HANU
 
 
G20-Canada
Relay interpretation
by Pham Ngoc Thach - Monday, 30 May 2011, 06:50 AM
 

Sinh viên trường Đại học Hà Nội nói chung và sinh viên của Trung tâm Đào tạo từ xa đã được giới thiệu về các hình thức dịch nói cơ bản là: Dịch đuổi (consecutive) và Dịch song song (simultaneous). Sự khác nhau cơ bản giữa hai hình thức dịch trên là đối với dịch đuổi, diễn giả dừng lại cho phiên dịch dịch xong rồi mới nói tiếp, còn trong dịch song song, phiên dịch phải nói đồng thời cùng với diễn giả (tất nhiên có là thời gian trễ).

Có một hình thức dịch nữa chúng tôi tạm gọi là dịch tiếp sức (relay interpretation). Hình thức dịch này được thể hiện thế nào? Xin mời các bạn cùng tham khảo.

Nếu trong một hội nghị có tới ba hoặc nhiều hơn ngôn ngữ được sử dụng, ban tổ chức phải chuẩn bị thiết bị và phiên dịch để sao cho mọi đại biểu đều có thể nghe hoặc nói bằng ngôn ngữ mình muốn. Ví dụ trong hội nghị có đại biểu của Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ dự. Ban tổ chức sẽ phải chuẩn bị 3 cabin dịch là Anh – Lào, Anh-Việt, Anh-Trung. Khi đại biểu nói tiếng Anh, tất cả 3 phiên dịch đồng thời dịch sang các tiếng Lào, Trung và Việt cho đại biểu các nước này nghe. Tuy nhiên, khi một đại biểu của Trung Quốc lên phát biểu thì lúc này cần phải tiến hành dịch tiếp sức (relay), cụ thể là:

Phiên dịch ở cabin tiếng Trung sẽ dịch lời nói của diễn giả sang tiếng Anh. Lúc này các phiên dịch ở cabin Anh-Lào, Anh-Việt sẽ phải nghe tiếng Anh của phiên dịch từ cabin tiếng Trung và chuyển dịch sang tiếng Lào và tiếng Việt. Còn đại biểu Hoa Kỳ thì nghe trực tiếp tiếng Anh từ phiên dịch cabin Trung-Anh.

Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế cho thấy nếu không cẩn thận nội dung dịch sẽ bị tam sao thất bản. Vì vậy trong truờng hợp có dịch nhiều thứ tiếng các phiên dịch phải quan tâm nhiều hơn tới các yếu cơ bản sau:

1. Sự chính xác về nghĩa.

2. Câu dịch ngắn gọn, rõ ràng của cabin chính (trong ví dụ trên là cabin Trung – Anh) Về lý thuyết thì những gì phiên dịch nói ra phải rất rõ ràng, ngắn gọn, nhưng trên thực tế, khi ngồi trong cabin, không phải ai cũng có thể diễn đạt một cách trơn tru, mạch lạc được. Dù sao tiếng Anh cũng không phải là tiếng mẹ đẻ của các phiên dịch.

3. Thời gian trễ giữa các thứ tiếng. Trong trường hợp dịch song song bình thường (không phải là relay), độ trễ về thời gian thường là một đơn vị nghĩa (a unit of meaning). Tuy nhiên nếu các phiên dịch không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng trễ tới hai đơn vị nghĩa (có thể là vài chục giây). Vậy nếu một diễn giản tiếng Trung kể một chuyện cười thì sau khi đại biểu người Trung Quốc cuờng vang hội trường, ít nhất mười giây sau đại biểu người Mỹ mới cười và 20 giây sau đại biểu nguời Việt mới cười, còn đại biểu của Lào có khi chả bao giờ cuời được vì nhiều lý do khác nhau, hoặc tất cả cùng cười vì họ thấy người khác cười.

Còn nhiều điểm thú vị liên quan đến hình thức dịch này. Hy vọng sẽ có dịp được trao đổi thêm với các bạn. Còn bây giờ xin mời các bạn bấm vào đây và hãy cố gắng mường tượng thế nào là dịch tiếp sức (relay)