![]() | Kiểm tra tố chất làm phiên dịch |
Liên minh Châu Âu hiện nay là một khối thống nhất với 27 thành viên và 23 ngôn ngữ chính thống được sử dụng tại các hội nghị, hội thảo quan trọng (có sự tham gia của lãnh đạo cao nhất từ các quốc gia thành viên). Có nhiều lý do Khối này luôn duy trì việc sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc như: (i) diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ (mother tongue) bao giờ cũng dễ dàng hơn so với việc phải diễn đạt bằng ngôn ngữ thứ hai (second language) hoặc ngoại ngữ (foreign language), và (ii) việc sử dụng các ngôn ngữ khác nhau giúp các thành viên trong khối luôn duy trì được bản sắc của quốc gia mình, và nhiều lý do khác nữa. Để có thể cung cấp đủ phiên dịch có chất lượng cho các cuộc họp, hội thảo, hội nghị như vậy, EU nói chung Ủy ban Châu Âu (EC) nói riêng luôn chú trọng vào việc đào tạo và tuyển phiên dịch theo một quy trình thống nhất và đảm bảo chất lượng cao. Có hai loại bài kiểm tra cơ bản là kiểm tra tố chất (aptitude test) và kiểm tra trước khi hành nghề (qualification test). Bài kiểm tra tố chất thường có ba phần sau: Phần thứ nhất. Dịch từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ Trong phần này, mỗi ứng viên được nghe một bài nói chuyện ngắn (khoảng 3 phút) về các chủ đề khác nhau. Bài nói thường là một câu chuyện (story) có nội dung đơn giản, cấu trúc rõ ràng và có nhiều dạng khác nhau: kể về một sự việc đã xảy ra, một quy trình làm việc gì đó. Trong phần này, thí sinh được khuyên là thật chăm chú nghe, không được ghi nhanh (notes) và sau đó chuyển tại lại nội dung câu chuyện bằng ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ (thường là tiếng Anh/Pháp/Đức nếu tuyển ứng viên ở Việt Nam). Khi chuyển tải lại nôi dung câu chuyện, thí sinh lưu ý một số điểm sau: a. Phải giao tiếp trong lúc dịch, tức là phải luôn nhìn vào người nghe và trở thành người kể chuyện, sử dụng đúng ngôi (person) mà diễn giả (giám khảo đóng vai) đã sử dụng (thường là ngôi một) chứ không phải diễn đạt lại theo kiểu “diễn giả nói là ông/bà ấy đã tham gia vào một buổi hòa nhạc tối qua.” vv b. Không được thêm thông tin vào bài nói chuyện; và cũng không được sử dụng kiến thức của mình để suy đoán, hoặc bình luận về nội dung câu chuyện. Hay nói cách khác, phải thật trung thành (faithful) với những gì đã nghe được. c. Nếu không nhớ một số chi tiết nào đó thì cũng có thể bỏ qua. Điều quan trọng là tập trung vào việc nói lại các phần chính như: mở đầu, phát triển ý và kết luận (thường là quan điểm của người nói). Phải cho người nghe (bằng ngôn ngữ đích) thấy được lô-gic, cấu trúc và các ý chính của câu chuyện. Nếu có điều gì không hiểu sau khi nghe diễn giả (giám khảo) nói thì ứng viên cũng có quyền được hỏi nhưng không được phép ngắt lời diễn giả giữa chừng và cũng không được phép dừng lại giữa chừng trong lúc dịch để hỏi lại. Mục đích chính của phần này không chỉ là đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ (tiếng Anh) của ứng viên, mà còn đánh giá xem ứng viên đó có tố chất làm phiên dịch không. Cụ thể là có khả năng: tập trung nghe + phân tích nội dung + ghi nhớ thông tin+ tái tạo lại thông tin sử dụng cấu trúc của ngôn ngữ đích (tiếng Anh) hay không. Một điểm thú vị là ban giám khảo bao giờ cũng có ít nhất là một người bản xứ (native person). Người này không biết trước nội dung bài nói chuyện bằng tiếng Việt. Mục đích chính là để họ có thể đánh giá một cách khách quan và chính xác nhất khả năng diễn đạt của ứng viên về các khía cạnh: phát âm, cấu trúc câu, ngữ pháp, và các cách diễn đạt. Đây cũng là những tiêu chí cơ bản khi đánh giá phần kiểm tra thứ nhất, ngoài sự trung thành về mặt nội dung. Các bạn có muốn thử sức không? Hãy thật tập trung nghe trích đoạn câu chuyện kể sau và dịch lại sang tiếng Anh. Lưu ý là chỉ nghe một lần và dịch ngay sang tiếng Anh. Click here. (Trong phần sau tôi sẽ giới thiệu thêm về phần 2 và phần 3 của bài kiểm tra tố chất phiên dịch. Mời các bạn đón xem.) |