HANU
 
 
G20-Canada
Kiểm tra tố chất làm phiên dịch-Phần 2
by Pham Ngoc Thach - Saturday, 6 February 2010, 11:48 AM
 

Phần thứ hai – Trình bày một bài nói tự do bằng tiếng Anh (Free speech)

Nếu ứng viên vượt qua được vòng một thì sẽ được tiếp tục tham gia vòng hai. Mỗi ứng viên sẽ lựa chọn một chủ đề mình thích trong số 2 chủ đề cho sẵn và có 2-3 phút để chuẩn bị. Sau đó thí sinh phải trình bày bài nói của mình trong vòng 2-3 phút về chủ đề đã chọn. Mục đích chính của phần này là kiểm tra các kỹ năng sau:

1. Khả năng tổ chức ý khi nói

2. Mức độ chính xác và trôi chảy (accuracy and fluency) khi ứng viên chủ động thể hiện ý tưởng, quan điểm của mình.

Nếu như trong phần trước, ứng viên một mặt phải đảm bảo nói tiếng Anh chính xác, một mặt phải tìm cách truyền đạt lại ý của người khác, cấu trúc bài nói của người khác thì trong phần này ứng viên hoàn toàn được chủ động trong việc thể hiện ý của mình mà không bị chi phối bởi bất kỳ một ai, hoặc yếu tố ngoại cảnh nào. Nếu phần trên còn có một chút yếu tố bị động (passive) thì trong phần này ứng viên hoàn toàn chủ động trong việc diễn đạt ý, trình bày cấu trúc, vv. Yêu cầu cơ bản vẫn là nói tiếng Anh rõ ràng, trôi chảy (không được quá nhanh) và cố gắng toát lên được ý chính cũng như các ý chủ đạo trong bài trình bày của mình. Ứng viên sẽ ghi thêm điểm nếu bài trình bày có cấu trúc và lô-gic rõ ràng, dể hiểu.

Ph ần thứ ba – Dich Anh-Việt

Những thí sinh đã thể hiện tốt khả năng nói tiếng Anh của mình qua hai phần kiểm tra trên sẽ được tham dự phần 3 – dịch Anh-Việt. Trong phần này, ứng viên sẽ nghe một bài nói chuyện (a story) bằng tiếng Anh với cấu trúc, nội dung rõ ràng. Ứng viên phải thật tập trung nghe, không được ghi chép gì, và sau đó chuyển tải nội dung câu chuyện đó sang tiếng Việt. Trước khi kể chuyện, chuyên gia người nước ngoài (thường là người bản ngữ) sẽ có một câu giới thiệu về chủ đề của bài nói, thông thường là những chủ đề thông dụng, không đi sâu vào một chuyên ngành nào. Cấu trúc thông dụng của các bài nói chuyên thường là: kể lại một sự kiện đã xảy ra với trình tự thời gian rõ ràng; so sánh hai sự kiện, sự việc, vv; miêu tả một phát minh, sáng kiến, vv. Sau khi nghe xong toàn bộ câu chuyện, có chỗ nào không hiểu, ứng viên cũng được phép hỏi và sau đó phải truyền đạt lại (kể lại) câu chuyện đó sang tiếng Việt.

Cũng giống như phần thứ nhất, phần thứ ba này chủ yếu kiểm tra xem ứng viên có tố chất làm công tác phiên dịch không. Tức là ngoài việc nghe và hiểu diễn giả nói gì, ứng viên phải có khả năng phần tích thông tin, nhớ thông tin đó trong bộ nhớ tạm thời (short term memory) và một kỹ năng cũng rất quan trọng là truyền đạt lại những thông tin đã nghe được một cách rõ ràng, trôi chảy và lô-gic. Cũng như trong phần thứ nhất, nếu ứng viên có quên một vài chi tiết khi dịch lại thì đây cũng không sao, Điều cơ bản là phải thể hiện được khả năng nghe hiểu tốt, biết cách phân tích, nhớ thông tin và truyền tải những thông tin đó cho người khác một cách rõ ràng nhất có thể được.

Các bạn có muốn thử sức không? Hãy chuẩn bị tinh thần, thật tập trung và bấm vào từ “GO” dưới đây và nghe toàn bộ bài nói chuyện về chủ đề “Sử dụng điện thoại di động.” Sau đó hãy nói lại nội dung một cách rõ ràng nhất có thể được. Nếu có điều kiện hãy ghi âm lại để so sánh phần mình dịch với nội dung bài diễn ngôn gốc tiếng Anh. Chúc các bạn may mắn.

READY? GO