HANU
 
 
Picture of Nguyễn Thành Công
Giáo dục đại học được đổi mới như thế nào?
by Nguyễn Thành Công - Tuesday, 27 February 2007, 12:09 AM
 

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bành Tiến Long (ảnh), Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới GD và mùa tuyển sinh 2007.

* Thưa Thứ trưởng, sau 5 năm thực hiện "3 chung" trong tuyển sinh, nhiều người vẫn cho rằng Bộ GD - ĐT vẫn còn lúng túng trong việc định hướng một phương pháp thi tuyển hiệu quả hơn?

- Mùa tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2006 tuy chưa được ưng ý lắm và còn nhiều phức tạp, cả tốn kém, nhưng có thể coi là năm suôn sẻ nhất trong 5 năm thực hiện giải pháp 3 chung; cũng là năm đầu tiên thực hiện thí điểm thi trắc nghiệm 4 môn ngoại ngữ và có học sinh tốt nghiệp trung học phân ban. Trên 1,3 triệu lượt thí sinh đăng ký với hơn 980.000 thí sinh dự thi trong trật tự, an toàn, đúng quy chế. Nhìn ra xung quanh, trừ những nước có khả năng đáp ứng nhu cầu học đại học của thanh niên không hạn chế về số lượng (do điều kiện đào tạo, kinh tế xã hội đã rất phát triển) thì cách tuyển sinh đại học, cao đẳng của chúng ta cho đến nay cũng giống các nước trong khu vực - đặc biệt các nước châu Á.

* Đất nước đang trong quá trình hội nhập, nhiều ý kiến tư vấn cho Chính phủ đều đặt nặng vấn đề GD - ĐT phải đi đầu để tạo nguồn cho sự phát triển của đất nước. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Điểm "chuyển mình" cần quan tâm nhất của quá trình đào tạo là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp. Năm 2006 đã mang lại những tín hiệu tốt đẹp đầu tiên. Giáo dục đại học đã lựa chọn 10 chương trình và giáo trình tiên tiến về lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và kinh tế của các trường có uy tín của Mỹ để áp dụng tại Việt Nam, đã tuyển sinh khóa đầu tiên tại 9 trường trọng điểm. Đội ngũ giảng viên của ta đã được cử sang các trường này để thực tập, học tập về cả chuyên môn và quản lý; đội ngũ giáo sư của các trường đối tác Mỹ sẽ sang dạy tại Việt Nam, sinh viên sẽ học bằng tiếng Anh theo chương trình và giáo trình của các trường đối tác. Đây là hoạt động mang tính "quốc tế hóa" để các trường nước ta từng bước hội nhập và được xếp hạng quốc tế. Với kinh nghiệm ban đầu này, một đề án "Đào tạo các ngành nghề đẳng cấp quốc tế" đã được soạn thảo. Đến nay, khóa đầu tiên, hơn 400 sinh viên được đào tạo theo 10 chương trình tiên tiến đã kết thúc học kỳ I. Dù còn những bỡ ngỡ, còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua như khả năng tiếng Anh của cả thầy và trò, năng lực truyền đạt và tiếp thu kiến thức hiện đại theo một cách thức và quy trình đào tạo hoàn toàn mới mẻ, nguồn lực vật chất và tài chính không đáp ứng đủ yêu cầu... nhưng tất cả sinh viên, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý đều rất phấn khởi và lạc quan.

Sự mới mẻ và những thách thức ấy lại hứa hẹn những thành công về đổi thay cơ bản trong giảng dạy và đào tạo mà chúng ta đang hướng tới. Cả thầy và trò sẽ được hoạt động trong một môi trường giáo dục mới, hiện đại, năng động cả về tinh thần và cơ sở vật chất; để rồi khi ra trường các em sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc của mình, để có thể cống hiến và trưởng thành. Nhưng lợi ích lớn nhất là chúng ta có điểm tựa ban đầu để xây dựng đội ngũ, chương trình, giáo trình, ngành nghề... theo chuẩn mực quốc tế.

* Nhưng thưa ông, người ta vẫn cảm thấy sự ì ạch trong đổi mới đào tạo đại học...

- Các trường trong cả nước cũng đang tập huấn và triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ; đã ban hành tiếp 14 chương trình khung tiếp nối của gần 100 chương trình khung những năm trước và quyết định xây dựng thêm 40 chương trình khung cho các khối ngành mới, thực tế các nước gọi là "chuẩn chương trình", trên cơ sở đó làm cốt lõi cho các trường xây dựng chương trình đào tạo riêng của mình, nhưng vẫn đảm bảo chuẩn chung, đảm bảo kiểm định chất lượng và liên thông của cả hệ thống. Nhiều trường đại học cao đẳng trong cả nước đã mở nhiều ngành đào tạo mới, tạo lập được tính đa dạng và kịp thời của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bộ và các trường cũng đã chuẩn bị ngân hàng giáo trình điện tử để các trường, các thầy cô giáo, sinh viên trong cả nước, nhất là các trường chưa đủ năng lực viết giáo trình, các vùng khó khăn... có giáo trình để giảng dạy, chấm dứt tình trạng dạy và học không có giáo trình. Tháng 3.2007 sẽ khai trương 100 giáo trình đầu tiên. Các thầy cô giáo, các sinh viên sẽ được truy cập miễn phí để có được những tài liệu, giáo trình cần thiết phục vụ cho môn học của mình. Thông qua việc sử dụng thư viện giáo trình điện tử, thầy cô giáo và sinh viên không chỉ có được đầy đủ tài liệu giảng dạy học tập mà còn giúp thay đổi cách dạy, cách học theo hướng tự chủ, độc lập, sáng tạo và năng động; sau khi khai trương, Bộ GD - ĐT sẽ đầu tư, đồng thời huy động các thầy cô và các cơ sở giáo dục tiếp tục dành thời gian, trí tuệ và công sức của mình để xây dựng một thư viện giáo trình điện tử phong phú cho những môn học, ngành học chưa có giáo trình.

* Thưa Thứ trưởng, nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà có nhận xét: Giáo dục Việt Nam đang làm khó những người đầu tư trên sân nhà. Trong khi chúng ta đang loay hoay với bài toán xây dựng tiêu chuẩn đào tạo thì lại tỏ ra khó khăn khi kiểm định những cơ sở đào tạo danh tiếng trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam ?

- Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học sẽ có những chuyển biến và đột phá mới. Bộ GD - ĐT sẽ ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy liên quan, trên cơ sở đó khuyến khích các đơn vị dịch vụ độc lập đăng ký thực hiện kiểm định; Bộ thực hiện việc đào tạo, huấn luyện, cấp giấy phép và giám sát kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm định. GD - ĐT là thị trường dịch vụ nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước. Tự chủ của nhà trường phải đi đôi với năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ đào tạo có chất lượng. Đến tháng 8.2007, dự kiến sẽ có hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học, trong đó sẽ kiểm điểm đánh giá hoạt động kiểm định chất lượng thời gian qua, bước đầu tiến hành phân loại xếp hạng theo từng nhóm các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Hệ thống kiểm định chất lượng mới bắt đầu hoạt động được 2 năm; 20 trường đại học đã tiến hành đánh giá trong (tự đánh giá) theo bộ tiêu chuẩn kiểm định thí điểm đầu tiên của nước ta do Bộ trưởng ký ban hành. 12 trường đại học đang tiến hành đánh giá ngoài với sự tư vấn của chuyên gia quốc tế Hà Lan.

* Riêng mùa thi 2007 sẽ có gì mới mẻ và hiệu quả hơn, thưa Thứ trưởng ?

- Đề án "Đổi mới giao chỉ tiêu tuyển sinh" theo hướng tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đã được dự thảo và áp dụng từ năm học 2007, theo đó các trường sẽ đăng ký số lượng sinh viên cần tuyển theo năng lực đào tạo của trường. Bộ GD-ĐT xây dựng các tiêu chí: số sinh viên/giảng viên quy đổi, diện tích sử dụng, trang thiết bị... dựa theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Trước mắt năm 2007 sẽ lấy số sinh viên/giảng viên quy đổi làm chuẩn.

Đề án tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tuyển tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH-CĐ đã được khởi thảo, hy vọng năm 2008 hoặc 2009 sẽ thực hiện, công tác biên soạn ngân hàng đề thi trắc nghiệm 3 môn tiếp theo là Vật lý, Hóa học, Sinh học cho kỳ tuyển sinh 2007 đã được chuẩn bị đầy đủ. Việc chuẩn bị tài liệu cho công tác Hội nghị tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2007 cơ bản đã hoàn tất trong năm 2006 từ tổng kết kỳ thi, chuẩn bị in những điều cần biết, các biểu mẫu...

Theo cpv.rog.vn, Thanh niên