Trong công tác dịch thuật nói chung và biên dịch nói riêng, phân tích diễn ngôn là một kỹ năng rất quan trọng. Đây là bước đệm cần thiết để giúp phiên dịch và biên dịch có được câu dịch trung thành với ý của diễn giả, tác giả, đồng thời vẫn đảm bảo sự trong sáng của câu dịch. Tuy nhiên phân tích diễn ngôn là một kỹ năng rất khó đòi hỏi người dịch phải nắm chắc được các loại cấu trúc câu của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.
Ở Liên minh châu Âu, để giúp biên dịch làm tốt công việc của mình, họ đưa ra một khuyến nghị với tác giả của các bài viết là cố gắng đảm bảo nguyên tắc KISS (Keep It Short and Simple) khi viết bài. Khi dịch, biên dịch và đặc biệt là phiên dịch cũng nên theo nguyên tắc này hoặc nguyên tắc tương tự là “Salami Technique”, đặc biệt trong dịch cabin.
Trong phần dưới đây xin mời các bạn tham khảo một đoạn văn trích từ một bài viết trong báo “An ninh thế giới” số ra ngày 30 tháng 5 năm 2009 và hãy thử sức tiến hành phân tích đoạn này.
“Năm 1961, căn cứ vào phúc trình của Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV), rằng rừng rậm là nơi ẩn náu an toàn cho lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, và những vườn cây, đồng ruộng ở những vùng “xôi đậu” là nguồn cung cấp lương thực cho Quân giải phóng, Tổng thống Kennedy đã quyết định cho phép MACV được sử dụng chất da cam để làm rụng sạch lá cây trong một chiếc dịch mang tên Hadès (có nghĩa là tử thần – và điều này phần nào chứng minh rằng những người khai sinh ra chiến dịch ấy, đã biết rõ về mức độ nguy hiểm của nó đối với môi trường thiên nhiên, với động, thực vật)” (p.24)
Cây này quả là một thách thức quá lớn đối với biên dịch. Để dịch được đoạn này, ngoài việc phải tra nghĩa của các từ viết tắt và một đặc ngữ (jargon) là vùng “xôi đậu”, biên dịch phải phân tích thật kỹ đoạn văn nguồn mới có thể có được câu dịch cho đúng về mặt cấu trúc, chưa nói về mặt ngữ nghĩa. Các bạn hãy thử phân tích xem. Chúng tôi xin giúp phần thuật ngữ:
MACV = Military Assistance Command, Vietnam
“Xôi đậu” là một đặc ngữ khó. Theo một nguồn tài liệu trên mạng thì "vùng xôi đậu" để chỉ những vùng lẫn lộn "địch" và "ta". Tên gọi này phát nguyên thời 9 năm - kháng chiến chống Pháp. Cũng như đậu lẫn lộn với nếp trong món xôi đậu, ở những địa phương này, "ta" và "địch" cùng có mặt. = vậy tạm dịch là “mixed military presence areas”
Chúc các bạn may mắn