HANU
 
 
G20-Canada
Bàn về vấn đề thi cử
by Pham Ngoc Thach - Friday, 2 June 2006, 08:15 PM
 

Trong số ra gần đây của Báo Thanh niên có nêu một quốc nạn còn đáng lo ngại gấp bội lần tệ nạn tham nhũng - đó chính là hiện trạng giáo dục. Báo cũng có trích quan điểm cần cải tiến công tác thi cử "Trước mắt, cần có ngay cuộc cách mạng về đề thi và cách chấm thi. Hoàn toàn có thể chỉ đạo rất hiệu quả phương hướng giáo dục và phương pháp dạy học bằng nội dung và cung cách thi cử; trước hết, bằng những đề thi buộc học sinh phải thực sự động não và sáng tạo (tất nhiên, cần vừa sức họ và được chuẩn bị trước trong một năm học). Có thể tham khảo nhiều đề thi tú tài, đại học rất hay ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ..."

Gần đây, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã chú trọng rất nhiều vào cải tiến công tác thi cử và đã có một số thành công nhất định. Theo quan điểm của tôi, ngoài việc cải tiến nội dung đề thi, hình thức đề thi sao cho kiểm tra đúng nhất, chính xác nhất trình độ của sinh viên, đồng thời có tác dụng ngược trở lại đối với công tác giảng day, chúng ta cần phải hết sức chú trọng vào công tác tổ chức coi thi. Rõ ràng là dù đề thi có tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu để sinh viên ngồi gần nhau trong phòng thi, nếu cán bộ coi thi không nghiêm túc, vv. mọi nỗ lực của người hoặc tập thể ra đề thi sẽ bị uổng công vô ích. Bất kỳ một ai trong chúng ta đều có thể thấy là kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào các trường Đại học Cao đẳng thường khác nhau rất xa. Theo quan điểm của tôi kết quả kỳ thi tuyển vào các trường Đại học Cao đẳng phản ánh chính xác hơn thực lực của thí sinh. Bất kỳ ai trong ngành, và kể cả những người ngoài ngành cũng hiểu ngay được là kết quả chính xác này là nhờ có đề thi tốt hơn, và đặc biệt là tổ chức coi thi chặt chẽ hơn rất nhiều.

Trong các kỳ thi ngoại ngữ quốc tế, việc bố trí số lượng thí sinh ít trong một phòng thi (đảm bảm các thí sinh ngồi xa nhau) giúp đảm bảo độ tin cậy của bài thi là rất cao. Vậy tại sao chúng ta lại không làm được? Phải chăng vì lý do kinh tế? Nếu đúng như vậy thì liệu nhà trường có dám chi nhiều hơn cho công tác coi thi hay không? Hoặc giáo viên có đám hy sinh nhận thù lao coi thi ít hơn không?

Tất nhiên khi tổ chức coi thi chặt chẽ, chúng ta sẽ gặp phải nhiều phản ứng của sinh viên, và thậm chí là một số giáo viên. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải cương quyết và dám nhìn thẳng vào sự thật thì mới gột sạch được "rêu phong" phủ đầy trên "đường thi" vốn không phản ảnh được một cách trung thực nhất trình độ của sinh viên.

Còn các bạn sinh viên, các bạn muốn có một kỳ thi phản ánh đúng trình độ của mình, hay chỉ muốn "thi cho qua" rồi cứ tằng tằng lên lớp, để rồi đến lúc phải "cười ra nước mắt" vì cầm bằng cử nhân ngoại ngữ rồi mà vận không thể viết được một thư xin việc hoàn chỉnh, hay vẫn phải "nói chuyện với người nước ngoài mỏi hết cả tay"?