HANU
 
 
Hình của Nguyễn Thái Kiên
Tầm vóc Việt Nam mới từ những sự kiện lớn
Bởi Nguyễn Thái Kiên - Monday, 1 January 2007, 12:07 AM
 

(VietNamNet) - Năm 2006 đã đi qua với nhiều điểm son. Một thế hệ lãnh đạo mới được chuyển giao đang tràn đầy sinh khí và quyết tâm. Một tầm vóc Việt Nam mới tự tin trên trường quốc tế khi đảm đương vai trò chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và đang là ứng cử viên châu Á duy nhất cho chiếc ghế uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ.

Vào năm thứ 20 của công cuộc Đổi Mới đã khép lại bằng cuộc đi ra với thế giới lớn nhất trong lịch sử kinh tế VN: gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một Việt Nam 20 năm trước còn là "ốc đảo" bị cô lập giữa thế giới nay đã hoàn toàn mở cửa tự tin hội nhập cùng bạn bè năm châu.

1. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10

Vượt trên ý nghĩa của một đại hội thường kỳ 5 năm một lần, Đại hội X có ý nghĩa tổng kết lại những thành tựu cũng như yếu kém của 20 năm Đổi Mới. Đồng thời, khẳng định tiếp tục công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với chủ trương “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn”.

Nhưng điều gây ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng cũng như giới quan sát nước ngoài lại là cuộc vận động toàn dân góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng. Giới quan sát quốc tế ghi nhận bầu không khí sinh hoạt chính trị thực sự cởi mở và sôi động trong toàn bộ các tầng lớp xã hội ngay trước thềm Đại hội Đảng.

Mở màn bằng loạt bài viết của tác giả Nguyễn Trung về "Thời cơ vàng của Đảng ta" đăng trên Báo Điện tử VietNamNet, không khí sôi nổi góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng đã thực sự lan tỏa tới từng ngóc ngách của cuộc sống.

Từ những nhân vật đã từng nắm giữ chức vụ chủ chốt trong Đảng như Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,...cho tới các nhân sỹ và cả giới thanh niên trí thức trẻ đã lên tiếng tấn công một cách thẳng thắn và quyết liệt về những yếu kém trong cơ chế quản lý, lãnh đạo, những lỗ hổng trong hệ thống chính trị, thực trạng xuống cấp của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Hàng ngàn ý kiến, hàng trăm bài viết đầy tâm huyết, thậm chí "đụng thẳng" vào những vấn đề tưởng như rất nhạy cảm về thể chế nhưng chứa đựng một khát khao cháy bỏng: Đảng sẽ đổi mới, sẽ tận dụng được thời cơ vàng đang đến để đưa dân tộc Việt Nam bay lên, sánh vai cùng thời đại.

Tiếp đó, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI đã bầu chọn Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội mới. Bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam được giới quan sát quốc tế đánh giá là những "con người của hành động", trẻ trung hơn và cùng theo đuổi mục tiêu cải cách kinh tế.

2. Việt Nam được phê chuẩn là thành viên thứ 150 của WTO

Sau 11 năm kiên trì đàm phán, ngày 7/11, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngày 9/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn ( PNTR) với Việt Nam.

Với quốc tế, việc Việt Nam rốt cuộc đã tham gia vào sân chơi chung của thương mại toàn cầu được xem như "tấm chứng chỉ thuyết phục nhất" mà thế giới đã trao cho công cuộc cải cách, mở cửa của Việt Nam.

Nhưng với mỗi người Việt Nam, gia nhập WTO là một sự kiện lịch sử đáng tự hào. Lần đầu tiên, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta hội nhập toàn diện với thế giới, chúng ta có một vị thế mới với bè bạn năm châu.

Hàng trăm năm bế quan toả cảng, hàng chục năm chịu sự bao vây cấm vận, cuối cùng Việt Nam cũng đã đủ lực, rất tự tin để mở cửa bước ra với thế giới.

Một vận hội mới đang đến với cả dân tộc. Đó thực sự là một hành trình nhọc nhằn, không chỉ vượt qua những khó khăn, bế tắc trên bàn đàm phán khi đối mặt với những đối tác đàm phán sừng sỏ mà còn phải vượt qua lực cản tư duy của chính mình.

Song vận hội mở ra từ WTO cũng mang theo những thách thức gay gắt và tạo những áp lực nặng nề buộc toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và mỗi người dân Việt Nam phải quyết liệt cải cách.

Nhiều người kỳ vọng: WTO sẽ là cơ hội mang đến làn sóng Đổi Mới thứ hai, để dân tộc Việt Nam sẽ thực sự bay lên

3. Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC

Vào WTO hơn mười ngày, VN đảm trách ngay công việc của một người chủ trì những nỗ lực chung của APEC nhằm thúc đẩy vòng đàm phán Doha quay lại lộ trình để kịp thời kết thúc. Trong cương vị chủ nhà, Việt Nam đã nhận được những lời tán dương nhiệt thành từ các thành viên khi dẫn dắt các cuộc thảo luận của APEC đi tới một kết quả chung.

Sự hiện diện của 21 nhà lãnh đạo kinh tế APEC, trong đó có lãnh đạo 4 cường quốc lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật; sự xuất hiện của hàng trăm CEO các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu đã biến VN trở thành tâm điểm của giới truyền thông và đầu tư nước ngoài. Những chính khách lớn, đại diện cho những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, hẳn là có nhiều thông tin về VN trước khi đến Hà Nội tham dự APEC.

Thế nhưng, những trải nghiệm "mắt thấy tai nghe" của chính họ đã làm bật ra những cảm nhận ngoài khuôn khổ của những dự đoán. "Việt Nam là một con hổ của tương lai" và "sự thân thiện của người dân VN là yếu tố sống còn trong quan hệ hai nước" - Tổng thống Bush. Với một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Ngoại trưởng Condi Rice thì "Việt Nam là nơi có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi từng đến".

Việt Nam đã thực sự thành công trong việc tận dụng APEC để quảng bá những giá trị của riêng mình: một đất nước hòa hiếu, mến khách, một nền kinh tế đang tăng trưởng năng động, một xã hội đang chuyển đổi giàu sức sống và một thị trường hứa hẹn những cơ hội mới.

Và APEC cũng là cuộc trình diễn đầu tiên của bộ máy lãnh đạo mới Việt Nam trước đông đảo quan khách quốc tế. Sự thâm trầm nhưng nồng ấm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong vai trò chủ trì các nghi lễ ngoại giao nguyên thủ; phong thái trẻ trung, đầy tự tin của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thuyết phục được bạn bè quốc tế.

Sau WTO và APEC, cùng với việc các nước châu Á đề cử VN là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, những gì mà nước chủ nhà đã làm được chắc chắn là một vị thế mới, một thành viên tích cực trong đời sống toàn cầu.

4. Những nỗ lực chống tham nhũng mạnh mẽ của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ

Tháng 1/2006, vụ án PMU18 bùng lên gây phẫn uất trong dư luận. Không ai có thể tưởng tượng ông Tổng Giám đốc như Bùi Tiến Dũng lại có thể "vác" một lúc vài triệu USD đi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Dư luận đặt câu hỏi: Tiền ở đâu ra để các ông "đốt" khoẻ như vậy?

Câu trả lời rốt cuộc cũng được giải đáp: Lỗi hệ thống. "Siêu" ban PMU18 được giao quản lý số vốn tới 33.000 tỷ đồng, còn Bùi Tiến Dũng là "ông trời con" khi được giao quyền sinh, quyền sát đối với các nhà thầu muốn lăm le vào cuộc. Quyền lực được trao nhưng hệ thống giám sát gần như bị vô hiệu hoá.

Đó cũng là căn nguyên của hàng loạt các vụ tham nhũng lớn khác. Tham nhũng tồn tại dường như đã trở thành một quy luật khách quan. Đến mức, rất nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải bức xúc kêu lên: "Tham nhũng đang trở thành nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ!". 

Ngày 1/6/2006, Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Nội các chính phủ được bổ sung thêm một phó thủ tướng đặc trách chống tham nhũng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa X) của Đảng, Chính phủ đã thành lập "Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng" do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban. Cuối năm 2006, Chính phủ cũng chính thức phê chuẩn quyết định thành lập các "Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng" tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hàng loạt các nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng đang lan toả và bám rễ sâu trong hệ thống. Tuy nhiên, chống tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu... như là một cuộc "đại phẫu" trị bệnh, cần có thời gian, cần sự quyết liệt đồng thuận từ trên xuống dưới.

Và thời gian cũng là phương thuốc hai mặt bởi nếu không có  quyết tâm, thì vụ việc bị phanh phui sẽ bị "chìm xuồng" sau mỗi tháng, mỗi năm. Và những giải quyết vụ việc đó sẽ chỉ mang tính tình thế nếu không có những toa thuốc trị bệnh cho cả hệ thống, chữa những lỗi của cơ chế, chính sách.

5. Năm của cải cách hành chính

Để được cấp phép một dự án làm ăn nghiêm túc, một DN ở TP.HCM phải chạy vạy suốt 7 năm trời mới đủ 30 con dấu. Để xin được một con dấu công chứng, một tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi người dân phải "chiến đấu" mệt mỏi hàng tháng trời với các cơ quan công quyền.

Vô cảm, hành dân dường như trở thành căn bệnh vô phương. Người dân dần mất niềm tin: sẽ có một ngày các công chức Việt nam thực sự là "công bộc" của dân, như thiên chức đúng đắn của họ mà cách đây 60 năm, Bác Hồ đã chỉ ra.

Mới lên nhậm chức chưa đầy tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quyết tâm tuyên chiến với căn bệnh vô cảm, nhũng nhiễu của nền hành chính nước nhà. Năm 2006 thực sự là năm của cải cách hành chính khi hàng loạt những chỉ thị, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ được ban hành và đi vào cuộc sống.

Công bằng mà nói, những chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng xuống các cấp ngành đã mang lại những kết quả tích cực. Chỉ thị 32 của Thủ tướng về công khai các thủ tục hành chính đã bắt đầu có hiệu ứng tốt tại nhiều địa phương khi thái độ làm việc với dân của các cán bộ hành chính đã cải thiện rõ rệt. Người dân đã bắt đầu cảm thấy hài lòng.

Phiên họp cuối năm, Chính phủ đã xác định cải cách hành chính sẽ là trọng tâm của năm 2007, với mục tiêu chuyển từ hành chính xin cho sang hành chính phục vụ.

Nhưng để tư duy "hành chính phục vụ" "thấm" được xuống cả một bộ máy công chức cồng kềnh, nơi sức ỳ của quán tính xin - cho vẫn còn nặng nề, như thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, dường như đòi hỏi nhiều hơn là những chỉ thị quyết liệt, những giải quyết mang tính vụ việc.

Cần nhiền hơn thế là sự nắm bắt căn nguyên bệnh tật của hệ thống và kê những toa thuốc mang tính hệ thống: sự minh bạch thông tin, tăng quyền được giám sát của người dân và các hiệp hội, "dịch vụ hoá" các công đoạn hành chính.

Và không còn nhiều thời gian để chờ đợi khi Việt Nam đã gia nhập WTO, nơi một nền hành chính phục vụ chính là "đường băng" để VN cất cánh bay lên, giành lấy chiến thắng trong cuộc đua hội nhập.

6. Quan hệ với các nước lớn được cải thiện rõ rệt

Bỏ qua những thông lệ ngoại giao của một Thủ tướng ASEAN mới nhậm chức (đi thăm xã giao các nước ASEAN trước), điểm đến trong chuyến công du nước ngoài chính thức lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nhật Bản, siêu cường kinh tế số hai thế giới.

Trong chuyến thăm này, lần đầu tiên, hai bên tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và thống nhất khởi động vòng đàm phán về tự do thương mại và đầu tư. Lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản và ông đã không tránh né một chủ đề nhạy cảm: vụ PMU 18 và việc sử dụng vốn vay ODA của Nhật.

Với Mỹ, mối quan hệ giữa hai bên đã thực sự đạt tới bước phát triển mới về chất. Vượt qua những e ngại và mặc cảm của một quá khứ đối đầu, hai cựu thù đang tự tin và mạnh dạn bước về phía nhau.

Tháng 11 năm 2006, Tổng thống George Bush thăm chính thức Việt Nam. Ngược với những băn khoăn ban đầu "không biết sẽ nhận được sự đối xử như thế nào", Tổng thống Mỹ nói ông thực sự bất ngờ trước "tình hữu nghị" và "sự thân thiện tuyệt vời" của người dân VN. Với các lãnh đạo VN, ông Bush khẳng định thông điệp "Hoa Kỳ thực sự mong muốn Việt Nam thành công và thịnh vượng"!

Hình ảnh vị Tổng thống Mỹ đánh cồng mở màn cho phiên giao dịch trong ngày tại thị trường chứng khoán TP.HCM được xem như một hình ảnh mới cho quan hệ Việt - Mỹ năm 2006: từ hòa giải tiến tới đối tác làm ăn.

Tháng 12/2006, Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Việt Nam, khép lại một năm sôi động trong quan hệ Việt - Mỹ. Rào cản cuối cùng trong quan hệ hai nước còn tồn tại từ thời chiến tranh đã bị xoá bỏ hoàn toàn.

Với Trung Quốc, dù không có những sự kiện đình đám nhưng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước láng giềng cũng được củng cố thêm một bước qua các chuyến thăm cấp cao. Trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, hai bên đã chính thức tuyên bố triển khai Hợp tác "hai hành lang, một vành đai" mà giá trị thực hiện lên tới 3,6 tỷ USD.

Trong vòng zíc zắc, đan xen đầy phức tạp và nhạy cảm của các cường quốc, có thể thấy Việt Nam đã làm chủ được mình trong một cuộc chơi mà chỉ một động thái thiếu tinh tế có thể để lại tác hại khôn lường. Quá khứ đã từng phải trả giá giúp Việt Nam đủ tỉnh táo và khôn ngoan để biết tính toán những bước đi đúng lúc và cân bằng, nâng cao được vị thế đang lên về mặt chiến lược của mình đối với các nước lớn.

7. Ngôi sao mới nổi của truyền thông quốc tế

Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông nước ngoài trong vòng một năm qua, sẽ thấy cái tên Việt Nam xuất hiện với liều lượng liên tục. Ít có khi nào báo chí thế giới, ngoại trừ các hãng truyền thông đang có phóng viên đại diện ở VN lại đưa tin, bài về VN ở những vị trí trang trọng như CNN, New York Times, Washington Post, Economist,...Nói như Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine: "Việt Nam đang là tầm ngắm của giới truyền thông quốc tế"

Điều quan trọng không phải chỉ vì Việt Nam được biết mặt, nhớ tên nhiều hơn ở những nơi vốn đã có quá nhiều sự kiện để quan tâm mà bởi Việt Nam đã xuất hiện trở lại với một diện mạo mới trong cách nhìn tích cực hơn nhiều của báo giới nước ngoài vốn trước kia hay nghiêng về những cảm quan tiêu cực. Một sinh khí mới thể hiện từ những cái tên bài báo:  "Bình minh Việt Nam", ("Good Morning Vietnam"), "Việt Nam - Con hổ mới của châu Á,...

"Ngôi sao đang lên của nền kinh tế toàn cầu" - như nhận xét của Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy - đang giành được nhiều sự thiện cảm và ngưỡng mộ của thế giới. Một nền kinh tế đang tăng trưởng, một xã hội đang chuyển đổi, một không khí làm ăn năng động ở một đất nước đã có quá nhiều chiến tranh và nay trở thành thành viên mới trẻ trung của WTO... Đó thực sự là những câu chuyện hấp dẫn đối với truyền thông thế giới.

"Năm 2006, thế giới đã công nhận Việt Nam với việc gia nhập WTO. Việt Nam không cần phải thu hút sự quan tâm nữa. Điều Việt Nam cần làm là chứng tỏ khả năng và duy trì sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước", - Lời khuyên của Chủ tịch Phòng Thương mại Úc Mark Faquhar.

Việt Nam sẽ làm gì để thế giới không "good morning" ta hôm nay nhưng sẽ "goodbye" ta vào ngày mai?

Câu chuyện tương lai còn lại sẽ được viết tiếp như thế nào, thuộc về chính Việt Nam.

  • VietNamNet