Mai L ĩnh Du Ký
Cái nắng 37 độ của những ngày đầu hè khiến ai cũng khó chịu. Tôi ngước lên nhìn bầu trời. Thế là sắp hết tháng 5 rồi. Bằng thời gian này cách đây 1 năm, lũ sinh viên năm thứ nhất chúng tôi đang hồi hộp lắm cho kỳ quân sự của đời Sinh viên đây…
1. Ấn tượng " ngày ra quân ".
Đó là ngày cuối cùng của tháng năm ( 31/5/04 ), một ngày mưa tầm tã. Thật kỳ lạ! Mấy hôm trước trời nóng như đổ lửa, thế mà ngày chúng tớ lên đường lại mưa tầm tã. Chúng tớ, đứa nào cũng lích kích túi to túi bé bước vội lên xe. Xe vừa rời cổng trường, tôi như có cảm giác là mình sẽ đi xa lắm và sẽ đi rất lâu…Chúng tớ hô to vẫy tay chào tạm biệt trường, tạm biệt Hà Nội hệt như các anh bộ đội ngày xưa đi chiến đấu. Trong lòng chúng tớ cảm giác lẫn lộn ,chẳng ai giống ai. Nhưng tớ biết tất cả chúng tớ đang đều đang nghĩ về cuộc sống của những ngày ở Mai Lĩnh, một cuộc sống chắc chắn khổ hơn khi ở nhà….
Nơi chúng tớ đặt chân đến là " khu nhà tôn ". Một chút mệt vì khuân nhiều đồ, một chút lạnh của mưa cộng thêm với một chút đói nữa khiến chúng tớ ngồi lăn lóc trong khu nhà đó như "chợ người". Những khoa nào có danh sách nhận phòng trước thì còn sung sướng, còn những khoa áp chót thì đúng là thảm hoạ. Không phải là một chút đói, một chút mệt nữa mà tất cả những cái bụng đều đang như biểu tình (híc….). Và đến khi chúng tớ đặt chân vào phòng của mình thì…tất cả chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng tớ tin chắc là dù có muốn bạn cũng không ngủ được đâu vì mùi ẩm mốc của chiếu, vì cái sàn nhà bụi bặm, vì những cái xô chứa nước không còn một giọt nào, vân vân và vân vân. Và thế là bạn phải bắt tay vào dọn dẹp, bắt đầu cho một cuộc sống mới của chính mình…
Ngày đầu tiên ở Mai Lĩnh vẫn mưa tầm tã. Chúng tớ được miễn buổi học chiều hôm đó. Nằm trên giường co quắp nhau cho đỡ lạnh, chúng tớ nhớ nhà kinh khủng. Có đứa còn khóc thút thít vì không nghĩ mình sẽ sống ở một nơi như thế này…
2.Cuộc sống ở " trại lính" Mai Lĩnh.
Mỗi người được phát 2 bộ quần áo,1 đôi giầy,1 cái mũ. Đây là những vật dụng mà bạn phải bảo quản tốt. Nếu như làm mất là bạn phải đền. Bạn sẽ sống trong một căn phòng gồm 16 người, dùng chung một "chàng William Cường". Với những bạn ở KTX thì rất bình thường, nhưng với những bạn ngoại trú thì bắt đầu phải tập quen với cuộc sống tập thể, làm gì cũng phải nghĩ cho 15 người còn lại. Tiếp về món ăn nào. Các bạn sinh viên khoá 04 thân mến, các bạn đừng có bầt ngờ về "thực đơn" ở đây nhé! Mỗi bữa ăn của các bạn sẽ có 3 món (hôm nào cải thiện thì được 4), và cứ 3 ngày lại quay lại thực đơn 1 lần, có nghĩa là ngày thứ nhất bạn được ăn gì thì đến ngày thứ 3 bạn sẽ đuợc ăn lại chính các món ấy.
Vấn đề giờ giấc ở Mai Lĩnh thật sự là "nan giải". Buổi sáng muộn nhất bạn phải rời khỏi giường lúc 5h30. Nếu không phải trực vệ sinh khu vực thì bạn sẽ "được" tập thể dục, cụ thể là chạy một vòng quanh khuôn viên (!). Sau đó thì cố gắng mà tranh nhau "chàng Williams Cường" để đến 6h45 là bạn phải sẵn sàng mọi thứ cho ca học sáng. Đến 11h được nghỉ và giờ cơm trưa bắt đầu.Trải qua giấc ngủ trưa ngắn ngủi, 1h15 bạn lại tiếp tục cho ca học chiều. Một ngày, các bạn được 2 tiếng "tự do", gọi là thời gian cá nhân. Bạn có thể tiếp khách, đi ra khỏi trường, túm lại sử dụng như thế nào là tuỳ bạn. Nhưng bạn đừng có vội mừng! 2 tiếng ấy kéo dài từ 5h đến 7h chiều. Và quãng thời gian ấy là giờ cơm, giờ nước được bơm để tắm rửa. Vì vậy nếu như bạn là một kẻ tranh giành giỏi thì cố mà tắm trước, rồi đi ăn cơm, sau đó bạn sẽ vô tư mà chơi. Nhưng nếu bạn có trót tận dụng 2 tiếng ấy đi "lang thang", ung dung đi ăn cơm, thì lúc về phòng bạn đừng có mà mếu máo nếu như mọi người phản đối bạn tắm. Vì đến giờ đó, nước đã cắt, nước dự trữ chỉ đủ cho dùng buổi sáng hôm sau. Thận trọng nhé!!!
3. Những kỷ niệm không thể quên
Bọn tớ đi đúng đợt EURO 04 nên có nhiều kỷ niệm ngộ nghĩnh lắm. Với những kẻ đam mê với trái bóng mà không được xem thì thực sự là "khủng bố". Ngày bóng bắt đầu lăn, khối đứa ngồi ấm ức. Rồi đến trận lúc 11h đêm đầu tiên, ban chỉ huy cho phép con gái được đi xem ở nhà ăn, với điều kiện: mặc quân phục và không được hò hét. Nhưng khổ thân chúng tớ, lúc về trót nói to, làm mấy chú cẩu nhà dân sủa inh ỏi.Thế là các thầy giận, cấm tiệt! Các trận sau đó, được sự hỗ trợ của bọn con trai, chúng tớ quyết tâm "vượt tường" ra bên ngoài xem nhờ nhà dân. Chỉ thương con bạn tớ, vì chiều cao không được lý tưởng lắm nên trong một lần "vượt tường", "roẹt" một cái, thế là đi tong cái quần “mồi”!
Những ngày cuối tuần ở Mai Lĩnh thật vui. Nếu như bạn không qua nhớ nhà thì cố gắng ở lại để mà tận hưởng cuộc sống tập thể nhé. Bạn có điều kiện ở với bạn bè nhiều hơn, hiểu bạn mình hơn, và đặc biệt bạn biết quan tâm đến người khác rất nhiều. Những buổi tối thứ 7, các trung đội thường giao lưu với nhau, hát hò, chơi trò chơi hay kéo hết đồ ăn do nhà tiếp tế lên ra để đánh chén, vui nổ trời. Những đêm đó, bọn tớ thường thức trắng rồi nghĩ ra đủ trò tai quái: từ sang "khu nhà tôn" doạ ma bọn con trai, bói tú, bói chén, đến đi "ăn trộm" ngô…Rồi 4 tuần ở Mai Lĩnh trôi qua tựa như một cơn gió thoảng. Tât cả đều giật mình thảng thốt vì quãng thời gian sống cùng nhau không thể kéo dài thêm nữa rồi. Bọn tớ suốt ngày kêu khổ, nhưng thật ra trong lòng đứa nào cũng thầm cảm ơn những ngày sống ở đây, ở Mai Lĩnh đã làm cho mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Ngày chia tay Mai Lĩnh là một ngày đầy nắng. Có đầy đứa còn sụt sùi như trẻ con. Khi thầy Hùng, chỉ huy trưởng lên hát, tất cả bọn tớ hét ầm lên: "Bố Hùng ơi, bọn con yêu bố lắm…."
4. Lời khuyên dành cho khoá 04 .
- Mang theo càng nhiều mỳ tôm càng tốt. Tớ cam đoan là bạn không thể quen ngay với "thực đơn" trên Mai Lĩnh đâu. Mỳ tôm là sự lựa chọn số 1 đấy!
- Đồ hộp, xúc xích, ruốc, muối vừng…..cực kỳ phát huy tác dụng ở đây. Hãy cải thiện bữa ăn của bạn ngay từ tuần đầu tiên nhé!
- Tự chuẩn bị cho mình một vài viên thuốc: thuốc cảm cúm này và nhất là berberin để giữ an toàn cho cái bụng của bạn ( hê..hê…)
Lời cuối cùng xin chúc các bạn khoá 04 có một mùa hè ở Mai Lĩnh thật vui (khổ một tẹo cũng đừng kêu ca nhé!). Hi vọng khi trở về , các bạn sẽ viết tiếp Mai Lĩnh du ký với một version mới nhé! Chúc các bạn may mắn và thành công !
Cao Thanh Bình -TBN 03
CLB Phóng viên HUFS
Clbphongvien_hufs@yahoo.com