HANU
 
 
G20-Canada
Gợi ý quy dịch dịch
by Pham Ngoc Thach - Saturday, 4 October 2008, 06:43 AM
 

Trong quá trình dịch xuôi cũng như dịch ngược, phiên dịch đều phải thực hiện quy trình: nghe + phân tích và diễn đạt lại ý (của diễn giả). Khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cái khó đối với phiên dịch là trong một thời gian rất ngắn phải nắm được ý của diễn giả và dùng vốn tiếng Anh của mình để diễn đạt lại ý đó. Vậy làm thế nào để phiên dịch đảm bảo là (1) hiểu được đúng ý của diễn giả và (2) diễn đạt lại ý đó một cách rõ ràng.

Thông thường, nếu chuẩn bị tốt (đọc tài liệu, tìm hiểu nội dung, trao đổi với diễn giả) thì việc hiểu được ý của diễn giả không phải là việc quá khó, trừ trường hợp chúng ta gặp phải một người nói quá trúc trắc, hoặc bản thân họ cũng không hiểu rõ mình đang nói gì. Trong khi dịch đuổi, nếu không hiểu được diễn giả nói gì thì phiên dịch phải hỏi lại và chỉ dịch khi đảm bảo là mình hiểu rõ ý của họ.

Hiểu được ý rồi, nhưng diễn đạt lại ý đó không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt là khi dịch sang tiếng Anh (do trình độ tiếng Anh của chúng ta còn hạn chế). Có rất nhiều khó khăn cho phiên dịch như: từ mới, từ chuyên ngành, cấu trúc câu, vv. Ngoài ra phiên dịch còn phải chịu áp lực khác như sẽ bị nhiều người “xoi” xem phần dịch có đúng không, có đủ không. vv. chúng ta cùng phân tích một câu nói sau:

“Kính thưa các quý vị, trong (cái) buổi hội thảo hôm nay thì có được nghe (cái) nhóm kỹ thuật có trình bày về (cái) ô nhiễm môi trường trong công nghiệp thì tôi thấy là cái nội dung của (cái) buổi thảo luận đợt trước và (đến) buổi thảo luận hôm nay thì (tôi) thấy là cái nội dung như thế báo cáo là ô nhiễm trong công nghiệp tương đối là đầy đủ và khoa học.”

Có thể thấy là phần trình mở đầu trên không phải là khó hiểu, nếu không muốn nói là tương đối dễ hiểu. Trong khi nghe, nhiệm vụ của phiên dịch là phải nắm bắt ngay được ý của diễn giả, đó là:

  1. nghe báo cáo về ô nhiễm môi trường trong công nghiệp
  2. báo cáo lần trước và lần này đầy đủ

Việc tiếp theo của phiên dịch là sử dụng các cấu trúc câu đơn giản nhất có thể để diễn đạt lại ý đó, ví dụ:

1. Hôm nay chúng ta nghe báo cáo của nhóm kỹ thuật về ô nhiễm môi trường trong công nghiệp;

2. Nội dung báo cáo lần trước và lần này về ô nhiễm trong công nghiệp (là) đầy đủ và khoa học.

Trong câu thứ nhất ở trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chủ ngữ là “chúng ta”, động từ đi ngay sau đó là “nghe” và tân ngữ cũng đi ngay sau đó là “báo cáo” (cấu trúc S V O) Các phần phụ trong câu cũng ở dạng đơn giản, ngắn gọn. Thậm chí chúng ta cũng có thể diễn đạt ý thứ nhất bằng một câu khác cũng với cấu trúc câu đơn giản, ngắn gọn (S V O) là:

1a. Hôm nay nhóm kỹ thuật đã trình bày cho chúng ta báo cáo về ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp.

Chủ ngữ trong câu thứ hai có dài hơn một chút, nhưng chúng ta cũng có thể xử lý bằng một nhóm danh từ: “The report last time and this time about/on … are rather …”

Đây là hai nội dung quan trọng nhất trong đoạn trên và nếu chuyển tải được các ý này bằng các cấu trúc câu tiếng Anh đơn giản, ngắn gọn thì lúc đó phiên dịch hoàn toàn có thể nói một cách tự nhiên, thêm những nhóm từ khác như “I think (that)” và trước hoặc sau câu 2.

Hoạt động trên của phiên dịch giống như loại hình bày luyện “chuyển đổi cấu trúc câu – sentence transformation or paraphrasing” trong tiếng Anh: sử dụng các cấu trúc câu khác nhau để diễn đạt một ý.

Xin mời các bạn bấm vào đây để nghe trực tiếp và dịch đoạn này. Sau đó hãy thử sức với hai đoạn tiếp theo. Good luck.