HANU
 
 
Picture of Nguyen Quang Vinh
Một trường đại học ứng dụng Moodle thành công tại Việtnam
by Nguyen Quang Vinh - Saturday, 1 April 2006, 01:10 PM
 

Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội

E-Learning (chương trình đào tạo trực tuyến) đã được áp dụng phổ biến tại các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới, giúp sinh viên có thể chủ động học tập không hạn chế về thời gian và địa điểm thông qua mạng Internet. Sinh viên Việt Nam cũng đã được tiếp cận chương trình   E-Learning của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng , trường đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo   E-Learning ở Việt Nam.

Chỉ một thao tác nhỏ trên máy tính, mọi thông tin và tài liệu cần thiết về môn học Marketing mà Nguyễn Ngô Đông (lớp 28K12 - ĐH Kinh tế) cần tìm đã được "bày biện" sẵn trong trang web www.dbavn.com, trang web riêng của khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Vừa download tất cả tài liệu mình cần vào USB, Đông hào hứng khoe: "Tụi em  đứa nào cũng  thích học trực tuyến bởi rất chủ động, có thể học bất cứ thời gian nào và ở đâu. Thay vì chơi game vào những lúc rảnh, bây giờ tụi em thường tranh thủ vào web làm bài tập trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức, có kết quả ngay mà! Nguồn tài nguyên thì tha hồ phong phú. Mấy đứa bạn học kinh tế ở nơi khác cũng hay vào đây để học và làm bài tập lắm".
Có được nhiều tài liệu tham khảo, giáo trình giảng dạy của thầy cô thay vì phải lặn lội ở các thư viện và tiệm sách; Làm bài tập, thi trắc nghiệm có kết quả ngay để củng cố kiến thức, chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm với các "đồng môn" hoặc được giải đáp trực tiếp những thắc mắc đối với thầy cô mà không cần phải đến lớp. Đó là lý do mà tất cả các sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đều hào hứng khi tham gia chương trình đào tạo trực tuyến.

Theo thầy giáo, thạc sĩ Đặng Công Tuấn, hiện nay giữa quản lý và công nghệ thông tin vẫn còn khá lệch nhau. Việc kết hợp ứng dụng đào tạo để có thể vừa có khả năng quản lý giỏi nhưng đồng thời phải có kiến thức về công nghệ thông tin là điều cần thiết. Chính vì mục đích này mà Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Đà Nẵng quyết định đưa E-Learning vào chương trình đào tạo của mình. Trung bình một môn học, sinh viên ngoài việc học trên lớp sẽ phải học thêm một số tiết ở trên mạng qua chương trình đào tạo E-Learning, và có bài kiểm tra định kỳ (số lượng là tùy từng giáo viên). Tuy nhiên, thời gian lên lớp của giáo viên vẫn được bảo đảm đầy đủ.

Thông thường, một bài kiểm tra bằng E-Learning có thời gian 30 phút trên tổng số từ 30 đến 60 câu trắc nghiệm. Điểm sẽ chỉ chiếm tối đa 40% số điểm tổng kết của môn học đó (60% còn lại là điểm kiểm tra lý thuyết). Khi giáo viên thông báo kiểm tra vào ngày nào, trong ngày đó, các sinh viên phải lên mạng làm bài tập, bất kể đang ở nơi đâu. Những trường hợp không may xảy ra sự cố như cúp điện, rớt mạng... sẽ được giáo viên "hậu xét". Không những vậy, tất cả các tài liệu và giáo trình đã học trên lớp được giáo viên lần lượt đăng tải theo thứ tự bài giảng để sinh viên theo dõi nghiên cứu.

Một số sinh viên không chỉ dừng lại ở việc tìm nguồn tài nguyên trên trang web của khoa mà đã biết tìm kiếm những tài nguyên hay ở những trang web khác và tải về cho các bạn cùng nghiên cứu. Hồ Ái Phương, sinh viên lớp 28K12 cho biết: "Học trực tuyến mới thấy sự quan trọng của USB. Nó đã trở thành vật "bất ly thân" của tụi em bởi tất cả những tài nguyên được tải liên tục trên mạng đều được chứa trong đó! Nếu không may làm mất thì còn buồn hơn cả mất... người yêu!". Tuy nhiên, do sinh viên có thể tự do về địa điểm làm bài  đã phát sinh nhiều trường hợp sinh viên làm bài nhờ vào sự hỗ trợ của người khác. Nhưng theo thầy Tuấn và nhiều giáo viên, cho dù sinh viên có sự trợ giúp của bạn bè thì ít nhất sẽ có thêm một người nữa cùng học bài. Sự tự giác của sinh viên là yếu tố chính bởi học là học cho mình và điểm bài tập làm trực tuyến chỉ chiếm phần ít trong tổng số điểm học kỳ của sinh viên. Chính vì vậy mà tính cam kết và tự giác được phát huy cao trong E-Learning.

Bây giờ, hỏi bất cứ một sinh viên trường nào đã học qua chương trình E-Learning, tất cả đều cùng chung một ý kiến là tán thành và ủng hộ. Theo bạn Võ Viết Tâm, sinh viên lớp B05K2.2B: "Nó tạo tiền đề khi ra trường, sinh viên có thể bắt tay vào công việc trong một môi trường mới năng động, ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực của đời sống và sản xuất". Còn Nguyễn Đức Trường, sinh viên lớp 31.K7.01 đã bày tỏ ngay trên mục diễn đàn: "Đào tạo trực tuyến không những mang lại những kiến thức về các môn học mà còn mang lại kỹ năng thực hành máy tính, điều rất cần thiết đối với các sinh viên hiện nay. Học theo kiểu này rất năng động cho người học. Sinh viên tụi em rất thích!". Với chương trình đào tạo năng động và hiệu quả này, hy vọng trong tương lai không xa, E-Learning sẽ trở nên quen thuộc với tất cả sinh viên trong cả nước, giúp sinh viên có nhiều cơ hội hơn trong học tập cũng như trình độ về công nghệ thông tin của mình.

Trong số hơn 6.000 địa chỉ tham gia học trực tuyến của khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng có đến hơn 1.000 địa chỉ không phải là sinh viên của trường. Và con số những người "ngoại đạo” tham gia đang tiếp tục tăng lên từng ngày bởi mọi người có thể tự do đăng ký theo học miễn phí. Không chỉ sinh viên ĐH Kinh tế mới có cơ hội tiếp cận với  phương pháp học hiện đại này mà trong tương lai không xa, E-Learning sẽ được áp dụng cho một số trường PTTH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Được biết, cuối tháng 11 này, chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua E-Learning sẽ được khoa chính thức công bố. Sau khi tham gia khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ khóa huấn luyện doanh nghiệp qua mạng. Dự kiến ban đầu đây sẽ là chương trình đào tạo miễn phí.

Tuổi Trẻ 11/12/2005