HANU
 
 
Hình của Đào Hà Ninh
Giới thiệu chung về Hà Nội
Bởi Đào Hà Ninh - Monday, 11 September 2006, 08:43 PM
 

Năm 1010, Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên.

          Gần mười thế kỷ qua, đã minh chứng quyết định ấy là sáng suốt. Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới.

1. Tự nhiên và môi trường:

Năm 1831 vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt  lại tên cho Thăng Long là Hà Nội có nghĩa là: thành phố nằm trong vòng bao quanh của một con sông giữa đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến của  mảnh đất từng là kinh đô trong suốt ba thời kỳ phong kiến thịnh trị Lý, Trần, Lê và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Khởi nguồn hình thành của Thăng Long được quyết định bởi yếu tố môi trường tự nhiên, thể hiện trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn.

Với tầm nhìn chiến lược, vị vua trẻ khi lên ngôi, đã cảm thấy kinh đô Hoa Lư trong vùng núi non hiểm trở  tuy dễ phòng thủ nhưng không thể là kinh đô của một nước cường thịnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Người đã tìm được thành Đại La tức Hà Nội ngày nay, có thể hội tụ  những yêu cầu ấy. Trong Chiếu dời đô, hình ảnh của một thành phố giàu đẹp hiện lên vô cùng sinh động: "Thành Đại La ở giữa bờ cõi đất nước, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, bốn phía đông, tây, nam, bắc tiện hình thế núi, sông, sau, trước đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, sáng sủa, dân cư không phải khổ vì ngập lụt, muôn vật phồn thịnh. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là nơi then chốt của bốn phương họp lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời...".

Khi thuyền nhà vua đến Đại La, Người nhìn thấy một con rồng bay lên trong đám mây, cho là điềm lành, bèn đặt tên là Thăng Long. Câu chuyện lịch sử pha lẫn huyền thoại này cho thấy thành Thăng Long được xây dựng ở một vị trí theo quan niệm phong thuỷ là lý tưởng cho phát triển đô thành vững mạnh, giàu có.

Sau gần 1000 năm, Hà Nội ngày nay và Thăng Long xưa khác nhau nhiều về địa lý, tự nhiên. Chỉ nói về phạm vi, thành Thăng Long xưa nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch; Hà Nội bây giờ bao gồm cả phần đất rộng lớn ở bên ngoài hai con sông. Trung tâm Thăng Long và trung tâm Hà Nội không trùng nhau. Nhưng những điểm ưu việt của điều kiện địa lý và tự nhiên của Thăng Long vẫn tạo ra những thế mạnh cho Hà Nội mà hiếm đâu sánh được.

Thứ nhất, thế đất bằng phẳng, cao ráo, nằm trên đồng bằng mầu mỡ, khí hậu lại ấm áp. Hà Nội là vùng sinh thái tuyệt vời cho con người định cư, phát triển.
Thứ hai, vị thế trung tâm của Hà Nội, lại nằm bên con sông lớn khiến cho giao thông với các địa phương khác dễ dàng, thuận tiện. Từ xưa, Hà Nội đã nổi tiếng là một trung tâm thương mại lớn: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Thêm nữa, với cảnh sắc tươi đẹp và con người thanh lịch, Hà Nội là đề tài cho thơ ca, nhạc, hoạ, tạo nên sức thu hút du khách bốn phương.

Và còn rất nhiều thế mạnh nữa do tự nhiên đem lại mà Hà Nội đã và sẽ khai thác để xứng đáng là "Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời" như Lý Công Uẩn đã tiên đoán.

2. Lịch sử và truyền thống:

Ở Việt Nam, có lẽ không nơi nào lịch sử lại kết tinh sáng chói như Hà Nội.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hà Nội từng là kinh đô của ba triều đại lớn: Lý, Trần, Lê. Có thể nói mỗi tấc đất Hà Nội đều ghi dấu ấn của lịch sử: "Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi".  (Lời bài ca "Người Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi)

Tại đây có các di chỉ đồ đá, đồ đồng từ chục nghìn đến ba bốn nghìn năm tuổi. Có dấu vết người anh hùng thiếu niên làng Gióng đánh giặc ngoại xâm từ thời Vua Hùng thứ VI. Rồi thành ốc của An Dương Vương, Văn Miếu và Quốc Tử Giám, Ngọc Hồi - Khương Thượng và chiến thắng Đống Đa, thành Hoàng Diệu, đường phố Hà Nội... đều là những dấu ấn lịch sử quan trọng.

Quảng trường Nhà Hát Lớn là nơi xuất phát của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Lễ đài Ba Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 (do Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai T10-1946 thông qua), quy định Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua nhiều sóng gió thăng trầm, đầy thử thách, lắm biến đổi quan trọng nhưng Hà Nội luôn luôn là nơi có tốc độ phát triển nhanh.

3. Gương mặt Hà Nội những năm tới:

Tầm nhìn bao quát của quy hoạch chung là phải xây dựng Hà Nội theo hướng mở, phát triển ra ngoại vi bằng một hệ thống các khu công nghiệp và đô thị mới, tạo ra không gian rộng để phát triển, cùng với việc giữ gìn, tôn tạo vẻ đẹp, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc vốn có của thủ đô.

Hà Nội đóng vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển đô thị của vùng tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và toàn Bắc Bộ. Định hướng xây dựng và phát triển Hà Nội phải đặt trong chiến lược phát triển đô thị của toàn vùng, nhằm tạo được ảnh hưởng tới các đô thị chung quanh.

Phát triển thành phố Hà Nội trung tâm hài hòa với việc phát triển hệ thống đô thị xung quanh để hình thành "Chùm đô thị thủ đô Hà Nội".

Hướng phát triển lâu dài chủ yếu là mở về phía tây, hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây. Phía bắc là cụm đô thị Sóc Sơn - Xuân Hòa - Đại Lải - Phúc Yên. Thành lập các đô thị vệ tinh khác nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông và cơ sở hạ tầng. Trước mắt, hướng mở rộng Hà Nội trung tâm về phía tây bắc, tây nam và phía bắc.

Dành ưu tiên đầu tư cho phát triển khu vực bắc sông Hồng, hình thành một "Hà Nội mới" bao gồm phía bắc cầu Thăng Long - Vân Trì - Đông Anh - Cổ Loa - Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên, đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án phát triển tại khu vực nam cầu Thăng Long.

Vào năm 2020, dự kiến đất đô thị của thành phố trung tâm khoảng 25000 ha với chỉ tiêu bình quân 100 m2 cho một người dân, trong đó đảm bảo dành cho giao thông 25 m2, cây xanh, công viên, thể dục thể thao 18 m2 và xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng 5 m2 cho một người.

 Đất đai được phân bố thành các khu chức năng: 

-  Khu hạn chế phát triển lấy giới hạn từ vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân) trở vào trung tâm. Tại đây hạn chế xây dựng, từng bước di chuyển một số xí nghiệp, bệnh viện... gây ô nhiễm, không thích hợp ra ngoài, đồng thời với việc dãn dân để hạn chế số dân khoảng 800 nghìn người, tăng chỉ tiêu sử dụng đất và cải tạo môi trường đô thị, bảo tồn khu phố cổ, khu phố cũ.

-  Khu phát triển nằm ngoài vành đai 2 bao gồm: Ba cụm ở bắc sông Hồng, cụm bắc cầu Thăng Long, cụm Đông Anh - Cổ Loa và cụm phía đông gồm các thị trấn Gia Lâm, Sài Đồng, Đức Giang, Yên Viên.

-  Ba cụm ở nam sông Hồng: Cụm tây bắc gồm vùng đầu cầu phía nam cầu Thăng Long, dọc trục đường 32; cụm tây nam có khu dân cư dọc quốc lộ 6 - Yên Hòa và vành đai ba; cụm phía nam gồm khu sân bay Bạch Mai cũ, Định Công, Linh Đàm, dọc quốc lộ số 1, thị trấn Văn Điển, Cầu Bươu, Mai Động. Xây dựng trong khu phát triển phải theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo chất lượng cao và các tiêu chuẩn về môi trường. Các khu chung cư mới ở Định Công, Linh Đàm bình quân cao năm tầng, xây thí điểm một số nhà chín đến mười tầng, dành đất đủ chỉ tiêu cho cây xanh, công viên và đường nội bộ thông thoáng. Xen kẽ các làng hoa, nhà vườn, biệt thự nhỏ.

-  Chuỗi đô thị đối trọng là Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây - Miếu Môn gắn liền với các khu du lịch Đồng Mô - Ngải Sơn, Suối Hai, Ba Vì, Ao Vua, Đá Chông dự kiến có số dân một triệu người; cụm đô thị Sóc Sơn -  Xuân Hòa - Phúc Yên gắn với các khu du lịch Đồng Quang - Đền Sóc, Đại Lải, Tam Đảo với số dân từ 400 nghìn đến 500 nghìn người. Cả hai cụm có mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội và cũng là nơi góp phần giải quyết vấn đề giải trí, nghỉ ngơi cuối tuần. 

- Cải tạo và sắp xếp lại các khu công nghiệp Cầu Diễn, Cầu Biêu, Pháp Vân, Đức Giang. Xây dựng phát triển các khu công nghiệp mới Sài Đồng A, Sài Đồng B, Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Sóc Sơn, Đông Anh. Diện tích các khu công nghiệp đến năm 2020 khoảng 3000 ha.

Về hệ thống các trung tâm công cộng, vẫn duy trì trung tâm hành chính - chính trị quốc gia ở quận Ba Đình, trung tâm hành chính - chính trị thành phố ở quanh hồ Hoàn Kiếm.

-  Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp được bố trí trên các trục phố chính. Mỗi quận, phường cũng có trung tâm hành chính của mình. Xây dựng thêm khu ngoại giao đoàn mới ở Xuân Đỉnh.

- Hình thành các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ văn hóa ở phía tây Hồ Tây - nam Thăng Long (Xuân La - Xuân Đỉnh - Nghĩa Đô), nam Vân Trì (Phương Trạch): Trung tâm thương mại - Dịch vụ Sài Đồng - Gia Lâm, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao Cổ Loa, khu liên hợp Thể dục - Thể thao quốc gia, Công viên Văn hóa tại Mỹ Đình, Mễ Trì.

- Nâng cấp và xây dựng các trung tâm thể dục - thể thao khác như Hàng Đẫy, Nhổn, Quần Ngựa, Vân Trì, Triều Khúc...

- Các trường đại học tập trung ở các khu vực đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi, đường số 32, Trâu Quỳ, Mễ Trì, trên đường Láng - Hoà Lạc.

- Các viện nghiên cứu khoa học chủ yếu ở các khu vực nội thành cũ và khu đô thị khoa học Nghĩa Đô.

- Các trung tâm y tế gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa bố trí tại các khu vực Bạch Mai, Trần Khánh Dư, Tràng Thi, Quán Sứ, Xuân La - Nhật Tân, Vân Trì.

- Bệnh viện chuyên khoa đặc biệt đặt tại các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và một số nơi thích hợp.

- Cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa, cây xanh hiện có; phát triển các công viên cây xanh ở hồ Yên Sở, Linh Đàm, Triều Khúc, Mễ Trì, Vân Trì, Cổ Loa, Gia Lâm, Sài Đồng...

- Trồng dải cây xanh phòng hộ, cách ly, sinh thái cảnh quan ở ven sông Nhuệ, sông Tô, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống...Hình thành vành đai xanh rộng từ 1 đến 4 km, tạo bộ khung bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thủ đô. Thành lập các khu giải trí lớn ở chung quanh thành phố.

Từ cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, Hà Nội chú trọng tạo tiền đề để chuyển dịch từng bước sang cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Ngay trong giai đoạn 2001-2005 phấn đấu đạt dịch vụ từ 55% đến 56%, công nghiệp từ 41% đến 41,5%, nông nghiệp còn từ 3% đến 3,5%. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm từ 8% đến 9%.

Xây dựng Hà Nội thành một trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, xuất nhập khẩu, dịch vụ văn minh hiện đại, phát triển mạnh các loại hình du lịch và là một trung tâm tài chính hàng đầu ở phía bắc.

Đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ, hình thành các ngành công nghiệp then chốt, chất lượng cao, có giá trị kinh tế lớn, không gây ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhiều việc làm, tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật để phát triển nông thôn ngoại thành; từng bước cao cấp hóa các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, tạo giống, công nghệ bảo quản và chế biến, làng nghề truyền thống, đô thị hóa nông thôn.

Về quy mô dân số, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ tăng tự nhiên để đến năm 2020 số dân đô thị vùng trung tâm (nội thành) là 2,5 triệu người, và các đô thị chung quanh có khoảng 2 đến 2,5 triệu người.

Hà Nội phải dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và là trung tâm bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tương lai.

Tập trung xây dựng con người Hà Nội vững vàng về tư tưởng, có trí tuệ và năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, sản xuất kinh doanh, có lối sống văn minh, thanh lịch, hiện đại.

Từng bước xã hội hóa các hoạt động văn hóa - văn nghệ, Hà Nội phát động phong trào quần chúng tham gia sáng tạo văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống.

Tổ chức tốt lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 với nhiều chương trình phong phú mang nội dung sâu sắc, hình thức hoành tráng và độc đáo, đánh dấu những đỉnh cao của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Tự hào với truyền thống vẻ vang, thủ đô Hà Nội càng ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trước vận mệnh dân tộc, tương lai đất nước.

                                                                 (St theo http://www.hanoitourism.gov.vn/)