 10/2004, khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung, đồng ý thành lập tổ chuyên gia trong khuôn khổ Uỷ ban hợp tác kinh tế mậu dịch chính phủ hai nước, nghiên cứu vấn đề xây dựng “Hai hành lang, một vành đai”. Từ đó việc xây dựng “hai hành lang, một vành đai” đã được nâng lên thành “chiến lược hợp tác quốc tế” giữa hai nước. 

Ý tưởng đã hình thành. Cơ chế hợp tác, chỉ đạo đã từng bước được xây dựng. Vấn đề là làm sao để có những dự án cụ thể, hiện thực hoá ý tưởng, mang lại hiệu quả thực tế cao nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc VN. 

Đến cuối năm 2006, nhóm chuyên viên hai bên đã họp hai lần vào tháng 3/2005 và tháng 7/2006, đồng thời mỗi bên đã tiến hành điều tra nghiên cứu đối với những khu vực có liên quan đến việc xây dựng "hai hành lang một vành đai" về các chuyên đề như kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành nghề, tài nguyên thiên nhiên, nguồn du lịch, môi trường sinh thái, cửa khẩu biên giới…

Hai bên đã cùng nhau soạn thảo hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, sau khi Chính phủ hai nước xem xét và phê duyệt, hai bên sẽ tổ chức nghiên cứu các dự an liên quan, lấy các dự án dẫn đầu, triển khai hợp tác theo nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến. 

Tháng 11/2006, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân Hội nghị cấp cao APEC 14, hai bên đã ký thoả thuận về dự án “Hai hành lang, một vành đai”. 

Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ bàn thảo những biện pháp cụ thể để triển khai hiệu quả những cam kết đạt được giữa hai nước năm 2006. Và hiệu quả của thực hiện dự án “hai hành lang, một vành đai” là điều Việt Nam cần tính đến trong triển khai.

Một quyết tâm chính trị đủ mạnh, một chiến lược phát triển đủ rõ ràng và những bước triển khai cụ thể đúng đắn là điều các nhà hoạch định chiến lược VN hướng tới trong quá trình hiện thực hoá sáng kiến. Chính phủ VN rất chú trọng đến tính hiệu quả hợp tác này đối với việc phát triển kinh tế của VN, nhất là các tỉnh có liên quan, trách trường hợp không chuẩn bị kịp dẫn đến không khai thác được lợi thế trong hợp tác này.

  • Phương Loan